NgưỜi MỤc TỬ Nhân Lành
Cv 4,8-12;
1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Phúc
Âm: Ga 10, 11-18
Khi ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt
lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên
không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ
bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và
chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta,
và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng
sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên
đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên
và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy
lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền
thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha
Ta".
Suy
Niệm:
Bài Tin Mừng Chúa nhật 4 Phục sinh năm nào cũng nói về Chúa Kitô
mục tử. Do đó ngày ấy đã được chọn làm ngày ơn thiên triệu để tất cả chúng ta
suy nghĩ về vai trò chăn chiên ở trong Hội Thánh, và hành động để Hội Thánh
luôn được thêm nhiều mục tử tốt. Nếu thế thì chúng ta cũng như bị bó buộc phải
đi từ bài Tin Mừng để tìm hiểu, bởi vì chính nó đã ban cho ngày hôm nay ý nghĩa
như chúng ta vừa nói.
1. Người Mục Tử Tốt
Phụng vụ hôm nay chỉ lấy tám câu trong tác phẩm của Gioan làm
bài Tin Mừng. Những câu này nằm trong bài nói chuyện khá dài của Ðức Giêsu với
người Do-thái. Dĩ nhiên nếu biết những câu trước và sau, chúng ta sẽ dễ hiểu
tám câu này đầy đủ hơn. Nhưng không sao, đây là những câu cao điểm của bài nói
chuyện. Những câu khác phải quy về đoạn quan trọng này; còn chính nó không cần
những câu kia cũng đã đủ nghĩa.
Như thế có nghĩa là những câu Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc là
những câu nói rất súc tích. Ðức Giêsu khẳng định rõ rệt: Ngài là người mục tử
tốt, tức là người chăn chiên tốt. Chúng ta khoan tìm hiểu ý nghĩa của tĩnh từ
"tốt" ở đây. Hãy bắt đầu để ý đến tính cách tuyệt đối của lời khẳng
định. Ðức Kitô không xưng mình là "một" mục tử tốt. Câu nói của Người
gạt bỏ hẳn mọi mục tử khác sang bên đối diện và đối lập. Mục tử tốt ở đời này
chỉ có một mà thôi: đó chính là Người. Mọi kẻ khác chỉ chăn thuê nên không thể
tốt được.
Thật ra, muốn hiểu hết ý của Người, co lẽ chúng ta phải trở lại
nhiều đoạn sách Cựu Ước và đặc biệt đoạn 34 sách Êzêkiel. Ở đó Giavê Thiên Chúa
phàn nàn vì mọi kẻ Người đặt lên chăn dắt dân Người đều đã hà lạm, lợi dụng và
làm khổ dân. Hạng mục tử ấy, Người thôi không dùng nữa. Người sẽ lấy lại đàn
chiên của Người khỏi tay họ. Và chính Người sẽ đứng ra chăn dắt chiên. Với lời
tiên tri này dân Do-thái hết muốn gọi ai là mục tử. Họ chờ Ðấng Thiên Sai Cứu
thế đến. Người sẽ là vị mục tử duy nhất của họ, vì Người sẽ là hiện thân của
chính Yavê đến chăn dắt dân.
Hôm nay khi tuyên bố mình là người chăn chiên tốt. Ðức Giêsu
muốn nói Người chính là vị mục tử mà Êzêkiel đã loan báo và dân Chúa đang trông
chờ. Một lời tuyên bố như vậy nhất định phải gây nên một xúc động mạnh mẽ. Và
chắc chắn các đầu mục Do-thái sắp sửa phản đối con người dám tự phụ và lộng
ngôn như vậy, nếu Ðức Giêsu đã không nói tiếp nay một câu thứ hai để giải
thích.
Người quảng diễn: người chăn chiên tốt thí mạng mình vì chiên.
Quan niệm này hoàn toàn mới mẻ. Nó thu hút ngay sự chú ý của mọi người. Họ thấy
không có một chút tự phụ tự tôn nào trong ý tưởng của Người. Ngược lại, chỉ có
một quyết tâm hy sinh phục vụ và phục vụ cho đến chết. Vì Người đã nói luôn:
người chăn chiên tốt không như kẻ chăn thuê. Kẻ này thấy sói đến thì bỏ chạy
khiến soi tha hồ cấu xé chiên. Còn người chăn chiên tốt, sẽ thí mạng mình vì
chiên.
Ðức Giêsu thật rất tâm lý và tài tình... Người phân biệt kẻ chăn
thuê và người chăn tốt thật dễ dàng. Và đúng như Người phân tách: kẻ chăn thuê
bỏ chạy vì chiên không phải là của hắn. Hắn chỉ cần đồng lương chứ không màng
gì đến chiên. Nhưng dù sao câu nói của Người cũng còn một nét khó hiểu. Tại sao
Người nói đến việc "thí" mạng vì chiên? Tại sao không dùng từ
"liều" mạng cho dễ hiểu? Vì người có chiên thấy sói đến chắc vẫn ra
sức đánh đuổi sói đi và như thế một phần nào phải liều mạng. Ðó có thể nói là
lẽ thường. Nhưng đàng này, Người không nói "liều mạng" và là
"thí mạng", việc có lẽ chưa và chẳng bao giờ thấy xảy ra trong xã
hội, vì mạng sống con người không quý hơn cả một đàn chiên hay sao? Phải, nếu
hiểu thí mạng là nộp mạng để chết và chết mãi vì chiên thì không hiểu được. Lời
nói của Người hẳn phải có ý nghĩa rất đặc biệt. Chúng ta cần kiên nhẫn nghe
Người giải thích thêm.
Thật ra khi nói người chăn chiên tốt thí mạng mình vì chiên, Ðức
Giêsu đã có hai ý tưởng. Cả hai đã được giải thích không đồng đều khi Người gợi
lên hình ảnh kẻ chăn thuê bỏ chiên mà chạy khi sói đến. Nó làm như vậy vì chiên
không phải của nó. Thế nên người chăn chiên tốt trước hết phải là chủ chiên và
chiên là của người ấy. Ý tưởng này không cần bàn thêm. Nhưng để giải thích ý
tưởng sau, ý tưởng thí mạng vì chiên, hình ảnh kẻ chăn thuê bỏ chạy đã tỏ ra
không đủ. Và nguyên việc "có" chiên làm của mình cũng không giải
thích thỏa đáng được. Không phải hễ là "chủ" chiên là làm được đó.
Ngược lại, chỉ có chủ chiên độc nhất vô nhị mới nghĩ đến chuyện thí mạng vì
chiên.
Thế mà Ðức Giêsu xưng mình có khả năng ấy, vì Người là chủ chiên
độc đáo. Người là vị mục tử mà Thiên Chúa đã hứa và toàn dân đang trông đợi.
Không những Người khác kẻ chăn thuê mà còn khác mọi chủ chăn. Nhưng khác ở chỗ
nào?
Ðức Giêsu nói: Người biết chiên của Người. Và "biết" ở
đây có một ý nghĩa rất đặc biệt. Không phải chỉ dựa vào Cựu Ước mà hiểu, nhưng
còn phải hiểu theo cách của Gioan nữa. Theo Cựu Ước, "biết" không
những là thấu suốt mà còn thân mật và thắm thiết như trai gái và vợ chồng biết
nhau. Còn theo Yoan thì "biết" có ý nghĩa cuối cùng là có cái nhìn và
tình yêu của chính Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhau, như "Cha biết Ta và Ta
biết Cha", theo lời của chính Ðức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.
"Biết" như vậy là một lòng, một trí với Ðức Chúa Cha. Mà ý của Chúa Cha
là cứu độ và cứu thế. Ngôi Con biết như vậy nên đã xuống thế để cứu đời, và cứu
bằng việc thí mạng sống mình vì chiên. Ðó là sự biết đầy yêu mến và việc thí
mạng này hoàn toàn tự nguyện. Không phải để chết mãi mãi, nhưng để rồi lấy lại,
khiến ý tưởng "thí mạng" ở đây có một ý nghĩa rất đặc biệt, mà không
quan niệm nào trong xã hội loài người diễn tả được. Muốn hiểu chúng ta phải tin
vào lời Ðức Giêsu, là lên tới kế hoạch thâm sâu của Thiên Chúa.
Người đầy lòng xót thương nhân loại bơ vơ như đàn chiên không
người chăn. Hơn nữa chiên của Người là nhân loại còn đang ở trong tay ác thần
và tử thần. Ðức Giêsu là mục tử tốt đến, sẽ tự thí mạng chết, để giải thoát kẻ
đã chết trong tội lỗi khi Người sống lại, hầu từ nay chiên của Người được sống
và sống dồi dào. Ðó là việc Người sẽ làm trong mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh.
Ngay bây giờ, đang khi nói chuyện với người Do-thái, Người đã
thấy trước có những chiên đã thuộc về Người rồi. Ðó là đoàn môn đệ. Nhưng Người
còn nhìn xa hơn và nói: còn những chiên khác nữa, chưa thuộc ràn (môn đệ này),
Người cũng phải chăn dắt.
Bằng cách nào và nhờ ai?
Bài sách Công vụ Tông đồ sẽ trả lời cho chúng ta.
2. Các Chủ Chăn Tốt
Phêrô và Gioan hôm ấy bị điệu đến trước tòa án Do-thái vì những
tội: chữa lành một người què, rồi giảng Danh Ðức Giêsu cho dân, khiến nhiều kẻ
nghe lời mà tin. Họ đã thực hiện lời Ðức Giêsu nói trong bài Tin Mừng. Người
bảo, những chiên chưa ở trong ràn (các môn đệ), sẽ nghe tiếng Người và sẽ theo
Người, khiến Người cũng sẽ là chủ chiên chăn dắt họ.
Nhưng để họ nghe được tiếng Người, đã phải có Phêrô và Gioan
được sai đi giảng Lời Chúa. Phải có nhiều tông đồ đi rao giảng nữa thì cả nhân
loại mới thật sự trở nên một đàn chiên theo một chủ chiên. Vì thế ngày Ơn Thiên
Triệu trước hết là ngày cầu nguyện và hành động để có nhiều, có thêm, thêm nữa
số các tông đồ. Con người ngày nay càng không muốn nghe Tin Mừng thì lại càng
phải có nhiều người rao giảng để nói mãi, nói hết mọi khía cạnh của Tin Mừng và
nói với hết mọi người, mọi nơi, mọi khía cạnh trong đời sống, để không ai có
thể nói mình chưa được nghe giảng Tin Mừng.
Và muốn giúp người ta dễ bắt được Tin Mừng, số đông các tông đồ
chưa đủ. Còn phải là những tông đồ có tư cách và khả năng nữa, mà Phêrô với Gioan
trong bài sách Công vụ hôm nay là những tấm gương sáng ngời.
Hai người không những giảng khi được thong dong và ở trước mặt
toàn dân đang ngạc nhiên ngưỡng mộ vì phép lạ người què vừa được chữa lành. Họ
còn giảng hùng hồn, dạn dĩ hơn nữa trước tòa Dothái và chư vị đầu mục của dân
cùng hàng niên trưởng. Nói rằng họ đang thí mạng vì chiên thật không ngoa. Cứ
thử so sánh phiên tòa hôm nay với phiên tòa hôm xử Ðức Giêsu mà xem. Y hệt như
nhau. Trước đây người ta hỏi Ðức Giêsu: Ông lấy quyền gì mà làm như vậy? Bây
giờ người ta cũng hỏi Phêrô và Gioan " bởi quyền phép nào hay nhân danh
nào, các ngươi làm các điều ấy". Tòa chỉ chờ họ thưa: nhân danh Giêsu, để
khép tội, vì thưa như vậy là coi Giêsu là Thiên Chúa và là rơi vào đúng tội của
Ðức Giêsu vì Người đã bị kết án vì xưng mình là Con Thiên Chúa. Nhưng như Ðức Giêsu
đã không sợ chết, thì các tông đồ cũng đã không sợ thí mạng. Các ngài tuyên
xưng công khai rõ ràng Ðức Giêsu là cứu thế. Vụ án của Người đã được nói trước
trong Thánh Kinh, vì Người thật là viên đá đã bị thợ xây ném đi. Nhưng Thiên
Chúa đã nhặt lại, tức là đã cho Ðức Giêsu sống lại trở thành viên đá góc xây
lên đền thờ Thiên Chúa, khiến chỉ có Danh Người sẽ cứu được tất cả.
Phêrô và Gioan là những tông đồ sẵn sàng thí mạng mình vì danh
Ðức Giêsu, để giống như Người và kết hợp với Người trong mầu nhiệm cứu thế.
Tiếng của các ngài đã vang ra, đã được nghe, và nhiều người đã tin để trở về
ràn chiên Chúa.
Ước gì các tông đồ trong Hội Thánh chúng ta được như vậy. Ðó là
lời cầu nguyện thứ hai trong ngày Ơn Thiên Triệu. Chúng ta phải xin Chúa sai
thêm thợ gặt đến đồng lúa của Người. Nhưng cũng phải xin Người sai thêm nhiều
chủ chăn biết thí mạng vì chiên, có đầy mầu nhiệm Ðức Giêsu ở trong lòng và
luôn biết làm chứng cho mầu nhiệm Thánh giá là mầu nhiệm cứu độ.
Nhưng hàng ngũ chủ chăn được gọi từ lòng dân Chúa. Muốn có những
chủ chăn tốt theo gương mục tử tốt, dân Chúa phải là đàn chiên tốt. Bài thư Gioan
muốn nói với chúng ta điểm cuối cùng này trong ngày Ơn Thiên Triệu.
3. Các Chiên Tốt
Như Ðức Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng, chiên của Người thì
"biết" Người. Và như chúng ta đã nói ở trên, "biết" đây là
vươn lên tới kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa để một lòng một ý với Người. Thế
nên thánh Gioan hôm nay viết trong thư: hãy coi lòng mến lớn lao chừng nào Cha
đã ban cho ta. Phải, chiên tốt thì phải luôn suy nghĩ về lòng mến của Thiên
Chúa đối với mình, để "biết" Người, biết Người yêu ta đến nỗi đã ban
Con Một Người thí mạng vì Ta, để ta được gọi là con cái Thiên Chúa. Danh dự này
nhỏ lắm sao? Tất cả nếp sống xấu tốt của người tín hữu tùy ở việc biết và nhớ
mình là con cái Thiên Chúa.
Dĩ nhiên những người ở ngoài ràn chiên không biết được như vậy.
Họ không biết Chúa, nên cũng không biết chúng ta. Gioan nói như thế thật chí
lý. Họ nhìn chúng ta bằng con mắt của trần gian. Và con mắt xác thịt không nhìn
được những sự siêu nhiên. Phải đợi sau này khi mọi sự được tỏ hiện trong ánh
sáng mới của ngày Chúa trở lại, chăn tướng con cái Thiên Chúa mới tỏ hiện. Bấy
giờ người ta mới thấy chúng ta thật như Chúa.
Thế thì chúng ta hiện nay phải sống thế nào cho hợp với niềm tin
ấy? Thánh Gioan viết ra những điều đó để làm gì? Nếu chúng ta nhớ lịch sử, thì
hẳn ai cũng biết thời bấy giờ có nhiều phong trào tư tưởng muốn lôi kéo các tín
hữu. Nói chung họ mang danh là "Ngộ Thuyết", tức là các lý thuyết tự
phụ vạch ra được con đường dẫn đến sự hiểu biết đích thực về thượng đế, tức là
về hạnh phúc trường cửu của con người. Họ nói rằng ai theo họ có thể đạt được
hạnh phúc ngay ở đời này. Thế nên thánh Gioan phải viết thư cảnh giác tín hữu
của Người... Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta biết Người khi mạc khải tình yêu
thương của Người đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Ðó là sự "biết" thật
và là hạnh phúc thật, tuy bây giờ còn che giấu trong mầu nhiệm, nhưng thật sự
đã bắt đầu rồi. Chúng ta đừng tin ở một ngộ thuyết tức là một thuyết hiểu biết
nào khác.
Lời khuyên này không hoàn toàn vô ích cho chúng ta đâu. Nó lại
có khả năng vươn xa hơn, nhắc nhở chúng ta nhớ tới Thiên Chúa là Ðấng yêu
thương đã sai Con Một Người xuống thế thí mạng Người vì chúng ta và sai các
tông đồ của Người đến rao giảng Lời cứu độ để chúng ta được trở nên con cái
Thiên Chúa và sống trong ràn chiên của Người.
Giờ đây Người đưa chúng ta vào thánh lễ như vào đồng cỏ tốt tươi
để chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính thịt máu Người. Tất cả những điều này
không thắm thiết sao? Chúng ta muốn được mãi như vậy chăng? Nếu muốn, không
những chúng ta luôn phải là con chiên tốt, mà còn phải cầu nguyện hằng ngày và
giúp đỡ nhiệt tình để Chúa là mục tử tốt không bao giờ bỏ rơi đàn chiên nhưng
luôn cho Hội Thánh được thêm nhiều tông đồ tốt chăn dắt đàn chiên của Người.
Như vậy, ngày Ơn Thiên Triệu hôm nay mới ý nghĩa và kết quả.
Gm. Bartôlômêô Nguyễn
Sơn Lâm