Lời Chúa Lễ Thánh Gia _ tổ ấm

TỔ ẤM
Ngày nay nhiều gia đình đang có những xung đột và nạn bạo hành thường xuyên dễ có nguy cơ đổ vỡ, vì không còn bầu khí hiệp thông giữa các phần tử, vì không còn bầu khí thánh thiêng...
Logos
Chiều ngày 18/3/2008, Đức Hồng Y Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đại diện Đức Thánh Cha, đã chủ sự thánh lễ an táng chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare, Tổ Ấm, qua đời hôm 14/3/2008, thọ 88 tuổi.
Trong bối cảnh đau thương của thế chiến thứ 2, phong trào Focolare được thành lập năm 1943, ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ gọi là “Tổ Ấm” qui tụ những người sống Phúc Âm giữa đời, sống đoàn sủng hiệp nhất và hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân, những người phổ biến “tình thương – hiệp nhất”, biến bản thân, gia đình và nơi làm việc của mình thành một “tổ ấm” trong đó tình yêu thương nồng cháy lan tỏa sang người khác.
Hiện nay có khoảng 141.000 thành viên dấn thân tại 89 nước trên thế giới, không kể hơn 2 triệu người khác tại 182 nước có liên hệ tới phong trào này.
Phong trào Focolare được khởi xướng bằng một kinh nghiệm thần bí. Chiara Lubich, một sinh viên sư phạm nhân dự đại hội Công Giáo Tiến Hành tại thành phố Loretô, miền nam nước Ý. Chỉ muốn vào nhà thờ cầu nguyện một chút, nhưng khi bước vào căn nhà Nagiarét trong lòng nhà thờ Loretô, Chiara Lubich bỗng thấy mình bị tràn ngập trong một khung cảnh thật huy hoàng, khung cảnh của gia đình Thánh Gia. Tai cô như đang nghe thấy tiếng nói bập bẹ của cậu bé Giêsu, và tiếng hát của Mẹ Maria vọng lại từ bốn bức tường cùng với công trình của thánh Giuse cũng hiển hiện trước mắt cô. Thời gian đại hội kéo dài, ngày nào cô cũng một mình trở lại căn hộ Nagiarét thân thương ấy, với một cảm xúc mạnh, một ấn tượng sâu, như thể cô đang chìm ngập giữa bao hồng ân từ trời cao. Từ đó phong trào “Tổ Ấm” ra đời.
Từ hình ảnh gia đình Thánh Gia, Chị Chiara tham chiếu vào ba nhân vật hiện diện trong căn nhà nhỏ bé, nghèo hèn để nối kết biết bao người thành một đại gia đình thiêng liêng, sống thầm lặng và khiêm hạ, để thắp lên ngọn lửa tình thương của Thiên Chúa nơi các tâm hồn.
Người cha im lặng
Sự im lặng là nét đặc trưng nơi Thánh Giuse trong những biến cố của gia đình Thánh, im lặng là để lắng nghe tiếng Chúa, từ việc đón nhận Maria trong lúc có thai, đem gia đình lánh nạn tại Ai Cập và đưa trở về Nagiarét, Thánh Giuse luôn nghe được thánh ý Chúa qua sứ thần chỉ bảo. Thánh Giuse im lặng là để chu toàn bổn phận theo lề luật, như khi đưa Mẹ Maria trở về quê quán để sinh Chúa Giêsu tại Bêlem, như lên Đền thánh Giêrusalem để dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa. Thánh Giuse im lặng để chấp nhận một hoàn cảnh sống khó khăn khi không có chỗ xứng hợp để Mẹ Maria sinh Chúa Giêsu, hay lễ vật chỉ là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, lễ vật dành cho người nghèo khi lên đền thờ. Thánh Giuse im lặng để bươn chải trong xưởng thợ để cho Chúa Giêsu được nuôi dưỡng và lớn lên. Nơi thánh Giuse, ta thấy được sự mau mắn và luôn sẵn sàng đáp trả tiếng Chúa. Sự im lặng của thánh Giuse là một bằng chứng sống động để diễn tả một niềm tín thác trọn vẹn để gia đình luôn được sống trong niềm tin và yêu thương.
Người mẹ luôn ca tụng Chúa
Những lời đáng ghi nhớ mà Mẹ Maria nói với sứ thần Gabriel, “Vì tôi không biết đến người nam”, hay là “Này tôi là nữ tì, xin vâng như lời sứ thần truyền…” đều là những tâm tình biểu lộ lòng biết ơn và cảm tạ trước những hồng ân cao quí mà Thiên Chúa dành cho Mẹ. Những lời nói của Mẹ luôn là những “điều đã suy đi nghĩ lại trong lòng”. Nếu thánh Giuse im lặng vì lòng tin, thì lòng tin của Mẹ được biểu lộ qua lời Magnificat để ca tụng công trình mà “chỉ có Thiên Chúa mới làm được”. Chắc chắn lời nói “Xin vâng” là lời được lặp đi lặp lại trong suốt cả cuộc đời, như là một điệp khúc của tình yêu và hy sinh, trong nỗi đau khổ của lòng vâng phục cho chương trình cứu độ, mà tiên tri Simêon tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay. Để cuối cùng Mẹ vẫn can đảm đứng dưới chân Thập giá trong ngày con mình bị đóng đinh.
Người Con chí ái
Là một người con sống trong tổ ấm Nagiarét, Đức Giêsu cũng lớn lên như biết bao đứa trẻ khác, cũng cần những bước chập chững để biết đi, cũng cần những dạy dỗ, chỉ bảo để trưởng thành nhân cách, cũng không thiếu những lao nhọc trong công việc. Là một người con chí ái, Đức Giêsu đã sống tinh thần hiếu thảo đó trong tâm tình yêu mến. Chính sự giáo dục trong gia đình này, Đức Giêsu “lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người” (Lc 2, 40). Nơi môi trường gia đình, Đức Giêsu đã tích lũy được biết bao kinh nghiệm, sự khôn ngoan, để sau này biết đồng cảm với những người nghèo khó, và vượt qua được những khó khăn, những thử thách của sự chống đối, nhất là biết chấp nhận hiến thân chịu chết để làm trọn thánh ý Chúa Cha.
Tổ ấm Nagiarét – mẫu gương lòng tin yêu phó thác
Sự xúc cảm mãnh liệt của chị Chiara Lubich trước ngôi nhà Thánh là một động lực để phong trào “Tố Ấm” ra đời, sau 65 năm hoạt động đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp. Như sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi trong dịp Thánh lễ an táng của chị: “Hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân Người ban cho Giáo Hội nơi người phụ nữ có đức tin can trường, người sứ giả hiền hậu của hy vọng và hòa bình, sáng lập một đại gia đình thiêng liêng bao trùm nhiều lãnh vực truyền giảng Tin Mừng… Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương mà chị Chiara luôn tham chiếu, giúp mỗi thành viên phong trào Tổ Ấm tiếp tục tiến bước trên con đường để giúp biến Giáo Hội ngày càng trở thành một căn nhà và một trường hiệp thông”.
Cũng vậy, khi chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Gia trong tổ ấm Nagiarét hôm nay, mỗi người chúng ta đón nhận được một bài học giá trị về đời sống gia đình. Thánh Gia dạy chúng ta biết sống hiệp thông với nhau trong tình yêu thương, tin tưởng lẫn nhau và đặc biệt là phải đặt trên nền tảng đức tin vào Chúa. Một Thiên Chúa làm người trong gia đình Nagiarét, nhưng Đức Giêsu vẫn ý thức thánh Giuse và Mẹ Maria là những vị đại diện cho Chúa Cha, nên Ngài vẫn luôn sống hiếu thảo trong sự vâng phục của một người con trong gia đình.
Ngày nay nhiều gia đình đang có những xung đột và nạn bạo hành thường xuyên dễ có nguy cơ đổ vỡ, vì không còn bầu khí hiệp thông giữa các phần tử. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết, nguyên nhân chính vẫn là không còn bầu khí thánh thiêng, không còn dành thời giờ cho việc đọc kinh, cầu nguyện chung với nhau, chỉ còn lại những nhu cầu vật chất, những đam mê hưởng thụ, dẫn đến một lối sống phân rẽ và ích kỷ, ai cũng chỉ biết lo cho mình mà thôi, cha mẹ và con cái không còn tôn trọng lẫn nhau và không quan tâm lo lắng cho nhau nữa.
Nhìn vào Thánh Gia, ta thấy nơi đó tình yêu được thể hiện cách rõ nét bằng việc hy sinh và quên mình. Gia đình là nơi để con người được yêu thương chân thành, là môi trường giáo dục niềm tin cho con cái. Không biết hy sinh, quên mình thì không thể nói đến quảng đại, bác ái. Sự khủng hoảng đức tin nơi người trẻ hôm nay hệ tại nơi gia đình không còn niềm tín thác vào Chúa.
Như Abraham, và gia đình của ông dù gặp bao chướng ngại trong cuộc sống với niềm tin vào lời Chúa hứa trong mỏi mòn chờ đợi, vẫn trung thành thể hiện trọn vẹn niềm tin tưởng vào Chúa, như khi vâng lời Chúa để sẵn sàng sát tế Isaac, để rồi mọi sự được Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn (Bài đọc 1 và 2). Chúng ta cũng cố gắng trung tín với lời hứa của mỗi người trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.
Một kinh nghiệm trong cuộc sống: ai cũng muốn cho gia đình mình trở thành là một “tổ ấm” hòa thuận, thương yêu kính trọng lẫn nhau, nhưng khi đối diện với thánh ý Chúa, thì không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận, bởi vì sống theo những đòi hỏi của Chúa, buộc chúng ta phải từ bỏ, phải chọn lựa để đứng về phía Chúa, phải đi vào con đường hẹp của Tin Mừng. Chúng ta đang sợ mất mát, sợ mất danh vọng, sợ khó nghèo thiếu thốn vật chất. Chúng ta đang sợ đủ điều, mà điều căn bản và quan trọng nhất thì không sợ, đó là “mất linh hồn”.
Ước gì, khi nhìn vào Thánh Gia, chúng ta biết bắt đầu lại cho việc xậy dựng “tổ ấm” của chúng ta bằng sự cố gắng của từng thành viên, của người cha, người mẹ và con cái. Chỉ khi nào thay đổi được từng cá nhân trong gia đình với lòng yêu mến và tín thác vào Chúa và kính trọng nhau ; chỉ khi nào mỗi thành viên ý thức và chu toàn bổn phận là một sứ mạng cao cả Chúa giao ; và cũng chỉ khi nào chúng ta bước ra khỏi sự ích kỷ của bản thân, của gia đình để đến với những người chung quanh với tấm lòng quảng đại biết chia vui sẻ buồn với họ, chúng ta mới hy vọng trở nên là “tổ ấm” để sống Tin Mừng hằng ngày như phong trào Focolare.