Tu đức

NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN
THẤM ĐẬM KHỔ ĐAU
1.
Hiện nay, thời sự thế giới về tôn giáo có nhiều bùng nổ. Riêng về công giáo toàn cầu tình hình cũng sôi động.
Tin tức về Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đang gây những tiếng vang. Có những rò rỉ chấn động Toà Thánh. Có những tin đồn về âm mưu sát hại Đức Thánh Cha. Có những phê phán gay gắt nhắm vào những người thân cận của Ngài. Với tuổi già, Ngài không khỏi đau khổ, do tinh thần trách nhiệm và lòng mến yêu Hội Thánh Chúa.
Tôi chia sẻ những đau đớn của Đức Thánh Cha. Tôi thấy tình hình phức tạp đang xảy ra cho Đức Thánh Cha cũng đang xảy ra một cách nào đó cho nhiều Đấng kế vị các thánh tông đồ tại Việt Nam hôm nay.
Với tâm tình hiệp thông sâu sắc, tôi cầu nguyện rất nhiều. Cầu nguyện của tôi càng ngày càng mang theo những khổ đau hồn xác. Cầu nguyện như thế có đẹp ý Chúa không? Tôi hỏi Chúa. Và Chúa trả lời tôi bằng cách đưa lòng trí tôi nhớ lại những lời cầu nguyện thấm đặm khổ đau rải rác trong Phúc Âm.
2.
Trước hết là những lời cầu đầy khổ đau của Chúa Giêsu.
Tác giả thư gởi Do Thái viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin Đấng có quyền cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Và khi bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người” (Dt 5,7-9).
Đoạn thánh thư trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Sở dĩ Chúa Giêsu đã “kêu van khóc lóc”, là vì Người “phải trải qua nhiều đau khổ”, do thân phận của con người, như mỏi mệt, đói khát, chán nản. Thêm vào đó là sự yếu đuối muốn trốn tránh thánh ý Chúa Cha. Như chính Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ trong vườn Cây Dầu: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái. Nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41).
3.
Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với nỗi sầu buồn lo âu, đau đớn. “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44).
Cũng trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với nỗi đau đớn băn khoăn ray rứt: “Cha ơi, nếu có thể, xin cho con khỏi chén đắng này. Tuy nhiên, xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha mà thôi” (Lc 22,42).
Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với nỗi đau khổ cô đơn cực độ. “Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma-xa-bác-tha-ni! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc 15,34).
4.
Như thế, cầu nguyện của Chúa Giêsu đã mang nặng nhiều đau đớn. Những đau đớn ấy làm chứng rằng: Người chia sẻ những đau đớn của tôi, và của chúng ta. Như thánh Phaolô viết: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta. Vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện, cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).
Chúa Giêsu khi chịu mọi thứ đau khổ, đã dâng những đau khổ đó lên Chúa Cha, để đền tội cho tôi và cho nhân loại. Chúa Cha đã nhận lời Người. Một điều rất đạo đức mà Chúa Cha đã nhận lời Người, và là điều đẹp ý Chúa Cha nhất, chính là: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha mọi đàng” (Lc 22,42).
Tuy, bị chìm trong biển khổ, Đức Giêsu chỉ xin được vâng theo ý Chúa Cha. Đó là một lời cầu đầy khiêm tốn, đầy phó thác, nhất là tuyệt đối hiếu thảo đối với Chúa Cha.
5.
Tới đây, tôi thấy cầu nguyện với những nỗi đau buồn là thứ cầu nguyện có giá trị. Chính Chúa Giêsu đã làm chứng điều đó.
Khi suy gẫm những lời cầu mang nặng khổ đau trên đây của Chúa Giêsu, tôi nghe Chúa hỏi tôi hai điều:
1/ Chúa đã cầu nguyện và đau khổ, để đền tội cho con và cho nhân loại. Còn con, đối với tội lỗi, con có ghê tởm, có sám hối, và có phấn đấu chống lại tội lỗi không?
2/ Chúa đã cầu nguyện và đau khổ, để chia sẻ những nỗi bất hạnh của con người. Còn con, đối với những gì đang gây nên thảm cảnh cho nhiều người, như nạn đói, bệnh tật, nghèo túng, độc ác, chiến tranh, bạo lực, hận thù, vv..., con đã khổ đau thế nào? Con có mang chúng vào lòng, để kéo từ sự ác ra sự thiện, nhờ cầu nguyện và hy sinh không?
6.
Bây giờ, nhìn sang Đức Mẹ Maria, tôi thấy Đức Mẹ cũng muốn nói với tôi về cuộc đời của Đức Mẹ: Một cuộc đời cầu nguyện và hy sinh.
Phúc Âm thánh Luca ghi lại lời tiên tri Siméon đã nói với Đức Mẹ, dịp Đức Mẹ dâng Hài nhi Giêsu cho Thiên Chúa trong đền thờ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thấu trên hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra” (Lc 2,34-35).
Tôi rùng rợn trước lời tiên tri nói: “Chúa Giêsu là một dấu hiệu bị người đời chống báng”. Lý do là vì sự độc ác của con người.
Tôi run sợ trước lời tiên tri nói: “Chúa Giêsu sẽ là duyên cớ để nhiều người phải vấp ngã”. Lý do là vì sự cứng lòng của con người.
Tôi có cảm tưởng là Đức Mẹ còn đau khổ vì những lời đó hơn tôi nhiều. Đau khổ của Mẹ được tiên tri ví như một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn. Đức Mẹ đã cầu nguyện trong đau khổ sâu xa.
Những cầu nguyện và đau khổ ấy chính là cái giá phải trả, để Mẹ trở thành người cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.
7.
Đức Mẹ sầu bi cho tôi thấy hiện nay Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người cũng đang là cớ vấp phạm cho nhiều người, luôn bị một số người chống báng.
Tình hình như thế có thể đang trở nên tồi tệ ở một số nơi trên thế giới. Nếu chúng ta không thể cản được những biến chuyển tồi tệ đang tiếp tục phát triển, thì chúng ta phải phấn đấu rút ra được cái tốt từ những cái xấu. Phấn đấu, mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ dạy chúng ta, là hãy cầu nguyện và hy sinh.
Với tất cả sự khiêm tốn, tôi nhìn vào Hội Thánh Việt Nam hôm nay, tôi phải tạ ơn Chúa, vì nhiều người môn đệ Chúa đang cầu nguyện và hy sinh. Họ có thể nói như thánh Phaolô xưa: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, thì tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích của thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
+ GB. Bùi Tuần