SỐNG LẠC QUAN _ chấp nhận việc đã rồi

CHẤP NHẬN VIỆC ĐÃ RỒI
Jack Dempsey, võ sĩ vô địch thế giới trong những năm 1928-1929 đã kể lại cuộc thất bại của anh khi bị võ sĩ Tunney đoạt chức vô địch, đánh bại anh như sau: "Giữa trận đấu, tôi đột nhiên cảm thấy hết thời... tới hiệp thứ 10 tuy chưa xiêu, nhưng đứng đã không vững, mặt tôi vừa toạc vừa sưng, mắt tôi gần nhắm nghiền lại. Bỗng tôi thấy trọng tài giơ tay Tunney lên nhận rằng y đã thắng, tôi không còn vô địch nữa rồi!

Jack Dempsey
Tôi xuống võ đài, về phòng thay đồ dưới mưa lạnh, rẽ đám khán giả mà đi. Có nhiều người cố nắm tay tôi để chia buồn. Có người mắt long lanh vết lệ. Một năm sau tôi tái đấu với Tunney. Nhưng vô ích. Thời oanh liệt của tôi quả đã qua hẳn. Rất khó mà nén sầu tủi, nhưng tôi tự nhủ rằng: "Sự đã xảy ra như vậy còn than tiếc làm gì nữa".
Có phải Dempsey tự nhủ như vậy hoài, mà hết được nỗi buồn chăng? Không, nghĩ suông như vậy thật chưa đủ, chàng đã thành công là vì đã thẳng thắn nhận sự thất bại, quẳng vất nó ra khỏi trí nhớ và chú hết thông minh vào tương lai. Chàng diệt ưu tư bằng cách mở nhà Hotel Great Northen tại đường số 57, hoặc treo giải thưởng lớn cho đám võ sĩ hậu sinh, hay là một đôi khi cũng lên võ đài biểu diễn. Chàng diệt ưu tư bằng cách cặm cụi trong những công việc thiết thực để kiến thiết tương lai, tới nỗi không còn thời giờ mà nghĩ tới dĩ vãng nữa. Chính Jack Dempsey đã nói thêm rằng: "Mười năm vừa qua tôi sung sướng hơn hồi giữ chức vô địch rất nhiều".
Ông Levis E. Laurs, giám đốc khám đường Sing Sing có cho biết rằng: Những tội nhân trọng phạm lúc mới vô khám, thường bao giờ cũng đầy oán hận và sầu thảm. Nhưng sau vài tháng, một phần lớn những tội nhân thông minh hơn hết, đã biết xóa bỏ hẳn những bi vận đó, bằng lòng với định mạng, tự ép mình vào khuôn khổ của nhà giam và lợi dụng những phương tiện nhỏ nhặt nhất, để được thư thái.
Ông Warden Laives đã kể câu chuyện một tội nhân vốn có nghề làm vườn, bị giam trong khám Sing Sing vừa hát vừa trồng rau, và xén bông, trong bốn bức tường giam cao ngất, đang khi chúng ta sống tự do mà vẫn buồn khổ và suốt ngày kêu ca.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công