THỨ TƯ SAU LỄ HIỂN
LINH
BÀI ĐỌC: 1Ga 4,11-18
11 Anh em thân mến, nếu
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,chúng ta cũng phải yêu thương nhau. 12
Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì
Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên
hoàn hảo. 13 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở
lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của
Người cho chúng ta. 14 Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và
làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian. 15
Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người
ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa. 16 Còn chúng ta, chúng ta đã
biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên
Chúa là tình yêu:ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên
Chúa ở lại trong người ấy. 17 Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên
hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Đức
Giê-su thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này. 18 Tình yêu
không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi
gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.
ĐÁP CA: Tv 71
Đ. Lạy
Chúa, muôn dân nước sẽ thờ lạy Ngài. (x c 11)
1 Tâu Thượng Đế, xin
ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,2
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
10 Từ Tác-sít và hải
đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng
đều tới tiến dâng lễ vật. 11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ
rồng,muôn dân nước thảy đều phụng sự.
12 Người giải thoát bần
dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, 13 chạnh lòng
thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x 1Tm 3,16
Hall-Hall: Lạy Chúa Kitô, vinh danh
Chúa là Đấng được loan truyền giữa muôn dân. Vinh danh Chúa là Đấng cả hoàn cầu
tin kính. Hall.
TIN MỪNG: Mc 6,45-52
45 Sau khi cho năm ngàn
người được ăn no nê, lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên
kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. 46
Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến,
chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48
Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư
đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. 49
Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50
Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người
bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! "51
Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng
sốt,52 vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng
các ông còn chai đá!
SÓNG GIÓ KINH HOÀNG
NHẤT!
Loại sóng gió do tội người Kitô hữu không
canh tân Đức Tin, gây nên hậu quả khốc hại khôn lường. Sự cố các Tông Đồ gặp
sóng gió trên biển, nhằm tiên báo cho những ai tin theo Đức Giêsu, họ sẽ còn
phải gặp sóng gió về niềm tin khởi đi từ cuộc Tử Nạn của Ngài.
Thực vậy,
những chi tiết thuyền các Tông Đồ gặp sóng gió được tác giả Marco ghi mà ta đọc
trong Thánh Lễ hôm nay, được lặp lại vào giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu:
·
Các môn đệ ở trên thuyền nhìn thấy Đức Giêsu thì hô lên "Ma
kìa!" (x Mt 14,26). Cũng giống như khi sống lại, Ngài hiện đến với các ông
đang ngồi run trong căn nhà đóng kín cửa, các ông cũng hô lên: "Ma kìa!"
(Lc 24, 37).
·
Khi Đức Giêsu lên thuyền các môn đệ và nói: “Đừng sợ!”(x Mt
14,27). Cũng như khi sống lại, Ngài đến với các Tông Đồ đang run vì sợ hãi,
Ngài nói: "Bình an cho các con" (Ga 20,19).
·
Đức Giêsu truyền cho ông Phêrô đi trên mặt nước biển đến với
Ngài (x Mt 14,28). Sau khi Chúa Phục Sinh, Ngài ra lệnh cho các môn đệ dùng
nước Thánh Tẩy đưa muôn dân vào Hội Thánh làm môn đệ của Ngài (x Mt 28,18-19)
Nhìn vào lịch sử Hội Thánh, sau khi
Chúa Giêsu Phục Sinh, loài người vẫn chưa được bình an, vẫn còn bị sóng gió:
Loại sóng gió Chúa cho phép xảy ra nhằm
huấn luyện con người. Đan cử:
1- SÓNG GIÓ DO THIÊN NHIÊN GÂY NÊN. Cụ thể như thuyền
các Tông Đồ vượt biển, Đức Giêsu đã đến cứu họ kịp thời (x Mc 6, 45-52: Tin
Mừng); Ngày 26 tháng 12 năm 2004, sóng thần dấy lên xô vào 14 quốc gia, chôn
sống gần 300. 000 người dưới lòng biển! Từ đó nảy sinh nhiều tâm hồn quảng đại
biết giúp nhau, và sự cố ấy Chúa nhắc cho mọi người hãy sẵn sàng, vì không biết
mình ra khỏi thế gian vào lúc nào, và nơi dương thế này không thể dừng lại để
hưởng thụ những vẻ đẹp thiên nhiên. Do đó ai cũng phải hướng lòng đi tìm hạnh
phúc vĩnh cửu.
2- DỤC VỌNG NỔI LOẠN: Thánh Phaolô không tránh khỏi nỗi khổ
này, ông đã thú nhận sự yếu hèn của ông với giáo đoàn Roma: “Chẳng có gì lành cư ngụ trong tôi. Sự lành
tôi muốn tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm
7,18-19).
Thánh
Phaolô hiểu rằng Chúa cho phép dục vọng ông nổi loạn như thế để ông không còn tự
tôn tự mãn về những mạc khải cao siêu Chúa đã ban cho. Dầu thế, ông vẫn tha
thiết xin Chúa (ba lần) để Ngài rút “cái dằm” khỏi ông, nhưng Chúa lại trả lời:
“Ơn Ta đủ cho ngươi, vì quyền năng được
thể hiện trọn vẹn trong sự yếu đuối” (x 2Cr 12,7-10).
3- SÓNG GIÓ BỞI “NGƯỜI NHÀ” GÂY NÊN (x Mt 10,36). Thậm chí
chúng giết cả Đức Giêsu, nhưng chỉ ba ngày sau Ngài sống lại vinh quang và đem
ơn cứu độ cho muôn người; hoặc những người cùng tôn thờ Thiên Chúa với Stêphanô,
lại ném đá ông đến chết, nhưng Stêphanô cầu nguyện cho những kẻ đã hại mình,
hiệu quả giáo dân tản đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng; “sói Saulo” biến thành
Tông Đồ Phaolô xuất sắc (x Cv 7-9).
Tuy vậy có
hai loại sóng gió do tội người ta không sống đúng Giáo Lý của Chúa, không canh
tân Đức Tin, gây nên hậu quả vô cùng tai hại, không ngôn ngữ nào diễn tả xiết,
và không biết bao giờ mới chấm dứt. Cụ thể:
1- NHIỀU KẺ TÔN THỜ THIÊN CHÚA, NHƯNG KHÔNG TIN VÀO HỘI THÁNH CHÚA
KITÔ LẬP LÀ “CHUỒNG CHIÊN” DUY NHẤT. Vì Chúa muốn mọi người phải được
cứu độ trong Hội Thánh Ngài, nhất là phải tin vào quyền giáo huấn của Hội Thánh
mà Chúa Giêsu đã trao (x Mt 11,25-26; 16,13-19; Ga 10; 18,19-23; Gl 1,8), vì không
thể tìm được chân lý Đức Tin vẹn toàn ngoài Hội Thánh. Thế mà, có nhiều người
đã không xác tín như thế, nên đã ly khai với Hội Thánh. Bởi lẽ những người này thấy
nhiều người Công Giáo sống thiếu gương mẫu, không phải chỉ ở nơi giáo dân, mà
còn lần lên tới Giáo hoàng. Do đó, họ không tin là Chúa dùng các chủ chăn trong
Giáo Hội để giảng dạy Lời Chúa, vì vậy họ tách ra thành nhiều giáo phái theo ý
mỗi người: Nào là Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo! Sự cố đau lòng này trái với
lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho Hội Thánh Ngài luôn hiệp nhất: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Con ở
trong Cha và Cha ở trong Con” (Ga 17,21-23), không biết bao giờ lời cầu
nguyện này mới được ứng nghiệm!? Thảm họa này tệ hơn xưa kia bà Mariam thấy ông
Môsê lấy vợ ngoại giáo người Kush, nên bà không tin Chúa dùng riêng ông để nói
Lời Chúa cho dân, bà nói: “Dễ chừng Chúa
chỉ phán dạy qua Môsê mà thôi sao, Ngài đã không phán dạy ngang cả chúng ta đó
ư?” Chúa nghe được, Ngài phạt bà bị cùi tức khắc! (x Ds 12,1-13) Loại sóng
gió bởi tội con người, nhất là khi đã mất niềm tin vào chủ chăn trong Hội Thánh
thì họ lập ra giáo phái khác! Điều ấy Chúa không muốn nó xảy ra, vì chỉ làm khổ
mọi người, làm mất vinh danh Chúa! Thế mà ít ai nhận ra sóng gió đó là do bởi
tội mình gây nên, để bắt chính mình phải làm theo ý Chúa qua giáo huấn của Hội
Thánh!
2- BỎ CẦU NGUYỆN VÀ GIẢNG LỜI VÌ BẬN TÂM LO VIỆC PHỤC VỤ THÂN
XÁC ĐỒNG LOẠI. Đan cử các Tông Đồ vào thời Giáo Hội sơ khai được giáo dân tín
nhiệm, họ bán hết tài sản góp cho các ngài để chia sẻ đồng đều cho mọi người. Thực
ra, bản chất việc làm này là tốt, vì đã diễn tả thời cánh chung trong Nước
Thiên Chúa chẳng ai thiếu thốn gì. Vì thế, các Tông Đồ mải mê công việc này mà xao nhãng cầu nguyện và giảng Lời,
tức là bỏ bổn phận chính yếu mà làm việc phụ, hậu quả gây sóng gió trong cộng
đoàn, các tín hữu bất hòa với nhau! Kinh Thánh đã trách: “Nhiều kẻ giữ đạo hình thức, vì nó loại bỏ điều chính mà làm điều phụ”
(2Tm 3,5). Thánh Augustin nói: “Bạn chạy
khỏe lắm đó, nhưng trật đường mất rồi”. Chúa soi sáng cho các Tông Đồ nhận
biết mình sai lầm, nên các ông đã chọn ra bảy người có uy tín trong dân gọi là
Phó tế, để trao việc quản lý tài sản của Giáo Hội và chia sẻ của cải cho mọi
người, không ai dư, không ai túng thiếu; còn các Tông Đồ thì trở về với nhiệm vụ chính là cầu nguyện và giảng Lời,
từ bấy giờ Hội Thánh được bình an và phát triển (x Cv 6,1-7).
Nhìn vào thực trạng của Hội Thánh trên toàn thế giới hôm nay,
nhiều người Công Giáo dần dần bỏ Đạo, hoặc sang tôn giáo khác, hoặc không thiết
tha đến dự Phụng Vụ của Hội Thánh, kể cả lễ Chúa nhật và lễ Trọng, họ cũng tỏ
ra thờ ơ lãnh đạm! Đài Chân Lý Á Châu loan tin ngày 05/01/2010 về tình trạng
Giáo Hội Công Giáo tại Hà Lan:
“Cách đây nửa thế kỷ, Hà Lan là một nước Công Giáo vững mạnh, có
sức truyền giáo. Nhưng ngày nay (2010), 41% người Hà Lan tuyên bố vô tôn giáo;
58% không còn biết lễ Giáng Sinh là gì! Như thế 41% + 58% = 99% mất Đức Tin!! Đa
số nhà thờ Công Giáo ở Hà Lan biến thành ký túc xá, tiệm buôn bán, nhà thờ Hồi
Giáo! Tâm hồn giới trẻ trống rỗng về Đức Tin, nhưng không biết hỏi ai, vì thiếu
người giảng dạy! Một số Linh mục dòng Đaminh và Linh mục dòng Tên chủ trương
dâng Lễ không cần Linh mục, chỉ cần giáo dân quy tụ cùng dâng Lễ là được. Giáo
Hội Công Giáo Hà Lan đang có nguy cơ biến mất!
Sự cố này đang diễn ra không phải chỉ ở Hà Lan, mà còn ở hầu hết
các nước có nền văn hóa Kitô giáo trước đây vững mạnh, nay suy sụp mỗi ngày
càng trầm trọng hơn, nhưng chẳng mấy ai biết cầu nguyện mình phải làm gì? Có
phải lỗi tại mình không, mà sự cố đau lòng ấy cứ đang diễn ra? Nếu chúng ta
nhìn vào lịch sử Mạc Khải, ta tìm được câu trả lời cho vấn nạn đời sống người
Công Giáo hôm nay xuống dốc. Cụ thể Mạc Khải ghi lại cho ta chuyện con cháu Noe
xây tháp Babel với hy vọng chạm tới Trời để lưu danh muôn thuở, nhưng ý định đó
thất bại, họ đã phải tản đi khắp thế gian chỉ vì họ không nói chung một ngôn
ngữ nữa! (x St 11,1-9) Nhưng đối lại sự cố ấy,vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh
Thần Hiện Xuống, muôn dân trên khắp mặt đất, những người đã di tản từ thời xây
tháp Babel,lại tụ về Giêrusalem nghe giáo huấn của ông Phêrô,thủ lãnh Hội
Thánh, ai nghe cũng hiểu như tiếng mẹ đẻ của mình, dù họ khác dân tộc, bất đồng
ngôn ngữ. Hôm đó, thánh Phêrô ban Thánh Tẩy cho 3. 000 người, đây là một mẫu
cộng đoàn, dòng giống của Noe hiểu chung một ngôn ngữ Giáo Lý của Hội Thánh, họ
lại tiếp tục xây tháp Babel chạm Trời: cả cộng đoàn được cứu độ! (x Cv 2)
Chứng từ Mạc Khải trên đây cho chúng ta phải đặt câu hỏi: Liệu
ngày nay tất cả các Giám mục và Linh mục khi dâng Lễ, có giảng giải đúng Quy
luật của Hội Thánh đã dạy trong Hiến Chế Phụng Vụ không. Cụ thể:
-
Hiến Chế Phụng Vụ số 24 dạy: “Khi cử hành Phụng Vụ, Kinh Thánh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, Hội Thánh đã
trích từ Thánh Kinh những bài đọc để dẫn
giải trong bài giảng”.
-
Hiến Chế Phụng Vụ số 52 dạy: “ Bài giảng phải căn cứ vào Thánh Kinh để
trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và các qui tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt
chu kỳ năm phụng vụ. Bài giảng rất đáng
được coi như một phần của chính Phụng Vụ”
-
Hiến Chế Phụng Vụ số 35 dạy “Bài giảng thuộc phần hoạt động của Phụng Vụ,
nên phải có thời giờ thích hợp để
giảng giải…Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với Nghi lễ. Tiên vàn
bài giảng phải múc lấy từ nguồn Kinh Thánh và Phụng Vụ , vì như thế là rao
truyền việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ” .
Nếu giáo dân đi dự Lễ bất cứ nhà thờ Công Giáo nào,cũng được
nghe lời giáo huấn do các chủ chăn khai triển từ các bản văn Kinh Thánh,làm
đúng với Quy Luật Phụng Vụ, như giáo huấn của Hiến Chế Phụng Vụ trong Công Đồng
Vatican II đã dạy như trên, thì chắc chắn tháp Babel mới ngày càng được xây
dựng rộng và cao hơn ngày lễ Ngũ Tuần, mà giáo dân cùng Thủ lãnh Phêrô đã khởi
công xây dựng.
Nhưng rất tiếc ngày hôm
nay, giáo dân nhiều lúc chỉ nghe các chủ chăn giảng kiểu tự biên tự diễn, không
dựa vào Quy Luật giảng mà Hội Thánh đã dạy.
Ta biết bàn tiệc Lời Chúa trong Lễ Chúa nhật và Lễ Trọng: Bài
đọc I, Đáp ca, Bài đọc II, Tin Mừng, mà người giảng chỉ cho dân “ăn” một trong
bốn “món ấy”, thì cũng giống như một người khách được mời đến ăn tái nhúng,
trên bàn đã dọn sẵn bốn món: Thịt, rau sống, bánh tráng, nước chấm. Thế mà khi
khách ngồi vào bàn tiệc, người phục vụ lấy đĩa úp lại ba món, chỉ cho khách ăn
một món thôi, dĩ nhiên một món cũng là thực phẩm. Chắc chắn lần sau có mời,
khách không đến nữa!
Vì lý do trên mà ngày nay giáo dân dần dần bỏ Nhà Thờ, bỏ Chúa,
tháp Babel thuở
xưa vẫn tiếp tục thất bại!
Vậy dân Chúa ngày hôm nay muốn không còn sợ hãi đến mất Đức Tin vì
thấy nhiều người bỏ đạo, thì từ chủ chăn đến giáo dân phải nhớ sống lời thánh
Gioan dạy: “Ai ở lại trong tình yêu là ở
trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ điều này mà tình
yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: Đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán
xét, vì Đức Giê-su thế nào, chúng ta
cũng như vậy ở thế gian này. Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình
yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi
thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,16-18: Bài đọc).
Như thế, thánh Gioan đã khẳng định với chúng ta rằng: muốn hết
sợ hãi, thì hãy làm cho tình yêu Thiên Chúa nên trọn hảo,cụ thể là “Đức
Giêsu thế nào chúng ta cũng y như vậy ở thế gian này”. Mà ở thế gian
ngày nay, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài trực tiếp giảng khi Hội Thánh cử
hành Phụng Vụ (x Dt 1,2), thì giáo dân đến Nhà Thờ dự Phụng Vụ phải nghe được
các chủ chăn giảng dạy đúng theo Quy Luật Hội Thánh đã truyền. Có thế, không
còn người bỏ Đạo, bởi vì họ được nghe,hiểu và nói chung một ngôn ngữ của Hội
Thánh, khởi đi từ Phụng Vụ. Và chúng ta mới làm cho “muôn dân muôn nước sẽ thờ lạy Chúa” (Tv 72/71,11: Đáp ca). Vì muôn
dân nước chỉ tôn thờ duy một Thiên Chúa: “Lạy
Chúa Kitô, vinh danh Chúa là Đấng được loan truyền giữa muôn dân. Vinh danh
Chúa là Đấng cả hoàn cầu tin kính” (1Tm 3,16: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Chúa Giêsu Phục Sinh chỉ ban bình an ba lần cho những ai cùng
với Hội Thánh hiệp dâng Thánh lễ (x Ga 20,19. 21. 26).
Lm Giuse Đinh Quang
Thịnh