Suy niệm hạnh thánh _ 03/6

Thánh CHARLES LWANGA và CÁC BẠN
 (c. 1886)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Tổ Chức Truyền Giáo Phi Châu đến Uganda chỉ có 6 năm, tuy nhiên đức tin của cộng đồng Kitô Hữu ở đây thật đáng ca ngợi mà sự hăng say sống Tin Mừng của họ vượt cả các linh mục truyền giáo (Các Cha Da Trắng). Nhiều người tân tòng đã can đảm sống đức tin trong bộ lạc của tù trưởng Mwanga.
Tù trưởng Mwanga là nhà cai trị tàn ác và thích dâm dục với trẻ em và người cùng phái. Các Kitô Hữu làm việc trong triều cố gắng bảo vệ những người tiểu hầu này. Người quản lý các tiểu hầu là một thanh niên Công Giáo hai mươi lăm tuổi, Joseph Mkasa và anh cũng là người lãnh đạo cộng đồng Kitô Hữu.
Anh Charles Lwanga thay thế vai trò lãnh đạo cộng đồng Kitô Giáo trong triều đình -- với trách nhiệm gìn giữ các tiểu hầu khỏi bàn tay dâm loạn của tù trưởng. Một ngày trong tháng Năm 1886, sau khi tù trưởng Mwanga biết tiểu hầu Mwafu đang được học giáo lý Công Giáo, ông nổi điên và đã dùng giáo đâm chết Denis Sebuggwago, là thầy dạy các tiểu hầu.
Đêm hôm đó, anh Charles Lwanga rửa tội thêm năm tiểu hầu nữa. Sáng hôm sau, việc rửa tội được khám phá, Mwanga điên tiết, tụ họp tất cả các tiểu hầu và ra lệnh những ai là Kitô Hữu phải đứng tách sang một bên. Mười lăm người, tất cả đều dưới 25 tuổi, đồng loạt đứng sang một bên và sau đó có thêm hai người nữa trước đây đã bị bắt và có cả hai người lính. Khi được hỏi có muốn giữ đạo hay không, tất cả đều trả lời, "Giữ đạo cho đến chết." Tù trưởng Mwanga ra lệnh tử hình mọi Kitô Hữu sống trong triều.
Tất cả ba mươi hai người Công Giáo và Tin Lành được điệu đến một nơi cách đó 37 dặm để bị thiêu sống. Ba người bị giết trên đường đi. Những người còn lại bị giam giữ trong bảy ngày để chuẩn bị giàn hỏa thiêu. Vào ngày lễ Thăng Thiên, tất cả các vị tử đạo nằm trên chiếu bằng sậy, được bó lại và cột chặt. Sau khi đổ dầu, tất cả đều bị thiêu sống.
Việc bắt đạo bắt đầu lan tràn. Dưới sự cai trị của tù trưởng Mwanga, khoảng 100 Kitô Hữu đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin.
Sau khi Mwanga từ trần, các linh mục thừa sai trở lại đây, họ thấy số Kitô Hữu đã lên đến 500 người và một ngàn dự tòng đang đợi để được rửa tội.
Hai mươi hai vị tử đạo Công Giáo đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh ngày 18 tháng Mười 1964.
Suy niệm 1 : Đức tin
Đức tin của cộng đồng Kitô Hữu ở đây thật đáng ca ngợi.
Cũng như Thánh Charles Lwanga, tất cả chúng ta là người rao giảng và chứng nhân cho đời sống Kitô Giáo. Chúng ta được mời gọi loan truyền lời Chúa, qua lời nói và hành động.
Khi can đảm sống đức tin trong thời đại nhiều thử thách về luân lý, chung ta đã sống như Đức Kitô, vì việc thực thi tốt đời sống luân lý chứng nhận phẩm giá của con người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực thi tốt đời sống luân lý như một minh chứng niềm tin.
Suy niệm 2 : Ca ngợi
Đức tin của cộng đồng Kitô Hữu ở đây thật đáng ca ngợi.
Không đáng ca ngội sao được, khi sự hăng say sống Tin Mừng của họ vượt cả các linh mục truyền giáo (Các Cha Da Trắng). Vào giai đoạn bách đạo của tù trưởng Mwanga, có khoảng 100 Kitô Hữu đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin.
Sau khi Mwanga từ trần, các linh mục thừa sai trở lại đây, họ thấy số Kitô Hữu đã lên đến 500 người và một ngàn dự tòng đang đợi để được rửa tội.
 * Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không sống vì được người đời ca ngợi nhưng để xứng với phần thưởng Chúa ban tặng sau này. 
Suy niệm 3 : Tân tòng
Nhiều người tân tòng đã can đảm sống đức tin trong bộ lạc của tù trưởng Mwanga.
Các dự tòng được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ được cử hành theo từng giai đoạn, họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa (Sách Giáo Lý số 1248).
Những người dự tòng đã kết hợp với Hội Thánh, đã thuộc về gia đình của Chúa Kitô và có khi đã sống đức Tin, Cậy, Mến rồi. Hội Thánh là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình (Sách Giáo Lý số 1249).
 * Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các dự tòng thấu hiểu giá trị quan trọng của thời kỳ dự tòng như một chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận hồng ân Thiên Chúa trong các bí tích khai tâm.
Suy niệm 4 : Lãnh đạo
Anh Charles Lwanga thay thế vai trò lãnh đạo cộng đồng Kitô Giáo trong triều đình.
Vị lãnh đạo tiền nhiệm của Charles Lwanga là anh Joseph Mkasa. Với trách nhiệm, anh đã chất vấn và lên án hành động giết các nhà truyền giáo của tù trưởng Mwanga. Ông rất quý Joseph, nhưng vì anh dám đòi hỏi ông phải thay đổi lối sống, Mwanga đã quên đi tình bằng hữu ấy và đã tuyên án tử hình sau khi đâm anh bằng giáo. Trước khi bị chặt đầu và hỏa thiêu, anh Joseph đã tha thứ cho nhà vua.
Với trách nhiệm, Charles Lwanga tiếp tục việc giúp các tân tòng và gia tăng việc rửa tội cho các tiểu hầu. Việc này bị tù trưởng Mwanga phát hiện, ông điên tiết lên và ra lệnh tử hình ngài cũng như mọi Kitô Hữu sống trong triều.
 * Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà lãnh đạo sống theo gương Chúa là hiến mình vì đoàn chiên.
Suy niệm 5 : Rửa tội
Đêm hôm đó, anh Charles Lwanga rửa tội thêm năm tiểu hầu nữa.
Bí Tích Rửa Tội tái sinh con người vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Theo Thánh Ý Thiên Chúa, cin người cần đến bí tích Rửa Tội cũng như cần đến Hội Thánh để được cứu độ. Bí Tích Rửa Tội đưa con người vào Hội Thánh (Sách Giáo Lý số 1277)
Hiệu quả gat ân sủng của bí tích Rửa Tội rất phong phú: tha nguyên tội và tội riêng đã phạm, sinh ra trong đời sống mới, nhờ đó con người trở thành nghĩa tử của Chúa Cha, thành chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần. Đồng thời, cho người được rửa tội tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Chúa Kitô, và tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô (Sách Giáo Lý số 1279).
 * Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban bí tích Rửa Tội cho cchúng con.
 Suy niệm 6 : Kitô Hữu
Tù trưởng Mwanga ra lệnh những ai là Kitô Hữu phải đứng tách sang một bên.
Kitô Hữu là người có Chúa Kitô vốn là Sự Thật (Ga 14,6). Vì thế trước lệnh của Mwanga, Mười lăm người, tất cả đều dưới 25 tuổi, đồng loạt đứng sang một bên và sau đó có thêm hai người nữa trước đây đã bị bắt và có cả hai người lính.
Khi được hỏi có muốn giữ đạo hay không, tất cả đều trả lời, "Giữ đạo cho đến chết." Tù trưởng Mwanga ra lệnh tử hình mọi Kitô Hữu sống trong triều. Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với người Uganda, "trở nên một Kitô Hữu là điều tốt lành, nhưng không luôn luôn dễ dàng."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mọi người ý thức rằng: theo đạo thì không khó lắm nhưng sống đạo thì rất khó.