Một chút suy tư _ một ngày sống có ý nghĩa

MỘT NGÀY SỐNG CÓ Ý NGHĨA
Ngày Xuân, tình cờ đọc báo xuân, thấy có “Tự truyện của nữ phạm nhân nhiễm HIV” đăng trên vnexpress.net:
"Con thân yêu! Mầm sống xinh của mẹ
Ngoan nhé con! Và mau lớn nhé con".
Đó là những dòng thơ của phạm nhân Trần Thị Hoàng Mai viết nhờ gửi từ trại giam cho cậu con trai bé bỏng.
Số phận đặc biệt của Trần Thị Hoàng Mai trong tự truyện viết tay dài 45 trang đạt giải nhất cuộc thi 'Sự hối hận và niềm tin hướng thiện' do Bộ Công an tổ chức là một chuỗi bi kịch.
Năm Mai 3 tuổi, bố mẹ ly hôn. Mẹ bỏ Mai sống với người cha nghèo để đi tìm hạnh phúc khác. Rồi cha Mai cũng tìm được bến đỗ mới. Bao năm sống lang bạt, Mai tưởng đây là lúc được hưởng cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc dưới mái nhà mới nhưng cô bé lại tiếp tục rơi vào cuộc sống "con riêng, con chung".
Đúng lúc ấy người mẹ bao năm bỏ rơi con quay về đón Mai đi. Được về ở với mẹ đẻ nhưng số phận nghiệt ngã đã đẩy cuộc đời cô gái rẽ sang hướng khác. Trong một đêm mẹ vắng nhà, Mai bị cha dượng, một kẻ nát rượu, giở trò đồi bại. Cô chống trả quyết liệt và chạy ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt. Ngay sau đó, Mai rơi vào cạm bẫy mới của lũ thanh niên dạt nhà. Được một bảo vệ cứu thoát nhưng không ngờ Mai lại trở thành nạn nhân của chính gã này.
Trải qua cú sốc đầu đời dữ dội và đau đớn lại không được mẹ ruột cảm thông, cô gái tìm đến cái chết nhưng không thành. Cho rằng con gái hư hỏng, mẹ đẻ đang tâm bán con vào tay một Tú Bà. Mai trở thành gái nhà hàng và bắt đầu cuộc sống kiếm tiền ô nhục từ đó.

Mai lĩnh bản án tử hình HIV/AIDS khi vừa tròn 20 tuổi. Ảnh: Hương Vũ
Thế giới của những cô gái trẻ đầm mình trong cuộc chơi thâu đêm cùng bài bạc, rượu mạnh và thác loạn đã đẩy Mai đến kết cục tất yếu. Cô trở thành con nghiện ma túy. Và "bản án tử hình" HIV/AIDS đến với Mai khi cô vừa tròn 20 tuổi.
Đến lần cai nghiện thứ ba, Mai gặp và yêu một thanh niên cùng cảnh ngộ. Mai sinh con. Bị mẹ ép phải cho đi đứa con nhưng cô vẫn tìm mọi cách giữ lại. Cuối cùng, mẹ Mai đã đồng ý nuôi đứa trẻ. Những ngày hạnh phúc được làm mẹ với cô thật ngắn ngủi. Bệnh tật dày vò khiến cô lại tìm đến ma túy. Mai bị xử 7 năm tù giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy…
Khi bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS, khuôn mặt Mai gầ̀y xơ xác, hai má tóp teo, đôi bàn tay thâm tím vì các vết lở loét. Dường như mặc cảm, e ngại cái mùi hôi tanh bốc ra từ cơ thể bệnh tật của mình, Mai cố tình ngồi cách người đối diện một khoảng xa. Câu chuyện giữa Mai và người tới thăm thường bị đứt quãng bởi nói được vài câu, cô phải dừng lại để lấy hơi.
Mai bảo, cô không oán trách gì số phận. Trái lại, cô cảm ơn cuộc đời đã cho cô hạnh phúc được làm mẹ. Chính đứa con bé bỏng đã thay đổi con người cô, cho cô khát vọng sống, khát vọng hoàn lương.
"Có lúc hận, em muốn giết hết những người xung quanh, kể cả người thân yêu nhất. Nhưng từ khi có con, em trở thành một con người khác, lòng dịu lại, không còn thù hận", phạm nhân Mai tâm sự.

Bài thơ Mai viết gửi con trai.
Ảnh: Hương Vũ
Trong ký ức của mình, Mai nhớ mãi quãng thời gian ở trại cai nghiện. Ngày đó, cô thân với Lâm Uyển Nhi, người đẹp bạc mệnh có số phận éo le. Câu chuyện cuộc đời của Uyển Nhi khiến Mai quyết tâm giữ lại cái thai dù hoang mang không biết con nhiễm bệnh từ cha mẹ không. Niềm vui ánh lên trong mắt khi Mai kể được mẹ thông báo con trai cô không có HIV.
"Mẹ nói đã xét nghiệm cho cháu 3 lần rồi. Từ lúc biết tin này, em chỉ mong muốn được sống khỏe mạnh cho đến ngày trở về với con. Mong mẹ tha thứ cho em, mong mẹ mạnh khỏe để nuôi cháu, vì em biết mình không thể theo con đến suốt cuộc đời", Mai vui sướng khoe.
Mai tâm sự, nhiều lúc trong trại giam cô ghê sợ chính mình, sợ cơ thể đang bị bệnh tật tàn phá mỗi ngày. Nếu như ngoài xã hội, cô bị mọi người, thậm chí cả người thân yêu nhất, ghẻ lạnh và ghê sợ vì bệnh tật thì ở đây, những lúc cùng quẫn nhất vẫn còn bàn tay các nữ cán bộ quản giáo dang rộng nâng đỡ cô.
Tết đầu tiên (năm 2010) trong Trại giam Thanh Xuân là kỷ niệm không thể nào quên đối với cô. Lúc đó Mai bị nhiễm trùng cơ hội, toàn thân phù sũng, lở loét, bốc mùi. Do bệnh nặng, Mai được chuyển ra Bệnh viện Hà Đông để điều trị. Lúc này, cô đi không vững. Trước mắt Mai chỉ toàn là bóng tối. Sau này, những giây phút cận kè với tử thần ấy đều được Mai viết lại trong tự truyện.
Những người thầy, cán bộ quản giáo ấy không chỉ giúp Mai giành lại sự sống, quan trọng hơn đã cho cô hiểu giá trị cuộc sống, niềm tin vào tương lai. Khi viết tự truyện "Bước về phía mặt trời", Mai không nghĩ tác phẩm của mình đoạt giải bởi đơn giản, cô viết để giải tỏa nỗi lòng mình. Tự truyện của Mai như một cơ hội tìm lại sự lương thiện mà cô từng đánh mất, viết để tri ân những người đã giúp cô ngộ ra, mỗi ngày sống là một ngày có ý nghĩa.
(Theo ANTG)
Sau bao nhiêu mất mát, Hoàng Mai đã ngộ ra mỗi ngày sống là một ngày có ý nghĩa. Mặc dù có nhiều đau thương nhưng đó vẫn là một câu chuyện có hậu, đáng ước mơ, khi mà với nhiều người, cuộc sống không là gì ngoài sự kéo dài thời gian tồn tại. Thánh vịnh 49 đã cảm thán về cuộc đời họ: 
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết. (Tv 49,11-13)
Một năm mới đã bắt đầu, người ta chúc nhau trường thọ. Nhưng một năm, mười năm, và ngay cả trăm năm cũng không thay thế được dù chỉ một ngày sống có ý nghĩa.
Tôi hãy bắt đầu từ hôm nay, một ngày sống có ý nghĩa,
một ngày sống cho tình yêu.
Và cũng thật là hay cho tôi khi ĐHY Nguyễn Văn Thuận chia sẻ với tôi kinh nghiệm sống của ngài: “Ngàn vạn chấm làm thành một đường dài; muôn triệu phút thành một cuộc đời. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ thẳng; sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ đẹp”. (Đường Hy Vọng).