Bài 9. HỌC TẬP CHỮ NHÂN
TƯ CÁCH LỊCH SỰ
II. THỰC HÀNH
2. Tư cách và cử chỉ của người lịch sự trong giao tế:
a. Chào hỏi và giới thiệu:
* CHÀO HỎI:
Gặp người trên người dưới có bổn phận chào hỏi. Nhưng chào hỏi cách nào?
- Nếu đang đội mũ, nón, ta phải giở nón ra, đầu hơi cúi xuống và miệng nói: chào cha, chào ông, chào bà v v...
+ Ta có thể chào bằng cách bắt tay. Cần lưu ý:
- Khi bắt tay, tay phải mình nắm chặt lấy tay phải người kia. Đừng bắt cách gượng gạo, cũng đừng xiết chặt quá hay nắm tay người ta mà lúc lắc như muốn thử sức.
- Người dưới phải đợi người trên đưa tay ra trước mới được bắt.
- Gặp nhiều người một lúc, thì lần lượt bắt tay từng người, đừng bắt tay chéo nhau, coi không lịch thiệp.
* GIỚI THIỆU:
- Mục đích là để cho hai người chưa quen biết nhau hoặc chỉ biết mặt được rõ nhau hơn.
- Bao giờ cũng giới thiệu người dưới cho người trên. Trong lời giới thiệu, phải nói đến danh tánh và chức nghiệp.
- Lúc nào nên giới thiệu? Bất kỳ khi nào và ở đâu, lúc ta nhận thấy cần cho những người đã quen biết ta được dễ nói chuyện, xưng hô, giao tiếp... với nhau thì ta nên giới thiệu.