BÔNG HOA GIỮA ĐỜI _ xả thân cứu tàu

'Tôi đã cắn rách dép da để cứu anh lái tàu'
Bất chấp tiếng hô “tàu cháy”, anh Đại vẫn bám trụ trong buồng lái, vừa cạy ốc tháo ghế cứu ông Thức, vừa khóc. Đúng lúc ấy, điều kỳ diệu đã đến, con ốc bung ra, anh ôm chầm thân thể lái tàu ướt đẫm máu, bế ra ngoài.
> Xả thân cứu cả đoàn tàu Thống Nhất/ Nhân viên đường sắt góp tiền giúp người xả thân cứu tàu
Một tuần sau vụ tai nạn tàu hỏa sáng 6/8, trong căn nhà mái ngói hai gian ở thôn Mạc, xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), anh Nguyễn Quang Đại (43 tuổi) kể lại quá trình cứu lái tàu Trương Xuân Thức.
Nghe tin có vụ lật tàu, anh Đại phóng xe từ nhà ra hiện trường. Thấy một người chui ra từ buồng lái, anh tự nhủ lái tàu thường hai người, sao đây chỉ có một. Vội chạy lên buồng lái, ghé mắt vào trong, anh phát hiện một người đàn ông ngồi nguyên trên ghế lái, hai chân, hai tay bị kẹt cứng và do tàu lật nghiêng nên tư thế bị treo ngược.
Anh la lớn “Vẫn còn người trên tàu”, rồi đập vỡ cửa kính lao vào trong. Người lái tàu vẫn còn thở, nhưng máu từ trán, mặt, tay, chân đang chảy ra đầm đìa, anh Đại định kéo ra ngoài, song không được. Toàn thân ông Thức đang bị ép chặt giữa ghế ngồi, máu chảy liên tục. Anh Đại liền vơ chiếc khăn mặt trên đầu tàu xé làm đôi, quấn chặt lấy cánh tay trái dập nát của nạn nhân, rồi lấy thuốc lào trong túi đắp vào các vết rách ở trán, mặt, mũi để cầm máu.
Vợ chồng anh Nguyễn Quang Đại làm nông nghiệp, thời gian nông nhàn anh làm thêm nghề mộc. Ảnh: Hoàng Thùy.
“Ngày đi bộ đội, gặp nhiều trường hợp bị thương nên tôi hiểu phải nhanh chóng cầm máu, không thì nguy mất. Anh ấy bị mắc kẹt, đợi đến lúc đưa được ra ngoài băng bó thì có lẽ chết vì mất máu”, người nông dân nhỏ thó, da đen bóng nở nụ cười hiền lành.
Sau 15 phút sơ cứu, anh Đại lại lau mặt cho nạn nhân, kiểm tra đầu, tai, mắt rồi thở phào “tạm ổn rồi, giờ chỉ cần đưa anh ấy ra ngoài là sẽ được cứu sống”. Thế nhưng, việc đưa ông Thức ra khỏi vị trí đang mắc kẹt không dễ dàng. Nhân viên cứu hộ dùng cần cẩu để nâng đầu tàu, nhưng vừa kéo lên chút đỉnh thì ông Thức nhăn mặt đau đớn. Anh Đại đề nghị dừng ngay bởi cần cẩu can thiệp càng làm ông Thức bị ép chặt.
Ở thời khắc nguy nan, trong đầu anh chợt lóe lên suy nghĩ đã là ghế thì phải di chuyển được. Dùng đèn điện thoại soi về phía sau ghế, anh mừng rỡ reo lên “em tìm được cách cứu anh rồi” và hồ hởi băng sang đường vào nhà một người sửa xe máy mượn toàn bộ cờ-lê, mỏ lết.
Chiếc ghế có 5 con ốc và hai cái chốt. Anh tháo được 4 ốc và 2 chốt, nhưng con ốc cuối cùng thì không tài nào tháo được bởi nó đã bị bẹp dúm. Hai chiếc cờ-lê đã gãy nhưng con ốc vẫn không nhúc nhích. Gần như tuyệt vọng, anh Đại ôm lấy ông Thức khóc “trời không cho em cứu anh rồi”.
“Trong nước cờ cuối cùng, tôi đã hét mọi người ở ngoài có cái gì có thể mở được chiếc ốc thì ném vào đây. Cũng may trong số đó có một chiếc móc lốp, và chính nó đã giúp tôi cứu được anh”, anh Đại cho hay.
Anh Đại kể cho đến giờ, điều anh nhớ nhất vẫn là “nước” cuối cùng. Trong lúc đang cố gắng cứu ông Thức thì ở bên ngoài hô “tàu cháy rồi”. Người hỗ trợ giục anh ra, nhưng anh vừa cố sức cạy chốt của con ốc cuối, vừa làm, vừa khóc “nếu thực sự tàu cháy thì trời không cho em cứu anh”. Nhưng chính trong giây phút ấy, điều kỳ diệu đã đến, con ốc cuối bung ra. Anh ôm chầm lấy người lái tàu đang ướt đẫm máu lôi ra.
“Tưởng vậy là xong nhưng chân phải của anh ấy vẫn bị một thanh sắt ép chặt. Nhìn kỹ tôi thấy chân anh đi dép da, chỉ cần lấy được dép là người sẽ thoát. Tôi định lấy dao khoét nhưng sợ làm anh bị thương. Tay anh ấy đã dập nát rồi, giờ khoét chân thì sau này sống thế nào. Vậy là tôi dùng miệng cắn rách chiếc dép và bế anh ra ngoài”, anh Đại nhớ lại.
Trong suốt 2 tiếng hì hục trong buồng lái tối om, ngột ngạt vì quá chật, anh Đại cho biết nhiều lần phải hét lên với ông Thức: nếu anh muốn về với vợ con thì đừng rên nữa, để em còn tâm trí mà giúp anh. “Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao lúc ấy mình khỏe thế. Tay chân bị đầu tàu đè cho thâm tím mà không cảm thấy gì. Ngay cả đến lúc người ta hô tàu cháy tôi cũng chỉ nghĩ phải cứu được anh Thức. Nghĩ dại, nếu chẳng may tàu nổ thì vợ con tôi sẽ ra sao”, anh Đại cười.
Ngôi nhà vợ chồng anh Đại khá tuyềnh toàng, nhưng ấm cúng. Trong ảnh là vợ chồng anh cùng 3 con. Ảnh: Hoàng Thùy.
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, xúc động cho biết: “Sau tai nạn, anh Thức bị mắc kẹt vào ghế, nếu muốn đưa ra thì phải cưa chân. Nhưng anh Đại đã không làm thế, nhanh ý đi mượn cờ-lê về tháo ốc vít. Rồi lúc nghe báo cháy, anh Đại vẫn cần mẫn tháo ghế, đưa anh Thức ra ngoài”.
Ông Thông cho biết thêm, sở dĩ không thể dùng cưa máy đưa nạn nhân ra vì có rất nhiều dầu mỡ tràn ra ngoài, nếu dùng cưa thì có thể gây cháy, càng nguy hiểm hơn. "May quá, trong lúc nguy cấp, nhờ sự thông minh, dũng cảm của anh Đại mà anh Thức đã được cứu sống", ông Thông nói.
* Clip khắc phục sự cố lật tàu
Nghe chồng kể về việc cứu người, chị Ngô Thị Thục không tỏ ra ngạc nhiên mà cho biết tính chồng chị là vậy, rất hay giúp người. Thời con đi bộ đội ở Tây Bắc, một đồng đội của anh không biết bơi, bị lũ cuốn trôi. Ai cũng sợ không dám bơi ra, nhưng anh Đại đã mưu trí xé màn, võng nối lại, buộc vào người mình và bơi ra giữa dòng nước cứu bạn.
"Phục viên về quê, đi đâu thấy người gặp nạn anh đều giúp. Có lần đi chợ bán rau từ 5h sáng, một người phụ nữ đi xe đạp bị ôtô tông rồi bỏ chạy, anh đã bỏ hết rau của mình lại vệ đường, đèo người ta vào bệnh viện. Sau này, gia đình họ đã tìm tới để cảm ơn", chị Thục kể.
Mong muốn lớn nhất của anh Đại là ngành đường sắt làm rào chắn ở những nơi có đường dân sinh cắt ngang với đường sắt. “Cứ tình trạng đường làm tự phát, cắt qua đường sắt thì nguy hiểm đến tính mạng người dân, người đi tàu nữa”, anh Đại nói.
Hoàng Thùy