Nhân bản Kitô giáo _ tôn trọng và tự trọng

BÀI 17: TRƯỞNG THÀNH (tt)

Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. (1Cr 13, 11).

Tôn trọng và tự trọng

30/17: Khi tiếp nối sứ mệnh của người khác, để thành công, ta phải:
1-   Tỏ ra biết ơn người tiền nhiệm, chớ khi nào làm mất uy tín người đi trước.
2-  Khiêm tốn lắng nghe mọi người, biết lựa chọn điều tốt người ta đề nghị, biết loại trừ điều xấu trong quá khứ còn tồn tại, nhưng phải cách khôn khéo và tế nhị.
3-  Muốn thay đổi để thăng tiến, phải họp những người có trách nhiệm và đưa ra những điểm mới tích cực, có tính cách thuyết phục mọi người.
4-   Khi ta đã quyết định làm điều gì, phải tự tin nếu không có người cộng tác, chỉ mình ta độc diễn, vẫn thành công.
5-  Khi ta làm việc gì, phải nhắm làm cho hoàn tất, đừng để việc ấy trở nên gánh nặng cho người sau.
31/17: Muốn sửa tật xấu người khác, trước đó ta nên khen những điểm tích cực của họ.
32/17: Đừng sợ cách chết dữ, hãy sợ cách sống dữ. Bởi vì nếu sống dữ, ắt chết dữ, dù cách chết lành; nếu sống lành, ắt chết lành, dù cách chết dữ! (Thánh Augustin).
33/17: Đến ở nhà ai, phải cảm thấy người ta cần mình, mà mình cũng phải cần người ta, đừng để người ta miễn cưỡng đón tiếp mình, là con người thiếu tự trọng.
34/17: Muốn tiến thân, đừng để mình thua kém người xung quanh, khi ta có cùng một điều kiện như họ. Thánh Phanxico nói: “Ông kia bà nọ nên thánh được, sao tôi lại không?”
35/17: Luôn sống trong hy vọng, là nghị lực giúp ta tiến thân. Thánh Phao-lô nói: “Ơn cứu độ đến với ta như một hy vọng, hy vọng mà thấy được, ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta cứ kiên nhẫn đợi trông”  (Rm 8, 24-25).
36/17: Phải có lòng tự trọng. Cụ thể:
-                 Không sống lệ thuộc vào người khác. Do đó, hãy bằng lòng với những gì đang có, không đòi hỏi người xung quanh. Tốt hơn nữa, là tìm cách giúp người chung quanh (x Lc 3, 10-14).
-                 Mau mắn xin lỗi nếu lỡ làm phiền ai (x Mt 26, 75).
-                 Biết nhường bước cho người khác. Thánh Phao-lô dạy: “Ai làm điều tốt cũng được, miễn là điều tốt có người làm là tôi lấy làm vui mừng” (x Pl 1, 15-18)
-                 Sống môi trường nào cũng phải là men, là muối, là ánh sáng cho nơi đó (x Mt 5, 13-16).
-                 Sống thể hiện đúng cương vị của mình: Bố ra bố, mẹ ra mẹ, thầy khác trò, Linh mục khác giáo dân (x Mt 16, 13).
37/17: Đừng dùng của cải một cách vô ý thức. Cụ thể: Những vật dụng của ta đừng qúa sang trọng làm cho người nghèo xung quanh cảm thấy tủi thân. Bởi vì phần lớn nỗi đau khổ của người nghèo gia tăng là họ thấy người giàu dùng tiền của phung phí, vô ý thức (x Lc 16, 19-21).
Nói tắt:
Tất cả những gì ta có chỉ là phương tiện cho ta phục vụ đạt hiệu quả cao, chớ khi nào tỏ ra vẻ sang giàu để khoe khoang với người xung quanh .
38/17: Bỏ thói thống trị kẻ dưới, loại trừ hành động vũ phu, đừng sống kiểu “cả vú lấp miệng em”.
Thống trị là áp đặt người khác làm nô lệ cho mình. Kiếp nô lệ là kẻ thù của Tin Mừng, Hội Thánh trong nhiều thế kỷ đầu dùng chân lý Tin Mừng để xóa kiếp nô lệ. Bởi vì nô lệ là con đẻ của “ba cô vợ ngoại hôn” trong nhân loại:
-                 Nô lệ là đem thân phục vụ chủ để trả món nợ không thể trả nổi.
-                 Nô lệ là kẻ thất trận bị bắt làm tù binh.
-                 Nô lệ là con cái của hai loại người trên.
Chúa Giê-su nói: “Anh em là con Thiên Chúa, con cái của sự tự do, không phải là con kẻ nô lệ”  (x Ga 8, 34-36).
Có 2 thầy trò cùng sánh bước trên một con đường dài, song song với đường đó là một con sông: chốc chốc thầy lôi trò xuống sông dìm đến sặc nước, rồi lại tiếp tục lên đường. Sau một hồi, thầy hỏi trò: con đã nhận ra được bài học thầy dạy con chưa? Trò giơ chân đạp thầy qụy xuống và nói: đây là bài học con đã thuộc! Đúng là “tức nước vỡ bờ!”
Thánh Phaolô khuyên người có chức quyền biết cách cư xử với mọi người: “Ðừng nặng lời với cụ già, nhưng khi  khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha. Hãy coi các thanh niên như anh em. Các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch”(1Tm 5,1-2)
39/17: Loài người không ai được quyền độc tài, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền đó mà thôi, bởi chỉ có Ngài là Tình Yêu (x 1Ga 4, 8). Chúa độc tài vì muốn ta phải tùng phục Ngài, để có chân lý, để có tình yêu, vì ngoài Chúa Giê-su không có ai được cứu độ (x Cv 4, 12).
Bởi đó, Chúa không cho phép ta thờ phượng bất cứ một thần tượng nào ngoài Ngài (x Điều răn I). Ngài có quyền ép người ta vào dự tiệc của Ngài (x Lc 14, 23).
Vậy Thiên Chúa độc tài để dẫn ta đến sự sống dồi dào (x Ga 10, 10).
40/17: Bỏ tính lẩm cẩm. Vì lẩm cẩm là người không biết phân biệt điều chính điều phụ, và làm gì cũng cho là quan trọng nhất. Kết quả không công việc nào đạt yêu cầu, bởi vì không ai đủ giờ để làm trọn mọi công việc. Do đó, người lẩm cẩm làm gì cũng chậm chạp, vì để giờ chi phối vào quá nhiều việc không cần thiết.
41/17: Đừng a dua. Là người sống đức tin và đức ái, không thể chấp nhận  những thành ngữ dân gian thường nói:
-                  “Không có lửa sao có khói?”
-                  “Thế gian không ít thì nhiều, không dưng ai dễ đặt điều cho ai.”
Bởi vì trong thực tế:
-                 Nhiều khi có khói mà không có lửa. Cụ thể  lúc ta xem ca sĩ đứng trên sân khấu hát, ta nhìn một làn khói bốc lên, hoặc khi ta nhìn cô dâu chú rể khai tiệc cưới, họ đổ rượu trên một chồng ly cũng thấy khói bốc lên, những làn khói ta thấy như thế thì không phải do lửa mà có.
-                 Nhiều khi một rừng người nhất trí, mà nhất trí điều họ không tưởng. Cụ thể vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, không ai tìm ra tội trạng nào của Đức Giê-su, nhưng ai cũng nói: Tên Giê-su là Beelzebul, tướng quỷ. Rõ ràng chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cả loài người sai lầm, một mình Đức Giê-su nắm trọn chân lý. Bởi đó ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chỉ một mình Đức Giê-su hô lớn tiếng: “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Cũng chính vì vậy mà Đức Giê-su cảnh báo mọi người: “Coi chừng điều các ngươi nghe” (Lc 8,18).