Lịch sử việc tôn thờ Thánh
Tâm Chúa Giêsu
“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu qua” (Ga
19, 37).
Trái Tim Chúa Giêsu
được người ta tôn thờ ngay từ lúc Người thở hơi cuối cùng trên thánh giá.
Thánh Giuse và
Nicôđêmô tháo đanh và hạ xác Chúa Giêsu xuống, Ðức Mẹ giơ tay ẵm lấy. Ðức Mẹ xiết
vào lòng xác con đã lạnh giá, đầy những thương tích. Nỗi lòng đau không xiết kể,
nhất là khi Người nhìn thấy vết thương cạnh sườn mở quá rộng, để lộ một con tim
nhợt máu vì đã bị ngọn giáo thâu qua…
Đến thời Trung cổ,
đạo Chúa bị bách hại, các bè rối nổi lên phản nghịch cùng Hội Thánh. Tinh thần
đạo sa sút, giáo dân bỏ đạo thật theo đạo rối. Để chống lại cơn cuồng phong ấy,
Thiên Chúa toàn năng đã dự định một phương thế thần diệu là Trái Tim Chúa
Giêsu. Thiên Chúa muốn cho người ta tôn thờ Trái Tim Chúa Giêsu, để nhờ đó ngọn
lửa mến đã hầu tắt đi, được bùng cháy lại mạnh mẽ.
Để truyền bá việc
tôn thờ Trái Tim Chúa, Chúa đã dùng một nữ tu khiêm hạ ẩn kín trong tu viện là
nữ tu Magarita Maria Alacoque người nước Pháp. Trong sách truyện, Thánh nữ sinh
năm 1647, qua đời năm 1690. Thánh nữ kể về gốc tích tôn thờ Trái Tim Chúa như
sau:
“Năm 1678, một hôm, lúc tôi đang chầu Mình
Thánh Chúa trong tuần Tĩnh tâm với các chị em Dòng tại Paray-le Monial (Nước
Pháp). Chúa Giêsu hiện ra cho tôi thấy Trái Tim Chúa bừng cháy ngọn lửa tình
yêu nhân loại, rồi Người phán: “Cha muốn tỏ ra cho loài người biết Cha yêu
thương chúng chừng nào. Trái Tim Cha là nguồn mạch mọi ơn cứu rỗi chúng đời đời.
Cha muốn chọn con để quảng bá lòng Tôn thờ Trái Tim Cha cho loài người. Con hèn
yếu, nhưng Cha muốn chọn con để mọi người biết rằng việc này là của Cha chứ
không phải của con. Con chỉ là dụng cụ hèn mọn Cha dùng”.
Nghe những lời ấy,
tôi rùng mình kinh khiếp, liền sấp mình kêu van Chúa chọn người tài giỏi xứng
đáng hơn, tôi vừa kém đức lại là phận đàn bà yếu hèn sao làm nổi việc ấy. Nhưng
Chúa Giêsu không nghe, Người phán rằng: “Cha chọn con, chỉ vì con thấy mình yếu
đuối hèn hạ. Tự sức riêng con, con không làm gì được. Nhưng con hãy vững lòng,
chớ sợ, Cha sẽ giúp sức cho con. Cha sẽ ban ơn dư dật cho con. Con không biết
Cha hay dùng sức yếu mà phá đổ cường quyền ư? Cha thường dùng người yếu hèn để
làm những công việc cao cả, vì người khiêm hèn chỉ cốt làm vinh danh Cha”.
Tôi thưa lại: Vậy lậy
Chúa, xin ban cho con những ơn cần để con có thể làm việc Chúa truyền dạy.
“Chúa phán: chỉ có một sự rất cần là con phải khiêm nhượng và tin thật, nếu
không có Cha giúp, con chẳng làm gì được. Con hãy tin tưởng mạnh mẽ, Cha sẽ
giúp con thành công trong việc Cha truyền”.
Rồi Người mở trái
tim cho tôi xem, tôi thấy lửa ở trái tim bốc ra lan tràn. Lúc ấy lòng tôi nóng
ran như lửa, chịu chẳng được tôi phải kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con, con yếu
hèn quá”. Chúa ngọt ngào an ủi tôi: “Con đừng sợ, Cha sẽ thêm sức cho con, con
chỉ nên ghi lòng những mệnh lệnh của Cha. Đây là ơn trọng sau hết Cha ban cho
các tội nhân. Ai từ chối sẽ phải hư mất đời đời, vì Cha chẳng còn ban ơn nào
hơn được nữa”.
Từ đấy, Chúa còn hiện
ra nhiều lần dạy tôi những việc phải làm và những nhân đức phải giữ để tôn sùng
Trái Tim Chúa. Tôi vâng giữ các điều Chúa truyền dạy, hết sức khuyên giục chị
em dòng và giáo dân tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu trong suốt đời tôi.
Hầu hết các vị Giáo
hoàng từ Đức Innocent XII (1691-1700) đã tôn sùng và cổ súy cho việc tôn thờ
Thánh Tâm Chúa.
-
Năm 1765 Đức Clêmentê XIII (1758 -1769) chuẩn y cho các Giám mục Ba Lan và Hội
Huynh Đệ Thánh Tâm ở Rôma được thiết lập một lễ kính Thánh Tâm Chúa.
-
Năm 1794 trong Sắc thư Auctorem Fidei, Đức Piô VI (1775-1799) đã chính thức chuẩn
nhận việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, vì Thánh Tâm Chúa được kết hợp nhị tính (hai
bản tính) với Thiên Chúa, nên đáng được phụng thờ.
-
Năm 1856, Đức Piô IX (1746 – 1878) nới rộng việc cử hành lễ Thánh Tâm, ngày thứ
Sáu sau tuần bát nhật lễ kính Mình Thánh Chúa, cho toàn thể Giáo hội và như thế
đã thực hiện lời thỉnh cầu của Thánh Tâm Chúa qua nữ Thánh Margarita Maria
Alacoque.
-
Năm 1899 đức Lêo XIII (1878-1903), qua Thông Điệp Annum Sacrum, nhìn nhận việc
tôn thờ Trái Tim Chúa là “một việc đạo đức hảo hạng”. Ngài muốn kiện toàn công
việc này bằng cách tận hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa và Ngài hy vọng việc tận
hiến này đem lại cho nhân loại những ơn ích phi thường trường cửu cho nhân loại.
Việc này được đức
Piô X (1914-1922) ra lệnh phải thi hành hằng năm: “Việc tôn thờ Trái Tim cực
Thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về TÌNH YÊU THIÊN CHÚA. Bởi vì
Tình Yêu vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các Linh Hồn,
các gia đình và các Quốc Gia”. (Pio X)
Thông Ðiệp về Lòng
Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu
Năm 1925, Đức Piô
XI với Thông Điệp Quas Primas thiết lập lễ Chúa Kitô Vua như một hệ luận của việc
Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa. Năm 1928, Ngài ra Thông Điệp Miserentissimus Redemptor
đặt nền tảng cho việc đền tạ đối với Thánh tâm Chúa, một việc mà mọi giáo hữu
phải làm trong tình yêu thương Thiên Chúa.
Ngày 09-05-1928, Ðức
Giáo Hoàng Piô XI đã ra Thông Ðiệp Miserentissimus Redemptor nói về sự cần thiết
phải thực hành việc đền tạ Thánh Tâm. Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh rằng
việc đền tạ Thánh Tâm là bổn phận đòi hỏi mọi Kitô hữu phải thực hiện. Lòng
sùng kính Thánh Tâm được diễn tả như một “sự tổng hợp của toàn bộ đạo giáo của
chúng ta” (totius religionis summa), nếu được thực hiện “sẽ rất chắc chắn dẫn
chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và sẽ làm cho tâm hồn chúng
ta yêu mến Người cách dịu dàng hơn và kết thân với Người một cách quảng đại
hơn”. Ðức Piô XI cũng chỉ ra những nhu cầu khẩn cấp của thời đại đòi hỏi các
tín hữu phải “thực hành việc đền tạ Thánh Tâm”.
Ngày 15-05-1956,
nhân kỷ niệm 100 năm Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX thiết lập Lễ Thánh Tâm Chúa
Giêsu cho toàn thể Giáo Hội. Ðức Giáo Hoàng Piô XII ra Thông Ðiệp Về Lòng Sùng
Kính Thánh Tâm (Haurietis Aquas) dạy về nền tảng đức tin và căn bản Thánh Kinh
của lòng sùng kính Thánh Tâm, bản chất cũng như sự cần thiết và lợi ích lớn lao
của lòng sùng kính này.
Trong thông điệp
này, Ðức Piô XII nhấn mạnh rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa được Giáo Hội
nhìn nhận và nhiệt liệt cổ võ không phải vì đã được mạc khải riêng cho Thánh
Margarita Maria, nhưng vì lòng sùng kính này hoàn toàn phù hợp với bản chất của
Kitô giáo, thực chất là đạo của tình yêu.
Ngài viết: “Vậy
nên, thật hiển nhiên, những mạc khải được tiết lộ cho Thánh Margarita Maria đã
không thêm gì vào đạo lý Công Giáo. Ý nghĩa của những mạc khải ấy dựa vào điều
này, Chúa Kitô khi biểu lộ Thánh Tâm Người một cách ngoại thường và đặc biệt,
muốn kêu gọi tâm trí con người chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm tình yêu rất
thương xót của Thiên Chúa dành cho loài người”.
Ðức Piô XII cũng chỉ
ra ý nghĩa căn bản của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Chúng ta sẵn sàng hiểu
rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cốt yếu là lòng sùng kính đối với tình
yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta qua Chúa Giêsu và đồng thời cũng là
tình yêu làm sống động tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và con người.
Hay, nói cách khác, lòng sùng kính này được hướng tới tình yêu Thiên Chúa dành
cho chúng ta để ta thờ lạy Người, cảm tạ Người và suốt đời noi gương Người”.
Cũng trong thông điệp
này, Ðức Thánh Cha Piô XII đã cho thấy lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là
tinh hoa và tổng hợp của tất cả mọi lòng sùng kính cần thiết và lành mạnh khác
trong Giáo Hội như việc suy tôn Thánh Giá, việc tôn sùng Thánh Thể và lòng biệt
kính Ðức Mẹ.
Đức Piô XII
(1939-1958) đã khẳng định: “Lòng sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan
trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn có thể được coi như sự tuyên xưng đức
tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình
thường mà ai nấy tùy ý thực hiện như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một
bên như là thua kém các việc đạo đức khác”. (Trong Thông Điệp Haurietis Aquas,
15/05/1956).
Đức Phaolô VI
(1963-1978), vị giáo hoàng đã được đắc cử đúng vào Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày
21/06/1963 và đã góp phần hoàn tất Công Đồng Chung Vaticanô II cách tốt đẹp,
nêu lên tính cách hợp thời của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Lòng sùng
kính Thánh Tâm là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm
linh và luân lý của thế giới như Công Đồng Vaticanô II đã kêu gọi”. (Diễn văn
trước Tổng Công Nghị Lần 31 của Dòng Tên).
Trong Huấn dụ về
“Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” được Đức Phaolô VI ban hành ngày 6/2/1965 để kỷ
niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Ngài viết: “Sự tôn sùng Thánh
Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và ĐẶC BIỆT CẦN THIẾT cho thời đại này”.
Ta ước mong việc
này được tổ chức với Nghi thức Phụng Vụ để phát triển mỗi ngày mỗi rộng lớn
hơn, hầu cho mọi Kitô hữu được say sưa lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và nhờ đó
được đổi mới về mọi phương diện. Việc tôn sùng này cốt yếu là kính thờ Chúa
Giêsu một cách xứng đáng và đền tạ Thánh Tâm Chúa về tội lỗi của ta”. Roma ngày
6/2/1965/ ĐGH Phaolô VI
Lòng sùng kính
Thánh Tâm trong Giáo Hội hôm nay
Có lẽ lòng vì sùng
kính Thánh Tâm chưa được thực hiện đầy đủ như lòng Chúa lòng muốn, nên Chúa đã
tiếp tục gửi đến nhân loại sứ điệp khẩn cấp của tình yêu nồng cháy của Thánh
Tâm Người qua một số linh hồn ưu tuyển trong thế kỷ 19&20.
Chúng ta có thể kể
đến ba sứ giả nổi bật của Thánh Tâm là Chị Bêninha Consolata (1885-1916) người
Ý thuộc Dòng Thăm Viếng, Chị Josefa Menendez (1889-1923) người Pháp thuộc Dòng
Thánh Tâm và Thánh Maria Faustina Kowalska (1905-1938) người Ba lan thuộc Dòng
Nữ Tu Ðức Mẹ Thương Xót. Và chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều hữu ích
để gia tăng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu qua các sứ điệp của những linh
hồn ưu tuyển này.
Sứ điệp của Thánh
Tâm gửi qua Chị Bêninha có thể đọc được nơi cuốn Tình Dịu Dàng Chúa Giêsu; qua
Chị Josefa Menendez nơi cuốn Tiếng Gọi Tình Yêu -Thông Ðiệp Gửi Thế Giới; và
qua Thánh Maria Faustina Kowalska nơi cuốn Diary – Divine Mercy in My Soul.
Trong tất cả những
sứ điệp này, cũng như trong những gì Chúa Giêsu mạc khải cho Thánh Margarita
Alacoque, Chúa đã thiết tha kêu gọi con người đừng tiếp tục xúc phạm đến Thánh
Tâm qua các tội ác của họ, đừng dửng dưng và vô ơn trước tình yêu thương xót vô
biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi Thánh Thể, hãy tín nhiệm tuyệt đối nơi lòng
thương vô biên của Người để hoán cải đời sống, vươn lên sự thánh thiện và tận
hưởng ơn cứu độ.
Với những ai muốn
trở nên bạn thiết của Thánh Tâm, Chúa kêu mời họ hãy quảng đại trong việc vui
lòng đón nhận thật nhiều hy sinh đau khổ để hiệp nhất với các đau khổ của Chúa
trong cuộc Thương Khó mà góp phần cứu rỗi các linh hồn. Chúa kêu gọi mọi người,
nhất là những ai đã dâng mình cho Chúa, siêng năng sốt sắng tôn thờ Trái Tim Sống
Ðộng của Người trong Bí Tích Thánh Thể để đền tạ Thánh Tâm.
Các vị giáo hoàng cận
đại: Ðức Piô XII, Chân Phước Gioan XIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan-Phaolô II
có thể nói được đều là các vị giáo hoàng của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong thiên
niên kỷ 21 ĐGH Gioan Phaolô II cũng kêu gọi dân Chúa như sau: “Trong thế kỷ 21
hiện nay, nhu cầu đền tạ Thánh Tâm càng thêm khẩn thiết trước sự lan tràn của tội
ác phá thai; sự phổ biến của các hành động ngừa thai nhân tạo, triệt sản, ly dị,
giới trẻ được giáo dục sai lạc ngay cả nơi phần đông các gia đình Công giáo; lo
mưu cầu lợi ích cá nhân, đam mê hưởng thụ, ích kỷ… Và quay lưng lại với Đấng Tạo
Hoá; Tôn thờ văn hoá sự chết, thiếu xác tín hay bất phục giáo huấn chân thực của
Hội thánh ngay cả trong hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ”.
Năm 1907, Cha Mateo
Crawley-Boevey, SS.C.C. (1875-1960) đã cổ động việc gia tăng các giờ chầu Thánh
Thể và khởi xướng Phong Trào Tông Ðồ Tôn Vương Thánh Tâm trong Gia Ðình như một
phương thức canh tân đức tin và đời sống hôn nhân gia đình trong Giáo Hội và thế
giới hôm nay.
Qua các vị tông đồ
Thánh Tâm: cha Gerard Gagnon, C.Ss.R. (?. 1994) và Cha Giacôbê Ðào Hữu Thọ,
C.Ss.R. (1917-1984) đã góp phần rất lớn vào việc cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm
Chúa Giêsu tại Việt Nam, qua các việc giảng dạy của các ngài cũng như việc các
ngài thành lập và phát triển hoạt động của Hội Liên Minh Thánh Tâm. Cha Giacôbê
còn mở 61 lớp Chí Tâm tại Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn để giúp mọi người khám phá tấm
lòng của Chúa Giêsu và sống kết hợp với Thánh Tâm. Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri
(1918-2010) cũng đã dành hết cả đời mình vào công cuộc cổ vũ lòng Tôn Sùng và
Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi các gia đình.
Sự cần thiết của việc
đền tạ Thánh tâm Chúa Giêsu
Tôn sùng Thánh Tâm
Chúa Giêsu là một việc đạo đức nhằm kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu, biểu hiệu cho
Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, đối tượng chính của sự Tôn sùng là Tình yêu Thiên
Chúa, một tình yêu được Chúa mặc khải trong Cựu ước, và thực hiện trong đời sống
của Chúa Giêsu ở trần thế. Tình yêu này cần phải được đền đáp bằng chính tình
yêu của con người, là tạo vật do Chúa dựng nên; tuy hèn kém, bất xứng nhưng lại
được Chúa đợi chờ.
Sự đền đáp này được
thể hiện bằng những hành động sau:
-
Đền tội cho chính mình, cầu nguyện cho những người thờ ơ, vô ơn bội bạc hay còn
chìm đắm trong tội lỗi, không biết đến hay không màng gì đến tình yêu hải hà của
Thiên Chúa.
-
Vinh danh Trái Tim Chúa Giêsu như Ngài đã ước muốn, và cũng chính vì Trái Tim
Ngài đáng được vinh danh và tôn thờ nơi mỗi người, mỗi gia đình, cũng như trong
toàn thể nhân loại.
-
Đặt hết tin tưởng và phó thác vào Trái Tim Tình Yêu Chúa Giêsu.
-
Loan truyền lòng Tôn Sùng Trái Tim Chúa, tạo cơ hội cho nhiều người đón nhận ơn
ích của Trái Tim Chúa, một Trái Tim rộng lượng, bao dung và sẵn sàng ban tràn đầy
cho những ai muốn đón nhận.
Khi đáp trả tình
yêu Thiên Chúa bằng chính tình yêu của mình; bằng cách thực hiện những điều
Chúa mong đợi trên, là chúng ta đã an ủi được Trái Tim yêu thương của Chúa.
Sau hơn mười năm
tái hợp nhất và phát triển, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu Giáo Phận Sài
Gòn hiện trên 10 ngàn đoàn viên và Ban phát triển đoàn thể đã xây dựng được
trên 20 ngàn đoàn viên GĐPT.TTCG trên khắp ba Giáo Tỉnh VN, đang tiếp tục thi
hành Thông Điệp mà Chúa Giêsu đã truyền cho chị Thánh Margarita Maria: “Đây là
Trái Tim đã yêu thương nhân loại không bờ bến, không quản ngại một thứ gì cho đến
hơi thở cuối cùng để làm chứng cho Tình yêu, nhưng bù lại, Ta chỉ nhận được từ
nhiều người, một bội bạc qua sự thiếu tôn kính và lòng xúc phạm, qua sự lạnh nhạt
và đôi khi cả sự khinh thường [...] và “Hãy rao truyền cho mọi người về Tình
Yêu không bờ bến của Thiên Chúa…”.
Phạt Tạ Thánh Tâm
Chúa Giêsu có nghĩa là:
-
“Đền tạ những sai sót lỗi lầm mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa,
-
Ý thức tín thác hoàn toàn vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa đối
với gia đình nhân loại,
-
Và quyết tâm loan báo Tin Mừng cùng mở rộng Nước Chúa là Nước chan hoà ánh sáng
Chân Lý và Tình Yêu, ánh sáng an bình”. (Lời chỉ dẫn của ĐHY TGM Saigon)
Với Linh đạo của
đoàn thể: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu”, GĐPT.TTCG quyết tâm tiến bước trên
đường tình yêu của Chúa Giêsu, nhằm thắp lên ngọn lửa yêu thương của Chúa trong
lòng mọi người, mọi gia đình, mọi môi trường sống, để cộng tác với Chúa biến đổi
tất cả trở nên muối men và ánh sáng Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương của Chúa
trong lòng xã hội hôm nay. Nhờ đó, GĐPT.TTCG trở thành Giáo Hội tại gia, Giáo Hội
Chúa Giêsu hiện diện ở giữa dân Người, Giáo Hội vì loài người.
-
Một khi chúng ta đã hiểu biết bản chất, sự tuyệt đối cần thiết, những ích lợi lớn
lao và lịch sử của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta được
Trái Tim Chúa Giêsu mời gọi thiết tha để noi gương Mẹ Maria, cùng Mẹ, nhờ Mẹ và
với Mẹ để trở nên tri kỷ, trở nên tông đồ và chiến sĩ của Thánh Tâm. Như vậy,
chúng ta sẽ tiếp tục viết lên những trang tình sử tuyệt vời của chính mỗi người
với Thánh Tâm Giêsu trong lòng Hội Thánh.
Tháng kính Thánh
Tâm Chúa Giêsu 2012