Suy niệm hạnh thánh _ 11/1


Chân phước William Carter
(1548-1584)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sinh ở Luân Đôn, William Carter bước vào nghề in ngay từ khi còn nhỏ. Trong nhiều năm, ông phụ việc cho một người thợ in Công Giáo nổi tiếng, người này bị cầm tù vì kiên trì với đức tin Công Giáo. Chính ông William cũng bị tù vì "in những tài liệu bị cấm [Công Giáo]" cũng như cất giữ các sách vở có liên can đến đạo Công Giáo.
Hơn thế nữa, ông còn chống đối nhà cầm quyền bằng cách phát hành các truyền đơn nhằm duy trì đức tin của người Công Giáo. Nhà chức trách lục soát nhà ông còn tìm thấy các áo lễ và sách lễ, ngay cả họ còn tra tấn vợ ông để tra khảo. Trong 18 tháng tiếp đó ông bị cầm tù, bị tra tấn và thật đau khổ khi được biết vợ ông từ trần.
Hiển nhiên ông bị buộc tội in ấn và phát hành tập Luận Án về Ly Giáo mà chính quyền cho là do một người "phản quốc" viết để thúc giục người Công Giáo nổi loạn. Trong khi ông bình thản phó thác vào Thiên Chúa, bồi thẩm đoàn chỉ họp có 15 phút trước khi kết luận là ông "có tội." Sau khi xưng tội với vị linh mục cùng bị bắt, ông William đã bị treo cổ và phân thây vào ngày 11-1-1584.
Ông được phong chân phước năm 1987.
Suy niệm 1: Trẻ nhỏ
Sinh ở Luân Đôn, Guyliam Cáctơ (William Carter) bước vào nghề in ngay từ khi còn nhỏ. 
Thật đáng thương thay cho hoàn cảnh của nhiều trẻ nhỏ thuộc gia đình hạ lưu nghèo khó. Họ không có đủ điều kiện dồi dào kinh tế, để giúp con cái đầu tư hoàn toàn thì giờ cho việc học hành, mà đòi buộc chúng phải đi làm thêm kiếm tiền.
Ngược lại thật phúc cho Saolô được lớn lên trong một gia đình thượng lưu giàu có. Ngài đã được gởi đến Giêrusalem để được thụ giáo dưới chân thầy Gamalien Cả, là cháu của vị thầy vĩ đại Hilen, và được làm công dân Rôma (Cv 22,25-28).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho giới trẻ biết chú tâm học hành, để không phụ lòng cha mẹ đã lao tâm lao lực lo cho chúng.
Suy niệm 2: Cầm tù vì đức tin
Trong nhiều năm, Guyliam Cáctơ phụ việc cho một người thợ in Công Giáo nổi tiếng, người này bị cầm tù vì kiên trì với đức tin Công Giáo. Chính ông Guyliam cũng bị tù vì "in những tài liệu bị cấm [Công Giáo]" cũng như cất giữ các sách vở có liên can đến đạo Công Giáo. 
Trên đời này, không thiếu những người bị cầm tù vì những lý do khác nhau, trong đó phải kể đến một nguyên do nổi bật, đó là bị cầm tù vì kiên trì với đức tin Công Giáo. Các tông đồ Phêrô và Phaolô là những nhân chứng đầu tiên bị xiềng xích lao tù vì đức tin (Cv 12,6;16,23). 
Không chỉ nhiều nơi trên thế giới, mà ngay cả trên mãnh đất Việt Nam dấu yêu này, cũng xuất hiện vô số các vị anh hùng tử đạo đã bị giam cầm, bị nhục hình rồi đổ máu đào, trong đó có 117 vị được tuyên dương hiển thánh, được mừng kính trọng thể vào ngày 24 tháng 11 hằng năm, trong niên lịch phụng vụ.
* Lạy Chúa Giêsu, bị giam cầm và bị chết vì đức tin thật là những tấm gương anh dũng, nhưng kiên trì sống đức tin giữa một xã hội chủ trương vô tín ngưỡng cũng thật là phi thường. Xin Chúa giúp chúng con.
Suy niệm 3: Tra tấn
Guyliam Cáctơ bị cầm tù, bị tra tấn và thật đau khổ khi được biết vợ ông từ trần.
Thông thường cuộc tra tấn nhắm vào thân xác, như cuộc tử đạo của bảy anh em được kể ở Quyển 2 sách Macabê: cắt lưỡi, lột da đầu, chặt cụt tay chân, nướng trong lò lửa. Thánh Phaolô thì bị vị chỉ huy cơ đội tra tấn bằng việc đánh đòn (Cv 22,24).
Đức Giêsu thì bị tra tấn cả về mặt tinh thần với các hành vi chế giễu của binh lính hành hình (Mc 15,20), với các lời nhục mạ và sỉ vả nhạo cười của đám người trên đồi Canvê (Mt 27,39-44), với bản án bị hàm oan và tử hình thập giá (Ga 19,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm chấp nhận bị tra tấn cả về mặt tinh thần cũng như thể xác, miễn là được hưởng một sự sống lại tốt đẹp hơn (Dt 11,35).
Suy niệm 4: Buộc tội
Hiển nhiên ông bị buộc tội in ấn và phát hành tập Luận Án về Ly Giáo mà chính quyền cho là do một người "phản quốc" viết để thúc giục người Công Giáo nổi loạn.
Để bảo vệ công lý, Sách Đệ Nhị Luật quy định: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15).
Trong thực tế, lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng, bất chấp sự thật, công lý hay lẽ phải là thế nào. Đó là trường hợp mà các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng Dothái đã sử dụng, để không ngần ngại tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu, để rồi xúi đám đông đòi tha tên Baraba mà giết Giêsu (Mt 26,59;27,20).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con, dầu ở trong bất cứ tình huống nào, chúng con luôn xác tín rằng: sự thật sẽ giải thoát chúng con (Ga 8,32).
Suy niệm 5: Họp
Trong khi ông Guyliam bình thản phó thác vào Thiên Chúa, bồi thẩm đoàn chỉ họp có 15 phút trước khi kết luận là ông "có tội".  
Đúng là một cuộc họp mang tính hình thức, vì quyết định vốn đã có sẵn từ trước. Đó cũng là trường hợp mà Đức Giêsu đã gặp phải. Thượng Hội Đồng Dothái có họp bàn với nhau là để thực hiện ý đồ vốn có là giết cho bằng được Đức Giêsu (Mt 26,3;Mc 15,11), thậm chí bàn bạc cho lính canh một số tiền là nhằm giải thích sự kiện mồ trống: thi hài Chúa bị môn đồ Ngài lấy trộm chứ không phải sống lại (Mt 28,12-15).
Đáng lý ra một cuộc họp bàn phải hoàn toàn bình đẳng và tôn vinh công lý. Kết luận chỉ đến từ bầu khí trong lành đó. Chẳng hạn cuộc thương nghị tốt đẹp giữa tướng Nicanô và thủ lãnh Giuđa (2Mcb 14,20-24), cũng như cuộc họp giữa vị chỉ huy Rôma và Thượng Hội Đồng Dothái về trường hợp của Phaolô (Cv 22,30).
* Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng đã được Thiên Chúa ấn định để xét xử thiên hạ theo công lý (Cv 17,31;Kh 19,11). Chúng con bày tỏ ước mong Chúa mau đến và cho công lý mau ngự trị (2Pr 3,13).
Suy niệm 6: Xưng tội
Sau khi xưng tội với vị linh mục cùng bị bắt, ông Guyliam đã bị treo cổ và phân thây vào ngày 11-1-1584.
Thông thường hối nhân xưng tội ở tòa giải tội. Nhưng trong thực tế địa điểm và phương thức tòa cũng không quan trọng cho bằng lòng thống hối chân thành. Guyliam đã xưng tội và được ơn tha tội ở chốn lao tù. Trên đồi Canvê, người trộm lành chẳng những được Đức Giêsu tha tội, mà còn được hứa ban nước thiên đàng ngay sau khi chết (Lc 23,43).
Sau khi nhận phần gia tài, người con thứ trẩy đi phương xa, ăn tiêu hết sạch, phải đi chăn heo kiếm cơm độ nhật. Cậu hối hận ăn năn tự nhủ tại trại heo, và trở về nhà xưng thú với cha: Con đã thật đắc tội với Trời và với cha (Lc 15,18-20). Quần chúng thú tội và được Gioan làm phép rửa tại sông Giođan (Mt 3,6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng: việc xưng tội cần thiết nhưng không quan trọng bằng lòng sám hối, nhất là khi không có điều kiện. Chính người phụ nữ tội lỗi đã được Đức Giêsu tha tội trong một bữa tiệc tại nhà ông Simôn, dầu không một lời xưng thú, nhưng lại có lòng sám hối được bày tỏ qua các  hành vi cụ thể (Lc 7,47-48).