Lời Chúa cntn 21a _ chú giải của GHHV

1. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

PHÊRÔ TUYÊN TÍN VÀ NHẬN QUYỀN TỐI CAO
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Họ thưa: Có kẻ thì nói là Gioan Tẩy giả, nhóm khác: Elia": Trong câu trả lời của các môn đồ, cái đập vào mắt trước tiên là sự tạp đa dư luận về Chúa Giêsu; tuy nhiên mớ dư luận này đều có chung một yếu tố mà ta chỉ gặp trong tư tưởng Do thái và tư tưởng Thánh Kinh: đó là không ai tin rằng Chúa Giêsu là một cá nhân đặc biệt tách rời với lịch sử Israel. Nhưng hết thảy đều nghĩ Người rất có thể là một sứ giả của Thiên Chúa, một kẻ nhắc lại và hoàn tất các lần can thiệp có tính cách lịch sử của Ngài trong quá khứ (Về Chúa Giêsu như là “ngôn sứ", xin xem chú thích của BJ).
“Ta là ai ": Đừng mặc cho động từ là một nghĩa Hy lạp hay nghĩa hiện đại: Chúa Giêsu không chất vấn các môn đồ về yếu tính trường cửu của Người nhưng là về sứ mệnh lịch sử của Người đối với Thiên Chúa và dân Người, điều mà câu trả lời của Phêrô sẽ xác quyết, bản tính của Chúa Kitô, chính là cái mà Người có trách vụ chu tất ở trần gian để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại.
"Con Thiên Chúa hằng sống": Câu thêm này của Matthêu được các nhà chú giải lượng giá rất khác nhau. Một số người xem đấy là lời tuyên xưng thần tính của Chúa Giêsu (Ví dụ Benoil, trong chú thích của BJ), kẻ khác lại coi là một thành ngữ tương ứng với Đấng Messia. Ý kiến thứ nhất dựa trên các lý do như sau:
1/ Trong lúc các chỗ khác trong Matthêu, người ta gọi Chúa Giêsu là "Con Thiên Chúa" (Fils de Dieu) (4, 3; 8, 29; 14, 33; 27, 43.54) với ngụ ý đơn giản rằng Người là một hữu thể siêu việt thì ở đây Phêrô lại gọi Chúa Giêsu là "Người Con của Thiên Chúa" (Le Fils de Dieu), nên rõ ràng là qua đó ông muốn công bố nguồn gốc thần linh của Người.
2/ Câu Chúa Giêsu long trọng thừa nhận lời tuyên tín ấy sẽ khó hiểu nếu đây không phải là một lời tuyên xưng thần tính về phía Phêrô: điều này được xác quyết qua sự kiện Chúa Giêsu đã không thừa nhận như thế, khi các môn đồ tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa trong giai thoại đi trên mặt biển trước đây (14,33); trong giai thoại này, việc thiếu mạo từ trước chữ Con ‘fils de Dieu’ chứ không phải là ‘Le Fils de Dieu’ cho thấy cùng lắm nó chỉ là một xác quyết về thiên sai tính mà thôi.
3/ Có một trường hợp duy nhất khác trong Matthêu nơi ấy Chúa Giêsu tự gọi là “Người Con của Thiên Chúa” (Le fils de Dieu) câu trả lời lần này bị viên thượng tế xem là phạm thượng (26, 63).
4/ Ta không hiểu được tại sao một mặc khải của Chúa Cha mà chỉ giúp Phêrô tuyên tín được về tính cách thiên sai của Chúa Giêsu thôi (c.17).
5/ Người ta không bao giờ minh chứng thành ngữ “Con Thiên Chúa” là đồng nghĩa với “Đấng Mêsia” (Lagrange), nên do đó đừng quá vội vàng khẳng định Phêrô đã chỉ công bố thiên sai tính, chứ không phải thần tính của Chúa Giêsu.
Chắc hẳn còn nhiều lập luận khác bênh vực ý kiến thứ nhất này, nhưng trình bày tất cả ở đây thì sợ đài quá.
Ý kiến thứ hai dựa trên các lý do như sau:
1/ Độc thần giáo đã quá bén rễ sâu vào não trạng Do thái nên chỉ có việc sống lại thân xác của Chúa Giêsu và việc tuôn ban Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần mới có thể cho phép các môn đồ nghĩ đến thần tính Người theo nghĩa mạnh của từ ngữ, nhưng ngay cả lúc ấy việc đào sâu thần học cũng mất nhiều thời gian mới tìm ra cách diễn tả xứng hợp, như ta thấy trong bước tiến triển giữa các thư đầu tiên của Phaolô và tổng hợp vĩ đại của Gioan.
2/ Nếu Phêrô nhận ra rõ ràng thần tính của Chúa Giêsu trong Mt 16,16 làm sao lập tức ngay sau đó (16,22) ông mạnh mẽ chống lại chương trình cứu độ Người sẽ thực hiện?
3/ Xem ra hơi táo bạo khi gán quá nhiều ý nghĩa cho mạo từ "Người" (Lc) trong thành ngữ "Người Con của Thiên Chúa" (Le Fils de Dieu): Làm sao ta dám nghĩ rằng các ngư phủ vô học xứ Galilê lại có thể phân biệt tế nhị như thế được.
4/ Cái mà vị thượng tế xem là phạm thượng, không phải là thành ngữ “Người Con của Thiên Chúa" (Le Fils de Dieu), nhưng đúng hơn là điều Chúa Giêsu nói thêm về việc người ngự bên hữu Thiên Chúa với tư cách là "Chúa" của Tv 110, và với tư cách là nhân vật có nguồn gốc thiên giới mà Đanien đã thoáng thấy trong thị kiến của ông (x. chú thích của BJ); v.v...
Thật khó mà chọn theo ý kiến nào. Và vấn đề lại rắc rối thêm bởi sự kiện là: lời tuyên tín ấy của Phêrô thoạt đầu có thể có nghĩa thuần túy thiên sai (điều mà Mc 8, 29 và Lc 9, 20 có phản ánh), nhưng sau đấy "được đọc lại" dưới ánh sáng Phục sinh và được giải thích trong chiều hướng một lời tuyên xưng về thần tính Chúa Giêsu. Lại nữa, là không thể dựa vào sự kế tiếp hiện nay của các đoạn văn để hội nhập sự tiến triển về mặt thiêng liêng của các môn đồ: Matthêu đã chẳng biên soạn Tin Mừng trong một viễn trong tiểu sử (theo nghĩa hiện đại của hạn từ) nhưng trong một viễn tượng thần học, và đã sửa đổi, khi có dịp, thứ tự thời gian của các biến cố để đạt đến mục tiêu riêng. Suy luận cuối cùng này không phải là không quan trọng trong trường hợp ta đang cứu xét. Vì nếu Chúa Giêsu đã thốt lên câu nói ‘kiểu Gioan’ (logion johannique) (Mt 11, 25-27) về mầu nhiệm hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con trước khi Người hỏi các môn đồ ở Kaisaria của Philip, thì rất có thể Phêrô đã trực giác được một cái gì đó về thần tính của Chúa Giêsu và thoáng thấy Người không chỉ là Đấng Messia thiên hạ trông chờ mà còn là Đấng tham dự cách bí nhiệm vào chính hữu thể của Thiên Chúa. Tuy nhiên về vấn đề này, có lẽ sẽ không bao giờ ta thấy rõ hoàn toàn được.
"Ngươi là Đá và trên Đá này, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta": Lối chơi chữ thật lý thú, sít sao trong Việt ngữ và Pháp ngữ (piene) nhưng lại không như thế trong La ngữ (Potrus và petra) và hy ngữ (Potros và potra); nó xuất phát từ tiếng Aram trong đó hạn từ képha (tảng đá, khối đá chứ chẳng phải là viên đá tách rời được) là một tiếng không thay đổi. Cách chơi chữ này đã do Chúa Giêsu sáng chế, vì ta không hề gặp một ví dụ nào khác trong đó képha là một tên riêng. Cũng vậy đối với Poros trong hy ngữ và Potrus trong La ngữ, là những cách chuyển dịch tương đương nhưng đã sớm được chấp nhận. Biệt danh này sẽ gắn liền với Simon như tên riêng của ông: ông đã được cộng đoàn tiên khởi biết đến dưới cái tên Kôphas, là một chính thức lai Hy ngữ (1 Cr 1,12; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 2,11.14).
Đổi tên như vậy là một chuyện thường xảy ra trong Cựu Ước: nó cho thấy có mối liên hệ mới mẻ giữa người đổi tên và kẻ được đổi tên, đồng thời còn mặc một ý nghĩa nữa (St 17, 5. 15; 33, 10; Ds 13, 16; 2V 23, 34; 24, 17). Ở đây ý nghĩa thật quá rõ ràng: Simon sẽ là tảng đá móng, tảng đá vững bền trên đó Chúa Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Người.
Các thành ngữ tảng đá móng và xây, theo nghĩa bóng, được dùng nhiều trong Kinh Thánh. Is 28,16 nói Giavê đặt một tảng đá móng tại Sion. Thần học của các giáo sĩ, dựa trên Is 31,1 dạy rằng, Abraham là nền móng trên đó Thiên Chúa xây thế giới. Chắc hẳn Chúa Giêsu là nền móng vô hình của Giáo Hội (1Cr 3, 10-11; 1 Pl: 2, 6-8; Ep 20), nhưng chính Phêrô sẽ là nền móng hữu hình sau cuộc ra đi của Người. Thì tương lai "Ta sẽ xây" có vẻ quy về thời gian sẽ đón sau cái chết và Phục sinh của Chúa Giêsu.
"Và quyền môn âm phủ sẽ không thắng nổi". Chúa Giêsu hình như muốn nói quyền môn âm phủ (nơi các người quá cố tạm trú chờ ngày phục sinh cuối cùng, chứ chẳng phải là hỏa ngục) sẽ không thể kìm giữ trong sự chết những kẻ sẽ thuộc về cộng đoàn thiên sai; đây là một ý niệm Do thái khá phổ biến cho rằng, dù chết hay sống, các phần tử của cộng đoàn thiên sai thời sau hết sẽ không bị sự chết kìm giữ (Is 38, 10; G 38, 17; Tv 9, 14; Kn 16, 13)
Các nhà chú giải ngoài Công giáo đã luôn có khuynh hướng giới hạn vào con người Phêrô các lời Chúa Giêsu đã hứa với ông và cho rằng các lời hứa ấy chẳng hề có giá trị như là việc thiết lập một chức vụ trường tồn. Dĩ nhiên, nếu hiểu sát mặt chữ, thì văn bản câu này chỉ nói đến Phêrô. Nhưng nó cũng nói đến Giáo Hội, mà Phêrô được đặt làm thủ lãnh, và Giáo Hội này phải trường tồn, trường tồn như Chúa Kitô đã thiết lập (x. Mt 28, 20): nó bất diệt, vì ngay cả sự chết cũng không thể làm gì chống lại nó.nhưng tính cách bất diệt này làm sao có được nếu các lời hứa với Phêrô không được lưu truyền cho những kẻ kế nhiệm ông? Vì thế học thuyết Công giáo về sự kế nhiệm sứ đồ là sự minh giải cách hợp lý lời hứa của Chúa Giêsu.
“Bấy giờ người căn dặn môn đồ không được nói cho ai hay Người là Chúa Kitô”: có lẽ Chúa Giêsu sợ rằng một việc tiết lộ không phải lúc phẩm chức thiên sai của Người sẽ khơi lại cơn sốt quốc gia chủ nghĩa. Người ta đã chẳng muốn tôn phong Người làm vua sau phép lạ hoá bánh ra nhiều đó sao? (Ga 6, 15) Nhưng việc phong vương của Người sẽ chỉ thực hiện qua cái chết điều mà những, kẻ đương thời và ngay cả các môn đồ Người (dù đã được mạc khải của Chúa Cha soi sáng) không thể nào hiểu được.
KẾT LUẬN
Nhờ khám phá qua trung gian Phêrô ý nghĩa của tước hiệu bí nhiệm của “Con Người” và nhờ nhận ra trong Chúa Giêsu Đấng Mêsia siêu việt như Người đã tự xưng ngay từ đầu sứ vụ, các sứ đồ đã tách khỏi đám người Do thái cứng tin cùng làm thành nhóm còn lại mà các ngôn sứ từng hứa ơn cứu độ cánh chung cho; và từ đó Chúa Giêsu mới có thể ủy thác cho Phêrô quyền “cầm buộc" và “tháo cởi", nghĩa là quyền thu nhận vào hoặc loại trừ khỏi Nước thiên sai, hay hơn nữa quyền quy định trong tất cả những gì liên quan đến tín lý và luân lý mà đời sống cộng đoàn thiên sai đòi hỏi, y như trong sách Đanien, các thánh của Đấng Tối Cao đã được thông ban các đặc quyền của Con Người. Quyền cầm giữ chìa khóa này, do Thiên Chúa thương ban, dựa trên niềm tin của Phêrô, một con người tội lỗi nhưng đồng thời là một kẻ tin.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Chắc chắn Giáo Hội, cộng đoàn các kẻ tin, không thuộc về Phêrô, nhưng thuộc về Chúa Kitô, vì chính Người quy tụ, xây dựng và điều khiển Giáo Hội; tuy nhiên Phêrô là nền tảng trên đó các yếu tố khác biệt của Giáo Hội được quy tụ vào và hòa hợp với nhau. Hơn nữa, ông còn được quyền cầm buộc. Trong Giáo Hội trần thế, đường tiến về Nước Trời, chẳng phải tất cả đều tinh sạch và hoàn tất đâu; Phêrô sẽ thi hành dịch vụ phân biệt trong đó. Chính ông sẽ có khả năng phê phán xem các phần tử của Giáo Hội có sống phù hợp với chương trình của Chúa Kitô hay không. Sứ mệnh được ủy thác cho Phêrô là như vậy.
2) Sau khi nghe những lời Chúa Kitô phán dậy, ta thấy không thể nào cho rằng mình có thể đi đến Chúa Kitô mà không ngang qua Giáo Hội, một xã hội vừa nhân loại vừa siêu nhiên, rằng mình có thể đơn độc và trực tiếp tìm gặp Chúa Kitô và chẳng cần Giáo Hội. Vì như thế là tự xây dựng một Chúa Kitô theo khuôn mẫu của mình, là tưởng tượng ra một vị Chúa hợp sở thích của mình là từ chối chấp nhận Chúa Giêsu như Người đã tự mặc khải cho ta.
3) Giáo Hội không phải là người che chở một nền văn minh hay văn hóa nhân loại dù rất khả kính, cũng chẳng phải là kẻ ban phát một nền an ninh hay ổn định về mặt tôn giáo, hoặc là người bảo vệ một trật tự chính trị hay xã hội nào. Giáo Hội được thiết lập là để giúp ta khám phá hành động của Chúa Kitô trong ta và trong thế giới, làm cho ta sống phù hợp với hành động đó hầu được vào Nước Trời, và gìn giữ trong lòng ta một niềm tin khiêm nhu vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.
4) Dù khuôn mặt nhân loại của Giáo Hội đôi lần có thể làm ta tức giận hay lấy làm gương xấu, thì Giáo Hội vẫn luôn là người duy nhất nắm giữ những lời hằng sống, sử dụng năng lực sáng tạo của các bí tích và mở được cửa Nước Trời. Và ngay cả người vô thần vốn từ chối Giáo Hội hay lương dân không biết Giáo Hội, cũng chỉ nhận được trong âm thầm ơn sống phù hợp với tiếng nói lương tâm của họ nhờ sự trung gian không ngừng của Mẹ Giáo Hội, mà hành động vô hình lan rộng trong khắp cả thế gian.
5) Giáo Hội là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất, ít được chú ý nhất, ít hùng mạnh nhất so với các thực tại khác dưới bầu trời, vì Giáo Hội được quy tụ quanh một máng cỏ và một cây thập giá. Ai nghe thế mà không sợ? Nhưng Giáo Hội cũng là thực tại cao quí nhất, giàu sang nhất, vinh quang nhất và hùng mạnh nhất trong mọi thực tại dưới bầu trời, vì Hài Nhi sinh ra trong máng cỏ, Con Người bị đóng đinh trên đồi Canvê đã phục sinh và đang hiển trị. Ai nghe vậy mà lại không vui.
6) Dù Giáo Hội còn phải chịu nhiều thử thách và bách hại, Kitô hữu vẫn không nên ngã lòng trông cậy, vì quyền lực của sự chết thế nào cũng sẽ bị Giáo Hội chiến thắng.


2. Phêrô tuyên xưng đức tin - Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1) Phêrô tuyên xưng đức tin
Phải luôn lẩn tránh những địch thù quấy nhiễu Ngài, Đức Giêsu dẫn dắt môn đệ của Người đi vào một chỗ những cuộc tĩnh tâm liên tiếp. Nó đặt cột mốc -vừa về địa lý, vừa về tinh thần- trên chặng đường tìm hiểu căn tính thực của Ngài.
Vừa trải qua cuộc tranh luận với Biệt phái, những kẻ xin Người làm một dấu lạ, này đây Đức Giêsu và các môn đệ sang miền đất dân ngoại, phía nguồn sông Giođan. Césarée Philipphe là thành phố mới được xây dựng do kinh phí của hoàng tử Philipphe, con của vua Hêrôđê Cả, có ý tôn vinh hoàng đế Rôma, nên đã đặt tên là Césarée. C. Tassin chú giải: Dân ở đây là người Siri gốc Hy Lạp, họ thờ cúng thần Pan và thần Nymphe, tạo nên một khung cảnh gần giống với môi trường mà Matthêu đang sống (L'Evange le de Matthieu” (Centurion, trang 173).
Chính tại đây, trước khi khởi hành đi Giêrusalem trong cuộc hành trình cuối cùng mà Đức Giêsu đặt câu hỏi quan trọng mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay.
- Con Người- Đức Giêsu hỏi, người ta bảo Con Người là ai?
+ Chúa đã dùng hình ảnh “Con Người”, một hình ảnh mầu nhiệm (xem Danien 7,13) mà Matthêu nhắc lại tới 30 lần trong chính Tin Mừng của ông, để nói về chính mình và sứ mạng của Người: một con người thực thụ có tương quan với Thiên Chúa Đấng Cứu độ.
+ Để đáp lại câu hỏi, các môn đệ đã nêu ra một loạt các ý kiến về Người. Mọi ý kiến đều coi Người là một nhân vật đóng vai trò quan trọng, như là Gioan Tẩy Giả đã sống lại từ cõi kẻ chết, như ngôn sứ Êlia mà dân chúng trông đợi trở lại để loan báo Chúa Cứu thế đến, như ngôn sứ Giêrêmia, một vị ngôn sứ phản kháng vì bị phản kháng, như một ngôn sứ nào đó.
- Còn anh em, Đức Giêsu hỏi thẳng ý kiến các ông, anh em bảo Thầy là ai? - Simon Phêrô trả lời, tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lúc này ông không những là phát ngôn viên của nhóm môn đệ, nhưng còn là gương mẫu cho việc tuyên xưng đức tin Kitô hữu.
Lời đáp của Phêrô, theo C. Tassin, nhắc lại một mẩu tuyên tín phụng vụ của Hội Thánh thời Matthêu (sđd). Trong đó người Kitô hữu tuyên xưng đức tin cách toàn vẹn.
* “Thầy là Đấng Messia” (tiếng Hy Lạp Christos) nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Đấng đáp ứng lòng mong đợi bao thế kỷ của Israel, Đấng thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa nói với dân Người.
* “Con” nghĩa là Đấng liên kết với Thiên Chúa bằng một dây liên hệ có một không hai.
* “Của Thiên Chúa hằng sống” nghĩa là, theo truyền thống Kinh Thánh, là Thiên Chúa ban sự sống, còn theo quan niệm Kitô giáo, là Thiên Chúa, Đấng làm cho Đức Giêsu từ trong cõi kẻ chết sống lại.
- “Con có phúc”, Đức Giêsu đã thốt lên câu đó, cũng là dạng thức Kinh Thánh của “Bát phúc” để chào mừng “con của Giona”, là người vừa nhìn nhận Người như “con của Thiên Chúa hằng sống”. Bởi vì Simon Phêrô không có thể công bố lời tuyên xưng này phát xuất từ thịt và máu, nghĩa là phát xuất từ bản tính nhân loại yếu giòn, nhưng chỉ có thể phát xuất từ cuộc mạc khải thần thiêng. “Bản văn không đề xuất cho Phêrô công lao đặc biệt nào, cũng không đề cao ông như một anh hùng của đức tin. Tác giả chỉ nhấn mạnh tính chính xác của đức tin nơi Phêrô, bởi vì nó đến từ một mạc khải thần thiêng” (C. Tassin).
2) Sứ mạng “đá” nền tảng của Phêrô.
Những lời long trọng mà Đức Giêsu phán chỉ về Simon Phêrô chỉ có trong Tin Mừng Matthêu.
“Anh là đá, trên đá này...”.
+ Trong Kinh Thánh sự thay tên đổi họ thường chỉ rằng sứ mạng Thiên Chúa trao làm cho người nhận thành một người mới. Cũng như Abram, khi được đổi thành Abraham thì thấy mình được giao sứ mạng trở nên “tảng đá duy nhất”, từ đó phát xuất cả một dân tộc (Is 51,1-2).
+ Trong ngôn ngữ Aramê “Kê-pha” “Đá” không phải là một tên riêng, nhưng chỉ là một danh từ. Đặt cho ông cái tên mới này, nó sẽ thay thế hẳn tên cũ, Đức Giêsu tỏ cho thấy Người giao cho ông một sứ mạng: ông sẽ là đá nền, đá tảng, đá sẽ bảo đảm cho toà nhà mà Người sẽ xây dựng được vững chắc.
“Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy...”.
+ Trong Kinh Thánh, từ “Hội Thánh” (nguyên ngữ mang ý nghĩa mời dự hội) chỉ cộng đoàn tôn giáo của Israel, cộng đoàn mà Thiên Chúa đã quy tụ giữa loài người để trở thành dân của Giao ước, dân -dấu chỉ lòng thương xót và tình thương của Thiên Chúa-.
+ Từ ngữ này được dùng ở đây, lần đầu tiên trong Tin Mừng Matthêu, ở trên đất ngoại giáo, để chỉ cộng đồng những người mà Đức Giêsu quy tụ, giữa các dân tộc tràn qua mọi biên giới để làm nên một dân của Giao ước mới, dân -dấu chỉ ơn cứu độ cho mọi người-.
Nếu cộng đồng này đứng trên tảng đá Phêrô thì quyền lực của sự chết cũng không thể phá đổ được.
“Thầy ban cho con chìa khá Nước Trời”.
+ Không nên nghĩ đến những chiếc chìa khóa hiện đại thời chúng ta, mà phải nghĩ đến những chìa khóa của những thành phố cổ, những lâu đài vua chúa. Loại chìa khóa giống như những thanh sắt khổng lồ mà người ta mang trên vai. Trao chìa khóa cho ai là trao cho người đó nhiệm vụ thủ tướng.
+ Trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời, Đức Giêsu làm cho Phêrô thành thủ tướng. Người trao cho ông quyền lực chính Người nắm giữ, như sách Khải Huyền diễn tả: “Đấng Chân Thật, Đấng Thánh, Đấng giữ chìa khóa của Đavit. Người mở ra thì không ai đóng lại được. Người đóng lại thì không ai mở ra được” (đoạn văn có liên quan với 22 trong bài đọc I).
Chức vụ trao cho ông ở đây là ở dưới đất; ông không phải người canh giữ cửa thiên đàng (C.Tassin): Phêrô là người bảo lãnh, là thông dịch viên của sứ điệp cứu rỗi của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.
“Sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.
‘Cầm buộc’, ‘Cởi mở’ là những thuật ngữ vùng Palestine chỉ ý nghĩa đại khái: toàn bộ quyền lực, như thiết lập luật pháp, như loại trừ một ai ra khỏi cộng đoàn hoặc cho phép một ai gia nhập cộng đoàn.
+ Trong Mt 18,18 quyền cầm buộc cởi mở được hứa ban cho các môn đệ (ở số nhiều) như vậy không chỉ dành riêng cho Phêrô, nhưng Phêrô chia sẻ quyền đó với những người phụ trách khác.
* Dặn dò giữ im lặng
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kết thúc bằng một lời khuyến dụ ngược đời: “đừng nói với ai Người là Đấng Messia”. Tại sao có lời khuyến cáo này sau cuộc tuyên xưng đức tin cảm động như vậy? Chắc hẳn danh xưng “Messia” còn mang ý nghĩa mơ hồ, còn mang nhiều trông đợi có tính dân tộc quá khích, đi ngược lại sứ mạng mà Người nhận được từ Chúa Cha - phản ứng của Phêrô mà ta sẽ đọc trong Chúa nhật tới minh chứng điều đó.
Chỉ những ai mở tâm hồn đón nhận mạc khải thập giá mới hiểu chính xác danh xưng ấy. Thật vậy, chỉ dưới ánh sáng của cuộc Khổ nạn - Phục sinh, danh xưng Messia mới tìm thấy ý nghĩa đích thực, và mọi ngộ nhận sẽ vĩnh viễn bị dẹp tan.
BÀI ĐỌC THÊM:
1) “Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mgr. Daloz, trong cuốn “Le règne de Dieu est approché” Desclée de Brouwer 1993, trang 237-238).
“Đức Giêsu không chỉ là một tôn sư khởi xướng một trào lưu tâm linh; Người không phải một ngôn sứ được sai đến để cảnh tỉnh hoặc kêu gọi người ta trưởng thành với giao ước. Sự nhận biết Đức Giêsu vượt quá điều đó. Với những kẻ Chúa gọi và đã đi theo Người, Chúa đặt câu hỏi: Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai? Người cũng hỏi chúng ta câu đó. Người muốn chúng ta tiến tới, phát huy trong việc khám phá ra bản ngã đích thực của Người. Ta không thể tự thoả mãn khoác cho Người những mong ước của ta, hoặc phóng lên Người những ước vọng của ta. Cần phải đi xa hơn những ý kiến của những con người, cần lột bỏ những ấn tượng hời hợt, cần chấp nhận rằng không thể nắm bắt và không thể tóm gọn Người vào những ý tưởng và những ước muốn của ta. Như ta đã thấy đó, có một hiểu biết về Đức Giêsu theo cách loài người “Người ta bảo Thầy là ai?”. Từ thời Thượng cổ, trải qua giai đoạn lịch sử đã có rất nhiều câu giải đáp. Những giải đáp ấy vừa không vô nghĩa, vừa không đáng coi thường. Nhưng sự hiểu biết đích thực không chỉ của loài người đâu - Nó là do Thiên Chúa ban cho: “Không ai có thể biết Chúa Con chỉ trừ Chúa Cha” (11,27). Bởi vậy Đức Giêsu nói cho Phêrô biết do đâu ông có sức lực nhận biết và tuyên xưng đức tin của ông: “Simon con Giona, phúc cho con, vì không phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con điều đó, nhưng là chính Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Một con người, con người rặt, chính miệng Simon con ông Giona, nhận quyền do Thiên Chúa; quyền kêu đích danh xác thật của Đức Giêsu - Lời tuyên xưng của ông đã trở thành tiêu chuẩn cho các môn đệ Chúa mọi thời đại. Nhưng lời tuyên xưng nó đã không tránh cho ông chối Chúa 3 lần. Ông vẫn còn là con người phàm tục - còn mang tính người với những ưu và khuyết điểm của con người. Tuy nhiên ông được chọn để đáp câu hỏi của Đức Giêsu và để làm điều đó ông nhận được mạc khải do Chúa Cha ban - Từ đó ông trở nên tiêu chuẩn về sự chính xác cho mọi lời tuyên xưng đức tin và cho sự nhận biết chính xác về Thiên Chúa. Nhờ ông mà người tín hữu có thể vượt xa ngoài tầm vóc những lời người ta dư luận. Đức tin của ông nâng đỡ đức tin của chúng ta”.
2) “Con là Đá” (J.Potin trong cuốn “Jésus, l'histoire vraie”, Centurion, 1994, trang 322).
Hội Thánh của Đức Giêsu, ở đây Người kêu là “Hội Thánh của Người”, được xây dựng trên nền tảng là đức tin vào thiên tính của Người. Hội Thánh đó chỉ một mảng dân Israel chấp nhận đi vào giao ước mới. Simon, do việc tuyên xưng, đã trở nên viên đá tảng, trên đó Đức Giêsu xây “Hội Thánh của Người” bởi vì Hội Thánh đó là cộng đoàn những kẻ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Ông nhận được tên mới: Kêpha, Đá - Quyền lực của tử thần (dịch theo chữ: quyền lực hoả ngục), nghĩa là mọi thế lực nhằm chống lại sự thiết lập vương quốc, không có sức phá đổ Hội Thánh đó. Mà ngược lại, Đức Giêsu sẽ ban cho Hội Thánh của Người quyền và thế mà Ngài thi hành ở trong tay Người. Thiên Chúa công nhận Hội Thánh của Con của Người chính thức là dụng cụ đặc trưng để điều hành vương quốc của Người giữa loài người. Những phát quyết và nghị định của Hội Thánh này được Thiên Chúa công nhận là do Chúa ban hành.
Phải chăng Đức Giêsu phán những lời này trong khi đi đường lên Giêrusalem? Có nhiều nhà chú giải đặt những lời này sau biến cố Phục sinh, trong một cuộc hiện ra. Thật vậy, trước khi Chúa chết, từ “Hội Thánh chỉ thấy xuất hiện có một lần duy nhất ở Mt 18,17 nói về đời sống của cộng đồng Kitô hữu.
Lời tuyên bố với Phêrô xem ra diễn tả cách Hội Thánh sơ khai hiểu về chính mình: Hội Thánh tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa. Simon Phêrô đã là phát ngôn viên của lời tuyên xưng. Lời tuyên bố cũng có liên hệ với việc đổi tên Simon ra Kêpha: Đá. Trong tiếng Aramê, Đá không phải là một tên riêng. Tên mới này chí tính cách vững bền của đá tảng mà người ta có thể xây an tâm trên đó... Phêrô là đá tảng mà Đức Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Người. Do đó Người sẽ trao ông địa vị ưu tiên trên nhóm Mười Hai. Ông được Hội Thánh nhìn nhận dưới cái tên mới và coi như quên hẳn cái tên cũ kia”.


3. Suy niệm của Noel Quesson

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêsarê Philípphê…
Đây là những vùng phụ cận của Tia và Xiđon trên bờ biển xứ Liban... Matthêu dẫn Đức Giêsu và các môn đệ Người đến chân núi Hécmon mà đỉnh có tuyết phủ nhìn xuống toàn bộ hồ Galilê. Gần những suối nguồn của sông Giođan, trong một phong cảnh diễm lệ tươi mát với tiếng chim hót, ở giữa những tiếng cây cối xào xạc, gần động của Thần Păn (ngày nay là Bania) Vua Hêrôđê Philípphê đã cho xây một thành phố nghỉ mát ở đó. Để tôn vinh ông chủ đứng đầu đế quốc Rôma, nhà vua đã cho thành phố này cái tên hoàn toàn mới: Xêsarê!
Ngày nay, thành phố này không còn lạ gì ngoại trừ dòng suối tiếp tục trào ra từ "tảng đá" dưới chân núi.
Người hỏi các món đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?"
Xa khỏi các đám đông, để tránh mọi xáo trộn mà một Đấng Mêsia có thể gây ra, Đức Giêsu một cách rõ ràng tự đặt ra một câu hỏi về "căn tính" của Người. Đối với từng người đàn ông và đàn bà mà chúng ta sống kề bên họ, than ôi chúng ta chỉ hiểu được ngoại diện của nhân cách họ. Trong mỗi con người có một thứ bí mật mà người ta chỉ khám phá được với thời gian, vì nó được giấu kín đàng sau mọi thứ mặt nạ.
Nhân cách sâu thẳm của Đức Giêsu cắm sâu vào điều không thể diễn tả được: Người là gì?
Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”.
Dư luận của dân chúng khác nhau trong khi tiết, nhưng nhất trí về điểm cơ bản: Đức Giêsu không phải là một con người bình thường?... ngôn hành của Người làm cho Người thành một nhân vật tôn giáo phi thường. Về chủ đề này, người ta kể ra những ngôn sứ nổi tiếng của quá khứ.
NGÀY NAY cũng thế, đa phần nhân loại đều thừa nhận Đức Giêsu là một nhân vật phi thường: Người đã đóng ấn vào lịch sử phổ quát như rất ít người đã có thể làm được.
Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Người nhiều hơn dư luận chung. Phản ánh những ý kiến thường ngày không đủ. Phải có một thái độ của bản thân.
Còn bạn, Huy Phương... Bạn, Duyên.... Bạn, Minh Hạnh... Bạn Hằng... Bạn nói gì về Đức Gíêsu? Đối với bạn, Đức Giêsu là ai?
Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống!”
Tất cả các nhà chú giải thừa nhận sức mạnh trong cách diễn tả mà Matthêu đã nhấn mạnh bằng sự nối tiếp dồn dập của bốn danh từ và mạo từ: Đấng Kitô, Con, Thiên Chúa, Đấng Hằng Sống. Dĩ nhiên là không chắc, cũng trong ngày ấy, Phêrô có trong trí óc mình mọi sự xác định về mặt thần học. mà các từ ngữ ấy có được sau khi Chúa sống lại và sau một thời gian dài nghiền ngẫm về mặt trí tuệ bởi các Công đồng của thế kỷ thứ IV và thứ V Tuy nhiên, người ta không có quyền "làm giảm nhẹ" lời tuyên xưng đức tin" của Phêrô theo nghĩa thông thường của từ ngữ: “Con Thiên Chúa", "ben Elohim". Thật vậy, trong Cựu ước, tước hiệu này được áp dụng cho Đấng Kitô (Đấng Mêsia), nhưng cũng được áp dụng cho mọi con cái Israel (Xh 4,22; Đnl 14, 1; Kn 2,16 - 18,13; Gr 31,20; 2Sm 7,14).
Đối với Phêrô, rõ ràng Đức Giêsu không chỉ là một người con của Thiên Chúa như mọi người khác! Nếu nói như thế thì cũng như không nói gì. Phêrô đã nhận thấy rằng Đức Giêsu không chỉ là "một ngôn sứ" nào đó, một trong số những người mà Thiên Chúa sai đến... nhưng là Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia, Đấng Con... và chữ Con trong một ý nghĩa chỉ thuộc về một mình Đức Giêsu.
Đức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giona anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời…”
“Phàm nhân"... từ ngữ rất lâu đời này trong Kinh Thánh đánh dấu tính xác thực của lời nói... một công thức đẹp được tưởng tượng để gợi lên sự yếu đuối tự nhiên của con người nếu chỉ để cho ánh sáng duy lý hướng dẫn. Trong ngôn ngữ quen thuộc hôm nay, hẳn chúng ta sẽ nói: "Không phải cái lương tri nhỏ bé của anh cho anh nói ra điều đó!".
Để đạt đến những thực tại thánh thiêng thuộc về Thiên Chúa, phải có một sự "mạc khải".
Trí tuệ con người dứt khoát không thể định nghĩa Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, bên trên mọi sự như lời hát trong bài thánh ca của Thánh Grêgôriô Nadi: "Ôi lạy Chúa, Đấng Tối Cao trên hết mọi sự, chẳng phải đó là tất cả những gì mà người ta có thể ca ngợi Chúa sao? Ngôn ngữ nào sẽ nói được về Chúa? Không một từ ngữ nào diễn tả được Chúa. Thần Khí sẽ bị trói buộc vào cái gì? Chúa vượt qua mọi trí tuệ. Chỉ có Chúa không thể diễn tả được bởi vì mọi điều được nói ra đầu từ Chúa mà ra... Chúa là cùng đích của mọi sự vật; Chúa là tất cả mọi sự vật nhưng không phải là một sự vật nào... Chúa có tất cả mọi tên, nhưng làm sao gọi được tên Ngài, Chúa là Đấng Duy Nhất mà người ta không thể gọi tên? Ôi lạy Chúa, Đấng trên hết mọi sự, chẳng phải đó là tất cả những gì mà người ta có thể ca ngợi Chúa sao?"
Phải, Đức Giêsu khẳng định, với sự đơn giản táo bạo làm người ta ngỡ ngàng, rằng không ai có thể biết được căn tính của Người nếu không được Thiên Chúa mạc khải. "Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27). Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh sự bất lực của con người khi nói về "Thiên Chúa": "Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các “lý do tự nhiên" (Gl 1,15-16).
“Chính Cha của Thầy mạc khải cho anh điều anh vừa nói!" Hai chữ Cha Thầy tuy nhỏ nhưng cho chúng ta thấy được vực thẳm vô cùng mà Đức Giêsu tuyên bố "thật có phúc” (đây là một mối phúc thật mới) tất cả những ai thoáng thấy điều bí ẩn của ngôi vị Người.
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: "Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy"
Tin Mừng của Maccô (8,27-30) và của Luca (9,18-21) đã thuật lại lời tuyên xưng đức tin của Phêrô. Chỉ có Matthêu là người đã tiếp nối lời tuyên xưng ấy bằng một lời tuyên bố của Đức Giêsu về những trách nhiệm của Phêrô đối với Giáo Hội. Cách chơi chữ này trên chữ Phêrô, đích xác là của Đức Giêsu vì nó rất Sêmít và trong tiếng Do Thái cách chơi chữ ấy tự nhiên hơn trong tiếng Hy Lạp.
Thật vậy từ "Tảng Đá" (tiếng Do Thái là Képhas) ở trong tiếng Hy Lạp, cũng như trong tiếng Pháp, người ta có một công thức kém tự nhiên hơn vì có sự đổi giống Pierre: tiếng Pháp, giống cái hoặc sự biến dạng pétros/pétra: tiếng Hy Lạp). vậy chúng ta thử suy nghĩ về lời mà Đức Giêsu tuyên bố về Phêrô. Có năm hình ảnh, cũng rất Sêmít, cấu trúc lời hứa này:
1/ Tảng đá: tượng trưng cho sự vững chắc, tượng trưng cho Thiên Chúa...
2/ Giáo Hội: có nghĩa là "cộng đoàn", được Thiên Chúa triệu tập.
3/ Những cánh cửa: tượng trưng cho sức mạnh của một thành phố có tường thành thời Cổ Đại...
4/ Những chìa khóa: tượng trưng cho quyền bính.
5/ ‘Cầm buộc và tháo cởi’ tượng trưng cho tính tổng thể hiệp nhất các điều trái ngược.
Những trích dẫn trong Kinh Thánh để khẳng định rằng Thiên Chúa là "Tảng Đá". Chúng ta, chỉ cần trích dẫn: "Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi" (Tv 71,3). Chúng ta đều đã nhìn thấy những hình ảnh của các lâu đài hay các ngôi làng có tường thành xây ngất ngưởng trên những tảng đá cao. Đức Giêsu đã có ý định xây dựng một cách vững chắc như thế!
Từ "Giáo Hội" dịch chữ "Qahal" trong tiếng Do Thái có nghĩa là "Cộng đoàn", điều Đức Giêsu muốn xây tảng, do đó là một "Cộng đoàn” những người đàn ông và đàn bà có một điều gì chung, và quy tụ để cùng nhau thực hiện một điều gì đó. Công Đồng Vatican II đã định nghĩa Giáo Hội là dân Thiên Chúa và ơn cứu độ có tính chất cộng đoàn chứ không dành cho một Kitô hữu "lẻ loi". Không thể có đức tin một cách cá nhân. Tấn bi kịch của người không hành đạo là không chịu tham gia vào cộng đoàn ngày Chúa nhật vì thế đức tin suy yếu dần và chết.
Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi...
Bản văn theo nghĩa đen dùng một hình ảnh: "Những cửa Hadès (hỏa ngục) sẽ không chống cự nổi". Nếu chúng ta hiểu công thức này trong tất cả sức mạnh của nó thì vấn đề không chỉ là sự vững chắc của Giáo Hội có thể phòng thủ chống lại các cuộc tấn công của sự chết… nhưng còn có khả năng tấn công vào "ngục tù của sự chết" để lôi con người ra khỏi đó. Tranh thánh phương Đông tả cảnh sống lại cho chúng ta thấy Đức Giêsu vinh quang chiến thắng, đứng trên hai cánh cửa của âm ty bị phá vỡ hành hình thập giá và Người cho Ađam và Eva tham dự vào chiến thắng của Người trên sự chết. Đó là mục đích của Giáo Hội: Cứu chuộc! Đức Giêsu thật sự đã dự tính điều đó: Một "cộng đoàn" những người sống lại với Người?
Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời.
Đây cũng là một hình ảnh rất cổ xưa, dấu chỉ sự chính thống (Is 22,22). Người nào giữ chìa khóa của một ngôi nhà, người ấy có toàn quyền trên ngôi nhà đó.
Dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy! dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
Ngày nay, người ta thấy có nhiều người sẵn sàng nói: Đức Giêsu thì tôi tin, Giáo Hội thì không...". Sau một thời kỳ tập trung thái quá các Giáo Hội, cũng như các quốc gia, cảm thấy xu hướng bung ra: Người ta xem ra bằng lòng với những "cộng đoàn nhỏ sống động và nhiệt thành" mà không cần những cơ chế lớn; người ta muốn tương đối hóa những quy phạm về học thuyết, không can đến những điểm quy chiếu khách quan. Tác vụ của Phêrô mà Đức Giêsu muốn có, nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Tin là một ơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, và chúng ta, không thể phát minh đức tin theo sở thích cho một số nhỏ môn đệ quyền bính để thay mặt Người gìn giữ và ban phát ơn đức tin cùng các ơn khác. Đó chính là vai trò của Giáo hội.