Hiển thị các bài đăng có nhãn khổ hạnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn khổ hạnh. Hiển thị tất cả bài đăng

VỊ THÁNH TRONG NGÀY

Thánh Giáo Hoàng Celestine V

(1215 -- 1296)
T
hánh Celestine, tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý và ngài là thứ mười một trong gia đình mười hai người con. Năm hai mươi tuổi, Phêrô từ giã mái trường và sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Ðức và được thụ phong linh mục ở Rôma.
Ðến năm 1246, ngài trở về Abruzzi, và sống năm năm trong một cái hang ở Morrone, gần núi Sulmona. Ðể chống lại các cám dỗ, ngoài thời giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, ngài lao động thật cực nhọc hoặc sao chép lại các sách thiêng liêng. Ngài không bao giờ ăn thịt và giữ chay bốn lần trong một năm. Ngoài ra, ngài còn mặc áo nhặm, đeo giây lưng bằng sắt, ngủ trên mặt đất hoặc tấm ván thô và dùng củi hoặc đá để gối đầu. Thân xác ngài càng tiều tụy thì tinh thần ngài càng thăng tiến. Nhiều người đến với ngài và bắt chước lối sống khổ hạnh ấy. Sau cùng ngài phải thành lập một dòng tu và cho đến khi từ trần, trên toàn Âu Châu đã có ba mươi sáu đan viện và sáu trăm đan sĩ nam nữ sống theo quy luật của ngài.
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V. Quyết định ấy đã đưa đến nhiều thảm họa vì Ðức Celestine không thích hợp với vai trò giáo hoàng trong bất cứ khía cạnh nào khác, ngoại trừ sự thánh thiện.
Ngài làm giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Sau cùng, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Ðoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Thật là một nghĩa cử khiêm tốn biết chừng nào!
Tưởng được yên thân để sống đời ẩn dật như trước, nhưng hậu quả của các quyết định trong thời gian ngài làm giáo hoàng đã để lại nhiều nghi vấn nơi vị tân giáo hoàng kế nhiệm, do đó, Ðức Boniface VIII đã giam ngài trong thành Fumone. Ở đây, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ, nhưng không hề than thở một lời. Trái lại, ngài còn gửi thư cho Ðức Boniface cho biết ngài rất hài lòng và không còn muốn gì hơn. Ngài thường nói: "Tôi không mong muốn gì hơn ở thế gian này ngoài căn phòng nhỏ hẹp; và họ đã cho tôi toại nguyện."
Trong thời gian tù đầy, ngài thường hát thánh vịnh đêm ngày. Một ngày trong tháng Năm 1296, ngài báo trước với lính canh là ngài sẽ chết vào cuối tuần. Thật vậy, sau khi kết thúc bài thánh vịnh trong giờ kinh sáng ngày thứ Bảy 19-5, ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong mười tháng tù đầy, ngài không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.
Nhờ lời cầu bầu của ngài, nhiều phép lạ đã được ghi nhận, và ngài được Ðức Clêmentê V phong thánh năm 1313.

VỊ THÁNH TRONG NGÀY

Thánh Colette

(1381 - 1447)
T
hánh Colette không muốn được mọi người biết đến, nhưng trong khi thi hành thánh ý Thiên Chúa, ngài đã gây được sự chú ý của rất nhiều người.
Thánh Colette là con của người thợ mộc tên DeBoilet ở Tu Viện Corby trong thành phố Picardi, nước Pháp. Ngài sinh ngày 13 tháng Giêng, khi rửa tội lấy tên là Nicolette, và thường được gọi là Colette. Năm mười bảy tuổi ngài mồ côi cha mẹ, và đã chia bớt di sản cho người nghèo. Ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và sống cô độc ở Corby trong một căn phòng mà lối mở ra thế giới bên ngoài chỉ là cánh cửa sổ sát vách với nhà thờ.
Sau bốn năm, với sự chấp thuận và khuyến khích của đức giáo hoàng, ngài từ bỏ cuộc sống cô độc, gia nhập dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và cải tổ dòng theo như quy tắc ban đầu của Thánh Clara. Bất kể sự chống đối dữ dội, ngài kiên trì theo đuổi ý định, thành lập mười bảy tu viện sống theo quy tắc này và cải tổ một vài tu viện cũ. Các nữ tu của ngài nổi tiếng là nghèo hèn -- họ từ chối bất cứ lợi tức nào -- và thường xuyên chay tịnh.
Thánh Colette nổi tiếng vì sự thánh thiện, sự xuất thần, và các lần thị kiến sự Thương Khó, và ngài đã tiên đoán đúng về cái chết của ngài trong tu viện ở Ghent, nước Bỉ.
Phong trào cải cách của thánh nữ đã lan tràn sang các quốc gia khác. Cho đến ngày nay, một nhánh của dòng Thánh Clara Nghèo Hèn thường được gọi là các nữ tu Colette. Thánh nữ được phong thánh năm 1807.

Lời Bàn

Thánh Colette bắt đầu cuộc cải cách trong thời kỳ Ðại Ly Giáo Tây Phương (1378-1417), là thời kỳ có đến ba giáo hoàng và bởi đó đã chia cắt Giáo Hội Tây Phương. Một cách tổng quát, Giáo Hội phải trả một giá rất đắt cho sự nhũng lạm của các giáo sĩ trong thế kỷ 15; lời cầu nguyện và sự hy sinh của Thánh Colette và các nữ tu của ngài có lẽ đã vơi bớt những khốn khó cho Giáo Hội trong thời gian ấy. Trong bất cứ trường hợp nào, sự cải tổ của Thánh Colette cho thấy Giáo Hội luôn luôn cần theo sát Ðức Kitô.

Lời Trích

Trong chúc thư tinh thần, Thánh Colette viết cho các nữ tu: "Chúng ta phải trung tín với những gì đã hứa. Nếu vì sự yếu đuối con người mà chúng ta sa ngã, một cách mau mắn chúng ta phải chỗi dậy luôn qua sự thành tâm sám hối, và chú ý đến một đời sống tốt lành, cũng như một cái chết thánh thiện. Xin Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, xin Ðức Chúa Con qua sự thống khổ thánh thiện, và xin Chúa Thánh Thần, nguồn mạch của bình an, nhân hậu và tình yêu, luôn tràn lấp chúng ta với ơn an ủi của các Ngài. Amen."

VỊ THÁNH TRONG NGÀY

Thánh Giuse ở Leonissa

(1556 - 1612)
T
hánh Giuse sinh ở Leonissa thuộc Vương Quốc Naples, ngài gia nhập dòng Capuchin ở nơi ngài sinh trưởng năm 1573. Ngài rèn luyện bản thân bằng cách kiêng ăn thịt và khước từ những tiện nghi, chuẩn bị cho thiên chức linh mục và cuộc đời rao giảng.
Năm 1587 ngài đến Constantinople để chăm sóc các người Kitô Giáo đang làm nô dịch cho các chủ nhân người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài bị cầm tù vì công việc ấy, và được cảnh cáo là không được tái phạm sau khi được thả tự do. Nhưng ngài lại tiếp tục sứ vụ và lại bị cầm tù, lần này ngài bị kết án tử hình. Lạ lùng thay ngài được trả tự do và trở về Ý, là nơi ngài rao giảng cho người nghèo và hòa giải hận thù giữa các gia đình, cũng như sự tranh chấp giữa các thành phố đã kéo dài trong nhiều năm trời. Ngài được phong thánh năm 1746.

Lời Bàn

Các thánh thường làm chúng ta nhột nhạt vì đời sống các ngài như thách đố chúng ta hãy suy nghĩ về những gì chúng ta cho là cần thiết của "một đời sống thoải mái." Chúng ta nghĩ, "Tôi sẽ hạnh phúc khi...," và chúng ta tốn không biết bao nhiêu thời giờ để lo lắng cho cái bề ngoài của cuộc sống. Những người như Thánh Giuse ở Leonissa thách đố chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời và hãy nhìn vào tâm điểm của nó: đó là một đời sống với Thiên Chúa. Thánh Giuse quả thật là một người rao giảng đại tài vì ngài đã minh chứng lời ngài nói bằng chính cuộc đời của ngài.

Lời Trích

Trong một bài giảng, Thánh Giuse ở Leonissa nói: "Mỗi Kitô Hữu phải là một cuốn sách sống động mà người ta có thể đọc được sự giảng dạy của Phúc Âm. Ðây là điều mà Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô, 'Hiển nhiên anh em là bức thư của Ðức Ki-tô mà tôi được giao phó, một bức thư không viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng xương thịt trong tâm hồn con người.' (2 Côrintô 3:3). Tâm hồn chúng ta là những mảnh giấy da; qua sứ vụ của tôi Chúa Thánh Thần là người viết vì 'lưỡi tôi như cây bút của người viết' (TV 45:1)".