LỄ THĂM VIẾNG
Kỷ niệm sinh nhật trang blog
TÔNG ĐỒ SỐNG ĐẠO
2010-2012
TÔNG ĐỒ SỐNG ĐẠO
2010-2012
Lược sử:
Đây là một ngày lễ được thiết lập trễ, trong
khoảng thế kỷ 13 hay 14. Ngày lễ này được thiết lập trong toàn Giáo Hội để cầu
nguyện cho sự hiệp nhất. Chỉ mới đây, ngày cử hành lễ được ấn định theo sau Lễ
Truyền Tin vào tháng Ba và trước lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào tháng
Sáu.
Cũng như mọi lễ khác về Đức Maria,
lễ này có liên hệ chặt chẽ với Đức Giêsu và công trình cứu chuộc của Người. Các
nhân vật chính trong cuộc thăm viếng (xem Luca 1:39-45) là Đức Maria và bà
Êlidabét. Tuy nhiên, tiềm ẩn ở đằng sau là Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Đức
Giêsu đã làm Gioan Tẩy Giả nhẩy lên vì vui mừng -- niềm vui cứu độ của Đấng
Thiên Sai.
Ngược lại, bà Êlidabét được tràn đầy Chúa Thánh Thần và cất
lời ca tụng Đức Maria -- mà những lời này còn vang vọng qua các thế hệ. Bà ca
tụng Đức Maria vì đã tín thác vào công trình của Thiên Chúa. Sau đó là kinh
Ngợi Khen. Ở đây, chính Đức Maria (cũng như Giáo Hội) đã nhận biết sự cao trọng
của mình là do Thiên Chúa.
***
SUY NIỆM
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Hiệp nhất
Ngày lễ này được thiết lập trong
toàn Giáo Hội để cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Trong Kinh Cầu Đức Bà, có lời xưng
tụng Đức Maria là "Hòm Bia Giao Ước." Như Hòm Bia Giao Ước
thời xa xưa, Đức Maria đã giúp Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của mọi
người để dẫn đưa mọi người trở về một mối.
Như Hòm Bia giúp kết hợp 12 dòng
họ Israel
vì được đặt trong thủ phủ của Đavít thì Đức Maria cũng có sức mạnh kết hợp mọi
Kitô Hữu trong Con của ngài. Hiện nay, việc sùng kính Đức Maria đã có những
chia cách, nhưng hy vọng rằng việc sùng kính đích thực sẽ dẫn đưa mọi người đến
Đức Kitô vốn là nguyên lý hiệp nhất, và từ đó đến với nhau.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ
đến với Chúa mà còn quyết tâm thực hiện di chúc của Chúa là ước gì họ được nên
một.
Suy niệm 2: Cứu chuộc
Lễ Thăm Viếng này có liên hệ chặt
chẽ với Đức Giêsu và công trình cứu chuộc của Người.
Với sự hiện diện của Thai Nhi
Giêsu trong cung lòng trinh khiết của Đức Maria nhân cuộc thăm viếng, niềm vui
cứu độ của Đấng Thiên Sai đã đến với gia đình người chị họ: Gioan Tiền Hô được
ơn khỏi tội nguyên tổ, bà Êlidabét được tràn đầy Thánh Thần và sau đó ông
Dacaria được hết câm.
Với cái chết trên thập giá của Đức
Giêsu, niềm vui ơn cứu độ đã đến với toàn thể gia đình nhân loại và cả thế
giới: cửa thiên đàng vốn đóng sau tội nguyên tổ nay đã được rộng mở, con người
đã được giao hòa với Thiên Chúa và cả vũ trụ.
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về
hồng ân cứu độ, xin giúp chúng con đừng bao giờ làm gì lãng phí công ơn cứu
chuộc của Chúa.
Suy niệm 3: Thăm viếng
Các nhân vật chính trong cuộc thăm
viếng là Đức Maria và bà Êlidabét. Tuy nhiên, tiềm ẩn ở đằng sau là Đức Giêsu
và Gioan Tẩy Giả.
Trong đời thường không thiếu những
cuộc thăm viếng, dầu vai trò có rhể khác nhau hoặc là khách được mời thậm chí
khách đến đột xuất hoặc là chủ tiếp đón.
Dầu được mời với tư cách là thượng
khách, chúng ta cũng hãy có thái độ hòa nhã và đón nhận tất cả những gì chủ nhà
tiếp đãi chứ đừng đòi hỏi (Lc 10,8). Là khách bất đắc dĩ và hơn nữa dầu là một
ân nhân, thì cũng hãy bình tĩnh và yên lặng ra đi nếu bị từ chối, chứ đừng có
thái độ phản kháng (Lc 8,37;9,53-56).
Là chủ nhà, hãy luôn tỏ ra hiếu
khách đến mức nhịn miệng đãi khách, dầu đang gặp phải tình cảnh nào. Là khách
viếng thăm hay chủ nhà tiếp đón, hãy cố vượt ra khỏi chính bản thân mình, để
nhận ra sự hiện diện ẩn tàng bên trong mỗi người là chính Chúa mà cư xử cho
thật phải đạo (Mt 25, 31-46).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sử dụng
những cuộc thăm viếng như những cuộc hạnh ngộ tràn đầy ơn Chúa.
Suy niệm 4: Nhẩy lên
Đức Giêsu đã làm Gioan Tẩy Giả
nhẩy lên vì vui mừng.
Nhẩy lên cũng là một cách biểu lộ
niềm phấn khích vui mừng tột đỉnh đang ứ tràn tâm trí. Được lãnh nhận một cách
nhưng không hồng ân khỏi tội nguyên tổ ngay đang còn là thai nhi trong dạ mẹ do
cuộc hạnh ngộ diệu kỳ với Thai Nhi Giêsu, thử hỏi làm sao Gioan Tẩy Giả không
nhẩy lên vì vui mừng.
Không phải Gioan Tẩy Giả vì còn là
thai nhi bé bỏng nên nhẩy lên vì vui mừng, mà ngay cả một người lớn tuổi với
chức vụ hoàng đế như một vua Đavít mà cũng biểu lộ niềm vui tột cùng bằng việc
nhẩy múa, trong biến cố rước Hòm Bia Giao Ước về Giêrusalem bất chấp phản ứng
của Mikhan con vua Saun (2Sm 6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm
nghiệm được niềm hân hoan vui sướng trước tình thương tha thứ của Chúa.
Suy niệm 5: Ca tụng
Bà Êlidabét được tràn đầy Chúa
Thánh Thần và cất lời ca tụng Đức Maria.
Cần biết rằng chúng ta không có
tài liệu tường thuật chi tiết về cuộc thăm viếng này. Đúng hơn, Thánh Luca, lên
tiếng thay cho Giáo Hội, đã dùng một bài thơ có tính cách cầu nguyện để diễn tả
lại biến cố này. Lời bà Êlidabét ca tụng Đức Maria là "mẹ của Chúa
tôi" có thể coi như sự sùng kính của Giáo Hội thời tiên khởi đối với Đức
Maria.
Như tất cả sự sùng kính Đức Maria
đích thực, những lời đầu tiên của bà Êlidabét (cũng như của Giáo Hội) là ca
tụng Thiên Chúa vì những gì Người đã thể hiện nơi Đức Maria. Kế đến, bà mới ca
tụng Đức Maria vì đã tín thác vào công trình của Thiên Chúa. Sau đó là kinh
Ngợi Khen. Ở đây, chính Đức Maria (cũng như Giáo Hội) đã nhận biết sự cao trọng
của mình là do Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ
dùng miệng lưỡi mà cả đời sống để ca tụng Thiên Chúa.
Suy niệm 6: Tín thác
Bà Êlidabét ca tụng Đức
Maria vì đã tín thác vào công trình của Thiên Chúa.
"Được thúc giục bởi lòng
bác ái nên Đức Maria đã đến nhà người bà con... Trong khi mọi lời của bà Êlidabét
đều đầy ý nghĩa, lời sau cùng của bà dường như quan trọng hơn cả: 'Phúc cho ai
tin rằng lời Chúa nói với họ sẽ được thể hiện' (Luca 1:45). Những lời này có
thể liên hệ đến danh xưng 'đầy ơn phúc' mà thiên sứ đã chúc tụng.
Cả hai đoạn này tiết lộ một
nội dung căn bản về Thánh Mẫu Học, có thể nói là chân lý về Đức Maria, là người
đã trở nên thực sự hiện diện trong mầu nhiệm của Đức Kitô chỉ vì ngài 'đã tin.'
Ơn sủng đầy tràn mà thiên sứ loan báo có nghĩa là chính Thiên Chúa. Đức tin của
Đức Maria, được bà Êlidabét xưng tụng trong cuộc thăm viếng, cho thấy Đức Trinh
Nữ Nagiarét đã đáp ứng thế nào với ơn sủng này" (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,
"Mẹ Đấng Cứu Chuộc," 12).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu
niềm tin để xứng đáng lãnh nhận muôn hồng ân Chúa hằng ban.