Học làm người _ nỗi lo sợ không tên

NỖI LO SỢ KHÔNG TÊN
Chuyện kể rằng, một người nọ sau khi từ giã cõi đời và được về bên Thượng Đế, anh ta mạo muội xin phép Thượng Đế cho anh ta được sống lại một vài giai đoạn trong đời anh ta.  Sau khi suy nghĩ và thấy anh này cũng có một đề nghị hơi lạ, Thượng Đế đã đồng ý.  Anh ta xin tiếp, “Thưa Ngài, sau mỗi quãng đời, xin cho con được dừng lại và về gặp Ngài để hỏi một vài thắc mắc có được không?” Thượng Đế cũng tỏ vẻ vui lòng ưng thuận.  Vậy là người này trở lại kiếp người.
Anh ta làm lại một cậu học trò với bao bận rộn với việc học hành, nhưng cũng không ít vui chơi hồn nhiên giải trí.  Nhưng khi phải vượt qua những kỳ thi, thì cậu học trò lại tỏ ra lo sợ.  Cậu ta  lo sợ bị thi rớt, sợ bị điểm thấp, sợ bị chúng bạn chê cười,…  Cậu ta xin dừng cuộc đời lại đó và đi hỏi Thượng Đế.  “Thưa Ngài, tại sao con phải lo sợ những chuyện thi cử?”.  “Con lo sợ chúng vì con đã nhìn cuộc đời của con như thể chỉ có chuyện thi cử mà quên đi những chuyện khác xung quanh con.”  Thượng Đế trả lời.
Anh ta trở lại dương thế và tiếp tục làm người.  Giai đoạn này, anh ta có người yêu, lập gia đình, có con và tưởng chừng như anh ta đã vượt qua những nỗi lo sợ của thời trẻ con. Thế nhưng, anh ta vẫn lo sợ.  Anh sợ vợ anh phản bội, con anh không đủ sức khỏe, công việc làm ăn không ổn định.  Anh dừng cuộc đời lại và đi hỏi thượng đế. “Thưa Ngài, dù biết rằng con đã không nhìn cuộc đời như trước đây nữa, nhưng sao con vẫn lo sợ?” Thượng Đế đáp, “Con lo sợ vì con muốn sở hữu chúng vĩnh viễn; con không muốn bị mất chúng. Con nên nhớ, điều gì con càng muốn nắm giữ, thì con càng lo sợ chúng bị mất đi.”
Trở lại cuộc sống dương thế lần thứ ba, giờ đây ở tuổi cao niên, sau bao tháng ngày sợ hãi, lo lắng, ông già trông bình an và chấp nhận hơn.  Ông không lo sợ bị mất vợ và lo lắng cho con cái như trước đây.  Nhưng trong tâm thức ông, một nỗi lo âu, sợ hãi vẫn ám ảnh ông.  Nỗi lo sợ của ông không còn là nỗi lo liên quan đến “cơm áo, gạo tiền” như trước đây, nhưng ông lại sợ bị lãng quên những công trạng của thời trai trẻ; ông lo những thành quả ông góp cho đời sẽ bị mất dấu tích.  Kỳ lạ thay, ông lại lo không còn được cảm nếm những nỗi lo sợ của thời học trò, của thời thiếu niên, của người thanh niên mà ông đã trải qua.  Ông quá tò mò nên quay về hỏi Thượng Đế, “Thưa Ngài, tại sao những điều lúc trước làm con lo sợ, thì bây giờ con lại sợ không còn được cảm nếm những nỗi sợ ấy nữa?” Thượng Đế đáp, “Con yêu! Chừng nào con còn sống trong quá khứ, muốn quay trở lại quá khứ; và chừng nào con còn lo nghĩ về tương lai, muốn làm chủ lấy tương lai, thì con còn sống trong sợ hãi. Cha không có quá khứ, Cha không có tương lai.  Cha chỉ có hiện tại.  Nơi nào không có hiện tại, nơi đó không có bình an.”
* * *
Quí bạn thân mến, mẩu chuyện tưởng tượng trên cho ta thấy rằng, đời con người xem chừng như cứ bị bao trùm hết nỗi lo sợ này đến nỗi lo sợ khác: Nỗi lo sợ của đứa trẻ mới bước vào đời, nỗi lo sợ của người thanh niên về tương lai, và nỗi lo sợ của vị cao niên về quá khứ của mình bị đánh mất.  Vậy nỗi lo sợ ấy đến từ đâu, và lý do gì mà ta lo sợ?
Suy gẫm thấu đáo ta có thể nhận thức rằng, hoàn cảnh “đáng sợ” không thực sự đáng sợ như ta tưởng, nhưng điều làm ta lo sợ chính là ta lo sợ điều chưa xảy ra.  Chúng ta thường sợ điều chưa xảy đến hơn là điều đã xảy đến.  Nếu quí bạn có dịp trò chuyện với các bệnh nhân mang những căn bệnh nan y, thì có rất nhiều người cho rằng, điều đáng sợ của họ bây giờ không phải là căn bệnh họ đang mang, mà là những điều khác.  Nỗi sợ của họ bây giờ không còn là căn bệnh nữa, nhưng là sợ bị bỏ rơi, bị cô đơn, bị quên lãng, và biết bao nhiêu nỗi sợ không tên khác.  Kỳ thực thay, dù ai trong chúng ta cũng đã không ít một lần bị bỏ rơi, cũng đã không ít có một lần kinh nghiệm cô đơn, và bị người đời quên lãng; biết là như thế và đã trải qua kinh nghiệm nhiều lần như thế trong đời rồi, nhưng con người vẫn lo sợ chúng; con người vẫn rối lên khi đối diện chúng.
Thưa bạn, bạn cũng như tôi đã trải nghiệm những lo sợ mà có lúc đã làm chúng ta mất ăn mất ngủ ở lứa tuổi học trò, ở tuổi xuân, ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất (người thân ra đi, bị tù đày tra tấn,…).  Xét cho cùng, cuối cùng nỗi lo sợ này cũng chỉ có thế thôi, có phải không?  Thế thì những nỗi sợ hôm nay – giây phút này – ngay lúc này, cũng chỉ là một phần của kiếp làm người của chúng ta mà thôi.  Hãy nhìn chúng như là một phần đời của chúng ta để giúp chúng ta nâng cao giá trị đời mình, chứ đừng để chúng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm những vẻ đẹp của giây phút hiện tại.
Thưa bạn, hôm nay tôi mời gọi bạn hiểu sâu hơn ý nghĩa thực của giây phút hiện tại. Vì thực ra cuộc đời của bạn chỉ có hôm nay, giây phút này chứ không phải hôm qua hay ngày mai.  Và dù bạn có lo sợ điều gì lớn lao đến mấy đi chăng nữa, mỗi ngày bạn cũng phải đi qua 1440 phút.  Vậy bạn muốn sở hữu 1440 khoảnh khắc bình an, tự tại hay là 1440 nỗi âu lo, sợ hãi???
    Br. Huynhquảng