Ai dạy giáo lý?
Một giáo sĩ điều khiển Hội Dòng Nữ Tu dạy giáo lý, ngày kia nói
với bà bề trên sở tại:
-
Thưa bà, tôi nghĩ nên
cho chị X… nghỉ dạy giáo lý ít nhất là một năm.
Bà bề trên không đồng ý:
-
Nhưng thưa Cha, Cha quá
rõ. Chị X… là người có biệt tài chỉ huy. Với tài khôn khéo, chị đã lôi kéo được
các trẻ khắp vùng ngoại ô đấy. Không cho chị ấy dạy giáo lý, tức là bỏ rơi một
số lớn thiếu nhi.
Vị giáo sĩ nầy liền đưa ra nhận xét:
-
Tôi đã ngồi dự lớp giáo
lý của chị nầy dạy rồi. Chị làm cho thiếu nhi ham thích, nhưng bằng phương pháp
quá nhân loại. Sau một năm tập lại để được huấn luyện kỹ về đời nội tâm hơn, chị
đó sẽ thánh hoá bản thân, và nhờ lòng nhiệt thành, nhờ tài khéo léo, sẽ thánh hoá
thiếu nhi. Nhưng hiện tại, tôi dám chắc chị ấy là trở lực cho tác dụng trực tiếp
của Chúa Giêsu nơi linh hồn các em đang sửa soạn rước lễ lần đầu. Chắc bà lấy
điều tôi yêu cầu làm phiền lòng. Vậy được! Tôi dàn xếp thế nầy… Tôi biết chị N…
là một linh hồn có đời nội tâm khá, nhưng kém tài. Bà hãy xin Bề Trên Cả sai chị
đó đến đây ít lâu. Rồi mỗi giờ dạy giáo lý, cho chị X… đến dạy 15 phút để cho
bà khỏi lo các em bỏ học, sau đó, chị X… sẽ rút lui hoàn toàn. Lúc đó, bà sẽ thấy
các em biết cầu nguyện, ca hát cách sốt sắng hơn nhiều. Sự cầm trí và vâng lời
của chúng sẽ phản chiếu tính cách siêu nhiên hơn. Đó là hàn thử biểu để đo lường.
Nửa tháng sau, bà bề trên cũng nghiệm thấy chị N… dạy giáo lý một
mình và số trẻ em lại đông hơn. Lúc nầy, chính Chúa Giêsu dạy giáo lý qua lời
chị. Từ cặp mắt, cử chỉ, tính hiền lành, dịu dàng, cho tới cách làm Dấu Thánh
Giá, điệu giọng, tất cả đều phản chiếu Chúa Giêsu.
Chị X… có tài tô điểm, làm những gì buồn tẻ nhất thành ra vui vẻ.
Nhưng Chị N… còn đi xa hơn. Đành rằng chị vẫn cố gắng sửa soạn bài, cắt nghĩa
và giảng hết sức rõ rệt, nhưng bí quyết trổi vượt trong lời chị giảng bảo là
nhiệm cảm. Chính nhờ nhiệm cảm nầy, các linh hồn thấy mình được tiếp xúc với
Chúa Giêsu.
Trong lớp giáo lý của chị N…, có kém phần vui vẻ nhộn nhịp, ít
có những cái nhìn sửng sốt, ít sự say mê thường được gây nên do những bài diễn
thuyết vô cùng hấp dẫn của những nhà hùng biện hay là câu truyện rất cảm kích về
một cuộc chiến đấu gay go.
Trái lại, với một thái độ chăm chỉ, trầm tĩnh, các em thiếu nhi
ngồi trong lớp như ngồi trong thánh đường. Không cần áp dụng phương thế nhân loại
nào để giúp các em khỏi chia trí, chán nản nữa. Vậy ở giữa các em, phải chăng
có một sức hấp dẫn huyền nhiệm nào? Chúng tôi dám quả quyết đó là ảnh hưởng do
Chúa Giêsu trực tiếp gây ra. Vì một linh hồn nội tâm cắt nghĩa giáo lý, chính
là cái đàn huyền cầm vang âm thanh dưới ngón tay nhạc sĩ thần linh. Và không một
nghệ thuật gia nào, dầu xuất sắc đến đâu, có thể so sánh với tác dụng của Chúa
Giêsu được. (x. Hồn Tông Đồ)
Khi người dạy giáo lý có
đời sống nội tâm, chính Chúa Giêsu hướng dẫn họ.
“A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp
cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh
A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người
tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.” (1Cr
3,5-7)