NÀY CON XIN ĐẾN
- Anh bạn tôi đã không trở về sau cuộc chiến, thưa ngài. Hãy cho phép tôi ra ngoài kiếm anh ta, một người lính hỏi viên sĩ quan.
- Không được, viên sĩ quan trả lời, tôi không muốn anh bỏ mạng vì một người có lẽ đã chết rồi.
Thế nhưng anh lính vẫn đi. Một giờ sau, anh trở về, trên mình đầy những vết thương nặng nề, với thi hài của người bạn trên vai.
- Tôi đã bảo là anh ta chết rồi. Bây giờ tôi lại sắp mất một chiến sĩ. Anh thấy có đáng phải ra ngoài đó để lôi về một cái xác không?
- Đáng chứ, thưa ngài. Lúc tôi tìm thấy, anh ấy vẫn còn sống, và anh ấy nói với tôi: “Jack, tôi biết chắc thế nào anh cũng đến”.
‘Đáng hay không đáng làm’ là một câu hỏi lớn vì nó giúp chúng ta định hình cho cả cuộc đời. Câu hỏi thì lớn nhưng câu trả lời lại nằm nơi từng quyết định nhỏ bé, mà câu trả lời tối hảo là câu trả lời đến từ tình yêu, dù đôi lúc nó đi ngược với những suy tính tự nhiên.
Vì thế, ngay cả khi làm việc mà chẳng thấy kết quả: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì”, Tình-Yêu-Cứu-Độ vẫn không dừng lại mà còn muốn mở rộng hơn nữa: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,4.6).
Ai hiểu được lòng mẹ, và ai cân đo được tình yêu người cha? Một bệnh nhân khá giả có thể được chăm sóc cách đặc biệt nhờ trả nhiều tiền, nhưng bao nhiêu tiền là đủ cho một bàn tay yêu thương?
Thế mà vì yêu thương, Đấng Cứu Thế đã dâng chính mình làm hy lễ: đền tội cho chúng ta: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: "Này con xin đến!” (Tv 40,7-8)
Khi giới thiệu Đức Kitô trong ngày bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài, Gioan đã loan báo về việc thực hiện tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Đấng Cứu Thế, và loan báo con đường Ngài sẽ đi, con đường của Người Tôi Tớ Đau Khổ, như tiên tri Isaia tiên báo: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. (Ga 1,29)
Đúng thế, lời thưa ‘Này con xin đến’ của Đức Kitô là tiếng vang vọng lại ý muốn của Đấng là tình yêu. Tình yêu đó vang lên khi Đức Kitô mang lấy thân phận con người trong mầu nhiệm nhập thể để yêu mọi người với một tình yêu dấn thân, quên mình.
Tình yêu đó được vang lên một cách tròn đầy nhất khi Đức Kitô trở thành con chiên gánh chịu tội lỗi nhân loại, con chiên mà máu nó được dùng để nên dấu cứu độ cho Dân Chúa trong đêm Vượt Qua, con chiên bị làm thịt vì tội lỗi của nhân loại: “Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,6-7)?
Gale Sayers là hậu vệ nổi tiếng vào thập niên 1960 của đội banh bầu dục Chicago Bears. Lúc nào anh cũng đeo một miếng mề đay bằng vàng kích cỡ bằng nửa đồng đôla, trên đó ghi hàng chữ ‘Tôi là thứ ba”.
Khi được hỏi ý nghĩa của tấm mề đay đó, anh cho biết rằng đó là khẩu hiệu của huấn luyện viên Bill Easton của anh. Ông thường đặt hàng chữ này trong một cái khung nhỏ trên bàn làm việc của ông.
Khi Gale tò mò hỏi ông ý nghĩa của hàng chữ đó, thì Easton giải thích: “Chúa là thứ nhất, các bạn tôi thứ nhì, và tôi là thứ ba”.
Từ đó, anh lấy hàng chữ trên làm châm ngôn sống cho đời mình và đặt làm một tấm mề đay với hàng chữ đó để đeo luôn trên cổ. Trong quyển tự thuật, Gale nói: “Không hẳn lúc nào tôi cũng thành công trong việc này, nhưng dù sao việc mang câu ấy quanh cổ cũng giúp tôi khỏi đi trệch đường quá xa”.
Để tình yêu cứu độ thực sự sinh được hoa trái là ân sủng và bình an, tôi cũng được mời gọi đáp trả bằng một tình yêu quên mình như tình yêu của Đức Kitô.
Lạy Chúa, xin cho con cũng yêu đến quên mình như Chúa, luôn sẵn sàng trước lời mời gọi yêu thương:“Này con xin đến”.