Ơn thiên triệu _ gió heo may đã về

Gió heo may đã về!!!
Cuộc khủng hoảng nửa cuộc đời
Những nguyên nhân
Một linh đạo cho cuộc khủng hoảng
Kết luận: Ôi cát bụi tuyệt vời
 
Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài...
Tuổi nào ngơ ngác tìm kiếm gió heo may.
(Trịnh Công Sơn)
Mấy ngày tết đã qua. Mỗi người đã thêm một tuổi. Những anh chị em lớn cảm thấy mình già thêm một độ. Nhìn các đàn em vui vẻ tung tăng, nhìn các bạn trẻ đang tuổi xuân phơi phới; làm cho bậc đàn chị, đàn anh cũng cảm thấy bâng khuâng.
Liền sau những ngày đầu xuân, Giáo hội đã bước vào Mùa Chay. Một nghi thức làm cho mình cảm động, vị chủ sự bỏ một nhúm tro rồi đọc: “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, sẽ trở về tro bụi”. Mùa Chay đã về. Mùa Chay là mùa tập luyện và chiến đấu với chính bản thân. Tự nhiên làm cho mình nghĩ đến thân phận đời người. Con người mình đã thực sự đụng tiếp cận với thân phận cát bụi. Làm sao sống cái tuổi chớm già của mình, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã gọi hiện tượng biến đổi của tuổi trung niên là “Gió heo may đã về”. Đó là một giai đoạn ai cũng phải trải qua và phải sống cái cảm nghiệm cát bụi đời người của mình.
Mới ngày nào đó, mình ngơ ngác bước qua ngưỡng cửa tu viện, đơn sơ, ngây thơ là vậy. Nhìn đời lạc quan vui tươi, thánh thiện. Rồi thời gian năm tháng chồng chất, những ước mơ, những cú vượt gian khổ và kể cả khổ đau. Bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn, chống đỡ để có thể…tồn tại. Trong cái biến thiên của cuộc đời.
Mới ngày nào…Hai mươi bốn năm xưa…
Những mái đầu xanh kề nhau than thở…!
Thế mà bây giờ, tóc đã điểm sương. Sức khỏe kém đi… tim mạch, áp huyết, tiểu đường, mắt kém, tai ù… Cuộc sống đã bắt đầu có vấn đề. Tâm trạng cô đơn buồn chán. Mặc cảm mình bị bỏ rơi, người ta vô ơn. Vân vân và vân vân!!
1. Cuộc khủng hoảng “nửa cuộc đời”
Tông thư: “Ta sẽ ban cho họ những mục tử như lòng ta mong ước” (Pastores Dabo Vobis), số 77, mô tả tình trạng của lửa tuổi trung niên như sau:
“Họ phải đối diện với một vài nguy cơ, chẳng hạn như lăn xả quá đáng vào hoạt động hoặc là thi hành chức vụ cách máy móc. Từ đó, họ bị cám dỗ tự phụ rằng mình có tài tháo vát hết mọi sự, ra như là kinh nghiệm bản thân đã đủ rồi, chẳng cần tới”.
Tiếc rằng cho đến nay, tình trạng đó ít được để ý, chuẩn bị đối phó. Thế nhưng trong đời người, cuộc khủng hoảng trầm trọng không phải là ở lứa tuổi dậy thì cho bằng vào lứa tuổi 40-50. Có lẽ vì không ý thức điều đó nên không thiếu người bàn tán xôn xao khi thấy có tu sĩ xin tháo lời khấn sau khi đã mừng ngân khánh, còn con số những người tuy không xin hồi tục nhưng sống lè phè ắt là đông hơn nhiều.
Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào vấn đề, xin lưu ý là những cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Âu Mỹ, nơi mà con người được gọi là “tam thập nhi lập”, nghĩa là vào trạc 30 tuổi người ta đã tốt nghiệp đại học hay đã chịu chức linh mục, các nữ tu khấn trọn đời được nhiều… năm rồi, chứ thường không có chuyện ngoài 40 tuổi mà còn vác sách đến trường hay còn mong chờ ngày được chịu chức như ở nước ta! Xem ra sự mong đợi như vậy có nhiều điều tốt là giúp cho đương sự còn trông lên, cuộc khủng khoảng thường xảy ra khi mà con người coi mình như đã đạt tới chóp đỉnh rồi, vì vậy mà họ bắt đầu tụt xuống. Dĩ nhiên đó không phải là nhân tố duy nhất hay mạnh nhất gây ra cuộc khủng khoảng, còn nhiều nguyên nhân khác nữa như sẽ thấy sau.
2. Những nguyên nhân
Thực ra từ thời xa xưa, đã có các văn sĩ và các tác giả tu đức viết “Con quỷ giờ ngọ” về cơn khủng hoảng ở tuổi 40, với đặc điểm là chán đời, buồn tẻ, hay là đâm ra cáu kỉnh gắt gỏng… Vào thời hiện đại, người ta phân tích kỹ lưỡng hơn những triệu chứng và nguyên nhân của nó dựa theo những dữ kiện của sinh lý và tâm lý học.
a. Cơ thể bắt đầu lão hóa
Chẳng hạn, chúng ta biết rằng vào lứa tuổi 20 con người cảm thấy nhu cầu yêu đương lứa đôi, còn sau tứ tuần thì nhu cầu làm cha, làm mẹ lại mạnh hơn. Vì thế mà bên Ý người ta đã khuyên rằng tới tuổi đó thì một là phải kiếm cho có đứa con, hai là xuất bản một quyển sách, và ba là ít nữa hãy trồng một cây ăn trái. Tại sao vậy? Chẳng cần phải suy luận nhiều, người ta cũng có thể tìm ra lý do. Tới giai đoạn này, cái parabole của cuộc đời bắt đầu di chuyển sang đường vòng: Xưa nay con người đi thẳng lên, giờ đây, chuyển động biến dạng sang đường cong để rồi từ từ đi xuống. Lần đầu tiên con người va chạm với tư tưởng về tử thần đang tiến tới. Con người không muốn để cho sự nghiệp mình tiêu tan ra mây khói, cần phải để lại một cái gì: Một đứa con, một tác phẩm, hay ít là một cái cây.
Như đã nói trên, còn nhiều nguyên nhân tâm sinh lý khác nữa. Chẳng hạn như đối với nữ giới nó trùng với thời mãn kinh, những làn nhăn bắt đầu xuất hiện trên mặt, xem ra nhan sắc phai dần (tuy dẫu không thiếu lần có người coi là lúc hồi xuân)! Nhưng dù là nam giới hay nữ giới, khi đã có ít tuổi, con người cảm thấy không còn phong độ như hồi nào nữa.
Điều này biểu lộ không những qua những cuộc thi đua thể thao với lớp trẻ, nhưng còn qua những biến chứng của cơ thể (bắt đầu là cặp mắt, hoặc phải lắp thêm một tròng vào kính cận thị, hay là phải sắm kính lão để đọc sách, kế đến là trí nhớ hay trở thành trí quên). Những biến chứng về sinh lý sớm muộn gì cùng lôi theo những biến chứng về tâm lý. Con người nhận ra những giới hạn của mình. Trước đây, khi còn sung sức, người thanh niên nuôi bao nhiêu hoài bão, dự án, thậm chí đôi khi còn mơ chuyện đội đá vá trời. Nhưng bây giờ, khi điểm lại thành tích, người tráng niên thấy rằng mình chưa thực hiện hết 1/10 hay 1/100 các điều dự định. Quả là lực bất tòng tâm!
b. Biến chuyển về tâm lý
Đó là thực trạng, nhưng sẽ phải phản ứng thế nào? Có người sẽ hoàn toàn buông xuôi, thây kệ tới đâu hay tới đó, có người thì xóa sạch bàn cờ làm lại cuộc đời: Họ cho rằng mình đã lầm, bây giờ phải tìm đường gỡ gạc (có lẽ đây là lý do của những chuyến sang ngang). Có người thì xem xét lại toàn bộ dự án của mình, lựa chọn những gì mình có thể làm được và loại bớt những gì quá viễn vông mơ hồ. Dù sao thì họ cũng cố gắng tận dụng những chuỗi ngày còn lại trên đời. Trời ơi, sao mà thời gian qua lẹ thế! Họ cắm đầu cắm cổ làm việc, dẫn đến tình trạng mà người Mỹ gọi là “Workalkolism” (nghiện làm việc), hình như một phần tại vì họ phải làm gấp rút công tác trước khi lìa đời, nhưng một phần cũng tại vì, nếu ngưng công việc lại thì sẽ cảm thấy một sự cô đơn trống rỗng xâm chiếm cõi lòng.
Nhà tâm lý học Karl Jung còn đưa thêm một lý thuyết khác về lý do của cuộc khủng hoảng lứa tuổi 40. Theo ông, suốt đời con người là một cuộc đi tìm căn cước. Hành trình ấy đã bắt đầu từ khi chào đời. Khi mà cuộc đời của em bé được tách rời khỏi bụng mẹ. Đến tuổi dậy thì, tiến trình ấy thêm một bước nữa, khi mà người bạn trẻ bắt đầu cãi lại cha mẹ, thầy cô bởi vì em muốn có ý kiến riêng của mình. Đó cũng là một lý do của cuộc khủng hoảng của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, cho dù người thanh niên, thiếu nữ đi lập gia đình, đã có nghề nghiệp riêng họ vẫn còn khép nép trước những lề thói tục lệ của xã hội (nếu không thì sẽ bị xã hội gạt ra lề, thất nghiệp). Nhưng đến tuổi 40 thì anh chị đó đã có một nghề nghiệp hay địa vị vững chắc rồi, lúc này anh chị mới có dịp trổ tài. Họ bắt đầu bớt sợ các quy ước của xã hội, họ có thể bộc lộ cái bản ngã của mình xưa nay bị kìm hãm.
Thế nhưng, điều này cũng gây ra một cuộc khủng hoảng, giằng co, khi mà họ đối diện giữa cái con người sống theo quy ước trước đây với cái con người thực tại mà họ đang tìm tòi. Nói cách khác, cơn khủng hoảng của tuổi 40 coi như một cuộc tranh chấp giữa con người giả tạo (luôn đeo mặt nạ, giữ đúng lễ nghĩa), với con người thực (trước đây bị chôn dìm, ẩn núp). Sự tranh chấp như vậy cũng đồng nghĩa với sự giằng co giữa khuynh hướng hướng ngoại và khuynh hướng hướng nội. Sự tranh chấp này cũng trùng vào thời điểm mà con người ý thức hơn về khả năng và giới hạn của mình (chứ không còn mơ hồ như thời thanh xuân nữa).
c. Chấp nhận và sống tâm lý tuổi chớm già
Đó mới chỉ là phân tích lý do của những cuộc khủng hoảng, còn chuyện đối đầu với chúng lại là chuyện khác. Theo Jung những tranh chấp giằng co nói trên đây là điều tốt bởi vì giúp cho con người được quân bình, khôn ngoan. Tiếc rằng nhiều người đã muốn dẹp tan những cuộc tranh chấp ấy, với hậu quả là hoặc họ vẫn tiếp tục tình trạng ấu trĩ như trước, hoặc rơi vào tình trạng cực đoan mới (bất cần đời, coi thiên hạ như cục đất: đường ta ta cứ đi, ai nói gì thây kệ).
Đó là ý kiến của Jung, mà chúng ta không phải chấp nhận như chân lý bất khả ngộ. Sở dĩ trưng dẫn ra ở đây là vì muốn trình bày một cái nhìn khác của cuộc khủng hoảng vào tuổi 40. Các lối nhìn trước đây thường coi đó như dấu hiệu báo động cuộc đời bắt đầu xuống dốc. Còn Jung thì hé cho thấy một hướng đi khác: đây là lúc mà ta có cơ may sống thực với mình hơn, tìm lại quân bình tâm lý giữa lý tưởng với thực tại, giữa hướng nội với hướng ngoại, giữa khuôn khổ với sáng kiến. Dĩ nhiên, như vừa nói, với điều kiện là có can đảm đương đầu với những mối giằng co thay vì đàn áp chúng, với hậu quả là không dám đổi mới cuộc đời, hoặc chỉ luyến tiếc tuổi thanh xuân đã qua hơn là nhìn những cơ may còn chờ đón trong tương lai.
3. Một linh đạo trong cuộc khủng hoảng?
a. Đáp lại ơn gọi lần thứ hai
Từ những nhận định về sinh lý, kèm theo những thẩm định khác nhau về tâm lý, chúng ta cũng có thể đoán được những hệ luận khác nhau về khía cạnh tu đức. Trong quá khứ, khi đặt tên cho cuộc khủng hoảng ở tuổi tứ tuần là: “Con quỷ giờ ngọ”, người ta nhìn nó với cặp mắt không mấy thiện cảm. Đã chẳng có những tu sĩ mất ơn kêu gọi (sang ngang) và mất cả đức tin vào tuổi 40 đó sao? Một số dòng đã dành cho các tu sĩ vào lứa tuổi này một thời gian suy nghĩ với danh hiệu “Khóa tập lần thứ hai” (một thứ lượng định hoạt động của thời gian qua).
Tuy nhiên, ngày nay, có những tác giả khác đã không tỏ ra bi quan như vậy. Tuổi 40 không phải là tuổi liều mình bước sang ngang, nhưng là tuổi thực lòng theo Chúa, quay trở về với Ngài. Cha Voillaume đặt tên cho nó là “Ơn gọi lần thứ hai”. Vào tuổi này, Thánh Têrêsa Avila đã dốc quyết từ bỏ nếp sống tà tà để dấn thân vào cuộc cải tổ không những là chính bản thân mà còn cả dòng Carmelô nữa. Thánh Inhaxiô Loyola viết cuốn linh thao để ghi lại kinh nghiệm của mình trở về với Chúa cũng vào tuổi này. Người ta cũng có thể ví như cảnh ông Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm, và nghe được bài học cần thiết phải sinh lại. Như chúng ta đã biết không phải là vô tình mà Thánh Gioan Tông đồ ghi nhận những chi tiết về không gian và thời gian trong những lần con người gặp gỡ Chúa Giêsu: không phải là chuyện tình cờ khi thiếu phụ Samaria gặp Chúa bên cạnh giếng nước! Cũng vậy, không phải là tình cờ khi ông Nicôđêmô đến gặp Chúa vào lúc ban đêm (và ông Giuđa cũng rời bỏ Chúa vào một đêm tối trời).
b. Giai đoạn thanh luyện đức tin
Dù sao, thì có lẽ hình ảnh này đã gợi ý cho Thánh Gioan Thánh Giá khi mô tả những đêm tối của giác quan hay đêm tối của tinh thần trên con đường tiến tới sự trọn lành. Cuộc khủng hoảng của tuổi 40 (cảm giác cô đơn, lung lạc về ý nghĩa cuộc đời...). Có thể ví được như đêm tối thanh luyện của đức tin, khi mà con người phải gột rửa những quyến luyến hào nhoáng của cuộc đời (ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trên sa mạc: thành công chớp nhoáng, được ngưỡng mộ như thiên tài) để đi vào cốt tủy của đức tin, để có thể nói như Thánh Phêrô: “Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy…” phải thêm rằng lời tuyên xưng ấy được thốt lên giữa nước mắt nghẹn ngào, bởi vì lúc này, Phêrô đã biết thân phận mỏng giòn của mình chứ không dám dao to búa lớn như thời còn trẻ nữa.
Hiểu như vậy, cuộc khủng hoảng của tuổi 40 có thể trở thành cơ hội thuận tiện để tiến tới trong đường trọn lành, chứ không phải là “Con quỷ giờ ngọ” nữa. Tuy nhiên cũng giống như trong bình diện tâm lý (chấp nhận các sự giằng co để tìm ra một sự quân bình mới, hay là dẹp tan đi các giằng co), cơn khủng hoảng chỉ mang lại những hiệu quả tích cực trong bình diện tu đức với một số điều kiện nào đó. Không dễ gì chấp nhận một tình trạng chiến đấu nội tâm lâu dài, với những cảm giác cô đơn, khô khan, bị bỏ rơi không còn gì để bám, những ước mơ xưa thì nay đã sụp đổ, nhưng chưa có cái gì khác để thay thế! Cơn cám dỗ lớn là trở về với những ảo ảnh cũ hơn là đi vào đường hầm đen tối của sự thanh luyện.
4. Kết luận: Ôi cát bụi tuyệt vời
Bước vào tuổi trung niên, chúng ta đã có một phần đóng góp với đời, với Dòng, cũng như đã trải nghiệm qua nhiều tình huống hỷ, nộ, ái, ố. Cuộc đời muôn vẻ sẽ được tô đậm thêm nên nếu chúng ta vui vẻ chào đón giai đoạn chớm già của mình.
Tâm tình thích hợp nhất lúc này vẫn là tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa, tạ ơn đời. Tạ ơn về hồng ân thánh hiến. Tạ ơn về cả những khuyết điểm của mình nữa. Chúng ta biết rằng một nét đặc sắc của linh đạo Đaminh là đề cao vai trò của ơn Thánh. Nhờ đó, chúng ta dám nói như Thánh Phaolô: “Tôi hãnh diện về những yếu đuối của tôi, vì quyền năng của ơn Thánh Chúa biểu lộ tỏ tường hơn nơi những yếu đuối đó” (xc. 2Cr 12, 9-10).
Tâm tình tín thác đó cho phép chúng ta luôn sống trong hy vọng. Đó là điều Dòng mong muốn cho chúng ta khi trình bày những khó khăn trở ngại như là thách đố, nghĩa là tiếng gọi của Chúa: “Hãy can đảm đáp lại lời mời gọi của Chúa với niềm hy vọng, dựa trên niềm xác tín là Thánh Thần không bao giờ ngưng hướng dẫn Giáo Hội trên những nẻo đường thánh thiện”.
Chúng ta tin tưởng rằng tình yêu của Chúa mạnh hơn sự mỏng dòn yếu đuối của chúng ta, lòng trung tín của Ngài mạnh hơn sự bất trung của ta. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, chúng ta hát kính Salve Regina: Kính chào Mẹ là niềm cậy trông của chúng con (Spes nostra, salve). Kế đó chúng ta bắt sang bài ca kính Thánh Đaminh: “Ôi niềm hy vọng lạ lùng…” (O spem miram). Xin hai vị cầu bầu cho chúng ta biết luôn nuôi dưỡng niềm hy vọng và biết thông chia niềm hy vọng cho người khác.
Tác giả bài viết: Ts Dom. Đinh viết Tiên, OP