Thánh ĐAVÍT
(c. 589)
Lược sử
Đavít là thánh quan
thầy của xứ Wales và có lẽ là vị thánh nổi tiếng nhất nước Anh. Nhưng không
may, chúng ta không biết nhiều về ngài.
Được biết ngài là một
linh mục, tham dự trong công cuộc truyền giáo và sáng lập nhiều đan viện, kể cả
đan viện chính của ngài ở phía nam xứ Wales. Có nhiều truyền thuyết kể về ngài
và các đan sĩ. Các ngài sống rất khắc khổ. Họ làm việc trong im lặng và cầy cấy bằng chân tay mà không
dùng đến sức loài vật. Thực phẩm của các ngài chỉ giới hạn trong bánh mì, rau
trái và nước lạnh.
Vào khoảng năm 550,
thánh nhân tham dự một thượng hội đồng ở Brevi thuộc Cardiganshire. Sự đóng góp
của ngài trong thượng hội đồng được coi là chủ yếu và các giáo sĩ đã chọn ngài
làm giáo chủ của Giáo Hội Cambrian. Người ta nói ngài được tấn phong tổng giám
mục bởi vị thượng phụ của Giêrusalem trong một chuyến hành hương Đất Thánh.
Ngài cũng được cho là đã triệu tập một công đồng để chấm dứt vết tích của lạc giáo Pelagiô. Thánh
Đavít từ trần ở tu viện của ngài ở Menevia khoảng 589. Việc sùng kính ngài được
Đức Giáo Hoàng Callistus II chấp thuận vào năm 1120. Ngài được tôn kính là vị
quan thầy của xứ Wales.
Thánh Đavít thường
được vẽ đứng trên một gò đất với chim bồ câu ở trên vai. Truyền thuyết nói rằng
có lần ngài đang rao giảng thì một con bồ câu đáp xuống đậu trên vai ngài, và mặt
đất chỗ ngài đứng dâng lên cao để mọi người có thể nghe ngài giảng dạy. Trong
thời kỳ tiền-Cải Cách, trên 50 nhà thờ ở South Wales được xây dựng để kính
ngài.
Suy niệm 1: Khắc khổ
Các đan sĩ của ngài sống rất khắc khổ.
Lối sống khắc khổ được thể hiện trong việc
sử dụng thực phẩm của các ngài, vốn chỉ giới hạn trong bánh mì, rau trái và
nước lạnh.
Xưa kia thánh Gioan Tiền Hô cũng theo đuổi
lối sống này bằng việc chỉ nuôi sống mình bằng môt loại thực phẩm là châu chấu
và mật ong rừng (Mc 1,6).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vâng giữ luật ăn chay của Hội Thánh cách nghiêm
túc.
Suy niệm 2: Im lặng
Các đan sĩ làm việc trong im lặng và cầy
cấy bằng chân tay mà không dùng đến sức loài vật.
Bầu khi im lặng vốn dễ giúp con người cầu
nguyện, do đó để gặp gỡ Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu thường chọn vào rừng vắng
hoặc lên núi cao (Mt 14,23;Mc 6,46), và vào lúc sáng sớm tinh sương hoặc vào
lúc chiều tối (Mc 1,35;Lc 6,12).
Chính vì thế các đan sĩ chủ trương dầu làm
việc cũng vẫn im lặng để giữ tâm tình cầu nguyện. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao
Thánh Cả Giuse luôn giữ im lặng đến mức không để lại một lời nào trong suốt cả
cuộc đời ngài.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn làm nhiều hơn là nói, và thậm chí cũng
chẳng cần phải nói gì mà chỉ làm thôi.
Suy niệm 3: Lao động
Các đan sĩ cầy cấy bằng chân tay mà không
dùng đến sức loài vật.
Chính Thiên Chúa cũng nêu gương lao động
bằng chân tay, khi dùng bùn đất nặn ra con người cũng như nặn lên mọi dã thú
(St 2,7.19) và rút xương sườn Adong, lắp thịt vào để tạo nên người nữ (St
2,21-22).
Đức Giêsu cũng nhổ nước miếng xuống đất,
dùng tay trộn thành bùn rồi xức vào mắt người mù để chữa lành bệnh nhân (Ga
9,6). Theo gương đó, các tông đồ cũng vất vả tự tay làm lụng (1Cr 4,12).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng coi thường việc lao động bằng tay chân.
Suy niệm 4: Lạc giáo
Pelagiô
Thánh Đavít cũng được cho là đã triệu tập
một công đồng để chấm dứt vết tích của lạc giáo Pelagiô.
Pelagiô là một tu sĩ thuộc thế kỷ thứ năm,
chủ trương rằng tự do ý muốn của con người là yếu tố quyết định về sự trọn lành
của mỗi một người, và ông cho rằng con người không cần ơn của Thiên Chúa để
được cứu rỗi.
Chỉ một con sâu cũng làm rầu cả nồi canh.
Chỉ một vết thương ung thư độc hại cũng có thể gây nên hậu quả chết người. Ý
thức được như thế nên thánh Đavít triệu tập một công đồng để chấm dứt vết tích
của lạc giáo Pelagiô.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiên vững niềm tin để không rơi vào cạm bẫy
của lạc giáo.
Suy niệm 5: Sùng
kính
Việc sùng kính thánh Đavít được Đức Giáo
Hoàng Callistus II chấp thuận vào năm 1120.
Việc sùng kính vốn là một tâm tình đạo đức,
nếu mang tính cá nhân và không ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của Giáo Hội thì
không sao.
Nhưng để việc sùng kính có giá trị phổ quát
và hợp pháp thì phải được thẩm quyền của Giáo Hội chấp thuận và chuẩn y.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn tỏ lòng hiếu thảo đối với Giáo Hội, bằng
việc hết mình vâng nghe Đấng Bản Quyền.
Suy niệm 6: Rao
giảng
Thánh Đavít thường được vẽ đứng trên một gò
đất với chim bồ câu ở trên vai.
Truyền thuyết nói rằng có lần ngài đang rao
giảng thì một con bồ câu đáp xuống đậu trên vai ngài, và mặt đất chỗ ngài đứng
dâng lên cao để mọi người có thể nghe ngài giảng dạy.
Việc rao giảng mang lại an bình nội tâm cho
người thành tâm thiện chí, nên đáng được mọi người lắng nghe thực hành. Việc
rao giảng như thế có tầm quan trọng vô cùng nên được Thiên Chúa tạo thêm điều
kỳ diệu kèm theo.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con say mê lắng nghe và luôn sống lời rao giảng.