Ơn thiên triệu _ tâm tình kỷ niệm ngày thụ phong

Tâm tình dịp kỷ niệm
THỤ PHONG LINH MỤC  
(02-7-1955/02-7-2012)
1.
Ngày 02 tháng 7 năm 1955, tôi được thụ phong linh mục. Thấm thoát đã 57 năm. Những kỷ niệm về ngày đó đến nay vẫn không phai. Ấn tượng sâu nhất mà sự kiện thụ phong linh mục đã để lại trong tôi, chính là nỗi lo sợ.
Tôi còn nhớ lắm một biến cố nhỏ, tối ngày 01 tháng 7 năm 1955, tại Nhà Dòng Đaminh trên đồi Rosary Hill bên Hồng Kông. Trong bầu khí tĩnh tâm, tôi đến quỳ trước cha linh hướng, để trình bày nỗi sợ của tôi. Tôi sợ lãnh chức linh mục, vì tôi thấy mình quá bất xứng. Tôi xin rút lui. Nghe tôi giãi bày, cha linh hướng an ủi và có lúc như truyền dạy tôi hãy vâng lời Bề trên mà tiến lên. Tôi vâng lời, nhưng vẫn sợ.
2.
Nỗi sợ ấy chỉ được trấn an, khi Đức Mẹ Maria khuyên tôi hãy luôn luôn thuộc về Chúa như Đức Mẹ.
Luôn thuộc về Chúa như Đức Mẹ là luôn tỉnh thức đón nhận Lời Chúa, là luôn khiêm tốn thực thi ý Chúa, là luôn liên kết mọi thái độ trong ngoài của mình với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.
Tôi thụ phong linh mục với nỗi sợ được giải đáp như thế. Giải đáp đó cho phép tôi nghĩ rằng: Nếu tôi thực sự thuộc về Chúa, thì chính Chúa sẽ giúp tôi sống ơn gọi linh mục một cách hợp thánh ý Chúa, dù hoàn cảnh có phức tạp đến đâu.
3.
Sáng ngày 11 tháng 7 năm 1955, tôi dâng thánh lễ đầu tiên tại Long Phước thôn, hồi đó thuộc về Thủ Đức.
Trước thánh lễ, tôi xưng tội với Cha Minh Đăng. Tôi cũng trình bày với Ngài tình trạng tâm hồn tôi hay sợ hay lo trước ơn gọi làm linh mục. Ngài khuyên tôi hãy cậy trông nơi Đức Mẹ. Có một điều Ngài khuyên tôi hôm đó mà hôm nay tôi vẫn nhớ, đó là hãy sẵn sàng chịu đau khổ, bởi vì đau khổ sẽ giúp linh mục thuộc về Chúa Giêsu vác thánh giá và chết trên thánh giá, để làm của lễ đền tội cho nhân loại.
4.
Như vậy, sự kiện tôi thụ phong linh mục đã diễn tiến nơi tôi với những bước khởi đầu rất rõ nét: Lo sợ, hãy thuộc về Chúa và sẵn sàng chịu khổ đau.
Ba bước khởi đầu trên đây đã được tiếp nối cho tới hôm nay. Hôm nay nhìn lại quãng đường 57 năm qua của ơn gọi linh mục, tôi thấy thế này:
5.
Thứ nhất, tôi không biết tôi đã cho đi được gì, nhưng tôi biết chắc là tôi đã nhận lãnh được rất nhiều.
Một điều tôi nhận lãnh đã làm tôi bỡ ngỡ chính là tôi khám phá thấy Chúa hiện diện nơi những người cùng khổ, yếu hèn. Họ không có của cải nào cho tôi, nhưng họ đã cho tôi tình thương liên đới, nhất là gương sáng của họ về niềm tin cậy trong những phấn đấu của họ trên cuộc sống đã nát tan.
Tiếp xúc với họ, tôi thức tỉnh nhận rõ điều này: Chỉ có tình yêu mới có thể xây dựng được những dây liên đới căn bản nhất. Chỉ có tình yêu chấp nhận khổ đau mới có sức cứu độ. Chỉ nhìn người khác với đôi mắt của trái tim mới thấy được những giá trị ẩn tàng trong họ.
6.
Thứ hai, tôi dần dần nhận ra rằng: Những người nghèo khổ là một thứ kho tàng của Hội Thánh. Nghèo khổ nói đây phải hiểu một cách rộng rãi. Nhiều người có quyền có chức, nhưng vẫn nghèo vẫn khổ về một số phương diện kín đáo. Nhiều người giàu sang, nhưng cũng khổ cũng nghèo về nhiều mặt âm thầm.
Khi tôi được dịp gặp những người nghèo khổ, bất cứ họ là ai, và nghèo khổ về phương diện nào, tôi thường gắn kết tôi lại với họ, bằng cách tôi nhận mình cũng có những nỗi đau như họ, cũng có những nỗi sợ như họ, cũng có những yếu đuối như họ. Sự gắn kết đó luôn đi đôi với sự gắn kết của tình yêu thương.
Ngoài việc gắn kết, tôi còn chia sẻ. Chia sẻ của tôi không luôn là về của cải, nhưng chủ yếu là về hy vọng. Hy vọng nơi chính bản thân họ. Hy vọng nơi Chúa và Đức Mẹ. Nếu tôi được họ coi như một hy vọng, thì chỉ là một hy vọng mờ nhạt, để rồi tôi dẫn người ta đến với một cộng đoàn dân Chúa giàu tình thương bác ái. Tôi phải rất tỉnh thức, biết nắm bắt mọi cơ hội để gắn kết và chia sẻ, vì mục đích phục vụ Tin Mừng.
7.
Thứ ba, tôi nhận ra một điều khiến tôi luôn phải để ý, đó là không những tôi phải gắn kết và chia sẻ, mà còn phải cho đi chính mình.
Là linh mục, tôi phải noi gương Chúa Giêsu mà cho đi chính mình. Có quyền nghỉ ngơi, nhưng tôi tự ý bỏ quyền đó, để chăm sóc người khác. Có quyền hưởng thụ, nhưng tôi tự ý bỏ quyền đó, để phục vụ ích chung. Có quyền sống thoải mái với những tự do về thời giờ, về của cải, nhưng tôi tự ý bỏ quyền đó, để gắn bó và chia sẻ với thân phận những người thiếu thốn. Tôi cũng cố gắng chịu mọi thứ đớn đau xác hồn để cầu nguyện cho các người Chúa muốn tôi góp phần vào chương trình cứu độ của Người.
Sự cho đi chính mình của linh mục vốn được coi là một dấu chỉ chắc chắn của con người thuộc về Chúa.
8.
Thứ bốn, tôi xác tín điều này là những việc tôi phải cố gắng làm gồm hoạt động bên ngoài và đời sống nội tâm. Nhưng phải ưu tiên cho đời sống nội tâm. Nhờ đó, điều đáng được coi là có giá trị thực sự nơi tôi sẽ không phải là việc tôi làm bề ngoài cho bằng cách tôi làm và thái độ của tôi đối với Chúa khi làm việc.
Với nhận thức đó, tôi thấy, cho dù một cử chỉ nhỏ, như một cái nhìn, một nụ cười, ngay cả một sự thinh lặng cảm thông, nếu làm với Đức Kitô, việc nhỏ đó vẫn có giá trị phong phú.
9.
Mấy nhận xét trên đây đang giúp tôi cảm ơn Hội Thánh đã không ngừng đào tạo tôi trong ơn gọi linh mục. Tôi cảm tạ với tất cả lòng kính mến, khiêm nhường và gắn bó. Tôi rất biết ơn mọi bạn hữu gần xa đã nâng đỡ tôi trong đời linh mục.
Tới đây, tôi sực nhớ lại một lời của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Có lần Ngài nói với tôi rằng: Có những linh mục không biết sợ.
Không sợ giáo dân.
Không sợ giám mục.
Không sợ chính quyền.
Không sợ cả Chúa.
Điều mà Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô nói là có thực. Sự thực đó có thể là không nhiều. Tuy sao vẫn là một báo động.
10.
Điều tôi mong muốn nhất lúc này là những gì Chúa Giêsu nói xưa về chủ chiên cũng đang được suy nghĩ tại Việt Nam thân yêu:
“Tôi là mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên... Tôi còn có những chiên khác, không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10,14-16).
Càng suy nghĩ về gương Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, tôi càng thấy mình bất xứng. Tôi lo sợ cho sự bất xứng của tôi.
Tôi muốn luôn thuộc trọn về Chúa, nhưng tôi thấy mình vẫn yếu đuối.
Tôi cố gắng hy sinh chính mình cho đàn chiên, nhưng tôi thấy mình chưa hy sinh trọn vẹn.
Tôi tha thiết xin Chúa tha thứ cho tôi. Tôi lo sợ, nên càng phó thác cậy trông nơi lòng thương xót Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin cầu bầu cho con là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn.
Lạy Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, xin thương ban cho Hội Thánh Việt Nam những linh mục biết luôn thuộc về Chúa một cách trọn vẹn, nhất là luôn biết hy sinh, cho đi chính mình trong cuộc sống hiện nay đầy cảm dỗ và không còn biết sợ.
Long Xuyên, ngày 01 tháng 7 năm 2012.
Tác giả bài viết: ĐGM GB Bùi Tuần