Sống đức tin _ Chứng nhân tình yêu Chúa

Luigi Gonzaga
CHỨNG NHÂN CHO TÌNH YÊU
Luigi vượt thắng các tính xấu nhờ biết cầu nguyện liên lỉ và nhất là nhờ lòng kính mến đặc biệt Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô.  
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Cách đây đúng 420 năm, ngày 21-6-1591, thánh Luigi di Gonzaga - tu sĩ sinh viên dòng Tên - trút hơi thở cuối cùng tại thủ đô Roma, hưởng dương 23 tuổi.
Luigi di Gonzaga chào đời trong gia đình quí tộc ngày 19-3-1568 tại lâu đài Castiglione gần Mantova (Bắc Ý). Thế nhưng giàu sang không luôn đem lại hạnh phúc cho con người. Dòng tộc Gonzaga nếm đủ mùi vị đắng cay cuộc đời. Hai bào đệ của Luigi bị ám sát. Ông chú bị giết do sự xúi giục của đứa em trai tên Rodolfo. Thân mẫu bị đâm trọng thương nhưng may mắn thoát chết. Nhờ đó bà hầu tước Marta Tana di Santena được hồng phúc tham dự lễ tôn phong chân phước cho quí tử Luigi di Gonzaga vào năm 1605.
Xã hội mà Luigi chào đời và lớn lên mang đủ loại bạo lực, nhuốm đầy máu, độc dược và đắm chìm trong bầu khí vô liêm sĩ, trụy lạc, vô luân và giả dối. Luigi đã tự mình thoát ra khỏi bầu khí xã hội ô nhiễm đó, xã hội mà Luigi cho là xấu xa và ngu xuẩn!
Ngay từ tuổi thơ Luigi học biết: tội lỗi làm mất lòng Thiên Chúa. Do đó cậu thường xuyên lãnh bí tích Giải Tội và nhận mình có tính xấu hay giận dữ, thích độc lập và ưa cãi lại. Nhưng tính xấu giúp Luigi sống khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa.
Ngày bước vào Tập Viện dòng Tên, Luigi di Gonzaga thưa với Cha Giáo Tập:
-     Con là thanh sắt bị cong, cần phải được uốn lại cho thẳng!
Bên cạnh các tính xấu, Luigi trổi vượt về đức tính thành thật thẳng thắn. Thẳng thắn tuyệt đối. Đối với Luigi, Không là Không, Có là Có. Thêm vào đó, Luigi vượt thắng các tính xấu nhờ biết cầu nguyện liên lỉ và nhất là nhờ lòng kính mến đặc biệt Cuộc Khổ Nạn của Chúa GIÊSU KITÔ. Người viết tiểu sử thánh Luigi di Gonzaga không ngần ngại quả quyết:
-     Có thể nói, THÁNH GIÁ giữ vai trò quan trọng trong con đường tu đức của Luigi.
Cuộc đời 23 năm ngắn ngủi của thánh Luigi di Gonzaga khiến cho hàng hàng lớp lớp người trẻ vô cùng ngưỡng mộ và muốn bắt chước. Từ một hoàng tử, trưởng nam với quyền thừa tự của dòng tộc Gonzaga, Luigi từ bỏ tất cả để bước theo Đức Chúa Giêsu Kitô. Sau cùng, Luigi gục ngã vì tận tụy chăm sóc những người bị bệnh dịch hạch trong trận dịch khủng khiếp tại thủ đô Roma vào năm 1590.
Cuộc đời thánh Luigi di Gonzaga có thể tóm gọn trong 5 điểm anh hùng:
-     Ngay từ thơ ấu nhất quyết chọn con đường theo Chúa, bất chấp hàng trăm hàng ngàn cản trở mỗi ngày.
-      Thuyết phục thân phụ - quận công Fernando Gonzaga - cũng như thuyết phục gia đình đầy quyền thế và thuyết phục hoàng đế, đồng ý cho mình từ bỏ quyền thừa tự.
-      Chấp nhận nếp sống giản dị tầm thường của một tập sinh, dù đã vượt xa trên đường tu đức thánh thiện.
-      Bằng lòng trở lại gia đình để giải quyết các vụ tranh chấp căng thẳng mà chỉ Luigi mới có đủ khả năng giải tỏa.
-      Anh hùng trong nghĩa cử bác ái của người Samaritano nhân hậu: tận tụy giúp các bệnh nhân dịch hạch cho đến bị lây và bị chết.
Năm 1726 Đức Giáo Hoàng Biển-Đức XIII (1724-1730) nâng Luigi di Gonzaga lên bậc hiển thánh và 3 năm sau, tuyên dương thánh Luigi di Gonzaga làm quan thầy giới trẻ, đặc biệt giới trẻ sinh viên Công Giáo.
Lúc sinh thời, thánh Gioan Bosco (1815-1888) - nhà giáo dục đại tài và là tôn sư giới trẻ - thường khích lệ các bạn trẻ yêu kính và noi gương thánh trẻ Luigi di Gonzaga.
Đức Giáo Hoàng Pio XII (1939-1958) ca ngợi thánh Luigi di Gonzaga là mẫu gương mọi nhân đức, đặc biệt 3 nhân đức khiêm tốn, thẳng thắn và trong sạch.
... ”Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại vòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Sách Giảng Viên 1,2-9).
 (”MISSI”, Avril-Mai 1984, n.464, trang 34)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt