Học làm người _ đừng phê phán, nghĩ xấu cho người

ĐỪNG PHÊ PHÁN, NGHĨ XẤU CHO NGƯỜI
      Sở dĩ ta nên tránh việc phê phán và nghĩ xấu cho người là vì đoán xét của ta thường sai lạc, ít khi chúng ta phê phán người khác một cách khách quan, mà thường phê phán theo cảm tình và ý nghỉ chủ quan của ta.
Câu chuyện sau đây trong sách Liệt Tử, vừa nghe, thì thấy rất tầm thường, nhưng nó chứa đựng một chân lí sâu xa về sự phê phán chủ quan của ta.
        Có người đánh mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà hàng xóm lấy trộm.
       Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, cử động, không một tí gì là không rõ ra một đứa ăn trộm búa cả. Được một lúc người ấy tìm thấy chiếc búa trong hố, thì hôm sau, trông đứa con nhà láng giềng: ngôn ngữ, cử chỉ, lại không một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa.
         Câu truyện này đươc viết ra hằng ngàn năm trước đây, vừa nghe thì có vẻ lạc lẽo vô duyên, nhưng khi đọc kĩ thì thấy phản ảnh thật trung thực tâm lí của đa số con người đã sống từ hàng ngàn năm trước, cũng như hiện đang sống bây giờ. Sở dĩ phán đoán của ta sai lạc là vì lí trí ta thường bị chi phối bởi hàng trăm ngàn yếu tố: như tiền bạc, danh vọng, lợi , hại, yêu, ghét, thân, sơ v. v…
           Nước Tống có một người nhà giàu, một hôm trời mưa, tường nhà anh ta bị đổ. Đứa con nói: ”Thưa cha, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào”.
           Người láng giềng thấy tường đổ cũng nói: “Này bác, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào”.
           Tường chưa kịp đắp, tối hôm ấy, nhà anh quả nhiên mất trộm thật. Anh ta khen đứa con khôn ngoan vì biết trước và anh ngờ người láng giềng là gian xảo và có thể đã làm xằng.
            Hàn Phi Tử thuật câu chuyện trên, rồi kết luận: ”Cùng một câu nói, con nói thì khen là tinh khôn, láng giềng nói thì ngờ là trộm cắp, bởi tại cớ làn sao? Tại con thì tình thân, không có bụng ngờ, láng giềng là tình sơ nên sinh ra ngờ vực”.
            Sự ngờ vực và xét đoán của con người là như thế.
          Nhưng đứng trước một sự việc, làm sao chúng ta lại không có ý nghĩ, không có phê phán, nhận định về việc đó: hay, dở, đúng , sai ?
            Sự thực, không ai cấm ta có ý nghĩ; nhưng hãy cố gắng có ý nghĩ tốt về sự việc trước khi biết rõ ràng về sự việc đó.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công