Một chút suy tư _ thắc mắc thời bình

Thắc mắc thời bình

Phan Thị Vàng Anh
Tạp văn

 
1. 
Sáng dậy, pha một ly cà phê sữa, ra bãi biển sau nhà ngồi chơi. Không có ai trên bãi, chỉ có bọn còng gió thân trong veo cứ lâu lâu lại đùn cát lên, chạy một tí lại ngừng lại một tí, dáo dác, chẳng hại đến ai. Tự nhiên, không hiểu sao lại nhớ tới bài trả lời của anh Nguyễn Huy Thiệp trên báo hôm nào, “Nếu người ta hỏi là anh đang làm gì thì anh nói sao? Tôi nói tôi đang sống.”

“Đang sống” là một động từ đẹp chia ở thì đẹp nhất. Anh Thiệp bao giờ cũng thế, ngay cả lúc anh viết nhảm nhất thì người ta vẫn nhặt ra được vài câu lơ lửng của anh mà ngẫm nghĩ và từ đấy rút ra triết lý riêng cho mình.
Lâu nay tôi hay bị ám ảnh về việc phải sống như thế nào cho có ý nghĩa. Cái mệnh đề đơn giản “đang sống” thành ra cứ bị thêm vào lắm thứ nghĩa vụ, khi thì “đang sống và không làm hại ai”, khi thì “đang sống và làm việc có ích”, lúc lại “đang sống và làm ra sản phẩm” ... Động từ “sống” vì thế bị xẻ chia, rút cuộc vẫn cứ không biết phải sống như thế nào cho đúng là đáng sống.
Nhớ cách đây sáu năm, một lần sốt ruột vì thấy B cứ sống lênh phênh, làm việc chỉ cầm chừng kiếm tiền đủ tiêu, chiều nào cũng đi bơi, sách đọc mấy tháng không xong một quyển, lâu lâu lại biến đi du lịch xa xăm, chẳng bao giờ hại ai mà cũng chẳng bao giờ biết “bức xúc” hộ ai… tôi hỏi B thế B nghĩ sống là để làm gì, rồi cuối cùng đời B sẽ đi về đâu.
“Ừm...,” B có hơi lúng túng, “thì mình như một cái cây, càng ngày càng lớn lên thôi, có cái bóng”.
“Nhưng cái bóng thì để làm gì?” Tôi thấy lý tưởng sống chỉ như thế thì thật “thấp hèn”. Sao không phải là quả (“dâng cho đời” chẳng hạn), hay là gỗ?
“Ừm... thì cho nó mát,” B bảo.
“Mát cho ai?”
“Cho tao chứ còn cho ai!” B bực mình. “Sao lúc nào cũng phải cho ai? Còn ai đến ngồi thì mặc họ.”
Mỗi mùa hè tôi đều về nhà B, có vườn đằng trước có vườn đằng sau, cây to tán rộng. Mấy hôm trước, nằm nhìn ra tán lá xanh dịu mắt, mới thấy định hướng đời B là đúng, và đủ. Nhưng vào lúc này đây, ngồi ngoài bãi biển, mới để ý thấy năm nay thật là nhiều muống biển bò trên bãi, loằng ngoằng. Xanh thì xanh mướt, nhưng chẳng ai ăn được quả của loại cây này, cũng chẳng ai nhờ được bóng mát của nó. Thế chẳng lẽ loại cây không bóng này lại là “đang sống vô nghĩa” sao? Chẳng lẽ lại cứ phải là “cổ thụ” mới là sống có ích sao? Mình hiện nay có giống như cái loài cây này không? Cũng chẳng có bóng để ai nương tựa vào được, chỉ loằng ngoằng trên đời?
“Đang sống và sống như thế nào” vì thế là cái băn khoăn vẫn còn lởn vởn, cứ lúc nào bận quá hay rảnh quá lại đặt ra, đến ngắm biển cũng mất cả vui!
2.
Được nghỉ vài ngày ra đây, không điện thoại, internet, chẳng thiết làm gì, chỉ muốn vật vật vờ vờ nằm đợi đến giờ cơm, thành ra có dịp quan sát kỹ những thứ ngày thường, nói như một bài hát là, “nhìn mà không thấy”.
Giờ mới thấy, hoá ra hoa ổi rất giống hoa đào, và không lá nào đẹp bằng lá chuối. Lại thấy, có những côn trùng cánh đẹp như váy văn công và động vật nào hình như cũng có thể đứng bất động lâu hơn con người…
“Tôi nói tôi đang sống”, nhưng chẳng biết ông Trời có giận không nếu ta vẫn cứ “đang sống” và thỉnh thoảng mới có thì giờ ngắm nghía những thứ mà bàn tay vĩ đại của ông đã làm ra, còn đa phần ta chỉ xem chúng qua loa, gần như chẳng bao giờ tìm hiểu kỹ càng, vì còn bận “sống cho có ý nghĩa” hoặc vùi đầu vào xem những thứ nhân tạo, như sách, như truyền hình, hay mệt mỏi hơn nữa là cắm đầu vào dò đoán lòng người, nghĩ mưu tìm kế…
Nói thế đấy, nhưng đến khi có dịp “thực hành”, trèo lên phản định nằm một lúc lâu, nhìn ngắm thiên nhiên cho thật chăm chú… thì lại thấy tiếc thì giờ. Trong lòng cứ luẩn quẩn nghĩ, giờ này mà gọi xe vào phố chắc nắng đã bắt đầu dịu, mua bán chắc vui, rồi còn ra hàng internet để “check mail”, lội mạng…
Tóm lại là chơi với thiên nhiên cũng như chơi với trẻ con, thích thì thích thật đấy, nhưng mà không đắm đuối lâu được, nhất là khi chỉ có một mình mình với thiên nhiên (hay với trẻ con). Càng nghĩ càng thấy chúng ta hỏng hết rồi, một mình với máy tính thì bao lâu cũng được, một mình với tờ báo cũng rất được, với sách, với phim cũng không sao, vậy mà một mình với những thứ rất “thiên nhiên” kia thì sao mà khó vậy.
3.
Về lại thành phố, vào nhà, cảnh tượng chướng mắt đầu tiên là trên nóc T.V., con mèo già nằm ngủ, thò xuống một cái chân lơ lửng trước màn hình đang bật. Định nhấc cái chân nó lên, nhưng vừa mới đụng tới, con mèo ngay lập tức rù rù như một cái máy quạt con, êm ái, mắt he hé vẻ hưởng thụ nhìn chủ, như nãy giờ chỉ chờ được chủ sờ vào người. Vuốt ve nó một tí thì mình cũng chán, bỏ đi ; nhưng con mèo chẳng lộ vẻ quyến luyến gì, lại thiêm thiếp mà ngủ tiếp, làm mình đâm thắc mắc. Chẳng lẽ cái con chết tiệt này lại khiến mình muốn bắt chước sao? Nó biết hưởng đời từng giây mà lại không hề tỏ ra tiếc rẻ một khi nguồn vui không còn nữa. Nó hoàn toàn độc lập về miếng ăn và lại càng độc lập về tình cảm. Cuộc đời nó thong dong, đến mục đích lớn nhất đời là bắt chuột nó cũng không thèm đặt ra, phải để con người đặt ra cho (và khi con mèo không bắt được thì chủ nhân coi như chính mình thất bại!)
Hay là, sống như mèo? Thật yêu bản thân, và không cần gì, chỉ cần đang sống thì đã là hưởng thụ?
Vậy thì, nếu ai hỏi tôi cái câu đã hỏi anh Thiệp, “Nếu người ta hỏi là chị đang làm gì thì chị nói sao?” Tôi nói, “Tôi đang (tập) sống (như mèo).”
(Đáp án này, tôi phải thanh minh ngay, hoàn toàn không phải vì năm tôi viết ra những ý nghĩ này là năm Chuột!).
Theo  Tạp văn
Câu hỏi còn mãi trong lòng tôi: thế nào là sống đẹp nhất, thỏa mãn nhất, hài lòng nhất, tự do nhất; thế nào là sống có lợi cho mình nhất?
Này lòng tôi ơi, sao tôi mãi còn đi tìm cho mình một ý nghĩa sống cho cuộc đời mà quên rằng tôi đã được Đấng Tạo Thành trời đất này chọn gọi làm con của Ngài, đã hứa ban hết mọi sự cần thiết cho tôi, chu cấp những gì một người cha có thể làm cho đứa con yêu quý của mình. Điều duy nhất mà tôi cần có cho mình là tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa - là sống làm người và làm con Chúa, rồi để hết mọi sự cho Chúa lo. 
Thánh Phêrô, một người sau khi cảm nghiệm hết sự yếu hèn của mình và tình thương của Chúa, đã tâm tình: "Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em" (1 Pr 5,6-7)

BÍ QUYẾT SỐNG AN NHIÊN, TỰ TẠI: 
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm. (Tv 131)