Ơn thiên triệu _ vinh quang của Thiên Chúa

VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA
ĐGM. GB. Bùi Tuần
Bài chia sẻ trong thánh lễ kỷ niệm
36 năm thụ phong Giám Mục
(30-4-1975/30-4-2011)
Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan.
Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển. Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương  nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau" (Ga 13,31-33a. 34-35).
1. Lúc bắt đầu đi vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã nói: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người"(Ga 13,31).
Lời đó cho thấy: Vinh hiển của Chúa Giêsu là sự Người vâng phục thánh ý Chúa Cha, hiến mình làm của lễ đền tội cho nhân loại. Cũng chính tình yêu hy sinh của Người như của lễ sẽ làm cho Chúa Cha được vinh quang.
Chúng ta hãy nhìn vào của lễ Chúa Giêsu.
Của lễ là chính bản thân Người.
Bản thân Người như Con Chiên hiền lành, mà sách Xuất Hành nói tới (x. Xh 12,11-14) sẽ bị giết để cứu dân.
Bản thân Người như người tôi trung, mà tiên tri Isaia nói tới (x. Is 52,13-58) sẽ bị hành hạ, thay cho kẻ tội lỗi.
Bản thân Người như người nô lệ, mà thánh Phaolô nói tới (x. Pl 2,7) sẽ bị treo trên thập giá, để đền tội thay cho nhân loại.
Bản thân Người như vị tư tế, mà tác giả thư gởi Do Thái nói tới (x. Dt 10,8) như kẻ vâng phục: "Này con xin đến để thực thi ý Cha".
Như vậy, chịu đau khổ vì yêu thương là một giá trị cao cả. Nó có sức cứu độ, do đó mà Thiên Chúa được vinh quang.
Nhận thức trên đây đổi mới cái nhìn của tôi. Tôi ca ngợi những môn đệ Chúa trong đó có anh chị em, đã và đang chịu đau khổ vì mến Chúa yêu người. Tôi cảm thương sâu sắc với những ai đau khổ. Nhận thức đó cũng đã thúc đẩy tôi bám chặt vào Chúa chịu khổ nạn, khi tôi sợ hãi trước những cơn bão tố đổ trên tôi đang phải hấp hối trong những ngày đen tối. Chính Người là sức mạnh của tôi.
2. Tôi càng bám chặt vào Chúa chịu khổ nạn một cách phó thác, khi tôi thực thi lời Người dạy: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con" (Ga 13,34).
Theo tôi, cái khó không phải là yêu thương, nhưng là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương.
Bản thân tôi rất yếu đuối. Nếu không được Chúa ban ơn giúp sức, tôi không thể nào yêu thương như Chúa yêu thương. Yếu đuối là một cái khó rất lớn.
Nhưng, cho dù tôi có yêu thương tới một mức nào đáng kể, tôi cũng sẽ gặp một cái khó khác. Cái khó đó từ bên ngoài. Rất nhiều người kể cả trong nội bộ chúng ta, vẫn coi yêu thương như Chúa yêu thương là một sự hèn yếu. Đám đông không thích thánh giá là một áp lực. Sống trong một môi trường như vậy, người môn đệ nào của Chúa kiên trì với đường lối yêu thương nhiều khi sẽ thấy mình bị cô lập. Nhất là khi Satan lại chỉ huy công việc chống phá. Satan là một cái khó rất mạnh.
Các môn đệ Chúa sẽ cô đơn và như thất bại. Nhưng Chúa vẫn thắng. Bởi vì Chúa quyền năng vẫn hay dùng những dụng cụ hèn yếu để mở rộng Nước của Người.
Tôi đã được nghe tâm sự của rất nhiều người trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Họ cho biết là họ đã được ơn Chúa và cảm nhận được tình Chúa xót thương, nhờ tiếp xúc với những người công giáo sống yêu thương. Qua những tâm sự đó, tôi thấy Nước Thiên Chúa là Nước ân sủng và tình yêu. Nước Thiên Chúa dưới hình thức đó đã đi vào biết bao tâm hồn, Nước Chúa đang đi vào lòng dân tộc Việt Nam.
3. Khi hiểu được sự thực trên đây, tôi vững tin hơn vào Lời Chúa phán: "Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con thương yêu nhau" (Ga 13,35).
Yêu thương là dấu chỉ, để nhận ra ai là môn đệ Chúa. Chính Chúa chọn yêu thương là dấu chỉ, thì không ai có quyền thay đổi. Chúng ta đón nhận sự chọn lựa mà Chúa ban cho ta như một ơn gọi. Ơn gọi này không dễ dàng. Vì thế chúng ta cầu xin Chúa đào tạo chúng ta. Chúa đào tạo chúng ta bằng nhiều cách. Một cách Chúa thường dùng đó là thánh giá Chúa Giêsu.
4. Anh chị em thân mến,
Tình hình hiện nay đang được Chúa báo động. Có nhiều bất an, bất ổn. Có nhiều nguy cơ rất đáng ngại. Nguy cơ nên để ý nhất là sự lộng hành của Satan. Mục tiêu mà Satan nhắm chống phá nhiều nhất, chính là Nước tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.
Trước tình hình này, Chúa đang gởi đến cho chúng ta một sứ điệp, đó là Chân Phước Gioan Phaolô II. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một vị thánh đương thời.
Ngài là người môn đệ Chúa đã được tham gia sâu sắc vào cuộcthương khó Chúa.
Ngài là vị chủ chăn đã luôn dạy đoàn chiên về bổn phận yêu thương nhau.
Ngài là người con Đức Mẹ hay kêu gọi mọi người hãy trông cậy vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Ba tình thương đều có hy sinh.
Ba tình thương như ba dòng chảy ơn thánh, giúp chúng ta đến với Chúa và gần lại với nhau.
Ba dòng chảy này giúp chúng ta sống Lời Chúa về tình yêu một cách phong phú và cụ thể trong thời sự hôm nay.
Vì thế, với việc suy gẫm Lời Chúa hôm nay, cùng với việc phong Chân Phước  ngày mai cho Đức Gioan Phaolô II, Chúa muốn chúng ta hãy vững tin vào đường lối, mà Chúa đã dạy trong Lời Chúa và trong vị tân Chân Phước, đường lối đó chính là tình yêu hy sinh. Khi bản thân ta biến thành của lễ tình yêu hy sinh, thì chúng ta sẽ làm cho Chúa được vinh quang.
Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con biết đón nhận Tin Mừng hôm nay của lòng thương xót Chúa. Amen.
ĐGM. GB Bùi Tuần