Thánh PHANXICÔ ở PAOLA
(1416-1507)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Phanxicô sinh ở Paola, là một ngôi làng nhỏ bé của nước Ý, vào năm 1416. Cha mẹ ngài nghèo nhưng thánh thiện và khiêm
tốn. Vì hiếm muộn,
hai ông bà cầu xin Thánh Phanxicô Assisi cho một con trai. Khi lời cầu xin được
nhận, hai ông bà đặt tên con là Phanxicô, để tưởng nhớ vị thánh. Cậu bé theo
học trường của các tu sĩ dòng Phanxicô. Khi mười lăm tuổi, với sự đồng ý của
cha mẹ, Phanxicô đi vào hoang địa, sống trong một cái hang. Phanxicô muốn trở thành vị ẩn
tu và dành trọn cuộc đời cho Thiên Chúa mà thôi.
Khi ngài được hai mươi tuổi, một số thanh niên khác muốn
đến gia nhập với Phanxicô. Ngài phải bỏ hang và dân chúng ở Paola xây một nhà thờ và tu viện cho
ngài và các môn đệ. Ngài gọi tu hội của ngài là "Minims", có nghĩa
"người hèn mọn nhất."
Mọi người đều quý mến Phanxicô. Ngài cầu nguyện cho họ và
làm nhiều phép lạ.
Ngài dạy bảo các môn đệ phải sống tử tế và khiêm nhường, và hãm mình đền tội.
Chính ngài là gương mẫu
những gì ngài rao giảng. Có lần, một người đàn ông xỉ nhục Phanxicô ngay trước
mặt. Đợi khi ông này dứt tiếng, Phanxicô im lặng cúi xuống nhặt cục than hồng
và bóp chặt trong tay. Nhưng ngài không bị phỏng. Phanxicô nói với ông ấy:
"Hãy đến đây để sưởi ấm. Ông đang lạnh run vì ông cần chút bác ái."
Trước phép lạ đó, người đàn ông đã thay đổi thành kiến về Phanxicô.
Vua Louis XI của Pháp đã không sống một cuộc đời tốt lành.
Khi bị bệnh gần chết, vua cho gọi Phanxicô. Vì sợ chết, nhà vua muốn Phanxicô
làm phép lạ để chữa ông khỏi bệnh. Nhưng thay vào đó, thánh nhân đã dịu dàng
giúp đỡ người đàn ông yếu đuối này chuẩn bị một cái chết thánh thiện. Nhà vua
đã thay đổi tâm hồn. Ông đã chấp nhận cái chết và từ trần một cách êm thắm
trong tay của thánh nhân.
Thánh Phanxicô đã sống một cuộc đời lâu dài để ca ngợi và
mến yêu Thiên Chúa. Ngài từ trần khi 91 tuổi, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm
1507.
Suy niệm 1: Làng
Phanxicô sinh ở
Paola, là một ngôi làng nhỏ bé của nước Ý, vào năm 1416.
Một ngôi làng
được mọi người xem là nhỏ bé, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì không, vì từ đó
xuất hiện một thánh nhân mang lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho nhiều người,
đó là thánh Phanxicô.
Bêlem xưa cũng
được ngôn sứ nói đến: Ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là
nơi vị lãnh tục chăn dắt Ítraen sẽ ra đời (Mt 2,6). Nathanaen cũng đã có cái
nhìn trần tục đó: Từ Nadarét làm sao có cái gì hay được (Ga 1,46).
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng nhìn người và sự vật bằng con mắt trần
tục mà bằng con mắt của Thiên Chúa.
Suy niệm 2: Hiếm muộn
Vì hiếm muộn,
hai ông bà cầu xin Thánh Phanxicô Assisi cho một con trai. Khi lời cầu xin được
nhận, hai ông bà đặt tên con là Phanxicô, để tưởng nhớ vị thánh.
Một trong các
mục đích của đời sống hôn nhân là có con cái, vì thế tình trạng hiếm muộn vừa
là một khổ đau và đồng thời là một nỗi hổ nhục (St 30,23;Lc 1,23). Việc họ cầu
xin cho có con là một tâm trạng chung và dễ hiểu.
Nhưng trong kế
hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Người lại chọn những quý tử từ lòng dạ những
mẫu thân hiếm muộn ấy làm những dụng cụ lừng danh cho chương trình của Người
như một Ixaác từ Sara (St 11,30), một Giacóp từ Rêbêca (St 25,21), một Samuen
từ Anna (1Sm 1,5)... cũng như một Phanxicô.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ý thức rằng thà chết mà không con còn hơn có
những người con bất nghĩa (Hc 16,3).
Suy niệm 3: Hoang địa
Cậu bé theo học
trường của các tu sĩ dòng Phanxicô. Khi 15 tuổi, với sự đồng ý của cha mẹ,
Phanxicô đi vào hoang địa, sống trong một cái hang.
Tính hiếu động
thông thường của lứa tuổi mười lăm không cầm chân được chí hướng tu trì của
Phanxicô. Ngược lại ngài quyết chọn lối sống thinh lặng không bị chi phối bởi
cảnh náo nhiệt của chốn phồn hoa đô thị, nên tìm vào hoang địa sống trong một
cái hang.
Sự yên tịnh
ngoại diện là cần thiết nhưng không quan trọng bằng sự yên tịnh nội tâm. Bầu
khí thinh lặng của hang động trong hoang địa vẫn khó cầm cố được bao nhiêu hình
ảnh với những ý tưởng đột nhập vào tâm trí, nếu không để Chúa chiếm lĩnh toàn
diện.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn lưu giữ Chúa hiện diện mãi trong tâm
trí, để dù không có sự yên tịnh ngoại diện thì vẫn kiến tạo được sự yên tịnh
nội tâm.
Suy niệm 4: Từ bỏ
Khi Phanxicô
được hai mươi tuổi, một số thanh niên khác muốn đến gia nhập với Phanxicô. Ngài
phải bỏ hang và dân chúng ở Paola xây một nhà thờ và tu viện cho ngài và các
môn đệ.
Một điều kiện
tên quyết để theo làm môn đệ Chúa là phải từ bỏ hết những gì mình có (Lc 14,33).
Phanxicô đã thực hiện chí nguyện theo Chúa bằng việc từ bỏ gia đình, từ bỏ bản
tính hiếu động của tuổi 15, từ bỏ chốn đô thị để tìm vào nơi hoang vắng và ẩn
dật trong hang động.
Một thử thách
lớn lao lại đến, đó là việc quy tụ của một số thanh niên tràn đầy nhiệt huyết.
Phanxicô phải quyết định từ bỏ một điều căn bản nữa, đó là từ bỏ chính mình (Mt
16,24). Phanxicô rời bỏ ý định sống đơn độc trong hang, để chấp nhận sống thành
cộng đoàn với anh em khác trong một tu hội.
*
Lạy Chúa Giêsu, chúng con ca ngợi mẫu gương từ bỏ của Chúa đến hy sinh cả mạng
sống bằng cái chết trên thập tự giá (Pl 2,6-8).
Suy niệm 5: Gương mẫu
Phanxicô dạy bảo
các môn đệ phải sống tử tế và khiêm nhường, và hãm mình đền tội. Chính ngài là
gương mẫu những gì ngài rao giảng.
Mẫu gương sống
khiêm nhường của Phanxicô đã được thuật lại như sau:
Có lần, một
người đàn ông xỉ nhục Phanxicô ngay trước mặt. Đợi khi ông này dứt tiếng,
Phanxicô im lặng cúi xuống nhặt cục than hồng và bóp chặt trong tay. Nhưng ngài
không bị phỏng.
Phanxicô nói với
ông ấy: "Hãy đến đây để sưởi ấm. Ông đang lạnh run vì ông cần chút bác
ái." Trước phép lạ đó, người đàn ông đã thay đổi thành kiến về Phanxicô.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về giá trị hữu hiệu của mẫu gương,
để luôn sống nhiều hơn là nói.
Suy niệm 6: Phép la
Vua Louis XI của
Pháp đã không sống một cuộc đời tốt lành. Khi bị bệnh gần chết, vua cho gọi
Phanxicô. Vì sợ chết, nhà vua muốn Phanxicô làm phép lạ để chữa ông khỏi bệnh.
Phép lạ chữa
lành bệnh phần xác chỉ nhằm dẫn đến việc chữa lành bệnh tâm hồn. Đó cũng là
đường hướng Đức Giêsu đã từng thực hiện và dạy bảo trên bước đường rao giảng,
như việc chữa người bại liệt (Mt 9,1-8).
Chính vì thế,
thay vào đó, thánh nhân đã dịu dàng giúp đỡ người đàn ông yếu đuối này chuẩn bị
một cái chết thánh thiện. Nhà vua đã thay đổi tâm hồn. Ông đã chấp nhận cái
chết và từ trần một cách êm thắm trong tay của thánh nhân. Quả là một phép lạ
lớn lao hơn nhiều.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chủ yếu tìm đạt được chủ đích của phép lạ là
cải tà quy chánh, hơn là chạy tìm giá trị bên ngoài của phép lạ.