Vị thánh trong ngày _ Marianne Molokai


NGÀY 30/8

Chân phước MARIANNE MOLOKAI
(1838-1918)
Lược sử
Mặc dù bệnh cùi đã làm kinh hãi nhiều người ở Hạ Uy Di trong thế kỷ 19, bệnh dịch đó đã khích động lòng độ lượng vô bờ của Mẹ Marianne. Mẹ đã can đảm tận tình giúp thăng tiến đời sống của những người cùi ở Hạ Uy Di. Vào ngày 23 tháng Giêng, 1838, một cô gái được chào đời trong gia đình ông Peter và bà Barbara Cope ở Hessen-Darmstadt, nước Đức. Tên của cô được đặt theo tên người mẹ. Hai năm sau, gia đình ông bà Cope di cư sang Hoa Kỳ và định cư ở Utica, Nữu Ước. Cô Barbara làm việc trong một nhà máy cho đến tháng Tám 1862, là lúc cô gia nhập Nữ Tu Dòng Thánh Phanxicô ở Syracuse, Nữu Ước.
Sau khi khấn trọn vào tháng Mười Một vào năm kế đó, cô bắt đầu dạy học tại trường của giáo xứ Assumption. Sơ Marianne giữ chức vụ hiệu trưởng ở một vài nơi và hai lần làm giám đốc đệ tử viện. Với bản tính lãnh đạo, đã ba lần sơ làm giám đốc bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse, là nơi sơ học được nhiều điều lợi ích cho những năm sau này ở Hạ Uy Di.
Được chọn làm bề trên năm 1877, Mẹ Marianne lại tái đắc cử chức vụ bề trên vào năm 1881. Hai năm sau, chính phủ Hạ Uy Di cần tìm những người điều hành trung tâm tiếp nhận người cùi ở Kakaako, và trên 50 tu hội ở Hoa Kỳ và Canada đã được hội ý. Khi lời thỉnh cầu đến tai các sơ ở Syracuse, ngay lập tức đã có đến 35 sơ tình nguyện.
Vào ngày 22-10-1883, Mẹ Marianne và sáu sơ đến Hạ Uy Di để điều hành trung tâm người cùi Kakaako, ở ngoại ô Honolulu; và trên bán đảo Maui họ đã mở một bệnh viện và một trường nữ học sinh. Vào năm 1888, Mẹ Marianne và hai sơ đến Molokai để mở một trung tâm cho "các thiếu nữ và phụ nữ cô thế". Chính phủ Hạ Uy Di rất do dự khi giao phó cho các phụ nữ một công việc rất khó khăn; nhưng với Mẹ Marianne họ không phải lo lắng gì! Ở Molokai, sơ đảm trách một trung tâm mà Chân Phước Damien Deveuster (chết năm 1889) đã thiết lập cho thanh niên và quý ông bị cùi.
Mẹ Marianne chết ngày 9 tháng Chín, 1918, và sự nghiệp của mẹ đã dẫn đến tiến trình phong thánh ở Rôma.
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Bệnh cùi
            Mặc dù bệnh cùi đã làm kinh hãi nhiều người ở Hạ Uy Di trong thế kỷ 19, bệnh dịch đó đã khích động lòng độ lượng vô bờ của Mẹ Marianne.
            Bệnh phong còn gọi là bệnh hủi hay cùi, do vi khuẫn Hansen gây ra. Vì không có bào tử nên vi khuẫn này không lây qua vật chủ trung gian. Khi ở ngoài, nó chỉ tồn tại được 1 đến 2 ngày.
Bệnh cùi được mô tả: Da thịt người mắc bệnh thường phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn, vết thương lõm vào da thịt. Lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng.Sau đó các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng, ngón tay ngón chân rụng dần.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp có nhiều thiện nguyện hy sinh giúp đỡ các bệnh nhân cùi như một hỗ trợ cho tinh thần họ.
Suy niệm 2: Độ lượng
            Mặc dù bệnh cùi đã làm kinh hãi nhiều người ở Hạ Uy Di trong thế kỷ 19, bệnh dịch đó đã khích động lòng độ lượng vô bờ của Mẹ Marianne.
            Vì thể trạng và hình dáng của bệnh nhân do căn bệnh tàn phá, nên cách chung nhiều người đều kinh hãi. Trong xã hội Việt Nam, người bị nhiễm bệnh trước đây thường chịu thành kiến sai lầm, chịu sự hắt hủi, xa lánh, thậm chí bị ngược đãi.
Chắc hẳn cá nhân Mẹ Marianne cũng không tránh khỏi, nhưng tấm lòng độ lượng đã giúp Mẹ vượt lên tất cả,  nhất là nhờ Mẹ cũng hiểu được về sự lây nhiễm. Thật ra bệnh chỉ lây khi tiếp xúc lâu dài với các thể phong nặng (phong hở) như phong ác tính, phong đang tiến triển, chảy nước mũi nhiều và có tổn thương lở loét ở da, ở bàn tay, bàn chân. Các thể phong nhẹ khác như phong bất định, phong củ ít có khả năng lây hơn nhiều. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết nhận định rõ và nhất là có lòng độ lượng để có thái độ gần gũi chia sẻ hơn là xa lánh các bệnh nhân cùi.
Suy niệm 3: Thăng tiến
            Mẹ đã can đảm tận tình giúp thăng tiến đời sống của những người cùi ở Hạ Uy Di.
            Mẹ Marianne đã thay đổi đời sống ở Molokai bằng cách du nhập sự sạch sẽ, sự hãnh diện và vui thích vào cộng đoàn này. Một trong những phương cách ấy là quần áo mầu mè cũng như khăn quàng cổ sặc sỡ. Một thành quả đáng đề cao để nói lên sự thăng tiến ấy, chính là công việc của các sơ trong dòng đã thu hút được nhiều ơn gọi tu trì nơi người Hạ Uy Di và họ hiện đang làm việc ở Molokai.
Chính vì thế Chính phủ Hạ Uy Di đã trao tặng cho Mẹ Marianne nhiều huy chương cao quý, và mẹ cũng đã được nhắc đến trong các tác phẩm của nhà thơ Robert Louis Stevenson, nhưng Mẹ Marianne vẫn tiếp tục làm việc một cách trung tín.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hết mình phục vụ không tìm vinh quang đời này mà là đời sau.
Suy niệm 4: Đệ tử viện
            Sơ Marianne hai lần làm giám đốc đệ tử viện.
            Đệ tử viện là nơi Dòng tiếp nhận và đào tạo các em muốn thử tìm hiểu và sống ơn gọi tu trì. Các em được hướng dẫn sống chung với nhau, cùng tham gia mọi sinh hoạt do Dòng tổ chức hướng về việc tìm hiểu hỗ tương (các em tìm hiểu Dòng và Dòng tìm hiểu các em) xem có thích hợp với Dòng không, nếu không hợp thì ra về hoặc đi Dòng khác.
            Công cuộc đào tạo này là trách nhiệm chung của mọi thành phần trong Dòng, và được Hội Dòng ủy thác cách riêng cho các nhà đào tạo, từ giai đoạn đào tạo khởi đầu Đệ tử viện, Nhà Thử, Nhà Tập mà cao điểm là việc tuyên khấn lần đầu, qua giai đoạn Học Viện được kết thúc với việc tuyên khấn trọn đời, đến giai đoạn đào tạo thường xuyên diễn ra trong suốt cả cuộc đời mỗi tu sĩ, với những hình thức rất đa dạng và thích hợp cho từng hoàn cảnh và độ tuổi, phản ảnh nổi bật đặc sủng và linh đạo Dòng thể hiện trong Hiến Chương, Nội quy và Luật Sống.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi thành viên nỗ lực cọng tác và giúp các nhà đào tạo chu toàn được sứ vụ ủy thác.
Suy niệm 5: Bệnh viện và một trường
            Họ đã mở một bệnh viện và một trường nữ học sinh.
            Khi điều hành trung tâm người cùi Kakaako, Sơ Marianne cùng các chị em nữ tu đã bắt đầu bằng việc mở một bệnh viện và một trường nữ học sinh. Sự quan phòng của Thiên Chúa thật nhiệm mầu.
            Để chuẩn bị cho công cuộc phục vụ hữu hiệu ở môi trường này, Chúa đã sắp xếp cho Sơ Marianne tích lũy kinh nghiệm trước đó, khi dạy học tại trường của giáo xứ Assumption cũng như giữ chức vụ hiệu trưởng ở một vài nơi, đồng thời đã ba lần làm giám đốc bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững tin vào tình thương quan phòng của Chúa để an bình đi theo.
Suy niệm 6: Do dự
            Chính phủ Hạ Uy Di rất do dự khi giao phó cho các phụ nữ một công việc rất khó khăn; nhưng với Mẹ Marianne họ không phải lo lắng gì!
            Nhà cầm quyền Hạ Uy Di đã do dự khi để Mẹ Marianne trở thành một bà mẹ ở Molokai. Ba mươi năm kiên trì làm việc đã chứng minh sự lo sợ của họ là vô căn cứ. Bất kể sự thiển cận của loài người, Thiên Chúa đã ban nhiều ơn sủng và cho phép những ơn sủng đó nở hoa vì Nước Trời.
Sau khi Mẹ Marianne chết không lâu, Bà John F. Bowler đã viết trong tập san Honolulu Advertiser: "Không có nhiều thời cơ cho một phụ nữ mà bà đã dành từng chút giờ một trong 30 năm để săn sóc những người bị tách biệt khỏi thế giới vì lề luật. Bà đã hy sinh trong suốt thời gian đó, và đã chống trả với đủ mọi thứ một cách can đảm không nao núng và với nụ cười luôn tươi nở trên môi."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về sự trợ giúp diệu kỳ của Chúa với ơn sủng luôn đủ  (2Cr 12,9) để hoàn thành nhiệm vụ.