Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

lời Chúa cn ps _ niềm tin

Niềm tin  
Kết quả một cuộc điều tra mới đây tại Pháp cho thấy 84% người Pháp cho mình là người công giáo, nghĩa là có lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng chỉ có 32% là còn tin vào sự sống lại. Và người ta phỏng đoán đến năm 2020 thì con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nếu số liệu trên là sát với thực tế và điều phỏng đoán trên là đáng tin cậy, thì tình trạng niềm tin hôm nay quả là bi đát. Tại sao lại có hiện tượng ấy?
Phải chăng con người ngày nay quá quen với những kỹ thuật khoa học có thể kiểm chứng, để không còn nhạy cảm đủ với niềm tin, vốn khởi đi từ những cảm nghiệm. Hay nói theo kiểu thánh Phaolô: Vì quá mải mê những sự dưới đất đến nỗi không còn tha thiết với những sự trên trời. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.
Như chúng ta đã biết Phục Sinh là một biến cố quan trọng bởi vì không có nó thì niềm tin sẽ trở thành một việc luống công vô ích, thế mà biến cố quan trọng ấy chỉ được ghi nhận bằng một sự kiện đơn giản: Ngôi mộ trống rỗng. Thế nhưng điều đơn giản ấy nếu không là dấu chứng lịch sử để mà biện bạch thì lại là dấu chỉ mở về một thực tại khác. Đó là niềm tin Phục Sinh qua những chặng đường khám phá.
Thực vậy, từ khám phá đầu tiên về cửa mồ mở toang, khiến Mađalena phải hốt hoảng, tới khám phá tiếp theo về dây băng còn nguyên và khăn liệm được cuộn lại, khiến Phêrô phải kinh ngạc không nói nên lời, để rồi kết thúc bằng khám phá bất ngờ của Gioan khi ông nối kết những dấu chỉ kia với lời Kinh Thánh để làm bừng lên một cảm nghiệm mới và hết sức lạ lùng: ông đã tin.
Mồ rỗng và khăn liệm còn đó là gì nếu không phải là một dấu chỉ cho sự phục sinh theo Kinh Thánh. Thực vậy, Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng của vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối. Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân. Bởi đó không còn một cách nào khác hơn là Ngài đã phục sinh.
Từ đó, ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, còn là một biến cố làm nên lịch sử, vì biến cố ấy không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Ngài.