Tất cả những người đi tu, nhất là để làm
linh mục, thường được kêu gọi hai lần: lần thứ nhất, Chúa kêu gọi âm thầm trong
lòng mỗi người bằng những ước muốn, yêu thích và qua những biến cố do Chúa quan
phòng xếp đặt để hướng dẫn đương sự tới nơi tu trì hay tới bàn thờ. Lần thứ
hai, Chúa kêu gọi qua sự tuyển chọn và kêu gọi của bề trên hay đức giám mục.
Chúa Giêsu cũng đã hành động như thế trong việc
kêu gọi các tông đồ, các môn đệ đầu tiên của Ngài. Chúa kêu gọi họ ngay khi bắt
đầu sứ vụ công khai truyền giảng Tin Mừng. Ngài đã kêu gọi từng người một trong
nhiều hoàn cảnh khác nhau: người thì đang vá lưới, kẻ gặp ở giữa đường, người
khác đang ngồi thu thuế… Rồi Ngài qui tụ họ lại cho ở luôn bên cạnh Ngài, huấn
luyện, dạy dỗ, cho chứng kiến những phép lạ, các công việc Ngài làm, nghe Ngài
giảng dạy dân chúng, thấy gương sáng của Ngài. Giờ đây, muốn sai họ đi truyền
giảng Tin Mừng, Ngài lại chính thức gọi họ một lần nữa như bài Tin Mừng kể lại.
Sở dĩ Chúa làm như vậy là để cho họ thấy rằng: việc trở thành tông đồ, và linh
mục hay cả tu sĩ ngày nay, không phải là sáng kiến của cá nhân họ, nhưng là ơn thiên triệu Chúa ban, là
một thứ đoàn sủng.
Trước khi sai các tông đồ đi truyền giảng, Chúa
Giêsu đã căn dặn họ nhiều điều. Những điều này được coi là khuôn mẫu, là bộ luật
chỉ đạo cho các chiến sĩ truyền giáo. Chúng ta thấy Chúa không bảo họ phải giảng
gì và giảng như thế nào, nhưng phải ăn mặc thế nào, mang những gì, sinh sống đối
xử làm sao với những người mà họ tiếp xúc, đồng thời dùng quyền năng Chúa ban
mà trừ quỷ và chữa bệnh. Có thể nói: Chúa không dạy các ông phải rao giảng bằng
những bài giảng thuyết tràng giang đại hải hay bằng những lý luận đanh thép,
khôn ngoan, thông thái, nhằm thuyết phục mọi người, nhưng Chúa bảo các ông phải giảng bằng chứng tích,
tức là bằng chính đời sống của họ. Còn những điều các ông phải nói, phải giảng, tóm lại vỏn
vẹn có hai hay ba điều: chúc bình an – báo tin Nước Trời đã đến hay đã gần – và
thúc giục người ta ăn năn hối cải. Nghĩa là Chúa muốn các môn đệ của Chúa nói
ít và làm nhiều, dĩ nhiên Chúa không cấm họ kể lại cho mọi người tất cả những
giáo huấn mà họ đã được nghe.
Đối với chúng ta hôm nay, Chúa cũng kêu gọi và
sai chúng ta đi truyền giảng Nước Thiên Chúa. Bởi vì mỗi người chúng ta khi đã
lãnh bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta đều được kêu gọi và sai đi rao giảng:
Có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều bằng việc làm, tức là bằng đời sống, bằng
hành động gương mẫu tốt lành. Nghĩa là tất cả chúng ta đều phải là chứng nhân của
Chúa và của Nước Trời, không ai được chuẩn chước, cho dù là một bệnh nhân bất
toại nằm trên giường cũng thế.
Rao giảng bằng lời nói của các chiến sĩ Phúc
Âm, của các vị thừa sai, của các linh mục… cũng rất cần thiết, nhưng với điều
kiện là phải đi đôi với bằng chứng đời sống của chính các ngài, nếu không lời
nói của các ngài chỉ là tiếng thanh la não bạt rộn ràng. Ngược lại, việc rao giảng bằng đời sống,
tự nó có năng lực thuyết phục người ta chấp nhận chân lý mà không cần lời nói,
tuy rằng lời giảng vẫn có thể bổ túc một cách hữu hiệu. Chúng ta vẫn nói hay
nghe người khác nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”: lời nói mới chỉ làm
lung lay lòng người, nhưng đời sống sẽ lôi kéo người ấy về hẳn phía mình.
Mỗi Ki-tô hữu, mỗi người Công giáo là một chứng
nhân cho Chúa, cho đạo. Nếu chúng ta thiếu đời sống tốt lành, thiếu đời sống
gương mẫu là chúng ta đã bỏ mất ơn thiên triệu làm chứng nhân và không thi hành
đầy đủ sứ mệnh tông đồ của mình. Như vậy, cách rao giảng, cách làm chứng
cho Chúa, cho đạo tốt nhất, hữu hiệu nhất là đời sống tốt đẹp của chúng ta. Nghĩa là làm bất cứ
việc gì, ở đâu, với ai, chúng ta hãy để ý đối xử với họ thế nào để gây được thiện
cảm cho đạo, dù đó chỉ là những cử chỉ nhỏ nhặt hay những câu nói buông trôi giữa
trời, bởi vì chính những cử chỉ không tên tuổi, những câu nói giữa trời, những
thái độ dường như vô tình ấy cũng rất có ảnh hưởng và có khi còn ảnh hưởng sâu
xa nữa.
Phương ngôn Ả Rập có câu: “Nếu anh không làm được
ngôi sao trên trời, anh hãy làm cái đèn trong nhà anh”. Nếu đa số chúng ta
không có điều kiện để đi đây đó làm tông đồ, thì tất cả chúng ta đều có thể làm
tông đồ bằng gương sáng. Làm gương sáng là một nhiệm vụ chính Chúa Giêsu đã
truyền dạy: “Các con là cái đèn sáng, sự sáng của các con phải tỏa chiếu trước
người ta, để người ta thấy công việc của các con mà ngợi khen Cha trên trời”.
Chúng ta làm tông đồ bằng cách gây ảnh hưởng tốt và gây ảnh hưởng bằng ngôn ngữ,
cử chỉ, thái độ… Vậy nếu một lời nói, một cử chỉ, một thái độ có thể ảnh hưởng
đến người khác, thì phương chi một hành động, một công việc và nhất là một nếp
sống. Làm gương sáng bằng hành động của chúng ta có sức lôi cuốn hơn những lời
nói hoặc những bài giảng hay.
Gương sáng cụ thể nhất là những việc làm thể hiện
tình yêu thương của chúng ta. Có một người đàn bà kia đã khuyên đứa con cưng của
bà như sau: “Con ơi, ngày con mới sinh, đôi mắt con vừa nhìn thấy ánh sáng, mọi
người đều mỉm cười với con, mà con lại khóc. Con hãy sống thế nào để một ngày
kia, đến giờ sau hết, mọi người đều tràn lệ mà con lại mỉm cười”. Sống thế nào
để được như thế? Chỉ có một cách duy nhất là gieo vào tâm hồn những người chung
quanh một tình thương mến, để đến giờ cuối đó họ phải khóc vì thương tiếc, và
chúng ta mỉm cười vì đã thực thi được tình người, muốn như vậy cần phải biết
yêu thương và thể hiện tình yêu thương.
Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức nhiệm vụ tông
đồ và cố gắng thực hiện bằng cách làm gương sáng và thể hiện tình yêu thương để
danh Chúa được rạng sáng và nước Chúa được mở rộng.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP