Suy niệm hạnh thánh _ 29/4


Thánh CATARINA SIENA
 (1347-1380)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Đức Kitô. Điều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.
Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có 23 người con. Ngay từ khi 7 tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Đức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Đa Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Để nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Đa Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng 2 năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.
Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.
Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.
Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Đa Minh năm 1374.
Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Đền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.
Cô được Đức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Đức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.
Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Đối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.
Suy niệm 1:  Phó thác
Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Đức Kitô.
Một thực tế vẫn luôn được tiếp diễn trải qua bao thời đại và trên khắp thế giới, đó là một con người càng nhỏ bé đến mức như một hài nhi mới sinh hoàn toàn bất lực để rồi phải hoàn toàn phó thác vào cha mẹ thì nó lại càng được an toàn và đầy đủ.
Ngược lại giáo sử sơ khai cho hay nguyên tổ Adong và Evà vốn là thụ tạo của Thiên Chúa. Họ đang được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc sung túc trong bàn tay chăm sóc chu đáo của Thiên Chúa toàn năng, thế nhưng họ đã đánh mất tất cả đến mức trần truồng, một khi họ đã muốn sống tự lập không còn muốn phụ thuộc và phó thác vào Thiên Chúa nữa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học gương thánh nữ để coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.
Suy niệm 2:  Ý chí
Khi lớn lên Catarina bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn.
Để nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Đa Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu.
Đức Giêsu cũng là nhân vật có ý chí kiên quyết nỗi bật. Thật vậy, mặc dầu biết rõ đi lên Giêrusalem là dấn bước vào tử lộ vì thế tông đồ Phêrô đã mạnh dạn lên tiếng cản ngăn (Mt 16,22), nhưng Đức Giêsu vẫn đi đầu tiến lên (Lc 19,28). Và trên đường thập giá, dầu phải ngã quỵ xuống đất ba lần nhưng Ngài vẫn gượng dậy và dũng cảm tiến lên đón nhận bản án tử hình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đứng vững, lòng không nao núng và làm chủ được ý chí của mình (1Cr 7,37).
Suy niệm 3:  Khắc khổ
Catarina tu luyện tâm linh qua lối sống khắc khổ.
Lối sống khắc khổ của Catarina mang một sắc thái thật đặc biệt. Trong vòng 2 năm liên tiếp, cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai trừ cha giải tội. Và rồi sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo.
Sự khắc khổ của Đức Giêsu không chủ ở việc ăn châu chấu và uống mật ong rừng cũng như mặc áo lông lạc đà như một Gioan Tẩy Giả, nhưng chủ yếu ở việc phục vụ tha nhân theo các nhu cầu của họ không quản nhọc nhằn thậm chí hy sinh cả giờ ăn uống giờ ngủ nghỉ (Mc 1,32-33;3,20).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống khắc khổ theo hướng luôn tỉnh thức, để không sa vào chước cám dỗ ma quỷ hằng rình chực như sư tử ăn tươi nuốt sống chúng con (1Pr 5,8).
Suy niệm 4:  Thinh lặng
Catarina vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.
Thoạt đầu cô khai thác và phát huy sự thinh lặng ngoại giới bằng cách trong vòng 2 năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và đồng thời cô cũng không nói chuyện với một ai trừ cha giải tội.
Từ sự thinh lặng ngoại tại, cô đã khám phá thấy một sự thinh lặng căn bản và quan trọng hơn nhiều, đó là sự thinh lặng nội tâm, vì với sự thinh lặng này, thì cô có thể ở bất cứ đâu chứ không hẵn phải ở trong phòng đóng kín thì vẫn sống kết hiệp với Chúa được, vì thế cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luyện tập bằng được lối sống thinh lặng nội tâm, để có thể kết kiệp với Chúa ở bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.
Suy niệm 5:  Dèm pha
Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha.
Cách tốt nhất để vượt qua và chiến thắng những lời thị phi, đó là kiên vững chứng minh giá trị năng lực của mình. Chính nhờ sống thế mà qua thời gian mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Đa Minh năm 1374.
Cô còn có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.
Cô thành công trong việc thuyết phục Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Đức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Đại Ly Giáo bùng nổ, Đức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Đức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Đền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dũng cảm chấp nhận lối sống dầu bị người đời hiểu lầm đến mức cười chê và dèm pha chứ không bị Chúa chê cười.
Suy niệm 6:   Ngất trí
Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi Catarina ngất trí.
Catarina chuyên chăm cầu nguyện và chiêm niệm đến mức ngất trí. Nhờ ngất trí mà một tác phẩm thời danh đã ra đời, đó là tác phẩm "Đối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ.
Một thị kiến cũng đã xảy ra. Catarina đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Đền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên chăm cầu nguyện và chiêm niệm với sự thinh lặng nội tâm, không để được ngất trí, nhưng để được cảm nghiệm hồng phúc được kết hiệp với Chúa.