NGÀY 24 THÁNG 6
THÁNH
GIOAN TẨY GIẢ
Lễ
Trọng
BÀI ĐỌC I: Is 49, 1-6
1
Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa
đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc
đến tên tôi. 2 Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén,
giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn,cất tôi
trong ống tên của Người. 3 Người đã phán cùng tôi: "Hỡi
Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh
quang." 4 Phần tôi, tôi đã nói:"Tôi vất vả luống công, phí
sức mà chẳng được gì." Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người
dành sẵn cho tôi phần thưởng.5 Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người
là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi
trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh
Người.Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh
của tôi. 6 Người phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để
tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì
vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn
cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."
ĐÁP CA: Tv 138
Đ. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con
cách lạ lùng. (c 14a)
1 Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
2 biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt
từ xa, 3 đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con
đi, Ngài quen thuộc cả.
13 Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,dệt
tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.14ab Tạ ơn Chúa đã dựng nên con
cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
14c Hồn con đây biết rõ mười mươi. 15
Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,
được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.
BÀI ĐỌC II: Cv 13, 22-26
22
Khi đến An-ti-ô-khi-a, ông Phao-lô đứng giữa hội đường và nói: “Sau khi truất
phế vua Sa-un, Thiên Chúa đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị dân
Ít-ra-en. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được Đa-vít, con của
Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta.23 Từ
dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu
Độ là Đức Giê-su.24 Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao
giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.25 Khi
sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà
anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho
Người.
26
"Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang
hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi
tới chúng ta”.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 1, 76
Hall-Hall: Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng
Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. Hall.
TIN MỪNG: Lc 1, 57-66.80
57
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58
Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui
với bà.
59 Khi con trẻ được tám
ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60
Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an."61
Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả."62
Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63
Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ
ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc
tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy
được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và
tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? " Và quả thật, có bàn tay
Chúa phù hộ em.
80
Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho
đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
CON
NGƯỜI CHỈ CAO CẢ TRONG CHÚA GIÊSU
Trong
Phụng Vụ chỉ có ba lễ mừng Sinh Nhật ở đời này: Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a và
thánh Gioan Bt, các thánh khác mừng ngày Sinh Nhật của các ngài là sau khi hoàn
tất cuộc đời về Trời. Lý do ngày Sinh Nhật của ông Gioan là Lễ Trọng, vì Hội
Thánh dựa vào Lời của Chúa Giêsu nói về ông: “Trong những người do người nữ sinh ra không ai cao trọng bằng Gioan Tẩy
Giả, nhưng kẻ nhỏ hơn trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Sở
dĩ Chúa Giê-su nói về ông Gioan như vậy vì trong loài người chỉ có ông Gioan
giống Chúa Giê-su về cuộc sống làm người từ lúc sinh ra cho đến chết, và cùng
một sứ mệnh ngôn sứ:
I. ÔNG GIOAN BT. CAO TRỌNG NHẤT SO VỚI CHÚA GIÊSU.
1/ Ông Gioan song đối với Chúa Giê-su từ lúc sinh ra cho đến
lúc chết.
a-
Ông Gioan là con của gia đình tư tế giàu có ở thành Giê-ru-sa-lem, đây là trung
tâm tôn giáo của Do-thái, thủ đô của dân tộc. Đối lại Đức Giê-su là Con Thiên
Chúa giàu có, và danh dự hơn ông Gioan gấp bội, nhưng lại là người miền quê
Nazareth nghèo khó, nơi mà người ta cho rằng chẳng có gì hay (x. Ga 1,
46).
b-
Ông Gioan sinh ra trong cảnh giàu có, được tất cả những người láng giềng và
thân thích, thuộc giai cấp quý tộc đến chúc mừng, chắc chắn không phải bằng
miệng, mà còn kèm theo quà cáp (x. Lc 1, 57-58: Tin Mừng). Đối lại Đức Giê-su sinh ra trong
cảnh nghèo khó, cha mẹ không kiếm được nơi sinh Ngài, vì người ta nói không có
chỗ cho ông bà (x. Lc 2,7a), nên Mẹ sinh Con lấy tã bọc và đặt nằm trong máng
cỏ (x. Lc 2,7b). Và chỉ có các chú mục đồng nghèo khó đến chiêm
bái, quà tặng Hài Nhi là hơi thở của các con thú: chiên, cừu, bò, lừa (x.
Lc 2,8).
c-
Thiên thần Gabriel truyền tin cho ông Zacarya: vợ ông sẽ sinh con và đặt tên
con trẻ là Gioan, có nghĩa là “Được Chúa Thương”, hoặc là “Quà
Tặng Của Thiên Chúa” (x. Lc 1, 59: Tin Mừng); Cũng thế thiên thần Gabriel
truyền tin cho ông Giuse và Đức Ma-ri-a, đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu, có nghĩa
là “Thiên Chúa Cứu Độ” (x. Lc 1, 31; Mt 1, 21).
d-
Vào ngày thứ 8, sau khi trẻ Gioan chào đời, em được lãnh phép Cắt Bì. Khi ấy
ông Zacarya lấy bảng viết tên con là Gioan, thì bỗng ông hết câm, và miệng lưỡi
ông mở ra ca tụng Thiên Chúa (x. Lc 1, 64: Tin Mừng). Tương tự như thế, sau khi Đức
Giê-su sinh ra được 8 ngày, cha mẹ đưa Ngài lên Đền Thờ để chịu Cắt Bì. Lúc ấy,
ông Simon và bà Anna đã lâu năm mong đợi Đấng Cứu Thế, lại được bồng ẵm Hài
Nhi. Ông Simon quá sung sướng mong được ra đi bình an về với
Chúa, để không vuột mất ơn này; còn bà Anna thì vui mừng giới thiệu Hài Nhi là
Đấng Cứu Thế cho mọi người sáng mắt mà mù Đức Tin (x. Lc 2, 25-34).
e-
Tác giả Tin Mừng Luca không cho ta thấy trẻ Gioan được dâng vào Đền Thờ, dù
Gioan là con đầu lòng theo Luật Mô-sê phải dâng cho Thiên Chúa (x. Xh 13,11t).
Điều này báo trước Chúa không nhận của lễ vật chất như chiên cừu bò lừa trong
lễ tế Do Thái giáo dâng. Vì từ thời ông Gioan Bt, Đức Maria dâng
Con đầu lòng vào Đền Thờ theo Luật Môsê (x. Lc 2,22t), báo trước Đức Giêsu mới
thực là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian (x. Ga 1,29), Ngài mới thực là
Của Lễ được Chúa Cha ưng nhận.
g-
Sau khi sinh Gioan, cha mẹ đưa con vào sa mạc nuôi nấng (x. Lc 1,80). Chắc chắn
trong thực tế, gia đình giàu có không thể đưa con vào sa mạc nuôi. Nhưng ông
Luca có ý nhấn mạnh lý do ông Gioan Bt chào đời là để giới thiệu Đức Giê-su cho
người khác: Ngài sống nghèo đến nỗi không có nơi ngả đầu (x. Lc 9,58), nhất là lúc
bị treo trên thập giá.
2/ Ông Gioan Bt giống
Chúa Giê-su về sứ mệnh ngôn sứ.
Bài
ca thứ hai về Người Tôi Tới Giavê (x. Is 49,1-6: Bài đọc I) vừa chỉ về Chúa
Giê-su vừa chỉ về ông Gioan:
a-
Cả hai Đấng được sinh ra do ý định riêng
của Thiên Chúa (x. Is 49,1a).
b-
Miệng lưỡi cả hai Đấng sắc bén như tên
nhọn, vì cùng công bố Lời Chúa (x. Is 49,2a).
c-
Cả hai Đấng đều là tôi tớ của Thiên Chúa.
Người Tôi Tớ trong Thánh Kinh không phải là “con sen”, mà là các bậc vĩ nhân
Thiên Chúa dùng để cứu loài người, tầm cỡ như ông Mô-sê, như vua Đavid, như Đức
Ma-ri-a, làm rạng danh Thiên Chúa (x. Is 49,3).
d-
Cả hai Đấng thi hành sứ mệnh Chúa trao,
dưới cái nhìn của loài người thì như vô ích, chỉ trông đợi vào phần thưởng nơi
Thiên Chúa (x. Is 49,4): ông Gioan ngăn căn vua Hê-rô-đê không được cướp vợ
anh, thì bị cắt đầu (x. Mt 14, 3-12), Đức Giê-su ngăn cản người ta phạm tội,
thì bị giương cao trên thập giá. Vì thế, ông Gioan nói: “Ngài phải lớn lên (giương cao trên thập giá), còn tôi thì nhỏ lại (bị
cắt đầu)” (Ga 3,30).
e-
Cả hai Đấng không chỉ mang sứ mệnh quy tụ Israel
về cho Chúa mà còn quy tụ muôn dân (x. Is 49, 5-6).
II. ÔNG GIOAN TẨY GIẢ THUA XA CHÚA GIÊSU
1/
Ngay trong Bài đọc II (Cv 13,22-26), đã nhắc đến Đức Giê-su là hiện thân của
vua Đavid, nhưng hơn Đavid vì Ngài là Chúa, từ dòng dõi vua này theo lời hứa,
Thiên Chúa ban Con Một của Người cho thế gian, nhờ Ngài mà thế gian được sống (x.
Ga 3,16). Ông Gioan Tẩy Giả chỉ kêu gọi mọi người phải tỏ lòng sám hối và tin
vào Đức Giê-su, vì ông không phải là Đấng Ki-tô như người ta tưởng. Ông nói: “Đấng đến sau tôi, có trước tôi, tôi không
xứng đáng cởi dép cho Người”.
2/
Đức Giê-su thực hiện Lời Chúa hứa cho dòng Đavid: “Một Vì Cứu Thế được sinh ra không
chỉ cứu dân Israel, mà còn cứu muôn dân” (x. Cv 13, 22-24: Bài đọc II),
còn ông Gioan chỉ mang sứ mệnh dọn lòng người đón nhận Đấng Cứu Thế. Cả hai
Đấng đều là ánh sáng, nhưng ánh sáng của Gioan được ví như ngọn đèn dầu, người
ta vui hưởng trong chốc lát (x. Ga 5,35); thua xa Đức Giê-su là Mặt Trời Công
Chính ban sự sống soi cho muôn người muôn thuở (x. Lc 1, 78).
3/
Ông Gioan dù được Đức Giê-su khen là người cao cả nhất, nhưng vẫn thua kẻ nhỏ
trong Nước Trời (x. Mt 11,11). Kẻ nhỏ ấy trước nhất phải hiểu về Đức Giêsu, Ngài
được Chúa Cha tôn vinh vượt trên mọi danh hiệu, hầu trước danh hiệu của Chúa
Giê-su, mọi gối đều phải quỳ xuống bái lạy, chốn trời cao cùng nơi đất thấp, và
mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu là Chúa làm vinh hiển Chúa Cha (x. Pl
2,9-11).
III. ÔNG GIOAN BT THUA XA NGƯỜI CÔNG GIÁO
Như
Lời Đức Giê-su đã nói về ông Gioan Bt: “Trong
số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.
Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Kẻ
nhỏ trong Nước Trời chính là người Công Giáo (x. 1Ga 2, 1,12.14.18.28). Sở dĩ
người Công Giáo hơn ông Gioan vì:
1/
Ông Gioan sinh ra bởi dòng giống Adam, Eva; Thua xa người Công Giáo được tái
sinh bởi Adam cuối cùng là Chúa Giê-su (x. Cv 2, 38). Bởi thế thánh
Phao-lô nói: “Đấng tác thánh (Chúa
Giê-su) và những người được thánh hóa cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt,
vì thế Ngài không hổ thẹn gọi ta là anh em” (Dt 2,11.14).
2/
Ông Gioan chỉ là chú phù rể của Tân Lang Giêsu; Thua xa người Công Giáo mới chính
là Hiền Thê (x. Ga 3,29; 2Cr 11,2).
3/
Ông Gioan có sự sống do cha mẹ truyền cho, đó là sự sống của sinh vật (x. 1Cr
15,45a); Thua xa người Công Giáo có cùng một sự sống với Thiên Chúa (x. Ga
6,57).
Vì
những lý do trên tưởng rằng người Công Giáo phải mừng ngày lãnh Bí tích Thánh
Tẩy mới chính là ngày sinh nhật của mình được sinh ra trong Chúa Giê-su và đã
được thanh tẩy tinh tuyền. Còn ngày sinh nhật bởi cha mẹ trần thế, chỉ thuộc
dòng giống Adam bị chúc dữ, vì “từ trong
lòng mẹ tôi đã là kẻ bất lương” (Tv 51/50,7). Còn người Công Giáo phải “tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng”
(Tv 139/138, 14a: Đáp ca). Bởi thế người Công Giáo phải là chứng nhân giới
thiệu Chúa cho đồng loại như ông Gioan Bt, đúng với lý do Chúa cho có mặt trên
đời: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc
1,76: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Từ ngày Gioan Tẩy Giả đến bây giờ, Nước
Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được (Mt 11,12).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH