BÁN TẤT CẢ NHỮNG GÌ MÌNH CÓ
Hồi Benjamin Franklin mới bảy tuổi, ông mê thích một chiếc còi đến nỗi đã móc tất cả tiền trong túi mua nó mà không trả giá. Bảy mươi năm sau, khi đã nổi tiếng khắp hoàn cầu và đang làm đại sứ cho Hoa kỳ ở Pháp, trong một lá thư ông kể cho bạn ông về kỷ niệm đó: “… rồi tôi về nhà, vừa đi vừa thổi. Tôi thích chí lắm, nhưng các anh chị tôi thấy trả giá hớ quá, chế diễu tôi, làm cho tôi xấu hổ, oà lên khóc…”.
Một chiếc còi nhỏ bé, nhưng nỗi buồn vì mua hớ lại làm cho B. Franklin nhớ mãi đến già. Từ đó, trước khi làm việc gì ông cũng tự nhủ mình: “coi chừng kẻo bị hớ như mua còi nhé!”. Ông viết tiếp: “Khi lớn lên, suy xét những hành động của người đời, tôi nghĩ là rất nhiều người đã ‘mua hớ chiếc còi’. Tóm lại, tôi thấy rằng họ tự mua chuốc hầu hết nỗi khổ sở của họ chỉ vì đánh giá sai những vật trên đời”.
Khôn ngoan là không mua hớ, hay theo Salômôn, trong lời cầu xin với Chúa, là có thể phân biệt phải trái: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3,9). Nhưng hãy để ý! Salômôn đặt ơn “biết lắng nghe” trước khả năng phân biệt phải trái: Khôn ngoan là một ân sủng Chúa ban trước khi là một nhân đức vì tự sức mình không ai biết được điều gì là đáng giá, là hữu ích thực sự.
Cái dại đầu tiên và cũng là cái dại lớn nhất của Ađam – Eva là bị Satan dùng sự tinh khôn để lừa gạt: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” (Stk 3,6).
B. Franklin khổ sở vì mua hớ chiếc còi, cả nhân loại phải đau khổ vì đã làm theo điều mình tưởng là khôn, như Ađam và Eva xưa, rồi sau đó phải đối diện với cái sự thật trần trụi về bản chất hèn mọn của mình: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (Stk 3,7).
Thế mới biết việc đưa mình ra khỏi mê cung của các ảo ảnh để phân biệt phải trái, theo đuổi điều thực sự lợi ích mà bước vào hạnh phúc Nước Trời là cái khó của mọi người.
Qua các dụ ngôn, Đức Kitô cho thấy Nước Trời chẳng có gì khác hơn là một chọn lựa. Điểm cốt yếu của việc chọn lựa đó là tìm ra điều thực sự có giá trị; hơn nữa, việc chọn lựa đó còn đòi hỏi sự dấn thân với cả cuộc sống, không chấp nhận giải pháp nửa vời nào cả, là bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy, ... viên ngọc ấy.
Vâng, Nước Trời là “kho báu được giấu trong ruộng”, rất gần gũi và ở ngay trong cuộc sống mỗi người, nhưng không phải ai cũng xem thấy được. Tin Mừng mà Đức Kitô đem đến là chỉ cho mỗi người thấy rõ kho báu của mình chính là ơn cứu độ Thiên Chúa dành sẵn cho mọi người từ thuở tạo thiên lập địa, là “làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người”.
“Nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” không phải là một việc dễ dàng. Nhưng Chúa đã làm người thì còn gì có thể ngăn trở con người nên giống Chúa? Chúa đã làm người nên “mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).
Phaolô đã có được sự khôn ngoan của Nước Trời: Nhờ thấy được món lợi quá lớn đó mà ngài đã không ngần ngại “bán tất cả những gì mình có”, là bỏ qua tất cả những gì có giá trị theo thước đo cũ để sống theo một tiêu chí mới, là trở nên nô lệ của mọi người mà có được sự tự do của Nước Trời: “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (2Cr 9,19.21-22).
Trước mối lợi lớn lao của Nước Trời không có kẻ giàu người nghèo. Vì thế mà lời mời gọi được gửi tới cho mọi người là “bán tất cả những gì mình có... để mua thửa ruộng ấy".
Tôi có sẵn lòng bỏ đi tất cả hay vẫn muốn giữ lại đôi chút, trong tiếng chào, lời xưng hô, hay trong bổng lộc…?