GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - THÁNH LỄ

40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ
GIẢI THÍCH MỘT SỐ TỪ DÙNG TRONG PHỤNG VỤ
Alleluia (hay Halêluia)
Tiếng do-thái, có nghĩa "hãy ngợi khen Thiên Chúa". Alleluia, được đọc hoặc hát trước khi nghe công bố Tin Mừng (Phúc Âm), diễn tả niềm hân hoan, tán dương và ngợi khen, và mời gọi chúc tụng Thiên Chúa vinh quang. Do đó, trong Mùa Chay, mùa sám hối và hoán cải, mùa tưởng niệm mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Kitô, chúng ta không đọc hoặc hát Alleluia trong các nghi thức phụng vụ.
Amen  (Xem câu hỏi số 12)
Bài giảng (hay bài diễn giảng)
Giảng ở đây có nghĩa là giảng Lời Chúa: linh mục chú giải về đoạn Tin Mừng vừa nghe, quảng diễn và áp dụng Lời Chúa trong đời sống hằng ngày.
Bài giảng là phần phụng vụ phải có trong các thánh lễ chúa nhật và lễ trọng, vì sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tin Mừng, của Thánh Kinh trong thánh lễ cũng như trong đời sống Kitô hữu.
Bí tích
Danh từ bí tích (bí: kín, dấu kín không biết được; tích: dấu vết để lại) dịch từ chữ hy-lạp mysterion hoặc từ chữ la-tinh sacramentum.
Bí tích cũng còn được gọi là Nhiệm tích.
Sách "Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo" (1992) định nghĩa bí tích như sau: "Các bí tích là những dấu hiệu hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và được trao lại cho Giáo Hội để ban sự sống thần linh cho chúng ta. Các nghi thức hữu hình để cử hành các bí tích thì nói lên và thực hiện những ân sủng riêng của mỗi bí tích" (số 1131).
Bí tích là máng chuyển ơn Chúa cho chúng ta. Mọi bí tích đều là hành vi của Chúa Kitô được Giáo Hội cử hành qua nghi thức phụng vụ gồm sự vật, cử chỉ và lời nói kèm theo. Thí dụ: trong bí tích Rửa Tội, linh mục đổ nước ba lần trên đầu thụ nhân hoặc dìm thụ nhân ba lần trong giếng rửa, và đọc: "T..., cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Có tất cả bảy bí tích: Rửa Tội (hoặc Thánh Tẩy), Thêm sức, Thánh Thể, Hòa Giải (hoặc Giải Tội), Xức Dầu bệnh nhân, Truyền Chức, Hôn Phối.
Hiến tế tạ ơn
Hiến tế tạ ơn là một cách gọi khác của thánh lễ và lễ Misa. Từ ngữ này (dịch từ động từ hy-lạp eucharistein: tạ ơn) diễn tả rõ ràng mục đích chính của thánh lễ: cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha nhờ Chúa Kitô, với Người và trong Người, cũng như sự kết hợp của Giáo Hội với các tác động này của Chúa Kitô (xem câu hỏi số 1).