Sống đức tin _ ra trước tòa Chúa

RA TRƯỚC TOÀ CHÚA
1. Thời sự hiện nay luôn có những tin về những thảm hoạ bất ngờ. Những cái chết bất ngờ. Những tàn phá bất ngờ. Những tai nạn bất ngờ. Những phản bội bất ngờ. Những đổ vỡ bất ngờ.
Những bất ngờ ấy gây đau buồn lo lắng. Đối với những người sống đức tin, nhất là đối với người có nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, những bất ngờ ấy còn gợi ý về sự phải sẵn sàng ra trước toà Chúa. "Nếu được cả thế gian, mà mất linh hồn mình, thì nào có lợi gì?" (Mt 16,26).
2. Để được rỗi linh hồn, thì phải thi hành thánh ý Chúa. "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7,21).
Thánh ý Chúa Cha là chúng ta phải trở thành con Chúa. Để trở thành con Chúa, thì không phải chỉ tránh tội lỗi, mà còn phải tham gia vào sự sống của Chúa, phải thông hiệp với bản tính của Chúa, phải nên giống hình ảnh Đức Kitô. Tất cả tiến trình đó đều do Chúa Thánh Thần.
Bởi vì "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8), tình yêu là sự sống của Thiên Chúa, là bản tính của Chúa, nên người con Chúa phải là người tham gia và hiệp thông vào tình yêu Chúa, nên giống Đức Kitô là hình ảnh tình yêu Chúa. Việc đó được thực hiện trong Chúa Thánh Thần.
Trở nên người con Chúa như vậy là có được một chiều kích thiêng liêng. Chiều kích đó là một ơn huệ của Chúa. Con người có quyền đón nhận và cũng có quyền từ chối.
3. Là người con Chúa, chúng ta nhìn Chúa Giêsu là trung tâm đời ta. Nên giống như Người, đó là chọn lựa căn bản của chúng ta.
Chúa Giêsu đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa thế nào? Thưa bằng con đường khiêm tốn. Người tuyên bố Tám mối phúc ở tại sự khiêm tốn. Người sống trọn đời yêu thương trong khiêm tốn. Người dấn thân đến tận cùng con đường khiêm tốn để yêu thương, qua sự Người tự nộp mình bị bắt, bị nhục mạ, bị hành hạ, bị giết chết. Nhưng con đường khiêm tốn đó đã được sáng lên qua sự sống lại của Người.
Chọn lựa của Chúa Giêsu cũng phải là chọn lựa của những người con Chúa. Tính cách người con Chúa sẽ rực sáng nơi chúng ta nhờ chọn lựa yêu thương trong khiêm nhường.
4. Sự chọn lựa yêu thương trong khiêm nhường sẽ rực sáng nơi chúng ta, không phải do một vài việc ta làm, nhưng phải do tất cả nếp sống của ta. Nếp sống ấy phải mang tâm tình của Chúa Giêsu. Tâm tình của Chúa Giêsu được thánh Phaolô mô tả trong thư gởi giáo đoàn Philipphê:
"Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.
"Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá" (Pl 2,5-8).
Những tâm tình trên đây có thực sự sống động trong chúng ta không? Nhất là những tâm tình đó có là nếp sống thường ngày của chúng ta không?
5. Sống những tâm tình của Chúa Giêsu là điều rất tốt. Nhưng rồi phải thực hiện những tâm tình đó bằng các việc làm bác ái khiêm nhường đối với tha nhân. Chúng ta nhớ lại lời sấm của ngôn sứ Isaia: "Hãy báo cho dân Ta hay tội ác của chúng, cho nhà Giacóp biết những lỗi lầm đã phạm.
"Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta, chúng ao ước biết đường lối của Ta, chúng ăn chay, hãm mình... Nhưng, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức những kẻ làm công cho mình... Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải thế nào sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc... chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân... Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: Có Ta đây" (Is 58,1-9).
Tội ác mà Thiên Chúa truyền cho tiên tri Isaia bảo dân phải sám hối ăn năn, chính là sự mâu thuẫn giữa đời sống đạo đức bên ngoài đối với Chúa và đời sống thường ngày đối với tha nhân.
Đạo đức bề ngoài đối với Chúa là hằng ngày họ kiếm tìm Chúa, xin Chúa cho biết đường lối của Chúa, năng ăn chay hãm mình.
Còn đời sống thường ngày đối với tha nhân thì họ tàn nhẫn và độc ác.
6. Điều Chúa muốn là họ hãy yêu thương tha nhân. Đức tin vào Chúa phải được diễn tả bằng đức ái đối với tha nhân. Đó chính là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?
"Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm" (1 Ga 3,17-18).
Khi tình yêu thương càng mạnh thì sự hiểu biết càng sâu, như lời thánh Phaolô viết: "Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt nhất" (Pl 1,9).
Đúng như vậy. Có yêu có thương  mới biết mới hiểu.
7. Khi tôi đang viết bài chia sẻ này, thì một người từ miền xa tới xin gặp tôi. Cuộc gặp chỉ dài chừng 15 phút. Mục đích của khách là để tâm sự. Họ đang gặp nhiều thử thách. Nhưng nhờ một bài giảng họ đã nghe năm 1998 và họ đã ghi lại, nên họ vững tin vào Chúa. Bài giảng đó có một phần về sự chết. Tôi có cảm tưởng là Chúa sai họ đến với tôi. Vô tình họ động viên tôi hơn là tôi an ủi họ.
Cuộc gặp đó giúp tôi tiếp tục suy tư.
Cũng như mọi người, tôi sẽ ra đi. Tôi sẽ chết lúc nào, ở đâu, cách nào, thì chỉ Chúa biết. Điều chắc chắn tôi biết là tôi sẽ ra trước toà Chúa. Lúc đó, tôi sẽ rất vui mừng, nếu tôi được Chúa nhận tôi là con Chúa. Tôi sẽ rất hạnh phúc, nếu tôi được Chúa nhận thấy trong tôi có hình ảnh của Đức Kitô.
Để được như vậy, tôi phải thực thi Lời Chúa: "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta" (Mt 16,24).
Lạy Chúa, con xin vâng! Xin Chúa thương giúp con sống lời "xin vâng". Con biết, dù con cố gắng tới mức cao nhất, con vẫn luôn luôn bất xứng. Nếu Chúa xét xử con theo công lý, chắc chắn con sẽ bị loại. Nhưng con tin, Chúa sẽ xét xử con theo lòng nhân hậu xót thương vô cùng của Chúa. Chính Chúa ban cho con niềm tin ấy. Con vui sướng cảm tạ Chúa muôn đời.
ĐGM. GB Bùi Tuần