GIÁO DỤC _ dạy con quan tâm đến người khác

Dạy con biết quan tâm đến người khác

Mỗi một con người đều là con người xã hội, mỗi người đều phải giao tiếp với người khác, chung sống với người khác, do đó quan tâm đến mọi người là phẩm chất cơ bản của “làm người”. Giáo dục con cái biết quan tâm đến mọi người từ khi còn nhỏ là nhiệm vụ cơ bản của cha mẹ khi dạy con cái học làm người. Nhưng trong thực tế cuộc sống, con cái của chúng ta biểu hiện thế nào? Xin hãy xem sự việc sau:
Một đoàn học sinh tiểu học đi tham quan. Đến giờ ăn, các bạn nhỏ cùng ngồi ăn với nhau, có một bạn nam trong đoàn rất không biết điều, thấy món ăn ngon là liên tục gắp cho mình, lại còn ôm cả mâm cơm, không hề để ý đến các bạn khác có ăn được hay không.
Trong thực tế hiện nay, chúng ta bắt gặp không ít những trường hợp như vậy. Dường như bây giờ bọn trẻ sống rất ích kỷ, không hề quan tâm đến những người xung quanh mà chỉ biết nghĩ tới lợi ích của mình: khi ăn bao giờ cũng cho mình cái quyền ăn trước, được ưu tiên chọn món ăn mà mình ưa thích; khi lên xe thì muốn mình phải có chỗ ngồi tốt; xếp hàng thì chen lấn xô đẩy để tranh lên phía trước…(?)
Đứng trước thực tế đáng buồn như vậy, việc cần làm của các bậc làm cha làm mẹ là phải giáo dục con cái biết quan tâm đến mọi người xung quanh, cần phải biết cách xử lý mối quan hệ giữa bản thân với tập thể, xã hội ngay từ khi chúng còn rất nhỏ. Thông thường có thể tiến hành giáo dục trên các phương diện sau.
Bắt đầu từ những việc nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Dạy con cái biết cách quan tâm đến người khác, không quên nhắc nhở hàng ngày, gợi ý cho con làm những việc thể hiện sự quan tâm đối với người khác. Ví dụ: lau mồ hôi cho mẹ, rót nước cho bố, mang ghế cho bà ngồi, lúc trời mưa chủ động cho người những bạn đi đường xa mượn ô… Cha mẹ cần nắm bắt những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, có ý thức cung cấp cho con cái những cơ hội luyện tập như thế, nhắc nhở thường xuyên, dạy con biết quan tâm đến người khác, sống vì người khác.
Dạy con biết hiểu và nghĩ cho người khác, đứng ở địa vị hay hoàn cảnh của người khác để tưởng tượng và trải nghiệm những suy nghĩ và tình cảm của họ. Thấu hiểu và đồng tình là cơ sở tình cảm để quan tâm đến người khác. Những trẻ em luôn cho mình là trung tâm rất khó để phân biệt mình với người khác, rất khó để hiểu và quan tâm đến người khác. Nhưng với trẻ mỗi bông hoa, mỗi ngọn cỏ… đều có tình cảm, ý nghĩ như con người. Do đó,  bố mẹ phải dựa vào đặc điểm tâm lý đó của trẻ, dạy trẻ biết yêu hoa cỏ, cây cối, dần dần làm cho tình cảm của trẻ với hoa thêm sâu sắc, rồi mang thứ tình cảm đó chuyển đến cho con người, giúp cho trẻ hình thành tình cảm yêu thương con người như chính tình cảm với những bông hoa kia. Dần dần trẻ sẽ có ý thức giúp đỡ người xung quanh. Có thể giáo dục con bằng những câu chuyện, những cuốn sách mua cho con, những bộ phim mang tính giáo dục cao, lấy ví dụ cho con về những con người đã và đang phải chịu đau khổ, gợi ý cho con tưởng tượng , thể nghiệm những suy tư, tình cảm của những người đó, từ đó hình thành cho trẻ tình yêu thương, sự quan tâm, lòng cảm thương với con người.
Giảng đạo lý cho trẻ. Ví dụ, thông qua việc kể chuyện, hát những bài hát nhi đồng  v..v  để dạy trẻ biết quan tâm đến người khác. Không chỉ có vậy, bố mẹ còn phải là một tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Bài học đầu tiên của trẻ là bài học từ trong gia đình, giao tiếp đầu tiên của trẻ cũng là giao tiếp với những người trong gia đình, bố mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Một người cha, người mẹ thường xuyên yêu trẻ kính già, quan tâm giúp đỡ người khác thì sẽ là một tấm gương sáng cho trẻ học theo. Ví như, có gì ngon đều mang cho ông bà trước, hay giúp đỡ ông bà hàng xóm dọn dẹp nhà cửa  v. v… Những hành động này có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, nó lưu lại trong kí ức trẻ những ấn tượng về tình cảm quan tâm đến người khác.
Kịp thời tuyên dương động viên trẻ. Các nhà nghiên cứu tâm lý học nói rằng: Con người khi bắt đầu tiến hành một hành vi, nếu có sự khẳng định cổ vũ, khen ngợi kịp thời thì hiệu suất làm việc sẽ tăng lên rất nhiều. Do đó, khi trẻ làm được một việc tốt như giúp đỡ hay quan tâm đến người khác, bố mẹ cần phải kịp thời khen ngợi động viên trẻ. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành được thói quen, ý thức quan tâm và giúp đỡ mọi người.
Dạy con cái có quan niệm tích cực về giao lưu giữa người với người. Thế nào là quan niệm tích cực về giao lưu giữa người với người? Đó chính là sự giao lưu với con người phải dựa trên nguyên tắc yêu thương lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển, bản thân trước tiên là phải yêu thương người khác, đem lại thuận lợi cho người khác, sau mới nghĩ đến cái được – mất của mình, chứ không phải là sự giao lưu với mục đích chiếm đoạt lợi ích của người khác. Người làm cha, làm mẹ cần phải tạo lập một mối quan hệ tích cực với những người xung quanh. Cha mẹ giao tiếp nhiều với xã hội, do có nhiều cơ hội giao tiếp, nhận được sự quan tâm của người khác, nên cũng cần chú ý đến việc thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Trong quá trình giao lưu với người khác, trẻ không những hiểu được sự quan tâm của người khác đối với mình, mà cũng nên chú ý quan tâm đến người khác. Đồng thời việc việc giao tiếp giữa người với người cũng giúp cho trẻ khắc phục được suy nghĩ “mình là trung tâm”, giúp trẻ biết cách quan tâm đến lợi ích của người khác trong khi xử lý công việc, từ đó giáo dục cho trẻ ý thức giúp đỡ mọi người.
Với những trẻ đã lớn, bố mẹ phải chú trọng giáo dục cho trẻ cách xử lý công việc một cách khách quan, dạy trẻ vứt bỏ những thành kiến đối với bản thân, đối với người khác, như thế mới giúp trẻ tránh khỏi việc phán đoán người khác từ góc độ chủ quan của bản thân, cho trẻ một không gian thật rộng lớn để quan sát người khác, tìm hiểu lợi ích của người khác, từ đó biết cách chú ý, quan tâm đến lợi ích của người khác trong khi hành xử.
Trần Tâm (st)