KITÔ HỮU,
BẠN LÀ AI?
Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình:
Kitô hữu, chúng ta là ai? Như người ta đã chất vấn Gioan Tẩy Giả: “Ông là ai?
Ông nói gì về chính mình?”
Trên đường đi, cảnh sát giao thông chặn tôi lại, kiểm tra giấy tờ. Tôi xuất
trình thẻ chứng minh nhân dân, trong đó có ghi sẵn họ và tên, địa chỉ, ngày và
nơi sinh của tôi. Thế là cảnh sát hài lòng, vì đã biết được tôi là ai trong giấy
tờ. Nhưng cảnh sát lại không biết tôi làm những việc gì, những mối quan hệ của
tôi, những suy nghĩ của tôi, lý tưởng của tôi, niềm vui, nỗi buồn của tôi. Tất
cả những điều đó ông không cần lưu tâm. Ông đã cầm được giấy chứng minh nhân
dân chính thức của tôi và thế là đủ. Nếu có cần thì hỏi thêm giấy chủ quyền xe
gắn máy và thuế lưu hành.
Ngày xưa, khi Gioan Tẩy Giả công khai xuất hiện bên bờ sông Giođan, rao giảng
phép rửa sám hối, dân chúng tuôn đến với ông, khiến nhà cầm quyền đạo đời Do
Thái phải thắc mắc: Ông ấy là ai? Và họ cử phái đoàn đến điều tra xét hỏi. Họ
đã mở cuộc phỏng vấn: Ông là ai? Gioan Tẩy Giả đã không xuất trình chứng minh
nhân dân hoặc hộ khẩu, đã không nêu tên tuổi, địa chỉ, lý lịch của mình, nhưng
ông nói rõ sứ mạng, lý tưởng của ông, sự dấn thân, ơn gọi và lẽ sống của ông: “Tôi là tiếng của người kêu trong sa mạc…
Tôi đây làm phép rửa bằng nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông
không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Gioan Tẩy Giả hướng toàn bộ cuộc đời ông về Đức Giêsu. Bản thân ông không là gì
cả. Cuộc đời ông, sứ mạng ông, đam mê của ông chính là loan báo Đấng Kitô. Ngài
đến mặc khải cho con người ý nghĩa của cuộc sống và lịch sử của họ. Ngài mang đến
cho con người Tin Mừng: Thiên Chúa là tình yêu, là ơn tha thứ, là bình an và niềm
vui cho nhân loại. Cho đến chết, Gioan Tẩy Giả là tiếng hô dọn đường cho Chúa đến.
Hôm nay, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: Kitô hữu, chúng ta là
ai? Như người ta đã chất vấn Gioan Tẩy Giả: “Ông
là ai? Ông nói gì về chính mình?”
Chúng ta không đơn giản trả lời bằng cách xuất trình giấy chứng minh có ghi
“Thiên Chúa giáo” hoặc giấy rửa tội của chúng ta ra. Vấn đề là, như Gioan Tẩy
Giả, chúng ta trả lời về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, về động cơ bên trong
thúc đẩy và chi phối cuộc đời chúng ta. Chắc chắn chúng ta còn nhớ câu chuyện
sau đó, khi Gioan đang ở trong tù, ông đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu là
ai. Chúa Giêsu đã trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt
thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được khỏi, kẻ điếc
được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng và phúc thay người
nào không mất niềm tin vào tôi” (Lc 7,12-23). Chúng ta cũng hãy tự trả lời về
chính mình bằng chính những việc làm của chúng ta, bằng chính cách sống của
chúng ta. Cả cuộc đời chúng ta phải nói về Đức Giêsu, phải loan báo Đức Giêsu
và sứ mạng của Ngài.
Kitô hữu là ai?
Là những người đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ, thiếu nhi, những người
yêu mến Đức Giêsu. Nhưng không phải như người yêu thích một đồ vật hay một nhân
vật đã đi qua, cũng không phải như người ta yêu thích một bài hát hay, hoặc một
văn sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã chết. Người Kitô hữu yêu mến Đức Giêsu như một
người yêu, như một người
bạn. Bởi vì, đối với chúng ta, Đức Giêsu chẳng phải là một nhân vật đã đi vào
quá khứ, nhưng Ngài hiện đang sống với chúng ta, trong chúng ta. Chúng ta yêu mến
Ngài. Chính tình yêu này là động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc cho Ngài và tiếp
tục công việc của Ngài: đó là yêu thương những con người nghèo khổ, giải phóng
những kẻ bị áp bức, bóc lột, chữa lành những tâm hồn tan vỡ, đem tự do đến cho
những kẻ bị giam cầm, loan báo Tin Mừng cho những con người bất hạnh. Trong thời
đại chúng ta, vẫn còn có Mẹ Têrêxa của cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái, Sư Huynh
Roger Schutz của cộng đoàn Taizé, cha Pierre của cộng đoàn Emmau, và còn biết
bao tấm gương âm thầm khác nối tiếp bước chân Gioan Tẩy Giả.
Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở nên những con người của niềm vui và đem
niềm vui của Chúa đến cho người khác. Chẳng phải chỉ nói rằng: tôi là người có
đạo, tôi đi nhà thờ, tôi thuộc họ đạo này, giáo xứ nọ. Nhưng chính yếu là chính
cuộc sống của tôi, hành động của tôi, sự chọn lựa của tôi như Đức Giêsu
đã sống, đã hành động và đã chọn lựa. Ngày nay chúng ta cần có nhiều người như Gioan: cởi mở, can đảm, thẳng thắn
làm chứng cho Đức Kitô không những bằng lời nói mà nhất là bằng hành động cụ thể,
đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Với những chứng tá ấy, người ta sẽ
nhận ra chúng ta là bạn của Đức Kitô, là Kitô hữu.
Vì thế, mỗi người Kitô hữu phải là một Gioan Tiền Hô, phải sống thế nào để
qua lời nói và hành động của chúng ta, những người khác có thể gặp được Chúa Cứu
Thế: trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làm việc, chỗ giải trí, chúng ta phải sống
ra sao để ai gặp được chúng ta là phần nào đã gặp được Chúa Giêsu. Mỗi người
chúng ta phải là một ngọn đèn, một ngôi sao Giáng Sinh, một nhân chứng của ánh
sáng. Noi gương Gioan Tiền Hô, hãy sống hết lòng với Chúa và do đó luôn thao thức
làm cho người khác tìm gặp Chúa Giêsu và đón nhận ơn cứu độ của Ngài.