BÀI 3. HỌC TẬP CHỮ KIỆM
1. Tiết kiệm là gì?
Tiết là giảm bớt, hạn chế lại.
Kiệm là dành dụm, không hoang phí xa hoa.
Tiết kiệm là bạn biết hạn chế đúng mức, biết tiêu pha dè sẻn, không hoang phí xa hoa.
2. Ta phải tiết kiệm những gì?
Ta phải tiết kiệm trong việc tiêu dùng những tài sản Thiên Chúa ban cho chúng ta, là tiền của, sức khỏe, thời giờ.
A. TIẾT KIỆM TIỀN CỦA:
1. Tiền bạc:
a. Tiết kiệm tiền bạc là thế nào?
- Là đừng làm ít xài nhiều, ăn tiêu qúa độ, vay công lĩnh nợ để sắm sửa, ăn xài “vung tay quá trán”. Tóm lại, đừng xài tiền qúa khả năng kiếm được.
- Là tiêu xài điều độ, định số chi theo số thu, chỉ dùng đồng tiền vào những nhu cầu thực sự, và biết để dành phòng lúc túng thiếu.
b. Có cách nào giúp ta thực hành tiết kiệm không?
Có những nguyên tác, nếu giữ đúng, sẽ giúp ta tiết kiệm một cách rất hiệu quả. Đó là:
- Không mua những gì chưa thực sự cần, dù giá rẻ.
- Không mắc nợ nếu không thực sự cần thiết.
- Lập sổ thu chi minh bạch, ghi chép kiểm tra hằng ngày.
2. Của cải:
a. Của cải là gì?
Của cải là những vật dụng chúng ta sử dụng để sinh sống hằng ngày như nhà cửa, ruộng đất, quần áo, điện nước, sách vở, xe cộ... có của chung như đường xá, công sở..., và của cải riêng như quần áo, sách vở mỗi người...
b. Ta phải tiết kiệm của cải như thế nào?
- Chỉ dùng khi cần thiết, điện nước phải khóa lại ngay sau khi dùng.
- Không sử dụng đồ dùng cách cẩu thả kẻo làm hư hỏng. Đừng quên câu “của bền tại người”.
- Tránh những thói quen xấu, như vẽ vạch trên bàn học, trên ghế nhà thờ; hay bẻ hoa cảnh, xả rác bừa bãi ở nơi du lịch.
3. Nết xấu nghịch với tính tiết kiệm: Lãng phí.
Lãng phí có nhiều cách:
- Lãng phí sức lao động: vì kém tinh thần trách nhiệm, lãng phí nhiều công sức vì tổ chức vụng về, mất nhiều người cho một việc chỉ cần ít người làm.
- Lãng phí thời giờ: Việc chỉ cần làm cho một ngày, một buổi, lại kéo dài ra đến mấy ngày... chỉ do thiếu chuẩn bị, thiếu tổ chức...