Nghiên cứu _ hành trình vô thần của Karl Marx (2)

Hành-trình vô-thần của Karl Marx
khi còn thanh-niên qua những sách
đọc tham-khảo về tôn-giáo (tt)
0. Phần dẫn-nhập
Muốn biết những điều Marx - không những Marx, mà bất cứ ai cũng thế - chủ-trương về tôn giáo có giá-trị tới mức nào, thì người có chút óc phê-bình không những phải xem ông đã có những lập-luận như thế nào, lấy từ đâu ra, mà hơn nữa còn phải vạch ra cho rõ ông đã biết được những gì về tôn-giáo, về những tôn-giáo nào, biết qua chút kinh-nghiện bản-thàn, hay là biết qua sách vở nào, ít hay nhiều. Sau đó lại còn phải tìm biết ông theo đuổi những mục-đích, những dự-định nào, trong hoàn cảnh văn-hóa, xã hội như thế nào.
Cho đến quãng năm 1975, người ta chưa thấy rõ nguồn-gốc lập-trường vô-thần của Marx. Nhưng chắc một điều là nó không phải từ học-thuyết duy-vật của người Pháp thế-kỷ XVIII mà ra. Chính Marx gọi thứ duy-vật đó là thứ duy-vật quê-mùa, vì nó chưa có tính-cách biện-chứng, cho nên cũng chỉ là một thứ siêu-hình-học, như học-thuyết duy-tâm vậy. Marx nói về thứ duy-vật này rất ít; trái lại ông hiểu-biết nhiều hơn về các triết-gia duy-vật Hi-lạp thời thượng-cổ, vì đó chính là đề-tài nghiên-cứu trong luận-văn tiến-sĩ triết-học của ông.
Năm 1841 thì trong học-phái Hegel có Feuerbach cho xuất-bản cuốn Bản-chất đạo Thiên-Chúa (Das Wesen des Christentums), gây ra phản-ứng rất hào-hứng trong nhóm đồ-đệ tả-khuynh của Hegel, nhất là Marx và Engels. Marx coi việc phê-bình tôn-giáo của Feuerbach là hoàn-hảo và dứt-khoát. Dứt-khoát là vì, trước đây trong những Khóa-trình Triết-lý về tôn-giáo (Vorlesungen über die Philosophie der Religion) Hegel đã lý-luận minh-chứng rằng đạo Thiên-Chúa là tôn-giáo hoàn-hảo, đã thực-hiện được hoàn-toàn cái ý-niệm tôn-giáo, và là giai-đoạn tiến-bộ tối cao trong lịch-sử tôn-giáo của nhân-loại; nếu đã nhận lý-luận như thế là đúng, thì dĩ-nhiên bây giờ chỉ cần phê-bình đạo Thiên-Chúa, tức là đã phê-bình được tất cả các tôn-giáo một cách dứt-khoát. Sau đó, Marx thấy không cần lý-luận gì thêm, mà chỉ còn dựa theo Feuerbach để đưa ra một loạt những lời tuyên-ngôn về tôn-giáo mà chúng ta đã quá quen thuộc. Feuerbach hơn Marx 14 tuổi, và có ảnh-hưởng nhiều đến tư-tưởng của ông, cho nên đã có một lần, vào năm 1844, Marx kính-cẩn viết thư cho ngườì niên-trưởng đó để xin cộng-tác về mặt chính-trị. Nhưng Feuerbach không đồng-ý, ông cho rằng về mặt lý-thuyết, việc phê-bình tôn-giáo vẫn chưa hoàn-thành, và vì thế ông tiếp-tục phê-bình tôn-giáo cho đến hết đời.
Nhưng Feuerbach không phải là người duy nhất ảnh-hưởng tới Marx. Thực thế, từ trước Marx đã đi theo một con đường khác, đưa ông đến chỗ tuyên-bố mình vô-thần, trong luận-văn tiến-sĩ triết-học của ông năm 1841. Cho nên tuy rằng Feuerbach đã đem lại cho lập-trường của Marx một cách thức biện-minh và một lối dẫn-chứng độc-đáo và chặt-chẽ hơn, nhưng ông không phải là nguồn gốc quan hệ nhất của lập-trường vô-thần của Marx. Vậy nguồn-gốc đó là ở đâu ?
Năm 1989, nhân dịp đọc những cặp vở ghi-chú của Marx viết trước năm 1841, mới được xuất-bản năm 1975 trong bộ MEGA mới, tập IV, tôi thấy cần phải đặt lại vấn-đề cho nghiêm-chỉnh, vì nếu ta muốn biết những câu ông phán-đoán về tôn-giáo có giá-trị tới mức nào, thì trước hết phải xem ông đã biết được những gì về tôn-giáo, về những tôn-giáo nào, biết đến trình-độ nào, có kinh-nghiệm bản-thân nhiều hay ít, đã đọc được những loại sách vở nào. Có biết như thế mới nhận-định được cho rõ cái lộ-trình đưa Marx từ một nền giáo-dục trong tông-phái Tin lành của đạo Thiên-Chúa, đến lập-trường vô-thần cách-mạng. Có thế mới biết cái vô-thần đó muốn phế bỏ những thứ thần nào.
0.1 - Vì sao Marx không viết sách “Phê-bình tôn-giáo’’?
Marx là một nhà phê-bình, trên trời dưới đất, cái gì cũng phê-bình. Các tác-phẩm quan-trọng của ông đều thấy có chữ “phê-bình” ở đầu-đề. Rất nhiều người đương-thời, kể cả bạn bè và đồng-chí, đều bị ông phê-bình, nhiều khi còn bị chế-diễu một cách cay nghiệt, ví dụ như Joseph Proudhon. Cho đến nỗi có lẽ trừ Friedrich Engels ra thì Marx không còn đi lại được với mấy ai. Ông viết: “Phê-bình trên trời rồi phải chuyển thành phê-bình dưới đất, phê-bình tôn-giáo thành phê-bình pháp-luật, phê-bình thần-học thành phê-bình chính-trị’’. Rồi ông nói tiếp: “Lấy phê-bình làm khí-giới thì không thể thay cho việc lấy khí-giới mà phê-bình.”
Marx là nhà phê-bình triệt-để, lại tuyên-bố là mình vô-thần, Cho nên xét lý ra, có thể đoán rằng thế nào ông cũng viết một cuốn sách hay ít ra là một bài quan-trọng để phê-bình tôn-giáo cho đáo-lý. Công việc đó, có làm cũng không khó gì, một là vì tài-liệu ông thu-thập được, nếu không thể nói là đủ, thì cũng phải nhận là đã khá nhiều; hai là vì làm việc đó cũng không có gì nguy-hiểm như việc phê-bình chính-trị. Thế nhưng Marx lại không làm. Trong những đoạn văn ông viết để công-kính tôn-giáo, đại đa-số chỉ là loại văn tuyên-ngôn, tuyên-bố, bút-chiến. Tôi cố tìm nhưng chỉ thấy có hai đoạn văn, tất cả độ 2, 3 trang có tính cách luận-lý triết-học. Đại khái trong đoạn văn thứ nhất, nằm ở trong phần phụ-lục của luận-văn tiến-sĩ (Bàn về điểm dị-biệt giữa triết-học về thiên-nhiên của Đêmôcrit và của Êpicur, 1841), Marx còn đứng trong lập-trường duy-tâm để phê-bình những chứng-lý biện-minh rằng có Thiên-Chúa: ông cho đó chỉ là những câu nói đi nói lại rỗng tuếch, và tựu chung chỉ chứng-minh được có một điều là có cái tự-kỷ-ý-thức (Selbstbewusstsein, conscience-de-soi). Trong đoạn văn thứ hai nằm ơ phần đầu Bản thảo về kinh-tế và triết-học (1844), Marx bàn luận về chứng-lý căn-cứ vào nguyên-tắc nhân-quả để biện-minh rằng có Thiên-Chúa. Tôi đã có dịp phân-tích kỹ-càng hai trang đó trong bài Karl Marx phê-bình tôn-giáo (1970), vừa nhắc tới trên đây.
Nhưng như thế vẫn chưa hết. Marx đã thu-thập được về tôn-giáo khá nhiều tài-liệu thuộc về những loại khác nhau. Tất cả đều nằm trong những cặp vở ghi-chú trong những năm 1839-1840, khi ông tham-khảo sách vở để soạn luận-văn tiến-sĩ. Ủy-ban cho ấn-hành bộ MEGA mới đã gọi đó là Những cặp vở về triết-học của Êpicur (Hefte zur epikureischen Philosophie) (MEGA IV / 1 / 1, tr 9-152). Những ghi-chú đó chỉ có một phần được Marx dùng đến trong luận-văn của ông. Còn một phần lớn thì Marx không thấy dùng trong những sách vở ông viết về sau này. Thêm vào đó lại còn Những cặp vở viết tại Berlin (Berliner Hefte, 1840-1841), trong đó Marx có chép lại những đoạn văn dài của triết-gia Hòa-lan B. Spinoza (MEGA IV / 1 / 1, tr 158-288) và bảy Cặp vở viết tại Bonn (Bonner Hefte, 1842) (MEGA IV / 1 / 1, tr 289-381), viết sau khi ông đậu tiến-sĩ, trong đó ông trích từ sách nọ sách kia ra nhiều đoạn văn về lịch-sử nghệ-thuật và lịch-sử tôn-giáo. Nhờ có Những cặp vở viết tại Bonn mà ngày nay ta nhớ ra rằng nhà văn và chính-khách Benjamin Constant đã viết một bộ sách 5 cuốn, nhan đề là Bàn về tôn-giáo, xét theo nguồn-gốc, các hình-thái và tiến-triển (De la religion considérée dans sa source, ses formes et ses développements, Paris, 1825-1831).  
Từ năm 1842 trở đi, trong những ghi-chú và trích-dẫn của Marx không thấy có về tôn-giáo nữa, nhưng về lịch-sử, kinh-tế và chính-trị mà thôi. Có thể nói là từ đây Marx có thể để những cặp vở ghi-chú đó cho “loài chuột đến gậm-nhấm phê-bình’’, mà không thiệt hại gì cả. Thực thế, sau khi Feuerbach đã xuất-bản sách Bản-chất đạo Thiên-Chúa (1841), thì Marx coi đó là lời phê-bình dứt-khoát, về mặt lý-thuyết không thể làm hơn được nữa. Cho nên, như đã nói trên đây, sau khi đã phê-bình xong trên trời, thì phải bắt đầu phê-bình dưới đất. Trong dự-định đó, Marx đã mời Feuerbach cộng-tác hoạt-động chính-trị với ông. Feuerbach không hưởng-ứng, và từ đó hai người tuyệt-giao. Feuerbach cho rằng việc phê-bình tôn-giáo vẫn chưa xong hẳn, cho nên ông tiếp-tục suy-nghĩ và xuất bản thêm hai cuốn sách nữa là: Giáo-trình về bản-chất của tôn-giáo (Vorlesungen über das Wesen der Religion, 1851), và Nguồn gốc phát-sinh ra thần-linh (Theogonie, 1857).
Nhưng nếu những người đi sau Feuerbach, không thể phê-bình thêm về tôn-giáo nữa, thì ít ra cũng có thể phê-bình hay hơn. Trong phần dẫn-nhập vào tác-phẩm của Marx được dịch ra Pháp-văn, và in trong bộ Tác-phẩm (Oeuvres, tập I, Tủ sách Pléiade, Nxb Gallimard), Maximilien Rubel có cho biết rằng: “Vào năm 1840, trong lúc soạn luận-văn tiến-sĩ, Marx có ý-định viết mấy bài có tính-cách vừa bút-chiến vừa hài-hước, để chống lại khuynh-hướng hòa-giải tôn-giáo và triết-học, đang được một nhóm người ở đại-học chủ-trương’’ (tr LIX-LX). Những bài như thế rõ-ràng là để chống lại các đồ-đệ của Hegel, vì Marx cho rằng hệ-thống triết-học của Hegel đã cho tôn-giáo được một chỗ cuối cùng để tị-nạn.
Cũng vào thời đó, Bruno Bauer đang sửa soạn một bài bút-chiến nhan đề là Cái loa thổi ngày phán-xét chung để chống lại Hegel là vô-thần và là quỉ-sứ, mà phần thứ nhất phải được in ra muộn nhất là vào tháng 11 năm 1841. Còn phần thứ hai thì đã dự-tính là Marx phải viết, mà viết về quan-niệm của Hegel về tôn-giáo. Vấn-đề là giải-thích rằng Hegel coi tôn-giáo là một hiện-tượng riêng của tự-kỷ-ý-thức đang phát-triển. Người ta còn thấy dấu-vết ý-kiến đó trong phần phụ-lục luận-văn của Marx, mà ta đã nhắc tới trên đây. Thế nhưng sau khi phần thứ nhất bị chính-quyền cấm, thì phần thứ hai cũng phải đình lại. Cuối tháng giêng năm 1842, lại dự-tính để Marx viết phần thứ hai, nhưng gọi tên khác đi là Học-thuyết Hegel về tôn-giáo và nghệ-thuật, được phê-bình theo quan-điểm của người tín-hữu, do b.m. viết. Nhưng bài đó không thể xuất-bản ở Leipzig được vì bị kiểm-duyệt ở nước Sachsen (Saxe). Marx lại tính nhờ Arnold Ruge đem đi xuất bản ở Thụy-sĩ. Nhưng Ruge cho biết là muốn thế phải viết lại tất cả. Rốt cục thì việc đó phải bỏ hẳn, vì Marx vừa được nhận làm chủ bút cho tờ báo Rheinische Zeitung (Nhật-báo miền sông Ranh), cho nên không còn thì-giờ viết lại.
Thế là Marx không bao giờ viết ra được cuốn sách Phê-bình tôn-giáo. Nhưng tài liệu, nếu chưa đủ thì cũng đã sẵn cả rồi.
0.2 - Nhìn tổng-quát về các tài-liệu của Marx
Đọc mấy trăm trang ghi-chú của Marx về tôn-giáo, chúng ta biết rõ hơn về những tài-liệu ông thâu-lượm, về ý-định của ông trong việc chọn tác-giả nào nên đọc, chọn đoạn văn nào nên chép.
Những bản văn mà Marx đã đọc và chép lại bằng chính-văn hay là bằng bản dịch ra tiếng Đức thì bây giờ được in trong MEGA, loại IV, tập 1, cuốn 1. Còn những bản văn tiếng Hi-lạp và tiếng La-tinh, ví dụ như của Spinoza, thì nhà xuất-bản đã cho dịch sang tiếng Đức và in trong tập 1, cuốn 2; nghĩa là những bản văn trong cuốn 2. Không phải là chính văn, cũng không phải là văn của Marx, cho nên có thể có chỗ dịch sai, như ta sẽ thấy sau này.
Những đoạn văn được chép lại và những ghi-chú của Marx có thể xếp thành hai loại.
Loại thứ nhất nằm trong bảy cặp vở và gồm những tài-liệu để soạn luận-văn tiến-sĩ. Loại này thì ta đã biết từ lâu, vì đó là phần phụ-lục của luận-văn tiến-sĩ, đã được xuất-bản lần đầu tiên, năm 1927, trong bộ MEGA cũ, loại I, tập 1, cuốn 1, tr 84-144, nhưng không đầy-đủ, vì chỉ in những ghi-chú của Marx, còn những đoạn văn Marx đã chép lại thì không in, mà chỉ đề xuất-xứ mà thôi, Trong bộ MEGA mới thì cho in đầy đủ tất cả và in cả chính-văn nữa. Loại thứ nhất này có liên-quan tới triết-học duy-vật, và cho ta thấy lộ-trình đưa Marx tới lập-trường vô-thần.
Loại thứ hai gồm những bản văn chép và ghi-chú trong những năm 1839-1842, về triết-học tổng-quát, về lịch-sử nghệ-thuật và về lịch-sử tôn-giáo.
Nói chung thì Marx tham-khảo khá rộng. Có điều đáng chú-ý là Marx không đọc sách các nhà thần-học đạo Thiên-Chúa. Phải chăng là vì ông nghĩ rằng theo học được mấy bài giáo lý ở trung-học cũng là biết quá đủ rồi ? Phải chăng là vì vào thời Marx, nhiều nhà thần-học không phân-biệt được thần-học với triết-lý về tôn-giáo ? Cho đến nỗi Feuerbach chủ-trương thần-học và vô-thần cũng chỉ là một.
Nói cho đúng thì trong những ghi-chú này, Marx chỉ để ý đến triết-lý về tôn-giáo và lịch-sử các tôn-giáo mà các tác-giả viết vào thời thượng-cổ Hi-lạp và La-tinh, vào thời Cận-đại và người đương-thời với ông, và bỏ hẳn ra hơn một nghìn năm thời Trung-cổ.
Sau đây ta sẽ căn-cứ vào các thời-đại, các sách mà Marx đã chọn, đã đọc, đã chép và đã ghi-chú, để xét lộ-trình đã đưa ông đến vô-thần.
Gs. Trần Văn Toàn
Bài đăng ở tập san Định Hướng
(còn tiếp)