Mở đường cho hôn nhân đồng tính
Thứ Năm, 05/07/2012 11:21
Nhiều vụ kết hôn đồng giới gây xôn xao dư luận, bên cạnh đó là tình trạng kết hôn sớm diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Trước thực tế đó, Bộ Tư pháp đang xúc tiến việc sửa Luật Hôn nhân và Gia đình
(NLĐ) - Bộ Tư pháp cho biết Luật Hôn nhân và Gia
đình ban hành năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, không sát với thực tế
cuộc sống. Việc sửa luật lần này sẽ tập trung làm rõ nội dung nổi bật và
gây nhiều tranh luận nhất, đó là việc có nên tiếp tục cấm kết hôn đồng
giới hay không.
Một đám cưới của 2 người đồng tính nam ở thị xã Hà Tiên - Kiên Giang mới đây được gia đình 2 bên chấp thuận.
Ảnh: THỐT NỐT
Hợp pháp hóa để tránh phân biệt
Trong một hội thảo gần đây về vấn đề hôn nhân đồng giới, nhiều ý
kiến thiên về quan điểm cấm kết hôn giữa người cùng giới tính như quy
định tại khoản 5, điều 10 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Tuy
nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng xét về quyền tự do cá nhân thì kết hôn giữa
những người cùng giới tính cần được công nhận. Vấn đề là cần có quy định
phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt. Một thành viên
ban soạn thảo nhấn mạnh: Mặc dù luật hiện hành đang cấm nhưng các đám
cưới của người cùng giới vẫn diễn ra, thậm chí tổ chức linh đình với đầy
đủ nghi thức dưới sự chứng kiến của đông đảo anh em, bạn bè, gia đình
hai bên. Điều đó đòi hỏi pháp luật phải có những quy định cụ thể hơn,
trên cơ sở tôn trọng quyền tự do cá nhân.
Theo TS Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và
Môi trường (ISEE), người đồng tính xuất hiện ở mọi nền văn hóa, mọi
tầng lớp, làm việc bình thường trong mọi ngành nghề và chiếm tỉ lệ ổn
định từ 3%-5% dân số. Các nghiên cứu khoa học đều khẳng định đồng tính
không phải là bệnh mà là một xu hướng tính dục tự nhiên như xu hướng dị
tính và song tính. Thế nhưng, theo TS Bình, trong một thời gian dài,
người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển đổi giới tính đã
bị kỳ thị, phân biệt đối xử.
Các nghiên cứu mới đây của ISEE còn chỉ ra rằng do bị kỳ thị, phân
biệt nên người đồng tính phải chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe,
tinh thần, thể chất, thường xuyên bị gia đình hắt hủi, bạo hành, mất bạn
bè, mất việc làm. Vì e ngại sự kỳ thị của xã hội, nhiều người đã phải
sống trong “vỏ bọc”, kết hôn với người khác giới và sinh con trong những
cuộc hôn nhân không hạnh phúc, ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc của
nhiều người khác. “Đây chính là những lý do dẫn tới sự cần thiết phải
thừa nhận và bảo vệ các mối quan hệ đồng giới trong Luật Hôn nhân và Gia
đình sửa đổi tới đây” - TS Bình nhận định.
Cho phép tốt hơn cấm đoán
Theo ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nếu tiếp tục
cấm kết hôn đồng tính sẽ không phù hợp với xu thế quốc tế. “Việc này
cũng không thể khuyến khích nhưng trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa
đổi có thể nới quy định để phù hợp hơn” - ông Quốc Anh nói.
Tham gia thảo luận trong buổi họp mới đây của Ban Soạn thảo sửa Luật
Hôn nhân và Gia đình, bà Ngô Thị Hường (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho
biết có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã công nhận kết hôn
đồng giới. Một số quốc gia dù chưa công nhận hôn nhân đồng giới nhưng
cũng có quy định cho phép họ cùng chung sống. Điều này đòi hỏi Việt Nam
cũng cần có quy định cho phép người đồng tính được cùng chung sống và
đưa ra những quy định để giải quyết tài sản khi họ không còn chung sống.
Bà Hường còn lưu ý Luật Con nuôi quy định hai người cùng giới tính
không được nhận con nuôi. Do đó, cần có những quy định “mềm” để những
người đồng tính không cảm thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm.
TS Tạ Thị Minh Lý, nguyên vụ trưởng Vụ Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp),
cho rằng pháp luật phải dự liệu được những vấn đề phát sinh trong thực
tiễn. Pháp luật làm ra để bảo vệ người dân. Thực tế đã chứng minh nhu
cầu chung sống, lập gia đình của người đồng giới. Nếu tiếp tục cấm, có
nghĩa là nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dân không được pháp
luật bảo vệ. “Cứ cái gì cấm mà thực tế vẫn đang tồn tại và ngày càng
diễn ra nhiều hơn, có nghĩa là pháp luật bất lực. Tôi nghĩ rằng phải cho
phép người ta kết hôn thì mới có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn để
xem việc chung sống ấy có bảo đảm về mặt sức khỏe, hạnh phúc gia đình
cho họ hay không…” - TS Lý bày tỏ.
“ISEE mong muốn Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi thừa nhận quyền
bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính, hợp
pháp hóa quan hệ đồng giới và bảo đảm quyền bình đẳng của quan hệ đồng
giới như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền
thừa kế và các quyền khác mà pháp luật đang bảo đảm cho quan hệ khác
giới”- TS Lê Quang Bình đề xuất.
71,1% người đồng tính muốn được thừa nhận
Ngay sau khi biết tin Bộ Tư pháp đang tiến hành lấy ý
kiến của các cơ quan liên quan về các nội dung cần sửa đổi trong Luật
Hôn nhân và Gia đình năm 2000, ISEE đã tiến hành một cuộc khảo sát nhanh
trên các diễn đàn của người đồng tính nam và nữ từ ngày 6 đến 12-6. Kết
quả cho thấy: 4,2% người đồng tính mong muốn luật pháp Việt Nam sẽ
thừa nhận quan hệ chung sống không cần đăng ký, 24,7% mong muốn luật
pháp Việt Nam sẽ thừa nhận quan hệ chung sống có đăng ký; đặc biệt có
đến 71,1% người đồng tính mong muốn luật pháp Việt Nam thừa nhận hôn
nhân đồng tính.
|
THẾ KHA