GIÁO DỤC _ khi bố mẹ là bụt chùa nhà

KHI BỐ MẸ LÀ ‘BỤT CHÙA NHÀ’
Gần đây, chị Hạnh, một chuyên viên tư vấn tâm lý ở Hà Nội, đang đau đầu vì không bảo được cô con gái mới lớn. Chị từng tư vấn cho nhiều tình huống hóc búa hơn, được khách hàng tín nhiệm, nhưng lại "mất thiêng" trước con gái của mình.
Trước đây, ai cũng khen chị khéo dạy nên cả hai cô bé xinh đẹp đều thông minh lại rất hoạt bát, tự tin.
Vậy mà mới đây, dù biết là tuổi mới lớn có nhiều thay đổi và những biểu hiện bất thường nhưng chị không thể chấp nhận nổi khi thấy con ăn mặc "lố lăng", và thay vì say mê học hành lại đòi không thi đại học mà muốn trở thành người mẫu. Không những thế, nhìn những đứa bạn con hay chơi cùng, chị cũng thấy bất an.
Nếu tư vấn cho một người mẹ có con như mình, thể nào chị cũng khuyên họ nên gần gũi, lắng nghe để hiểu con hơn, tôn trọng con và tạo sự tin tưởng rồi nhẹ nhàng khuyên bảo dần. Nhưng trong hoàn cảnh này, chị không bình tĩnh được nên bắt con phải bỏ ngay những kiểu quần áo và đầu tóc "không ra trai, không ra gái" rồi cắt đứt chơi với đám bạn "lêu lổng" kia. Và con bé phản ứng bằng cách lì mặt ra, không cãi lại cũng chẳng thay đổi gì.
"Mình cảm thấy bất lực quá, nhất là lại hằng ngày nghe bao nhiêu cuộc điện thoại của lứa choai choai hỏi về chuyện yêu đương và tỏ ra chống đối bố mẹ", chị Hạnh tâm sự.
Còn ông Triệu, Hiệu trưởng một trường cấp 3 ở Hà Nam, vốn được nhiều thế hệ học trò kính trọng vì tài đức cũng mang nỗi đau khôn nguôi khi có cậu con trai duy nhất nổi tiếng vì hay gây gổ đánh nhau và dính đến "chất trắng".
Thực ra, những người gần gũi với ông Triệu đều cho rằng việc này chẳng có gì khó hiểu. Ông là người học rộng tài cao nhưng lại được bố mẹ "ướm" trước cho một cô thôn nữ cùng làng. Hai người nên duyên mà chẳng có tình yêu nên cuộc hôn nhân không mấy mặn mà. Vì thế, ông hay tỏ ra coi thường bà vợ chân lấm tay bùn và ngoài giờ lên lớp, ông dành nhiều thời gian cho thú chơi tổ tôm hơn việc quan tâm đến gia đình. Cậu con trai khá thông minh được ông nuông chiều từ bé và rất buông lỏng quản lý nên đến khi phát hiện nó hư thì đã muộn. Lúc này, mọi lời răn dạy của ông với con đều vô ích.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội, khi làm việc trong môi trường giáo dục hay tư vấn tâm lý, cha mẹ có nhiều cơ hội để học hỏi những kiến thức và nếu biết vận dụng tốt sẽ có khả năng thành công cao hơn trong quá trình giáo dục con. Tuy nhiên, lý thuyết vẫn là lý thuyết, thực tế đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Vì thế, có nhiều người khuyên bảo người khác rất hay, rất đúng nhưng lại thất bại khi giải quyết các vấn đề của chính mình.
Đơn giản bởi khi tư vấn cho người ngoài, họ khách quan nên nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn, từ đó sẽ giúp thân chủ giải quyết vấn đề tốt hơn. Còn khi dạy dỗ hay khuyên bảo con cái, tính khách quan đã bị giảm đi rất nhiều vì thực ra những vấn đề của con cái cũng chính là của cha mẹ. Thêm nữa, các bậc cha mẹ rất hay nghĩ con mình vẫn còn trẻ dại, “ăn chưa no, lo chưa tới”, do đó khi bảo ban, thậm chí ngay cả khi trò chuyện họ thường có xu hướng áp đặt và dẫn đến việc hoặc là đứa trẻ phải bắt buộc nghe lời nhưng trong lòng ấm ức hoặc nó sẽ chống đối lại. Như vậy, trong cả hai trường hợp những điểm mạnh ở đứa trẻ đều không được khơi gợi và hiệu quả giáo dục, tư vấn sẽ không cao.
Tiến sĩ Mùi cho biết, thế mạnh của nhà tư vấn chính là ở chỗ họ thường phải đối diện với nhiều tình huống đa dạng, phức tạp trong cuộc sống, từ đó tiên đoán sự phát triển của tình huống và tìm cách giải quyết cũng tốt hơn. Tuy nhiên, không phải khi nào họ cũng thành công bởi có những tình huống thật sự khó mà họ không đủ kinh nghiệm để giải quyết hoặc nó đụng chạm đến những trải nghiệm tiêu cực của chính mình. Điều này cũng có thể xảy ra khi họ hướng dẫn cho con. Khi đó cách tốt nhất là phải vượt qua mặc cảm về sự thiếu khả năng để chia sẻ với bạn bè, với những nhà tư vấn khác và tìm ra cách giải quyết tối ưu.
Ngoài ra, trong gia đình, cha mẹ không chỉ giao tiếp với con cái thông qua lời nói mà còn dạy con qua cách ứng xử của chính mình. Do đó, một nhà tư vấn hay một nhà giáo dục có thể rất thành công trong công việc vì có những kỹ năng chuyên môn tốt nhưng lại thất bại khi dạy con vì họ đã có những việc làm không gương mẫu
Theo tiến sĩ Mùi, trước khi vận dụng kiến thức trong sách vở và những kinh nghiệm thu lượm được trong cuộc sống, bố mẹ phải dành những khoảng thời gian thật chất lượng cho con, cũng rất cần học cách lắng nghe để hiểu đúng được suy nghĩ, cảm xúc của trẻ. Đó chính là điều quan trọng, không thể thiếu để làm nên thành công trong việc giáo dục con cái.