Suy niệm hạnh thánh _ 13/1


THÁNH HILARY Ở POACHIÊ
(315-368)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vị trung kiên bảo vệ thiên tính của Đức Kitô này là một người hiền lành và can đảm, tận tụy sáng tác một số văn bản tuyệt vời về Ba Ngôi Thiên Chúa, và cũng giống như Thầy Kitô, ngài được coi là "người xáo trộn sự bình an." Trong giai đoạn cực kỳ khủng hoảng của Giáo Hội, sự thánh thiện của ngài nổi bật cả trong lãnh vực uyên bác và tranh luận.
Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, ngài trở lại Kitô Giáo khi tìm thấy Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Sau khi lập gia đình và có được một người con gái là Apra, ngài được chọn làm Giám Mục của Poachiê nước Pháp trái với ý muốn của ngài. Không bao lâu ngài phải chiến đấu với một tai họa của thế kỷ thứ tư, là bè rối Arian, những người khước từ thiên tính của Đức Kitô.
Tà thuyết này lan tràn nhanh chóng. Khi hoàng đế Constantius ra lệnh cho mọi giám mục Tây Phương phải ký vào bản kết án Đức Athanasius, vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội Đông Phương, Đức Hilary từ chối và bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh (khi bị lưu đầy là khi ngài được mệnh danh là "Athanasius của Tây Phương"). Vị bảo vệ chính giáo một cách kiên cường này lại là người rất nhân từ khi hòa giải các giám mục của nước Pháp, là những người vì sợ mang tiếng là ngu dốt nên đã chấp nhận bản kinh tin kính của Arian. Và trong khi ngài viết bản cáo trạng sắc bén lên án hoàng đế về tội bao che tà thuyết, thì ngài lại ôn tồn giải thích rằng, đôi khi sự khác biêt giữa các học thuyết chính giáo và lạc giáo chỉ là nghĩa chữ hơn là tư tưởng. Do đó, ngài khuyên các giám mục Tây Phương đừng vội kết án. Chính vì vậy, ngài lại có thêm những kẻ thù mới.
Trong thời gian lưu đầy và viết lách, ngài được mời tham dự một công đồng do hoàng đế triệu tập để chống với Công Đồng Nicea. Như chúng ta có thể tiên đoán, Đức Hilary đã đứng lên bảo vệ Giáo Hội, và khi ngài thách thức tranh luận một cách công khai với vị giám mục đã đầy ải ngài, những người theo Arian, vì sợ buổi tranh luận ấy và những hậu quả của nó, đã xin hoàng đế tống cổ "người xáo trộn sự bình an" này về nhà. Nhưng thay vì về thẳng Poachiê, ngài đã sang Hy Lạp và Ý, rao giảng chống lại tà thuyết Arian.
Có lẽ một số người hiện nay nghĩ rằng tất cả những khó khăn ấy chỉ trên phương diện ngôn từ. Nhưng Thánh Hilary không chỉ tham dự cuộc chiến ngôn ngữ, mà còn chiến đấu cho sự sống vĩnh cửu của các linh hồn đã nghe theo tà thuyết Arian và không còn tin vào Con Thiên Chúa, là nguồn hy vọng cứu độ của họ.
Cái chết của hoàng đế Constantius năm 361 cũng chấm dứt việc bách hại Kitô Giáo chính thống. Đức Hilary từ trần năm 367 hoặc 368, và được tuyên xưng là tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1851. 
Suy niệm 1: Hiền lành 
Vị trung kiên bảo vệ thiên tính của Đức Kitô này là Đức Hilary, một người hiền lành và can đảm, tận tụy sáng tác một số văn bản tuyệt vời về Ba Ngôi Thiên Chúa.
Căng quá hóa đứt, ngược lại ngọt mật thì chết ruồi. Thánh Hilary đã sử dụng lối sống hiền lành, để cải hóa những người lầm đường lạc lối theo bè rối Arian trở về với đạo thánh Chúa. Đồng thời ngài cũng hòa giải được các giám mục của nước Pháp, là những người vì sợ mang tiếng là ngu dốt nên đã chấp nhận bản kinh tin kính của Arian. 
Không lạ gì Đức Giêsu đã mời gọi hãy học sống hiền lành như Ngài (Mt 11,29). Lối xét xử từ nhân của Ngài đã cứu sống được cả phần xác lẫn phần hồn của thánh nữ Mácđala (Ga 8,11). Ánh mắt dịu hiền trìu mến của Ngài đã làm cho Phêrô thật lòng sám hối đến khóc lóc thảm thiết (Lc 22,61-62).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống hiền hòa với mọi người, thậm chí với cả kẻ thù, để không bị đồng hóa thành kẻ thù giống họ, mà cảm hóa họ thành bạn hữu của mình. 
Suy niệm 2: Bình an 
Cũng giống như Thầy Kitô, Đức Hilary được coi là "người xáo trộn sự bình an."
Nếu hiểu sự bình an đích thực đến từ Thiên Chúa thì không giống với loại bình an của thế gian (Ga 14,27), thì thánh Hilary quả là người xáo trộn sự bình an, khi ngài luôn hăng say chiến đấu với bè rối Arian để bảo vệ đức tin chân chính, thậm chí ngài cả dám viết bản cáo trạng sắc bén lên án hoàng đế về tội bao che tà thuyết.   
Chính đó là con đường Đức Kitô đã đi qua khi  Ngài tự xác định Ngài đến thế gian không để đem lại sự bình an nhưng đem lại gươm giáo và thậm chí chia rẽ ngay trong phạm vi gia đình (Mt 10,34-35), giữa những người không đồng chí hướng cùng tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa (Mt 4,10).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng mãi mê chạy tìm kiếm sự bình an thế gian mau qua chóng tàn, nhưng hết mình phấn đấu cho được sự bình an đích thực vĩnh cửu mà Thiên Chúa ban tặng. 
Suy niệm 3: Kinh Thánh
Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, Hilary trở lại Kitô Giáo khi tìm thấy Thiên Chúa qua Kinh Thánh.
Lời Chúa trong Thánh Kinh quả là lời hằng sống có hiệu năng dẫn đưa con người trở về chính đạo. Không chỉ có thánh Hilary mà thánh Inhaxiô cũng là một trường hợp. Thật vậy sĩ quan Inhaxiô bị thương ở chân do một trái đạn đại bác. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài buộc phải đọc Phúc Âm và nhờ vậy biết đến cuộc đời Đức Kitô để rồi trở về với đạo Chúa.
Cảm nghiệm được giá trị của Lời Chúa, thánh Hiêrônimô đã dày công dịch thuật cuốn Kinh Thánh từ Hy-ngữ sang La-ngữ, để nhiều người có thể dùng đến. Kiệt tác này đã được gọi là Vungata, được Giáo Hội công nhận đó là một kho tàng, và được dùng như một văn bản chính thức trong Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con say mê tìm đọc và học hỏi Kinh Thánh, nhất là hiện nay chúng con đã có trong tầm tay một bản dịch Việt-ngữ.   
Suy niệm 4: Bị lưu đày   
Khi hoàng đế Constantius ra lệnh cho mọi giám mục Tây Phương phải ký vào bản kết án Đức Athanasius, vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội Đông Phương, Đức Hilary từ chối và bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh (khi bị lưu đầy là khi ngài được mệnh danh là "Athanasius của Tây Phương").
Giữa cảnh lưu đày, Đức Hilary vẫn không ngừng viết lách nhằm bảo vệ Giáo Hội, và cả dám thách thức tranh luận công khai với vị giám mục đã đày ải ngài. Cũng thế, ông Tôbít cũng không làm ô danh Thiên Chúa trên đất khách lưu đày, ông vẫn xưng tụng Chúa và làm cho dân tội lỗi biết rằng: Chúa là Đấng cao cả quyền năng (Tb 3,15;13,8).
Dầu với thân phận bị lưu đày, Đanien vẫn mỗi ngày ba lần, quỳ gối, cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa, bất chấp lệnh cấm đức vua Đariô đã châu phê, thậm chí ông còn phải chấp nhận bản án bị quăng vào hầm sư tử (Đn 6,11-17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con quyết tâm sống theo gương các vị tiền bối anh hùng, mãi luôn trung thành với Chúa đến cùng, giữa chốn khách đày trần gian này. 
Suy niệm 5: Kẻ thù
Đức Hilary ôn tồn giải thích rằng, đôi khi sự khác biêt giữa các học thuyết chính giáo và lạc giáo chỉ là nghĩa chữ hơn là tư tưởng. Do đó, ngài khuyên các giám mục Tây Phương đừng vội kết án. Chính vì vậy, ngài lại có thêm những kẻ thù mới.
Kẻ thù lại là người nhà, và là hàng giám mục với nhau. Điều này không lạ, vì chính Đức Giêsu đã nói trước (Mt 10,36), và chính Ngài cũng bị một tông đồ mất phẩm chất phản bội là Giuđa Ítcariốt.
Sói đáng sợ thật, nhưng không đáng sợ bằng sói đội lốt chiên (Mt 7,15). Pơtôlêmai vốn là con rể của thượng tế, lại dùng mưu gian để tiêu diệt cha con ông Simôn ở một pháo đài nhỏ, gọi là Đốc (1Mcb 16,11-17). Sở dĩ vua Antiôkhô chiếm được Đền Thờ, là nhờ tên phản bội Lề Luật và tổ quốc, là thượng tế Mênêlaô dẫn lối đưa đường (2Mcb 5,15). 
* Lạy Chúa Giêsu, phản bội là tội đáng ghét. Biết thế nhưng không lắm lần chúng con lại phản bội Chúa qua việc phạm tội. Xin Chúa thứ tha và giúp chúng con cải tà quy chánh từ nay. 
Suy niệm 6: Cái chết
Cái chết của hoàng đế Constantius năm 361 cũng chấm dứt việc bách hại Kitô Giáo chính thống. Đức Hilary từ trần năm 367 hoặc 368, và được tuyên xưng là tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1851. 
Cả người chống đối Giáo Hội là hoàng đế Constantius lẫn người bảo vệ Giáo Hội là Đức Hilary, tất cả đều lần lượt chết đi, nhưng Đạo Chúa vẫn trường tồn mãi mãi, vì ngay cả quyền lực tử thần cũng không thắng nổi, đúng như lời minh định của Đức Giêsu (Mt 16,18).
Thậm chí nhiều thể chế chính trị thống lĩnh nhiều nước trên thế giới cũng theo thời cuộc mà đổi thay. Không thiếu những quốc gia dân tộc bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Nhưng đức tin công giáo tông truyền vẫn đứng vững đến muôn ngàn đời, nhờ gắn kết với tính vĩnh hằng của Thiên Chúa (1Tx 1,9;1Tm 3,15;Kh 4,9).
* Lạy Chúa Giêsu, đạo Chúa vốn tốt và trường tồn, nhưng người có đạo thì hữu hạn và chưa hẳn lúc nào cũng tốt. Xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ làm gì tổn thương thanh danh của đạo Chúa.