Hai Mươi Sáu Thánh Tử Đạo Nhật Bản
... Ngày 5-2-1597, một đoàn 26 vị anh hùng được dẫn đến ngọn đồi Nishizaka của thành phố Nagasaki, Nhật Bản, để chịu treo trên thập giá. Các vị can đảm dâng hiến mạng sống để minh chứng Đức Tin và lòng trung thành với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại. Đoàn hùng binh tử vì đạo gồm:
- 6 Linh Mục Thừa Sai dòng Phanxicô: 4 vị Tây Ban Nha, 1 vị Mễ Tây Cơ gốc Tây Ban Nha và 1 vị Ấn Độ gốc Bồ Đào Nha.
- 3 tu sĩ Dòng Tên người Nhật. - 17 giáo dân Nhật Bản, phần lớn thuộc Dòng Ba Phanxicô, trong đó có 5 giáo lý viên và 3 thiếu niên.
265 năm sau, ngày 8-6-1862, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX (1846-1878) đã long trọng tôn phong 26 anh hùng tử đạo Nhật Bản lên hàng Hiển Thánh. Dẫn đầu danh sách là thánh Phaolô Miki (1562-1597), tu sĩ dòng Tên.
(Gần 150 năm sau lễ tôn phong 26 vị hiển thánh, ngày 24-11-2008, 188 anh hùng tử đạo Nhật Bản đã được nâng lên hàng chân phước tại Nagasaki. Thánh Lễ do Đức Hồng Y Seiichi Peter Shirayanagi chủ sự với sự hiện diện của Đức Hồng Y José Saraiva Martins, cựu Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh. 188 tân chân phước đều là người Nhật và bị giết vì đạo trong thế kỷ XVII từ 1603-1639 tại Nagasaki. Trong số 188 vị chỉ có 4 Linh Mục và 1 Tu Sĩ, còn lại là 183 giáo dân thuộc các thành phần xã hội khác nhau, từ các trẻ thơ đến các cụ già: 21 em tuổi từ 1 đến 6 và 9 thiếu niên tuổi từ 7-15. Có từng cặp vợ chồng hoặc trọn gia đình gồm cha mẹ và con cái đã anh dũng tuyên xưng Đức Tin nơi Đức Chúa GIÊSU KITÔ .. Ngoài ra Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản còn có 203 vị tử vì đạo được Đức Thánh Cha Lêô XIII (1878-1903) nâng lên hàng Chân Phước ngày 7-5-1867).
... Trở lại với 26 vị thánh tử đạo Nhật Bản, mừng kính ngày 6-2, nổi bật gương mặt ba thiếu niên anh hùng: Thomas Kozaki, Anthony và Louis Ibaragi.
Thánh Thomas Kozaki, 15 tuổi, là quý tử của thánh Michael Kozaki, cũng thuộc đoàn hùng binh tử đạo. Năm lên 11 tuổi, Thomas bắt đầu lui tới tu viện và làm quen với các tu sĩ Phanxicô ở Kyoto. Cậu thường giúp đỡ các thầy trong các công việc lặt vặt. Sau đó cậu trở thành đệ tử của dòng. Thomas tiến nhanh trên đường học vấn và tu đức, báo hiệu một tu sĩ Phanxicô giỏi giang và thánh thiện trong tương lai. Một thời gian ngắn sau đó, Thomas được di chuyển về giúp các tu sĩ Phanxicô ở Osaka. Trong chuyến tháp tùng một Linh Mục về Kyoto, Thomas Kozaki bị bắt và được diễm phúc tử vì đạo cùng với thân phụ.
Sau cuộc hành hình và khi xác 26 vị tử đạo được hạ xuống, một người Bồ Đào Nha đã tìm thấy trong túi áo thánh Michael Kozaki, một lá thư ướt đẫm máu. Lá thư do cậu Thomas Kozaki viết cho mẹ. Trong thư, Thomas xin mẹ đừng lo lắng gì về Ba và về cậu, bởi vì cả hai cha con đang trên đường đi về Thiên Đàng và mong chờ ngày hội ngộ với mẹ trên thiên quốc. Thomas viết: ”Mẹ nhớ đến ngay, Mẹ nhé!” Rồi cậu viết thêm: ”Mẹ phải hết lòng sợ tội, vì tội làm cho Chúa chúng ta phải đau khổ nhiều. Nếu Mẹ lỡ phạm tội nào thì Mẹ phải đi xưng tội ngay và xin Chúa tha tội cho Mẹ. Những thú vui đời này thật chóng qua như giấc mộng. Do đó Mẹ đừng quên hạnh phúc đích thực trên Thiên Quốc. Nếu có ai bách hại làm khổ Mẹ, thì Mẹ đừng oán ghét người đó. Hãy yêu thương và tha thứ cho người ấy giống như Đức Chúa GIÊSU đã làm xưa trên Thánh Giá. Mẹ nhớ săn sóc em con, Mẹ nhé. Con hằng cầu nguyện cho Mẹ và cho em con luôn”.
Thánh Anthony, 13 tuổi, chào đời tại thành phố Nagasaki trong một gia đình ngoại giáo, cha người Hoa và mẹ người Nhật. Khi còn nhỏ tuổi, Anthony là học trò của Các Cha Dòng Tên. Nhưng khi các tu sĩ dòng Phanxicô đến mở nhà tại Nagasaki, Anthony xin gia nhập đệ tử viện. Năm 1596, Anthony được đưa về sống ở tu viện tại Osaka. Nơi đây, 9 tháng sau, cậu bị bắt và bị treo trên thập giá tại Nagasaki.
Trong cuộc hành hình đều có mặt cả cha lẫn mẹ của Anthony. Hai ông bà đứng gần thập giá của con và khóc lóc thảm thiết. Nhưng Anthony can đảm an ủi cha mẹ: ”Xin cha mẹ đừng buồn đừng khóc vì thấy con bị treo trên thập giá. Con chịu chết vì đạo nên con sẽ được trông thấy Chúa trên Thiên Đàng, nơi đây con sẽ nhớ đến cha mẹ cách riêng. Xin cha mẹ đừng khóc nhưng hãy can đảm lên, để cho những người ngoại giáo khác hiểu rằng, cha mẹ vui mừng vì quý tử của cha mẹ dám chịu đau khổ vì Đức Tin đã được nhận lãnh”.
Thánh Louis Ibaragi, 12 tuổi, là cháu của hai vị thánh khác cũng thuộc đoàn hùng binh 26 vị tử vì đạo. Cậu Louis chỉ lãnh Bí Tích Rửa Tội vỏn vẹn một năm trước khi được hồng ân tử vì đạo. Sau khi theo đạo Công Giáo, Louis gia nhập đệ tử viện của các tu sĩ Phanxicô tại Kyoto. Louis không có tài năng xuất sắc nhưng là thiếu niên rất can đảm. Suốt trong cuộc hành hình, Louis là niềm phấn khởi cho tất cả các vị tử đạo khác, vì niềm vui thơ ngây của cậu.
Trước khi bị đưa về hành hình tại đồi Nishizaka ở Nagasaki, Cha Phanxicô Blanco viết về Louis Ibaragi như sau. Mọi người thán phục lòng can đảm của cậu bé. Một vị dòng dõi quý tộc nói với Louis: ”Cháu hãy chối bỏ Đức Tin khiến cháu phải chết và bằng lòng nhập gia tộc của bác thì bác sẽ cứu cháu sống”. Nhưng Louis lễ phép thưa: ”Tốt hơn là ngài nên trở thành Kitô hữu để được vào Thiên Đàng giống như cháu vậy!”
Trong khi chờ đợi cuộc hành hình, mọi người cảm động đến rơi lệ khi trông thấy cậu bé Louis Ibaragi hớn hở, âu yếm ôm hôn cây thánh giá nhỏ dọn sẵn cho mình. Trên thập giá, sau khi hát thánh vịnh 112 ”Ca ngợi Chúa đi, hỡi tôi tớ Chúa”, Louis kêu lớn tiếng ”THIÊN ĐÀNG, GIÊSU, MARIA”, rồi gục đầu tắt thở ..
“... Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết. Anh em đừng sợ những kẻ giết chết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai. Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục .. Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA .. Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Luca 12,4-11).
(”The Twenty-six Martyrs of Japan”, Rev. Thomas Uyttenbroeck, OFM, 1980)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt