Lời Chúa cntn 2c _ các bài suy niệm

SUY NIM LI CHÚA
CHỦ NHẬT TH
ƯỜNG NIÊN tuần 2, năm C
Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11


MỤC LỤC

27. Video Thánh Vịnh  Nhóm thánh vịnh Nauy
29. Hôn ước giữa Thiên Chúa với ...   Lm Carolo Hồ Bạc Xái
30. Tiệc cưới Canna   Lm Giuse Đinh lập Liễm





1. Phép l
Đoạn Tin Mừng vừa nghe không nói rõ là tiệc cưới của ai, nhưng chắc chắn là của một người trong họ hàng thân thiết với Chúa, vì người ta thấy có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ.
Theo tục lệ của người Do Thái, thì đám cưới thường kéo dài tới 7 ngày. Dĩ nhiên khách được mời không bắt buộc phải ở lại dự tiệc suốt 7 ngày. nhưng số người ở lại cho tới hồi kết thúc có lẽ không ít, nên xảy ra nạn thiếu rượu. Thiếu rượu nửa chừng trong một tiệc cưới quả là một tai hoạ. Danh dự của đôi tân hôn có thể bị thương tổn. Như thế, chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi lo âu và cảnh chạy đôn chạy đáo của nhà đám. Đức Maria, mẹ của Chúa Giêsu, với sự nhạy cảm và tinh tế của một người phụ nữ, hẳn đã nhận ra được những sự lục đục diễn ra ở hậu trường của tiệc cưới và hiểu được nỗi khốn quẫn của nhà đám. Dù sao thì Mẹ Maria đã là người đầu tiên lên tiếng về tình trạng này: họ không còn rượu nữa.
Một nhận định vô tư về tình hình hay còn hàm chứa một lời cầu xin? Có thể đây chỉ là một lời tỏ bày, báo động với Chúa Giêsu về nỗi quẫn bách của nhà đám, không nhất thiết Mẹ Maria phải xin một phép lạ. Điều quan trọng hơn ở đây là Mẹ Maria đã đặt Chúa Giêsu trước tình trạng quẫn bách của con người. Nhưng người đọc không thể không sửng sốt trước câu trả lời của Chúa Giêsu: Này bà, đối với tôi và bà, nào có việc gì. Một câu trả lời xem ra có vẻ cứng cỏi và xa vắng. Các nhà chú giải cắt nghĩa rằng trong một số trường hợp, câu nói này khá thông thường trong các giới Do Thái, và trong ngôn ngữ Hy Lạp, thì có nghĩa là: việc gì đến bà. Câu trả lời cua Chúa Giêsu ngụ ý cho thấy hai người, Người và mẹ Người không ở trên cùng một bình diện. Hành động của Người sẽ vượt lên trên rất xa điều Mẹ Maria có thể nghĩ đến. Tiếng bà dùng ở đây để chỉ Mẹ Maria không hề có nghĩa bất kính, mà chỉ là một kiểu xưng hô theo tập tục của của người Hy Lạp.
Như thế giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria có một sự khác biệt trong tầm nhìn. Đối với Chúa Giêsu phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người được thực hiện là theo ý định của Cha Người. Sau cùng phép lạ đã xảy ra, cơn khốn quẫn của nhà đám được giải quyết một cách dư dật quá lòng mong muốn, sáu chum nước lã, mỗi chum chứa hai hoặc ba thùng, biến thành một loại rượu ngon. Nước lã biến thành rượu ngon. Thế nhưng nếu lưu ý chúng ta sẽ thấy, phép lạ đã không diễn ra chỉ bằng một lời phán, nhưng đã khởi sự từ việc nhận ra sự khốn quẫn của người khác, từ công lao khó nhọc của các gia nhân gánh đầy mấy chum nước.
Từ đó chúng ta đi tới kết luận, dù là trong phép lạ, thì sự tham gia cộng tác của con người cũng vẫn là điều cần thiết.



2. Dấu lạ đầu tiên – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Kitô hữu ngày nay dễ dàng biết rằng Đức Giêsu có thể làm phép lạ hóa nước thành rượu thượng hảo hạng, vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể; tuy nhiên những người đồng dự tiệc với Đức Giêsu không hiểu được như vậy. Vì vậy, biến cố Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này đã tác động mạnh mẽ trên những người biết sự việc này. Qua dấu lạ này, người ta và các môn đệ của Đức Giêsu nhận ra Ngài là một con người rất đặc biệt, Ngài là người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến.
“Vạn sự khởi đầu nan”. Đức Giêsu bắt đầu sự nghiệp bằng việc rao giảng. Không biết Ngài rao giảng có thành công hơn những thầy dạy khác trong dân Do Thái không? Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu theo sự thỉnh cầu của Đức Mẹ. Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Maria là người đầu tiên hy vọng vào Đức Giêsu, tin vào Đức Giêsu! Người ta tin vào Đức Giêsu sau khi thấy dấu lạ Ngài làm, còn Đức Maria tin vào Đức Giêsu trước cả khi Đức Giêsu làm phép lạ. Đức Maria cũng là người biết Đức Giêsu hơn ai khác: Mẹ dám ngỏ lời nhắc nhở Đức Giêsu: “họ hết rượu rồi”.
Đức Maria rất tế nhị, Mẹ biết điều làm cho đôi tân hôn bối rối và không biết giải quyết làm sao. Mẹ biết nếu Đức Giêsu biết điều này, Đức Giêsu có thể làm một cái gì đó cho họ; và Mẹ đã không thất vọng. Qua sự kiện này, chúng ta thấy Đức Mẹ hiểu Đức Giêsu đến độ nào! “Ngài nói sao, các anh cứ làm như vậy”. Đức Giêsu đã can thiệp như Mẹ tiên đoán. Thật là đúng khi các Kitô hữu tôn Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, vì ngày xưa Mẹ đã biết, và đã tế nhị can thiệp với Thiên Chúa cho con người, thì nay Mẹ cũng vẫn làm như vậy.
“Qua dấu lạ này, các môn đệ đã tin vào Ngài” (Ga.2, 11). Các môn đệ của Đức Giêsu tin Đức Giêsu là ai? Chắc chắn không phải các môn đệ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể vì lúc đó mầu nhiệm cao siêu này chưa được con người nhận rõ. Có lẽ các môn đệ tin Đức Giêsu là Người từ Thiên Chúa, Người của Thiên Chúa, là Đấng Thiên Chúa sai đến để yêu thương và giúp đỡ dân. Cho dù người ta có biết có ý thức hay không, Đức Giêsu vẫn là Thiên Chúa nhập thể. Thế nhưng, điều này các môn đệ chưa ý thức, chưa biết được vào thời điểm đó. Đức Giêsu cũng là người phải khơi dậy và củng cố đức tin của các môn đệ đối với Ngài. Sau này Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?…. Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mt.16, 16).
Đức tin của các môn đệ đối với Đức Giêsu mỗi ngày một lớn dần, nhưng không phải là đồng đều đối với tất cả mọi người. Một số môn đệ khi nghe Đức Giêsu giảng dạy nhiều điều khó nghe, đã bỏ Đức Giêsu không theo Ngài nữa: ”Lời này chướng quá, ai nghe cho nổi……Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu nữa” (Ga.6, 60.66). Khủng hoảng đức tin vào Đức Giêsu lên tột đỉnh với biến cố Đức Giêsu bị treo thập giá, nhưng với biến cố Phục Sinh và những lần hiện ra cho các tông đồ, các môn đệ Đức Giêsu tin vào Đức Giêsu mãnh liệt hơn, và biết Ngài là ai rõ ràng hơn sau biến cố Phục Sinh.
Với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra chân tướng của Đức Giêsu: Người thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa đến độ có thể nói Ngài là Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa. Cũng với tác động của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra Thánh Thần là ai, sau khi đã nhận ra Đức Giêsu là ai, sau khi nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói với họ (Ga.14, 16.26; 15, 26; 16, 13). Thánh Thần là quyền năng của Thiên Chúa; Ngài biến đổi lòng người, Ngài giúp con người tin vào Đức Giêsu.
Theo thánh Phaolô, Thánh Thần làm sinh động Hội Thánh qua những ân sủng của Ngài. Tất cả những gì hay tốt con người có, đặc biệt những gì con người đang phục vụ Giáo Hội, đều đến từ Thánh Thần của Ngài. Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để giảng dậy, ban ơn quảng đại để phục vụ anh chị em mình, ban đặc sủng để chữa bệnh. Thánh Thần ở nơi cung lòng mỗi người (Ga.14, 16; 1Cor.3, 16-17).
Thánh Thần đổi mới mọi sự, đổi mới vận mạng một dân thành: thành Yêrusalem không còn bị ruồng bỏ nữa, nhưng được yêu vì. Cũng chính Thánh Thần biến đổi lòng dạ con người, đưa dẫn con người trở về với Thiên Chúa, đưa con người trở về với anh chị em mình. Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn con người, thánh hóa con người, làm cho con người trở nên dễ yêu dễ thương, trở nên xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is.62, 5).
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có cảm nghiệm những gì xảy tới cho những anh em sống xung quanh, liên hệ mật thiết với bạn, và bạn đã xin Thiên Chúa can thiệp không? Xin chia sẻ nếu bạn có điều này.
2. Chỉ với phép lạ biến nước thành bánh, đã đủ cho người ta kết luận Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể chưa? Tại sao?
3. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ.



3. Ngài là ai? – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Đức Giêsu sống một thời gian dài ở Nadarét, như một người bình thường, một người thợ làm vất vả mới có đủ lương thực sống. Sau ba mươi năm trời, nghe tin Gioan làm phép rửa thống hối tại sông Giordan, Đức Giêsu được thúc đẩy để đi chịu phép rửa, rồi Ngài được Thánh Thần dẫn vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện, Ngài thấy sứ mạng và bắt đầu ra đi rao giảng, thu tập các môn đồ. Hôm nay Tin Mừng cho thấy Ngài xuất hiện ở tiệc cưới Cana.
Đức Maria tin vào Con mình
Đức Maria cảm thông với đôi tân hôn và những người trong gia đình: nếu hết rượu giữa chừng, người ta sẽ đàm tiếu, và gia đình nghèo này làm sao vượt qua được? Đức Maria nói với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Tại sao Đức Mẹ lại nói với Đức Giêsu? Như thể Đức Mẹ hiểu phản ứng của Đức Giêsu trước những hoàn cảnh như vậy!
Hãy đặt mình vào trường hợp những người ở bên Đức Giêsu và Đức Mẹ lúc đó: họ hiểu gì? Có lẽ họ chẳng hiểu gì! Có thể có người nghĩ: “bà này vô duyên! Họ hết rượu thì kệ họ, con bà làm gì được!” Và Đức Giêsu đã trả lời Đức Mẹ như vậy: “Việc đó có liên quan gì đến bà và tôi?”. Tuy vậy, Đức Mẹ vẫn nói với những người giúp việc: “Ngài nói sao cứ làm như vậy”. Đức Maria hiểu Đức Giêsu hơn bất cứ ai, dường như Đức Mẹ biết Đức Giêsu sẽ làm một cái gì đó để cứu gỡ cặp hôn nhân và gia đình trong cảnh khốn cùng này. Quá tuyệt thái độ của hai người hiểu nhau ở đây.
Đức Giêsu đã làm điều Ngài đã làm. Phải chăng vì Đức Mẹ, hay cứ bình thường Ngài phản ứng như vậy? Có thể không vì Đức Mẹ, nhưng Đức Mẹ biết Đức Giêsu sẽ phản ứng trước hoàn cảnh như vậy: Ngài vẫn động lòng trước nỗi khổ của con người.
Các môn đồ tin vào Đức Giêsu
Những người giúp việc biết nước đã biến thành rượu. Người chủ tiệc không biết rượu từ đâu có, nhưng các người giúp việc thì biết. Chắc là những người giúp việc ngạc nhiên và thán phục Đức Giêsu.
Ngài là người của Thiên Chúa, vì đã làm được việc phi thường. Các môn đồ đã tin vào Ngài. Ở vào thời điểm này, chưa có ai biết Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể. Sở dĩ vậy vì người Do Thái tin Thiên Chúa là Đấng duy nhất, họ chưa biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa là Ba Ngôi chỉ được mặc khải nhờ Đức Giêsu sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết mà thôi.
Niềm tin và sự hiểu biết của các tông đồ mỗi ngày mỗi tăng, và cũng có những khủng hoảng như khi Đức Giêsu mặc khải “mình Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”. Một số môn đồ bỏ đi vì thấy lời của Đức Giêsu chói tai quá (Ga.6, 60.67). Cuộc khủng hoảng cao độ nhất là biến cố Đức Giêsu bị giết trên thập giá. Sau khi Đức Giêsu sống lại, nhờ ơn của Thánh Thần các tông đồ đã nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể.
Hồng ân và đặc sủng đều do Thánh Thần
Thánh Phaolô cho biết, tất cả đều do Thánh Thần, ngay cả hồng ân đức tin: “không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, mà lại không do Thánh Thần” (1Cor.12, 3).
Tất cả đều từ Thiên Chúa mà đến, đều do một Chúa, đều nhờ Thánh Thần. Ơn phục vụ, ơn khôn ngoan, ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định các thần, ơn ngôn ngữ, ơn giải thích, v.v… tất cả đều từ Thiên Chúa, đều do Thánh Thần mà có.
Ơn sủng Thiên Chúa đang bao trùm chúng ta. Chúng ta hiện hữu, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc, sức khỏe, học hành, hiểu biết, v.v…. tất cả đều bởi Thiên Chúa, đều do Thánh Thần. Chúng ta đang sống trong tình yêu. Hãy nhận biết điều đó, để hạnh phúc và cảm tạ Thiên Chúa.
Chính nhờ Đức Giêsu mà chúng ta có tất cả. Đức Giêsu là qùa tặng qúy nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta, thì Ngài còn gì với chúng ta nữa! Thiên Chúa là quà tặng qúy nhất mà mỗi người chúng ta có, và không ai có thể tước mất được. Tạ ơn Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Bạn có kinh nghiệm về hai người hiểu nhau không? Xin bạn chia sẻ kinh nghiệm đó nếu có thể được.
2. Bạn có kinh nghiệm (tin) Thiên Chúa yêu bạn, và sẽ làm điều tốt nhất cho bạn không? Bạn có kinh nghiệm “muốn gì Thiên Chúa cũng chiều” bạn không? Xin chia sẻ nếu có thể được.
3. Điều gì quý nhất với bạn? Bạn hay cầu nguyện để được điều gì nhất? Bạn có hay cầu nguyện xin Chúa ban cho bạn điều bạn cho là qúy nhất không? Nếu không thì tại sao?
4. Bạn có kinh nghiệm “khủng hoảng đức tin” không? Làm sao bạn vượt qua được?



4. Ân sủng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tất cả là hồng ân. Hồng ân, ân sủng, đặc ân, đặc sủng, quà tặng, tài năng, ân lộc, ân phúc, phúc lộc, thiên tài, an lạc và hạnh phúc đều là những món qùa được trao ban. Người ta thường nói "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Trải qua bao đời, cha ông của chúng ta đã nghiệm ra rằng con người không thể làm chủ toàn diện đời mình. Trước hết, mỗi người đón nhận hồng ân sự sống để được hiện hữu. Mỗi thụ tạo lãnh nhận một kho tàng mầu nhiệm một cách nhưng không. Người hữu thần tin tưởng vào Thượng Đế, Đấng đã tạo dựng và quan phòng vạn vật muôn loài trong trật tự. Người vô thần cắt đứt nguồn gốc sáng tạo và chỉ chú tâm vào nỗ lực của con người hiện tại. Có người nghĩ rằng với khả năng và nỗ lực tu tâm và tu thân, con người có thể quyết định hoàn toàn số mệnh của mình. Là người trí tuệ, chúng ta nên mở rộng tâm trí để học hỏi và trau dồi kiến thức thêm. Quan sát sự sống muôn loài và vũ trụ vạn vật bao la, điều quan trọng là chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận thân phận yếu đuối, mỏng giòn và rất giới hạn của mình.
Phần Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Thường Niên giúp chúng ta có một xác tín về ân sủng thiêng liêng. Thiên Chúa sáng tạo, dẫn dắt điều khiển sự vận hành của vũ trụ và sự sống của muôn loài. Con người là tạo vật cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo. Mỗi một con người được tựu thai là một tạo vật hoàn toàn mới và duy nhất. Mọi khả năng tiềm tàng về di truyền đã được in ghi trong từng tế bào của mỗi sự sống. Thượng Đế cho con người có ý chí, lý trí, ước muốn, tự do và khả năng để phát triển tới đỉnh cao. Con người có thể dùng khả năng và nỗ lực quyết tâm tu tâm và tu thân để trở nên con người hữu dụng và trọn hảo. Tiên tri Isaia đã diễn tả: "Ngươi sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Thiên Chúa, sẽ là mũ triều thiên vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay." (Is 62,3) Đấng Tạo Hoá trao ban cho mỗi loài có khả năng truyền sinh giống nòi theo cách thế riêng biệt. Sự sinh sôi nảy nở và tăng triển thêm nhiều sẽ làm tăng vẻ huy hoàng của vũ trụ vạn vật. Thiên Chúa đã chúc phúc cho mọi loài được tốt đẹp.
Chúng ta thử suy về nguồn sự sống trong con người cụ thể. Trước khi được hiện hữu, chúng ta chỉ là không. Đã có một khoảnh khắc mỗi người được bắt đầu hiện hữu. Mầu nhiệm sự sống khởi đầu từ sự kết hợp giữa mầm sống từ cha và mẹ. Ôi thật bé nhỏ và nhiệm mầu! Chỉ trong tế bào tí ti đó đã ẩn tàng mọi sự. Sự sống đó không chỉ bắt đầu từ cha và mẹ nhưng nó được nối dài từ thuở tạo dựng. Mầm sống đó được truyền sinh qua vô lượng kiếp. Sự sống phát sinh ra sự sống. Vậy sự sống trong chúng ta đã được truyền sinh qua sự sống của muôn thế hệ cha ông. Cha mẹ cộng tác với Tạo Hoá sáng tạo sự sống nơi mỗi con người một cách đặc thù và riêng biệt. Mỗi cá nhân đều có Deoxyribonucleic acid (DNA) khác nhau và dấu chỉ tay cũng khác biệt. Thật lạ lùng!
Người khôn ngoan và trí tuệ là đừng từ chối điều gì mà mình chưa được học hiểu. Vì càng tìm hiểu và học hỏi, chúng ta càng hiện hữu thêm. Chúng ta biết rằng cả kho tàng kiến thức của loài người góp lại cũng chẳng thấm vào đâu so với sự diễn tiến, hiện hữu và sinh tồn của vũ trụ. Nhiều người có trí khôn hiểu biết còn nông cạn, chưa thấu hiểu được lòng người và cũng chẳng thông suốt thế thái nhân tình, nhưng lại phán quyết nhiều điều vô căn cớ. Có người lại mạnh miệng lên tiếng phủ nhận sự hiện hữu của Đấng tác thành mọi sự. Khi không muốn qui phục, người ta chỉ việc đơn giản chối bỏ uy quyền của Thượng Đế và nói rằng mọi sự hiện hữu là tự nhiên mà có. Họ nghĩ rằng những người hữu thần tin vào thượng đế là thiếu trí tuệ và chưa giác ngộ. Đối với họ, thần thánh chỉ như là bánh vẽ hù doạ những người sơ khai và âu trĩ. Có lẽ chính họ còn đang ngồi trong bóng tối của vô minh.
Qua Kinh Thánh mạc khải và quan sát ngắm nhìn sự vạn vần trong vũ trụ, con người nhận ra nguyên nhân cội rễ của muôn loài. Đó chính là nguyên lý nhân quả. Trông quả thì biết cây. Ngày xưa, Thiên Chúa đã chọn một dân riêng để chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế. Người đã dùng mọi hình thức cụ thể để tỏ bày sự quan tâm chăm sóc, khế ước yêu thương ràng buộc và sự trung tín trong giao ước. Là Kitô hữu, chúng ta tin và tôn thờ một Thiên Chúa có ngôi vị và yêu thương. Tiên tri Isaia đã dùng hình ảnh đôi trai tài gái sắc để diễn tả tình yêu sống động của Đấng Tác Tạo: "Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ." (Is 62,5)
Thánh Phaolô phân tích một cách khá rõ ràng về những đặc sủng mà mỗi người được lãnh nhận: "Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí." (1 Cr 12,4) Quan sát cuộc sống trong bất cứ một nhóm người, một hội, môt tổ chức hay một sinh hoạt chung nào cũng đều có con người có khả năng khác nhau. Mỗi người đều nhận lãnh khả năng để sinh lợi. Thần khí ban cho mỗi người một cách: Người nói tiên tri, kẻ giảng dạy, người được ơn chữa bệnh, kẻ làm phép lạ và người được ơn nói nhiều thứ tiếng… Như trong dụ ngôn về nén bạc, mỗi người đều nhận số vốn khác nhau: Có kẻ nhận 5 nén bạc, người 2 nén và người 1 nén tuỳ theo khả năng. Khả năng, thời gian và tài lực là nguồn vốn của mỗi cá nhân. Điều quan trọng là mỗi người biết dùng tài năng ân sủng của mình để sinh hoa kết trái. Khả năng như hạt giống được trao, chúng ta phải biết gieo vãi, vun trồng và chăm sóc thì khả năng mới phát triển.
Mỗi cá nhân là một thế giới riêng tư nhưng không thể tách rời. Sống là sống chung, sống cùng và sống với người khác, sự liên đới hỗ tương giúp xây dựng một xã hội tốt đẹp: "Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung." (1 Cr 12,7) Không ai nhận ân sủng cho riêng mình nhưng đều vì ích lợi chung. Cuộc sống rất đa dạng. Lịch sử loài người phát triển từng bước liên tục và nối dài. Tất cả thành quả của chất xám tri thức đã đặt nền tảng phát minh trong mọi thời. Nhờ trí khôn, con người đã tìm ra được một số những nguyên nhân ẩn tàng trong thiên nhiên. Mỗi sự phát minh mới đều đặt nền tảng trên các định luật đã có trước. Sứ mệnh của con người là phục vụ lẫn nhau trong khả năng của mình. Con người có muôn trùng khả năng chuyên môn và công việc khác nhau để phục vụ công ích. Chúng ta tuy nhiều nhưng cùng tin vào một Thiên Chúa: "Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa." (1 Cr 12,5)
Chúa Giêsu đầy quyền năng trong ý tưởng, lời nói và việc làm. Chúa đã hiện hữu từ đời đời có uy quyền sáng tạo và biến đổi cả tinh thần lẫn vật chất. Tại tiệc cưới Cana, qua lời khẩn nài của Mẹ Maria, Chúa Giêsu là làm phép lạ đầu tiên biến nước thành rượu. Thánh Gioan đã viết: "Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana, miền Galilê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người." (Ga 2,11) Với sự cộng tác của con người, Chúa đã tỏ quyền năng và vinh quang của Ngài. Ngài không khoe khoang hô lớn nhưng chỉ hành động âm thầm qua những việc rất bình thường của gia nhân: Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng (Ga 2,7). Chỉ có các gia nhân biết sự việc đã xảy ra cũng giống như các mục đồng nhận diện ra Chúa nơi máng cỏ Belem.
Chúng ta hãy đến cùng Đức Maria, Mẹ là Đấng cầu bầu có thần thế trước tôn nhan Thiên Chúa. Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nghe lời của Thân Mẫu Chúa nói với các gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." (Ga 2,5). Lạy Chúa, Chúa đã biến nước thành rượu ngon, xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con nên khí cụ bình an của Chúa.



5. Họ hết rượu rồi – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Chúa mến chuộng dân Người. Không những Người sinh xuống thế làm người để ở với chúng ta, Người còn chia sẻ với chúng ta trong mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày. Đó là niềm an ủi và hi vọng của chúng ta. Như hôm nay, Người và Mẹ Người cùng đến dự tiệc cưới.
Tiệc cưới Cana hết rượu phải đối mặt với thất bại và bất hạnh. Nhìn vào tình hình thế giới đầu năm nay ta thấy không khác gì một đám cưới hết rượu. Ta cũng đang đối mặt với thất bại và bất hạnh. Không dám nói với Chúa vì tình hình tồi tệ này là hậu quả của việc ta đã không vâng nghe Lời Chúa, không thực hành Lời Chúa. Ta chỉ còn biết nhờ Đức Mẹ đệ đạt lên Chúa tình trạng thiếu thốn của ta, giống như Người đã đệ đạt nỗi thiếu thốn của đám cưới Cana.
Thưa Mẹ, chúng con đã hết rượu. Thế giới hôm nay đã hết rượu tự do dân chủ. Chúng con chỉ còn thứ nước lã nhạt phèo những lời hứa hẹn suông. Thế giới hôm nay đã cạn hết rượu tài nguyên phong phú. Trái đất chỉ còn là thứ nước lã khô cằn. Rừng cây bị đốn ngả nghiêng. Khoáng sản bị khai thác đến tận cùng. Cả đến bầu khí quyển cũng bị thương tổn nặng nề. Thế giới đã hết rượu hoà bình. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Chiến tranh nóng dẫn đến chiến tranh lạnh, mở sang chiến tranh khủng bố và miên man với chiến tranh kinh tế. Thương trường trở thành chiến trường khốc liệt. Thiên hạ đã quá chén uống cạn nguồn tài chính nên thế giới hôm nay phải đối mặt với đói nghèo.
Đất nước chúng con đang thiếu rượu. Những người cầm quyền đã uống quá chén quyền lực nên tự do dân chủ chỉ còn là nước lã hứa hẹn nhạt thếch. Những nhóm lợi ích quá chén tham lam nên đa phần dân chúng phải uống thứ nước lã nghèo khổ, túng thiếu. Xã hội chẳng còn một giọt rượu đạo đức, chỉ còn thứ nước lã giả dối, cá nhân, ích kỷ và hưởng thụ.
Cả đời sống tu trì của chúng con cũng đang thiếu rượu trầm trọng. Chúng con không tích trữ đủ rượu lý tưởng nên vào đời tu, thay vì tìm Chúa, chúng con lại biến Chúa thành phương tiện để tìm những thứ khác. Chúng con thiếu rượu yêu mến nên cuộc sống tu trì trở nên bế tắc, giờ kinh giờ lễ trở nên gánh nặng thay vì niềm vui. Thiếu thứ rượu quên mình vì Chúa nên chúng con quên Chúa vì mình. Đã cạn rượu tu đức nên thay vì vào tu viện để tìm quên mình nhưng không biết từ lúc nào chúng con chỉ biết đòi hỏi. Rượu bác ái huynh đệ chưa đủ dùng mà chúng con lại quá chén nên thay vì xây dựng chúng con lại tàn phá cộng đoàn, thay vì nâng đỡ anh em, chúng con lại xét nét bắt bẻ nhau, thay vì quan tâm để giúp nhau thăng tiến, chúng con lại lườm nguýt chành choẹ nhau. Đi tu để thuộc trọn vẹn về Chúa, nhưng hình như chúng con đang thuộc về thế gian. Đi tu để chiến đấu với Ác thần nhưng hình như chúng con đang tùng phục nó. Chúng con đã hết rượu xin Mẹ cầu khẩn Chúa cho chúng con.
Chắc chắn Đức Mẹ sẽ nói với Chúa. Nhưng Đức Mẹ vẫn quay lại dặn dò chúng ta: “Người bảo gì, các con cứ việc làm theo”. Sau cùng, Đức Mẹ đưa ta trở lại cốt lõi của vấn đề, đó là trở về với Chúa, phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa ta mới giải quyết được bế tắc của thế giới, của xã hội, của cộng đoàn và của chính bản thân ta.
Hãy xem Chúa bảo ta làm gì. Thật lạ lùng, Chúa bảo các gia nhân múc nước đổ đầy các chum đựng nước rửa chân tay. Sao thế nhỉ?
Múc nước là công việc tầm thường nhất. Qua đó, Chúa muốn bảo chúng ta đừng lo toan những chuyện đội đá vá trời, hãy làm những việc tầm thường nhất, những việc ai cũng chê bỏ, những việc bổn phận hằng ngày. Rượu là bữa tiệc lớn. Nước lã là công việc tầm thường hằng ngày đến chán ngấy. Thế nhưng Chúa bảo chúng ta muốn có rượu ngon ngày lễ trọng, hãy làm những công việc tầm thường, nhàm chán hằng ngày, những việc âm thầm chẳng ai biết đến.
Múc nước là công việc vô ích nhất. Vì tiệc đã gần tàn, người ta đã rửa chân rửa tay từ khi mới vào. Chúa muốn ta làm những việc xem ra vô ích vì Chúa chỉ muốn một điều là ta vâng lời. Vâng lời trọng hơn của lễ. Ý Chúa mới là quan trọng. Công việc chỉ là ta thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Chính thánh ý đem lại niềm vui và hạnh phúc.
Múc nước là việc phục vụ khiêm nhường nhất. Dùng để rửa chân tay cho khách. Chúa muốn chúng ta biết quan tâm đến người khác trong những điều nhỏ nhặt nhất. Trong bài Sách Thánh, Thánh Gioan buộc ta phải cầu nguyện cho người anh em lầm lỗi: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy”. Như thế, chúng ta không chỉ xin rượu cho bản thân mà còn phải xin rượu cho nhau nữa. Và Thánh Gioan khích lệ ta cầu xin, hãy “mạnh dạn cầu xin vì Chúa sẽ nhậm lời khi ta xin điều hợp ý Chúa”.
Múc nước là việc làm không thể thiếu trong bữa tiệc. Nước rửa chẳng có giá trị gì nhưng lại không thể thiếu. Những việc tầm thường ta làm không đáng kể, nhưng góp phần xây dựng cộng đoàn và xây dựng chính bản thân mình khi ta làm vì Chúa, vì anh em. Khi ta làm mọi việc tầm thường theo ý Chúa, Chúa sẽ làm cho những tầm thường, nhạt nhẽo trở thành thứ rượu ngon cho thế giới, cho cộng đoàn và cho bản thân ta.
Lạy Chúa, xin ban cho thế giới rượu mới bình an và thịnh vượng. Xin ban cho quê hương Việt Nam rượu ngon tự do, dân chủ và hạnh phúc. Xin ban cho Giáo hội Việt Nam rượu đức tin, hiệp nhất và phát triển. Xin ban cho Đan viện chúng con rượu mới thinh lặng cầu nguyện và huynh đệ bác ái. Xin ban cho mỗi người chúng con rượu mới sốt sắng, yêu mến và chỉ tìm một mình Chúa là hạnh phúc đích thực của chúng con. Amen.



6. Tiệc cưới Cana – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Thường niên, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng với Chúa Giêsu sống những ngày (đầu sứ vụ công khai). Thánh Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người biết: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian” (Phụng vụ Năm A); tiếp đến có ba môn đệ là: Anrê, Phêrô và Philipphê đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo người (Phụng vụ Năm B); có đồ đệ, thầy trò Đức Giêsu đi dự tiệc cưới, tại đây phép lạ đầu tiên xảy ra tại tiệc cưới Cana, khiến nước hóa thành rượu, nhờ sự can thiệp của Rất Thánh Trinh Nữ Maria, (Phụng vụ Năm C). Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, với đức tin sống động, tinh tuyền và kiên vững, chỉ cho chúng ta nguồn gốc của một trong những dấu chỉ, và thực tại của nó, mà chúng ta sẽ được tham dự trong tương lai, nếu chúng ta làm “tất cả những gì Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu (biểu tượng của rượu) dạy bảo. Lời dẫn vào Thánh lễ: “Lạy Chúa, toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh, Lạy Chúa Trời cao cả” (Lời nhập lễ). (“Hãy ca ngợi Chúa bằng một khúc ca mới, hỡi hoàn vũ, hãy ca ngợi Chúa, hãy ca ngợi Chúa, tôn vinh danh thánh Người”.) (Tv. 95)
Theo Thánh Maximus, Giám mục thành Turin thì Rượu mà Đức Giêsu hóa từ nước thành, chính là Rượu mới của niềm vui đích thực.
Bởi Vị Thiên Chúa theo Phúc Âm mô tả đã được mời đến dự tiệc cưới. Như thế, Con Thiên Chúa đã đi dự tiệc cưới, và bằng sự hiện diện của mình, Ngài đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành Rượu. Ngài đã đến dự đám cưới, theo luật cũ, để chọn trong dân ngoại một người vợ sẽ luôn luôn giữ mình đồng trinh. Ngài không sinh ra từ cuộc hôn nhân của loài người như Kinh Tin Kính chúng ta đọc: “Được sinh ra mà không phải được tạo thành”. Ngài đi đến đám cưới, không phải để tham dự một bữa tiệc vui vẻ như bao nhiêu bữa tiệc. Ngài đến để mạc khải một điều kỳ diệu thực sự, hết sức đáng ngưỡng mộ. Ngài đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho rượu ngon nồng. Và khi mọi thực khách đang dự tiệc, bỗng thiếu rượu, Đức Maria, Mẹ Ngài đã nói với Ngài: "Họ hết rượu rồi." Chúa Giêsu, dường như trả lời với vẻ không vui cho lắm: "Hỡi bà, bà muốn tôi điều gì? "... khi trả lời: "Giờ của con chưa đến", chắc chắn đây là lúc Ngài loan báo giờ vinh quang của Ngài nơi cuộc Thương Khó, hoặc chính máu Ngài là rượu đổ ra để trao ban sự sống, và ơn cứu độ cho nhiều người. Mẹ Marie xin một đặc ân hiện tại, còn Chúa Giêsu, Ngài lại chuẩn bị trao ban niềm vui muôn thủa trong tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đã không ngần ngại trao ban những điều nhỏ mọn cho con người, trong khi chờ đợi những điều lớn xảy đến.
Đức Maria, người mẹ diễm phúc, vì Mẹ là Mẹ thật của ConThiên Chúa, nên Mẹ đã biết trước ý định của Con Mẹ, và thấy trước được điều gì sẽ xảy đến. Đó là lý do tại sao sau khi Mẹ yêu cầu Đức Giêsu, Con Mẹ, Mẹ nhận được câu trả lời: “Việc đó có liên quan gì đến bà và tôi”; Mẹ vẫn căn dặn những gia nhân quản tiệc cưới hãy làm bất cứ điều gì Con Mẹ yêu cầu: “Người bảo sao cứ làm như vậy”. Người mẹ thiêng liêng của Chúa Giêsu chắc chắn biết rằng lời chỉ trích của Con Mẹ và Mẹ thấy Con Mẹ, một Vì Thiên Chúa đã không giấu được sự bất bình của một người đàn ông giận dữ nhưng chứa đựng một mầu nhiệm của lòng từ bi cao cả... Vì tiếp theo là nước trong chum bỗng nhiên bắt đầu nhận được sức thánh hóa để có thể chuyển màu sắc, lan tỏa hương vị của một thứ rượu ngon lành, và cùng một lúc thay đổi hoàn toàn bản chất của nó, nước đã hóa thành rượu. Và việc chuyển đổi nước thành một chất khác cho thấy sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa, quyền năng, bởi không ai, ngoại trừ người tạo ra từ không có gì ra nước, có thể chuyển đổi nước thành một cái gì đó khác tức là rượu.
Chúng ta đang tiếp tục hành trình sống của mình trong Năm Đức Tin, tưởng cũng nên nhắc lại Mầu nhiệm Năm Sự Sáng: Thứ Hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Như vậy là Chúa nhật này, chúng ta xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa, tức là xin ơn Đức Tin.
Thật vậy, khi chiêm ngắm tiệc cưới Cana, nước hóa thánh rượu, loan báo hồng ân mà Chúa Giêsu thực hiện ngay trong Bí tích Thánh Thể và ghi nhớ giờ hiến dâng trên cây Thánh Giá, giờ Chúa trao ban chính thịt máu mình làm của nuôi nhân loại.
Tại Cana, Mẹ Maria đã hiện diện và can thiệp vào trong tiệc cưới. Vào giờ trên Thánh Giá; giờ Chúa Giêsu cử hành tiệc cưới với Giáo hội; Mẹ Maria cũng ở đây trong lúc chúng ta cầu nguyện; Giờ phút này đây, Mẹ cũng hiện diện để giúp đỡ chúng ta sống ơn gọi làm người, dâng hiến đời sống chúng ta hầu mưu ích cho tha nhân.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta xin Mẹ dạy ta học yêu mến Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu của Giáo hội mãi mãi và yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Giêsu.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu, chúng ta cầu xin Chúa cho chính chúng ta biết để ý đến nhu cầu của anh em; đồng thời cùng nhau thành tâm cầu nguyện cho tất cả mọi người nam cũng như nữ, những người phục vụ Tin Mừng biết sống khiêm nhường phục vụ trong đời sống hàng ngày; và nhất là cầu cho những ai có trái tim khép kín biết mở ra với tha nhân.



7. Gia đình có Mẹ – Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
Trời có lúc mưa lúc nắng, lúc trong lúc mờ. Đời có lúc thăng lúc trầm, lúc buồn lúc vui. Tình có lúc nồng lúc nhạt, lúc thắm lúc phai.
Nghe sao có vẻ cải lương quá! Ấy thế mà tính chất cải lương kia lại cứ xuất hiện trong cuộc sống con người, nhất là trong cuộc đời hôn nhân. Không hiểu sao người ta hay ngâm nga: “Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” Phải chăng bắt đầu thề ước là bắt đầu xót xa? Ngày lên xe hoa thì cũng chính là ngày ra chiến trận? Mà trong trận chiến này, nếu không khéo, có ngày sẽ bị thương vong.
Đám cưới tại làng Cana mới bắt đầu mà đã có chuyện. Tiệc chưa tàn nhưng rượu lại hết. Nguy quá! Thế thì còn đâu mặt mũi tân gia. Không chừng cô dâu chú rể sẽ phải lục đục với nhau vì nhà anh đã không khéo chuẩn bị, còn nhà em thì cứ mời cho đông vào mà không cho biết trước. Không chừng vết thương trong ngày thành hôn sẽ để lại cơn đau khó tàn cho đôi uyên ương.
Thiếu rượu thì mất vui. Đám cưới mà không vui thì có hơn gì đám ma. Với lại truyền thống xưa nay của dân tộc là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.” Vậy mà khi khách chưa say, chất cay đã cạn. Bao nhiêu choé rượu sắm sẵn đều hết sạch. Bẽ mặt mất thôi! Chắc hẳn gia chủ lẫn tân lang và tân nương đang trải qua một phen bối rối, hốt hoảng ghê lắm. Biết tìm đâu ra rượu bây giờ?
Thấy được tình cảnh oái oăm của tân gia, Mẹ Maria đến gặp Con mình và nói: “Họ hết rượu rồi.” Đây là lời cầu cứu hay câu mẹ trách con vì đã đem theo mấy ông môn đệ nên mới làm cho người ta hết rượu? Nhưng nếu là câu trách thì tại sao Mẹ lại bảo các người hầu: “Ngài có bảo gì, hãy làm theo”? Câu này hàm chứa một cái nhìn tiên tri là Chúa Giêsu sẽ ra tay để làm một điều gì đó.
Chắc rằng trong suốt 30 năm sống bên Đức Giêsu, Mẹ đã thấy rõ quyền năng và tình nhân ái bao la của con mình đối với những kẻ sa cơ hoạn nạn. Thế nên hôm nay, khi thấy gia đình tân hôn bị rơi vào trường hợp éo le nan giải, Mẹ đã tìm đến với Chúa để xin Ngài ra tay. Nhưng, có một vấn đề khác: nếu như trước đó Đức Giêsu đã từng cứu giúp những người khốn khó thì tại sao vị Thánh Sử lại bảo đây là “dấu lạ đầu tiên”?
Theo văn mạch của Thánh Gioan thì đó là phép lạ đầu tiên mà “Chúa Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilê.” Thế ra, có thể Ngài đã từng làm dấu lạ ở nơi khác, ví dụ như tại Nazaret, nhưng tại Cana thì đó là lần đầu. Ngoài ra Thánh sử Gioan cũng nhấn mạnh trong câu kết luận rằng Chúa Giêsu đã làm dấu lạ này “để tỏ vinh quang của Ngài cho các môn đệ,” những người vừa mới đáp trả lời mời gọi bước theo Ngài được mấy hôm.
Như vậy trước đó, có thể Đức Giêsu đã từng làm dấu lạ, không phải để tỏ vinh quang, nhưng chắc là âm thầm và qua tay Mẹ Maria. Phải chăng Chúa Giêsu đã từng nhờ Đức Mẹ làm trung gian để đem cái này, chuyển cái kia cho những người cùng khốn gian nan, nên Mẹ biết rõ quyền năng và tình thương của Chúa mà chạy đến cầu cứu? Phải chăng, dù là mẹ, Đức Maria vẫn từng làm theo ý Con, và đã thấy người ta nhận được biết bao ân phúc phi thường.
Cho nên trong giờ phút cam go của gia đình có đám, Mẹ đã kêu cầu Đức Giêsu. Và sau đó, Mẹ đã nhắn nhủ các lời khuyên phát xuất từ một lòng tin tưởng vững vàng vào tình yêu tha nhân nơi Con mình. Ngài không thể không chạnh lòng thương xót trước nỗi thống khổ của con người. Và đây cũng là lời nhắn nhủ đầy kinh nghiệm của Đức Maria, người đã từng làm theo lời Chúa và thấy bao kết quả tươi đẹp trong đời.
Ngài có bảo gì thì cứ làm theo. Lời nói biểu lộ lòng xác tín Đức Giêsu sẽ ra tay can thiệp. Mẹ Maria biết chắc Ngài sẽ đáp lời Mẹ xin. Thế mới thấy quyền phép nơi lời cầu bầu của Đức Mẹ hiệu năng dường nào. Không phải là Chúa Giêsu đã từng nói: “Giờ con chưa đến” sao? Vậy mà “Giờ con đã đến” vì lời Mẹ xin. Giáo hội đã có lý khi đưa vào kinh Cầu Đức Bà lời nguyện: “Đức Bà có tài có phép. Cầu cho chúng con” là vậy.
Các Thánh cũng công nhận rằng chẳng có sự gì Mẹ xin cùng Thiên Chúa mà không được. Thánh Antôn từng nói: “Vì Đức Maria là Mẹ, nên lời cầu xin như có sức truyền dạy trước toà Chúa Giêsu. Do đó, khi Mẹ xin gì thì không lẽ Chúa Giêsu lại không nhậm lời.” Thánh Ricarđê viết rằng: “Hễ Con quyền phép vô cùng thì Con cũng làm cho Mẹ vô cùng quyền phép. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng Con của Mẹ quyền phép vì bản tính Ngài là Thiên Chúa. Còn Đức Mẹ có quyền phép là nhờ ơn Chúa ban; nghĩa là Thiên Chúa quyền phép vô cùng, phán một lời liền có hết mọi sự. Còn Đức Mẹ quyền phép vô cùng, xin một tiếng liền được hết mọi sự.”
Nhờ có Mẹ can thiệp mà Chúa Giêsu đã cứu tiệc cưới tại làng Cana khỏi cảnh bẽ mặt ê chề. Nhờ lời cầu xin của Đức Mẹ mà giờ giải cứu con người khỏi kiếp khổ đau của Chúa Giêsu đã điểm. Nhờ sự khích lệ bảo ban của Mẹ mà con người biết cộng tác với Con Thiên Chúa để mang lại niềm vui của ơn phúc đầy tràn đến muôn tâm hồn.
Hôm nay, giữa trần thế, có biết bao gia đình “sắp hết rượu.” Lắm cõi lòng đã mất hẳn niềm vui. Nhiều cuộc tình đã rơi vào bế tắc. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” không còn nữa. Làm sao cứu vãn đây?
Nếu đời có Mẹ, người ta sẽ gặp được ơn Chúa. Mời Mẹ đến với gia đình, chẳng bao giờ Mẹ để cho rượu nồng tình thắm bị cạn khô.
Thế nên, hỡi tất cả các gia đình, mới hay cũ, đang an hoà hạnh phúc hay trắc trở lao đao, hãy cậy nhờ và phó thác cho Mẹ Maria. Chắc chắn với Mẹ và qua Mẹ, Chúa Giêsu sẽ tỏ mình ra nơi gia đình anh chị em.
Không phải tình cờ mà Đấng Cứu Thế lại tỏ vinh quang của mình trong một cuộc hôn nhân. Không phải tình cờ mà vinh quang đó lại liên kết âm hưởng với sự hiện diện của Đức Maria. Trái lại, tất cả đã diễn ra trong cùng một mạc khải của Tin Mừng: gia đình có Mẹ là gia đình có Chúa; gia đình có Chúa là gia đình luôn có tình yêu tràn đầy và niềm vui dạt dào.



8. Có Chúa gia đình mới hạnh phúc
(Suy niệm của Cố Lm Hồng Phúc)
Bài Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu và các môn đệ đi dự một đám cưới ở làng Cana và làm phép lạ cho nước biến thành rượu.
Đây là phép lạ đầu tiên trong 7 phép lạ mà Phúc Âm của Gioan kể lại. Gioan gọi là “dấu chỉ đầu tiên”, một bài học bằng việc làm để giúp ta hiểu một mầu nhiệm.
Sau khi được Gioan ban phép Rửa - Đề tài bài Phúc Âm tuần trước- Chúa Giêsu đã kêu gọi những môn đệ đầu tiên. Họ là Anrê, Gioan, Phêrô, Philiphê và Nathanael. Và hôm nay, Chúa dẫn cả nhóm đi ăn cưới tại làng Cana, cách Nagiaret khoảng 14 cây số, trong một gia đình quen thân, vì có cả Đức Mẹ cũng đến tham dự.
Chúng ta chú ý đến hai điểm mà Phúc Âm nói đến là: Giờ của Chúa và dấu chỉ của Chúa.
1. “Giờ của Ta chưa đến”. Có thể rằng trong những ngày dài, những đêm khuya khoắt sống bên cạnh Mẹ dưới mái nhà Nagiaret, Chúa Giêsu đã tỏ cho Mẹ hay về sứ mạng tương lai của mình.
Ngài cho Mẹ hay, Ngài sẽ sống với người nghèo khó, đem tình thương vỗ về ấp ủ, đem Chúa đến cho họ, giúp họ hoán cải cuộc sống tăm tối trở nên như một bửa tiệc cưới. Hôm nay, Đức Mẹ thấy con đem cả nhóm đồ đệ đến dự một đám cưới bình dân, chắc Đức Mẹ nghĩ rằng Giờ con tỏ quyền năng đã đến. Vì thế, với con mắt quán xuyến, với một giác quan nhạy cảm của người phụ nữ, Đức Mẹ biết nhà đám đang bối rối vì rượu đã cạn. Đức Mẹ không ngần ngại đến nói với Chúa, “Con nè, nhà này hết rượu”. Một câu nói đơn sơ trong tình mẹ con. Một câu nói đầy tin cậy như một lệnh truyền. Chúa Giêsu trả lời: “Giờ con chưa đến”, nghĩa là giờ tỏ vinh quang của Con chưa điểm. Mặc dầu thế, vì Mẹ đã xin thì con làm, Mẹ đã muốn thì Mẹ được như ý.
Mẹ là người tín hữu đầu tiên đã tin vào Chúa và lòng tin làm nên phép lạ, mặc dầu Giờ của Chúa chưa đến. Chúng ta thấy Đức Mẹ hành động cách tự nhiên, quả cảm. Mẹ bảo người giúp việc: “Thầy bảo sao hãy làm đúng vậy”.
Và phép lạ đã xảy ra.
2. Dấu chỉ của Rượu. Gioan trình bày các phép lạ của Chúa như những dấu chỉ, những mạc khải bằng việc làm. Phép lạ đó ám chỉ và mạc khải 3 điều:
Trước hết, đó là dấu chỉ quyền năng của Thiên Chúa. Xưa Chúa phán một lời từ cõi hư vô vạn vật xuất hiện, nay biến hóa sự vật đã có, nước hóa rượu, nào có khó gì!
Thứ đến, phép lạ mạc khải rằng Chúa đến khởi đầu một cuộc giao duyên mới: cuộc giao duyên giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Tiệc cưới hôm nay báo hiệu một tiệc cưới mới. Phaolô ví tình yêu liên kết đôi vợ chồng với tình yêu liên kết Chúa Giêsu và Giáo hội (Eph. 5, 25).
Phép lạ hôm nay cũng ám chỉ tình thương của Chúa đối với những ai sống trong bậc vợ chồng. Chúa tham dự tiệc cưới để thánh hóa hôn nhân. Ngày nay, nhiều cuộc hôn nhân cũng thiếu rượu của một mối tình khắng khít vĩnh cửu. Văn hào Taine nói mỉa mai: “Người ta tìm hiểu nhau 3 tuần, yêu nhau 3 tháng, cãi lộn 3 năm rồi chịu đựng nhau 30 năm… để con cái lại trở về cái vòng lẩn quẩn!”
Hôm nay, Chúa đến dự lễ cưới, biến nước lã nên rượu ngon, để thánh hóa hôn nhân. Có Chúa gia đình mới có hạnh phúc, cuộc sống tẻ nhạt biến thành rượu nồng.



9. Họ hết rượu rồi.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Đức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. Đám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần. Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.
Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa.
Những dấu lạ vén mở con người Đức Giêsu.
Làm bánh hóa nhiều cho thấy Đức Giêsu là Bánh thật. Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Đức Giêsu là Ánh Sáng. Hoàn sinh Ladarô cho thấy Đức Giêsu là sự Sống Lại.
Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài.
Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo, Đức Giêsu biến nó thành rượu ngon, một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.
Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ.
Đức Giêsu cho thấy mình chính là Đấng Mêsia. Ngài đến để thiết lập một trật tự mới dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.
Cựu Ước không làm con người mãn nguyện. Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.
Đức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana. Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người. Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ.
Đừng để Đức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn. Đừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.
Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng, bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.
Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Đức Giêsu là ai, nhưng Đức Maria cũng có một vai trò đáng kể.
Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Đức Giêsu.
Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể.
"Họ hết rượu rồi": Mẹ chỉ nói với Con như vậy. Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo. Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ. "Người bảo gì, các anh hãy làm."
Quả thật Đức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm, nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện. Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này, đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.
Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!
Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ... Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.
"Người bảo gì, các con hãy làm": Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc ngay từ đời này. Theo bạn, thế nào là một con người hạnh phúc? Hạnh phúc đích thực dựa trên những yếu tố nào?
Đâu là những điều đe dọa hạnh phúc bình thường của một người?
Cầu Nguyện
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.



10. Mời Chúa đến nhà - ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Những ngày tháng cuối năm các đám cưới đua nhau tổ chức. Mùa cưới rộ lên làm cho mùa đông bớt vẻ ảm đạm tiêu điều. Đám cưới nào thường cũng vui. Trong đám cưới người ta chỉ nói chuyện vui. Nhưng niềm vui kéo dài được bao lâu? Những lời chúc trăm năm hạnh phúc có thật sự đem hạnh phúc đến cho đôi tân hôn và làm cho họ hạnh phúc suốt đời không? Nhìn vào thực trạng đời sống gia đình hôm nay, ta thấy có được hạnh phúc gia đình là một điều rất khó, hạnh phúc trăm năm thì lại càng khó lắm.
Đám cưới Cana hôm nay cũng suýt lâm vào cảnh bế tắc. Tiệc đang nửa chừng thì hết rượu. Hết rượu là một bất trắc không ngờ. Trong gia đình, những bất trắc có thể đưa đến bất đồng. Bất đồng dễ đưa tới bất hoà. Đã bất hoà thì đường đến bất hạnh không xa.
Đám cưới Cana thực khôn ngoan nên đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc. Việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người. Không những đến ở giữa loài người. Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người. Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế. Với tình than, Thiên Chúa đã đến chia vui với gia đình trong dịp đại hỷ. Và việc Thiên Chúa đến nhà đã cứu gia đình mới khỏi cảnh bất hạnh ngay trong ngày đầu tiên chung sống.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mời Chúa đến nhà. Sự hiện diện của Chúa giúp ta vượt qua được những bất trắc trong đời sống gia đình. Những bất trắc thì nhan nhản trong đời sống hằng ngày.
Việc thiếu rượu của gia đình Cana nói lên những thiếu thốn của gia đình chúng ta. Có những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn tiền cho con đi học, thiếu thốn thuốc men khi bệnh tật. Có những thiếu thốn về tinh thần: thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cháu, thiếu kính trọng trong đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói. Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu công bằng bác ái, thiếu trách nhiệm duy trì đời sống đức tin trong gia đình.
Đời sống gia đình lúc đầu rất vui, nhưng sau đó, nếu không khéo gìn giữ sẽ trở nên nhạt nhẽo như nước lã. Nhạt nhẽo vì tình nghĩa phai dần. Nhạt nhẽo vì những bổn phận nặng nề, nhàm chán. Nhạt nhẽo vì những khuyết điểm không tránh được của mọi người.
Những thiếu thốn và những nhạt nhẽo ấy hầu như vượt ngoài khả năng giải quyết của ta, nên ai cũng muốn mời Chúa đến nhà để Chúa cứu gia đình khỏi sự tan vỡ, sụp đổ.
Thế nhưng mời Chúa đến không phải là tổ chức làm phép nhà cho long trọng, ăn tân gia cho linh đình. Mời Chúa đến không phải chỉ là làm bàn thờ cho đẹp, treo thật nhiều ảnh tượng. Muốn mời Chúa đến, việc đầu tiên cần thiết là phải làm theo ý Chúa. Như Đức Mẹ dạy các gia nhân: “Người bảo gì thì phải làm theo”. Nhờ làm theo lời Chúa mà gia đình Cana thoát khỏi cảnh xấu hổ, hạnh phúc gia đình được bền vững.
Gia đình muốn sống trong vui tươi, muốn giữ vững được hạnh phúc hãy làm theo Lời Chúa. Đọc Phúc Âm, học hỏi và đem ra thực hành. Để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình. Để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình. Để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình. Lộc Xuân mà chúng ta rút được trong ngày Tết phải là châm ngôn hướng dẫn toàn bộ đời sống gia đình trong suốt năm mới này.
Sống theo Lời Chúa, gia đình sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn. Sống với Chúa, hạnh phúc gia đình sẽ luôn nồng nàn tươi mới như chất rượu ngon. Sống trung thành kết hiệp với Chúa, gia đình sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm thử rượu tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai.
Lạy Chúa, xin đến với chúng con. Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về những thiếu thốn?
2. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về sự nhạt nhẽo tình nghĩa?
3. Bạn đã có kinh nghiệm về việc thực hành Lời Chúa trong gia đình chưa?
4. Có bao giờ bạn cảm thấy gia đình bạn được Chúa cứu thoát khỏi hiểm nguy, thử thách, thất bại?



11. Hãy mời Chúa vào nhà.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ)
Cách đây ít lâu, có một bài báo thú vị của một phụ nữ kể lại việc trang hoàng nhà cửa của gia đình bà. Mọi công việc trang trí đều được vợ chồng tâm đầu ý hợp với nhau cho đến khi chồng bà dùng quyền độc đoán bảo người trang trí nội thất treo bức hình Chúa Giêsu kích thước khoảng: 40x50 cm vào chỗ nổi bật nhất trong nhà. Bà cố gắng thuyết phục chồng đổi ý nhưng ông vẫn cứ khăng khăng không chịu.
Tuy nhiên, đang lúc tranh cãi với nhau, bà chợt nhớ lại những lời Chúa Giêsu: “Bất cứ ai nhìn nhận Ta trước mặt kẻ khác, thì Ta cũng sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32). Thế là bà chịu nghe theo ý kiến của chồng.
Giờ đây bà nói rằng bà rất vui đã nghe theo ý chồng vì bà nghĩ rằng bức hình Chúa Giêsu đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà lẫn trên bạn bè khách khứa nữa. Chẳng bạn ngày nọ có người khách lạ sau khi chăm chú nhìn vào bức hình liền nói với bà: “Bà biết không, Chúa Giêsu trên bức hình đó không nhìn vào bà đâu, Ngài nhìn xuyên qua tâm hồn bà đó!”. Và đêm nọ, một người bạn, sau khi ngồi ngắm bức hình cũng thốt lên: “Lúc nào tôi cũng cảm thấy trong nhà chị rất bình an”. Tuy nhiên, -người phụ nữ nói thêm – ấn tượng mạnh mẽ nhất tác động trên bạn bè khách khứa của tôi là mỗi khi nhìn tấm hình Chúa Giêsu thì tâm hồn họ luôn được nâng lên cao.
Cuối cùng, người phụ nữ nói rằng, có thể mọi người sẽ cười và không chừng còn nhạo báng những nhận xét trên đây của bà, nhưng bà chẳng bận tâm. Bà tâm sự: “Theo ý của tôi, một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi không còn như trước nữa”.
Thưa anh chị em,
Đôi tân hôn trẻ trong Tin Mừng hôm nay hẳn đồng ý với người phụ nữ trên. Họ đã mời Chúa Giêsu vào nhà họ và Ngài đã làm phép lạ đầu tiên ở đó khi họ thiếu rượu. Nhờ phép lạ hóa nước thành rượu ngon, Chúa Giêsu đã cứu vãn tình thế lúng túng của nhà đám và đem lại niềm vui tràn đầy cho mọi người.
Thực tế mà nói, mỗi cặp vợ chồng thường thiếu một cái gì đó vào một lúc nào đó trong đời sống hôn nhân gia đình: thiếu kiên nhẫn, thiếu hiểu nhau, thiếu thông cảm… và đôi khi thiếu ngay cả tình yêu, như giữa bữa tiệc thiếu rượu vậy. Bạn hết tiền, bạn không có việc làm, bạn thiếu sức khỏe… bạn hãy mời Chúa Giêsu đến, như đôi tân hôn ở Cana, bạn sẽ được giúp đỡ những gì bạn cần để hôn nhân bạn hạnh phúc hơn. Bạn phải làm phần của bạn: bạn phải làm việc nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, suy tín nhiều hơn. Giả sử hôn nhân của bạn điêu đứng vì thiếu kiên nhẫn, bạn hãy bàn hỏi, lập kế hoạch để bạn có thể kiên nhẫn làm sao và khi nào? Rồi – đây là điều quan trọng – bạn hãy xin Chúa Giêsu giúp bạn kiên nhẫn. Bạn thiếu hụt tài chánh ư? Bạn lập kế hoạch làm sổ chi tiêu. Rồi – đây là điều quạn trọng thứ nhất – bạn xin Chúa Giêsu giúp bạn đủ chi tiêu.
Sự sai lầm của các cặp vợ chồng là đã không xin Chúa giúp giải quyết các vấn đề. Đức Cha Tihamer Toth đã hỏi các bạn trẻ: “Các bạn có biết cái tội đầu tiên mà đôi bạn Công giáo đã phạm không? Và Ngài đã trả lời: đó là khi làm đám cưới, các bạn đã mời tất cả, nào là bà con, bạn hữu, phụ dâu, phụ rể, cả thợ trang điểm, thợ may, mời luôn dàn nhạc, mời hết chỉ trừ Chúa Giêsu là không có trong danh sách được mời. Đó là cái tội đầu tiên của đôi tân hôn. Và cái tội đầu tiên nầy là khởi điểm của một cuộc phiêu lưu dẫn đôi bạn trẻ vào một con đường vô định, một con đường đầy bóng tối…”.
Một em bé gái mới lên năm, vừa cùng mẹ đọc kinh trước khi ăn cơm. Mẹ em thường ứng khẩu những lời kinh nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy nên vị khách quý của bữa cơm hôm nay”. Bà cầu nguyện chưa xong, thì bỗng em bé nhìn mẹ và nói: “Nhưng thưa mẹ, con không muốn Chúa Giêsu làm người khách của chúng ta”. Bà mẹ hoảng hốt hỏi lại: “Tại sao lại thế”?. Em bé trả lời: “Vâng, thưa mẹ, là người khác, Chúa chỉ đến một vài lần thôi. Con muốn Chúa Giêsu đến đây và ở lại luôn mãi với chúng ta” (Knight).
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu phải có mặt trong đám cưới của anh chị em, Chúa Giêsu phải là một phần tử của gia đình anh chị em. Ngài sẵn sàng giúp đỡ. Ngài đang chờ anh chị em xin Ngài, như Đức Maria đã làm tại Cana. Tốt nhất anh chị em hãy cầu xin qua Đức Maria những gì anh chị em cần trong đời sống hôn nhân, gia đình của anh chị em. Như vậy sẽ không có gì thiếu nữa.
Giáo dân Châu Âu xưa kia có một câu tục ngữ như thế nầy: “Nếu bạn đi du lịch bằng đường bộ, bạn hãy đọc một kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi du lịch bằng đường biển, bạn hãy đọc hai kinh Kính Mừng. Nếu bạn đi cưới vợ, lấy chồng, bạn hãy đọc một trăm kinh Kính Mừng”. Phải, đời sống hôn nhân gia đình đâu phải chỉ là một chuyến du lịch mà là cả một cuộc hành trình đến mãn đời. Không có sự hiện diện của Chúa, không có Đức Mẹ, vợ chồng khó lòng trung thành với nhau trọn tình vẹn nghĩa thủy chung được, nhất là những khi thiếu rượu nồng tình yêu.
Thiên Chúa nhập thể đã làm đám cưới với nhân loại, vì yêu thương nhân loại, để nhân loại bắt tay nhau. Động cơ của hợp nhất, đầu mối của hạnh phúc lứa đôi là tình thương yêu. Tình thương yêu là cái gì tự nhiên nhất của con người. Giận ghét, oán thù, chia rẽ, phân ly là tình trạng bất bình thường. Đã là bất bình thường thì mọi người phải tìm cách giàn xếp để cùng nhau trở lại tình trạng bình thường là yêu thương nhau, hiêp nhất với nhau. Nếu chúng ta không mời Chúa Giêsu đến trong đời sống hôn nhân và gia đình, gia đình sẽ có nguy cơ cạn dần thứ rượu nồng của tình yêu. Chúa Giêsu phải có mặt trong gia đình và mọi người trong gia đình phải biết sống với Ngài, yêu mến Ngài, kính trọng Ngài như một Thượng Khách, thì tình yêu thương giữa mọi người sẽ như thứ rượu mới luôn luôn đầy tràn và đời sống gia đình sẽ là nguồn vui và hạnh phúc.
Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến thăm và chúc phúc cho gia đình chúng con. Xin chúc lành cho cánh cửa nhà chúng con. Ước chi những cánh cửa nầy luôn biết mở ra cho kẻ tha phương và người hiu quạnh. Xin chúc lành cho phòng ốc gia đình chúng con, để chúng tràn đầy sự hiện diện của Chúa. Và trên hết, xin Chúa hãy chúc lành cho mỗi người trong gia đình chúng con, để tâm trí chúng con luôn biết lắng nghe Lời Chúa, đôi tay luôn biết rộng mở cho những kẻ nghèo khó, và trái tim luôn luôn biết hướng về Chúa. Amen.



12. Cana – McCarthy.
(Trích trong ‘Phụng Vụ Chúa Nhật – Chúa Nhật và Lễ Trọng’)
Suy Niệm 1. KHI NGƯỜI TA THIẾU RƯỢU
Điều đã xảy ra ở tiệc cưới Cana sớm muộn gì cũng xảy ra trong mỗi cuộc hôn nhân – người ta thiếu rượu. Qua đó chúng ta muốn nói điều gì? Một cuộc hôn nhân mẫu mực bắt đầu bằng một bữa tiệc vui và nồng nhiệt. Đôi tân hôn được bạn hữu vây quanh và những người đến mừng cùng với quà cưới không ngớt lời chúc tụng họ. Hy vọng và mơ ước tràn đầy, họ lên kế hoạch cho tuần trăng mật. Rượu uống thỏa thuê.
Rồi sau tuần trăng mật họ trở về và công việc làm ăn thật sự bắt đầu – sắp xếp nhà cửa và học cách sống chung với một người khác. Lúc ban đầu họ tìm thấy niềm vui to lớn được sống bên nhau. Họ tin rằng tình yêu của họ đã được tiền định trên trời và có ý nghĩa là sẽ kéo dài muôn thuở. Rượu vẫn còn dồi dào.
Nhưng khi con người ở cận kề với một người khác, sẽ có những vấn đề nảy sinh. Căng thẳng xuất hiện. Họ khám phá rằng họ đã không cưới một thiên thần, nhưng một con người đã bị tội lỗi và vị kỷ làm tổn thương. Họ ngạc nhiên về sự nghèo nàn mà họ khám phá nơi người kia. Tuần trăng mật đã hết. Người ta thiếu rượu. Tất cả những gì còn lại là “nước” của một tiềm năng còm cõi.
Những sự việc như thế cũng xảy ra trong chuyên môn, nghề nghiệp và cả trong những ơn gọi như đời sống linh mục hoặc đời sống tu trì. Ở đây cũng hết rượu. Niềm vui, còn lại là nước của thói quen, của sự tẻ nhạt và có thể là sự vỡ mộng. Nhưng chúng ta hãy trở lại với vấn đề hôn nhân.
Giờ đây rượu ban đầu đã cạn, họ phải làm gì? Có những người bị cám dỗ “cạn” theo với rượu: “Không còn gì cho tôi nữa”. Thái độ này tưởng chừng có lý nhưng nó bao hàm một tính vị kỷ đáng sợ. Đối với những con người như thế, hôn nhân chỉ là một sự liên kết của hai con người vị kỷ vì thế, trong lúc họ lợi dụng lẫn nhau, họ bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác những hoa quả mà người ta có thể hái và ăn mà không vất vả và bỏ công sức.
Nhưng một cặp vợ chồng phải làm gì? Họ phải biết rằng rượu ban đầu đã cạn. Trong một lúc, họ phải tìm cách xoay xở với nước. Nhưng họ không nên sợ hãi hay thất vọng khi điều đó xảy ra. Họ phải chống trả cơn cám dỗ bỏ rơi mối tương quan và đánh mất chính mình trong một nghề nghiệp hoặc một đời sống xã hội cuồng nhiệt. Điều họ phải làm là phải nỗ lực cải thiện tương quan giữa họ qua đó, họ có thể trưởng thành như những con người khám phá ý nghĩa thật sự của tình yêu. Khủng hoảng ấy có thể trở thành một cơ hội.
Và đây là một điều làm người ta ngạc nhiên: rượu ban đầu cần phải cạn. Nếu không rượu mới không thể đến được tình yêu lúc ban đầu cho dù đẹp và lãng mạn không thể kéo dài được. Chắc chắn nó phải trôi qua. Nhưng trôi qua không phải là một điều xấu. Thật vậy, nó phải trôi qua để một tình yêu mới mẻ và sâu đậm hơn được sinh ra. Tình yêu mới này chủ yếu là đặt người khác đứng trước mình. Người ta phải quên chính mình và tìm thấy niềm vui khi mình yêu thương hơn là khi mình được yêu thương, khi mình cho hơn là khi mình nhận.
Tình yêu là một cuộc phiêu lưu khó khăn. Bước vào hôn nhân là bước vào một trường học tình yêu ở đó mọi người đều là những học viên chậm chạp. Chính vì thế, chúng ta cần có sự hiện diện của Đức Kitô.
Rượu mới không chỉ có ý nghĩa đối với cặp hôn phối mà còn có ý nghĩa đối với mọi người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi. Đức Kitô phải cảm hóa tâm hồn chúng ta và giúp đỡ chúng ta yêu thương vô vị lợi. Đối với những người tìm kiếm sự giúp đỡ của Người thì phép lạ Cana vẫn còn xảy ra – nước của lòng vị kỷ được biến đổi thành rượu của tình yêu chân chính. Và điều kỳ lạ là rượu nho mới lại ngon hơn rượu nho cũ.
Suy Niệm 2. MỘT KIỂU MẪU CỦA SỨ VỤ
Thánh Gioan mô tả Đức Maria như người đã tham gia vào lúc Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ của Người (ở Cana), và rồi vào cuối sứ vụ ấy (trên núi Canvariô). Vì thế Đức Maria liên kết với toàn bộ sứ vụ của Người. Người ta chỉ cần nhìn vào Tin Mừng để thấy rằng Mẹ luôn có mặt vào những lúc quan trọng của cuộc đời Người.
Trong lúc Truyền Tin, sứ thần hỏi Mẹ có muốn trở thành Mẹ của Đấng Cứu Chuộc không. Mẹ đã dẹp qua một bên những dự tính của Mẹ và đáp lại đề nghị của Thiên Chúa bằng tiếng “xin vâng” quảng đại. Một đôi khi tác vụ có ý nghĩa là sẵn sàng đặt những kế hoạch của chúng ta qua một bên và đáp lại lời kêu gọi bằng cách giúp đỡ một tay.
Trong lúc đi Thăm Viếng, Mẹ chủ động có sáng kiến. Khi nghe bà Elizabeth, một bà chị họ lớn tuổi đang chờ ngày sinh con, Mẹ đã thăm viếng bà, ở lại với bà cho đến khi đứa bé được sinh ra. Tác vụ một đôi khi có nghĩa là phải có sáng kiến, khi nhìn thấy một nhu cầu và khi đáp ứng nhu cầu đó.
Trong tiệc cưới Cana, chúng ta nhìn thấy sự nhạy cảm của Đức Maria. Mẹ nhận thấy thiếu rượu và sự làm hỏng tiệc cưới của đôi tâm hồn. Mẹ muốn giúp đỡ nhưng biết rằng Mẹ không thể tự mình làm việc đó. Vì thế Mẹ quay lại Con Mẹ và xin Người giúp đỡ, và Người đã thực hiện với sự quảng đại. Có những lúc, tác vụ có nghĩa là nhận ra một nhu cầu và biết rằng chúng ta không thể xử lý một mình.
Vì thế chúng ta cần đưa đến cho những người khác. Nhưng, không phải là đổ trách nhiệm cho người khác.
Trong suốt đời sống công khai, Đức Giêsu luôn được đám đông vây quanh. Đức Maria không biết Người ra sao. Mẹ sợ người ta bắt Người đi. Là một bà mẹ, Mẹ cảm thấy bắt buộc phải giải cứu. Mẹ đã hiểu sai hoàn cảnh. Người luôn chủ động. Người có một việc phải làm và có thể tự mình xử lý. Tác vụ có thể gồm cả việc phạm sai lầm và cảm nghiêm bị sai hỏng, thất bại. Nhưng điều đó không do thiếu quan tâm mà do thiếu hiểu biết.
Trên Núi Canvariô, Đức Maria đứng dưới chân thập giá nhìn Đức Giêsu chết. Dù Mẹ rất muốn cứu Người, nhưng một cách tuyệt vọng, Mẹ không có khả năng làm được điều đó. Một đôi khi trong tác vụ, chúng ta không thể làm được điều gì. Vì thế tác vụ của chúng ta giống như Đức Maria đứng dưới chân thập giá. Một sự hiện diện thinh lặng chịu đựng. Và sự hiện diện chịu đựng và trấn an là cả một thế giới cho người đau khổ. Nó cứu người ấy khỏi viễn cảnh đau buồn phải chết một mình và bị bỏ rơi.
Dù chỉ là những cái nhìn thoáng qua. Nhưng một hình ảnh nổi bật của Đức Maria là một người ân cần tận tuỵ. Trên nhiều phương diện, một bà mẹ điển hình. Đức Maria là một kiểu mẫu của tác vụ. Nhưng vai trò của Mẹ phải luôn luôn được nhìn trong tương quan với vai trò của Con Mẹ. Vai trò của Mẹ giờ đây là vai trò của một người mẹ chăm sóc cho những người đi theo Đức Giêsu.
Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều ở trong tác vụ: đối với những người khác, hoặc ở trong gia đình, hoặc trong một cộng đoàn rộng lớn hơn. Ngay cả công việc chúng ta làm cũng có thể được coi như một tác vụ và một phục vụ. Torng lúc các bà dường như có ơn đặc biệt hơn, tất cả chúng ta đều có khả năng làm tác vụ.
Tác vụ phải có nghĩa là ban tặng những sự vật (như ở tiệc cưới Cana), nhưng thường là sẵn sàng ban tặng chính mình. Chúng ta phải sẵn sàng đón nhận thất vọng, hiểu lầm, thất bại, sự bất lực. Nhưng điều duy nhất chúng ta phải sợ là sự thờ ơ. Những kỹ năng đặc biệt không cần thiết. Vào cuối mỗi ngày, cái còn đọng lại là tình yêu thương. Tác vụ là một sự biểu lộ của tình yêu.
Trong tác vụ, điều chúng ta làm giống việc làm của các gia nhân ở tiệc cưới Cana. Họ chỉ là những người thừa hánh của Đức Giêsu. Họ múc nước đã hoá thành rượu và đem đến cho khách dự tiệc. Kể từ đó, những thừa tác viên của Đức Kitô đã rút ra từ cùng một suối nguồn. Họ chia sẻ những ơn lành của Đức Giêsu cho Giáo Hội người và cho thế giới. Từ sự viên mãn của Người, chúng ta tiếp tục đón nhận và chia sẻ.



13. “Ngài có bảo gì, hãy làm theo!”
(Trích trong ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)
Sở dĩ gọi Cana trong miền Galilê là để phân biệt với Cana miền Coelo-Syria. Đây là một làng rất gần Nadaret. Thánh Hiêrônimô, người từng ở Palestine bảo rằng, từ Nadaret ông có thể nhìn thấy Cana. Tại đó đang có một đám cưới, Đức Maria được mời đến dự và giữ một vai trò đặc biệt, chắc liên quan đến việc tổ chức nên bà đã tỏ ra lo lắng khi thấy thiếu rượu. Bà cũng có đủ quyền để ra lệnh cho đầy tớ làm bất cứ điều gì Chúa bảo.
Tại xứ Palestine, lễ cưới là một cơ hội thật sự quan trọng. Theo luật Do thái, lễ cưới của một trinh nữ phải tổ chức vào ngày thứ tư. Điều này rất thú vị, vì nó cho chúng ta căn cứ để tính lui lại: nếu đám cưới nhằm ngày thứ Tư, thì ngày Chúa Giêsu gặp Anrê và Gioan lần đầu tiên phải là ngày sa-bát, và cả hai đều ở với Ngài trọn ngày đó. Tại Palestine tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường làng, dưới ánh đuốc, có lọng che đầu. Họ được đưa theo con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Tại Palestine vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Họ được đối xử như vị vua và hoàng hậu, và lời nói của họ là luật. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Chúa Giêsu đã vui vẻ tham dự ngày hạnh phúc ấy. Nhưng đã có trục trặc xảy ra.
Trong đám tiệc của người Do thái, rất cần rượu. Các Rabi vẫn nói: “Không rượu thì không vui”. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng bên Đông phương món rượu thật quan trọng. Sự thật, đối với họ say rượu là một điều xấu hổ, nên họ uống pha hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn, thức uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể. Vì thế Đức Maria đã báo cho Chúa Giêsu biết sự việc này. Mà Chúa Giêsu đã bày tỏ quyền năng của Ngài để cứu gia đình mộc mạc này khỏi bị tổn thương nhục nhã. Ngài đã hành động vì lòng ưu ái, tử tế, thông cảm với những người mộc mạc đơn sơ.
Câu chuyện đã được kể lại cách sống động nên rõ ràng phải là do người đã chứng kiến tận mắt ghi lại, nhưng không phải là ghi lại ngay sau khi xảy ra mà là bảy mươi năm sau, và cũng ghi lại tác dụng của phép lạ ấy: “Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana và bày tỏ vinh quang của Người.” Chúa làm phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người. Chúng ta cố gắng tìm biết các nguyên tắc bày tỏ tỏ vinh quang này.
- Bước đường cùng khiến người ta quay về với Chúa, cung cấp dịp tiện cho Người hành động, ân huệ của Chúa được ban cho ai thành khẩn kêu cầu Ngài. Dầu có người chê cầu nguyện là mê tín, hay bình thường thì chẳng bao giờ cầu nguyện, nhưng một khi đã lâm vào cảnh khốn cùng, chẳng ai không ngước mắt lên trời mà kêu cầu.
- Đức Maria là người thân trong gia đình này, được mới tới dự tiệc cưới, khi thấy rượu đã hết, biết ngay chủ nhà sẽ rất bối rối, sẽ bị bẽ mặt, và các thực khách sẽ mất vui. Không kể đến địa vị làm mẹ, đến với Đức Giêsu mà cầu khẩn: “Họ hết rượu rồi.” Làm mẹ, mà hạ mình cầu cứu con, không phải dễ lắm đâu. Đàng khác chưa biết ý Chúa ra sao, đường đột đưa ra một lời cầu như vậy mà không thăm dò trước có khi rước lấy tai họa. Thế nhưng đến nước này, nếu không kêu cầu Chúa thì còn biết trông cậy vào ai nữa!
Lời cầu nguyện của Đức Maria bị thôi thúc vì hoàn cảnh mà Mẹ đảm trách lấy, là kiểu mẫu cho những lời cầu bầu của chúng ta.
Vì chúng ta thấy lời cầu của Đức Maria là lời cầu “Ý Cha thực hiện” vì Ngài chỉ nói: “Họ hết rượu rồi” chứ không thêm gì vào nữa! Một lời cầu nguyện tốt nhất là “trình lên Chúa các nhu cầu của mình” rồi để Ngài làm theo ý Ngài. Đức Maria đã làm như thế; còn phần chúng ta, ngoài việc trình nhu cầu lên Chúa, thường hay bày thêm cách này cách kia, đôi khi còn đòi Chúa phải làm theo ý của mình. Đức Maria không ép Chúa, Ngài để Chúa tự do địnhh liệu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có người đã làm theo gương Đức Maria, khi Ladarô đau nặng, hai chị em Matta và Maria sai người đi thưa Chúa “người Thày yêu đau nặng.”
- Lời cầu nguyện của Đức Maria là lời cầu nguyện hạ mình: đây là lời cầu xin của bà mẹ đối với con. Nếu còn giữ thể diện thì không dễ gì một bà mẹ sẵn lòng hạ mình kêu cầu con; đã thế lại còn nhận được một lời đáp ứng dường như cứng cỏi của Chúa Giêsu: “Thứa bà, chuyện đó can gì đến bà và con, giờ của con chưa đến.” Thế nhưng, Đức Maria đã từ bỏ mình trước rồi, chỉ nghĩ đến tình hình khẩn cấp chứ không nghĩ đến thể diện cá nhân. Lời câu xin không kể đến thể diện mình quả là phép mầu để Chúa được vinh hiển. Chẳng những tại đây, do lời cầu của Đức Maria mà Chúa được vinh hiển, mà khắp nơi qua Kinh Thánh đều thấy Chúa làm phép lạ là do có người kêu cầu.
- Này, có một người phong đến gần Ngài thưa: “Lạy Chúa, nếu Chúa ưng, xin cho con được lành mạnh. Chúa giơ tay sờ đến anh phá: Ta muốn, anh được lành sạch. Tức thì người phong được sạch.”
- Khi Chúa vào Caphanaum, có một sĩ quan đến thưa Ngài: “Con gái tôi đau gần chết, xin Thày đến đặt tay trên nó, để được sống.” Chúa bèn đứng dậy đi theo ông.”
- Phêrô hòng chìm xuống nước la lên: “Thầy ơi cứu con với, tức thì Chúa giơ tay ra cứu ông.”
- Hai người mù thưa: “Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được sáng. Chúa động lòng thương, liền sờ đến mắt và hai người thấy được”
Có thể trưng nhiều hơn, nhưng cũng đủ để thấy Chúa thường hay mượn cớ người ta cầu nguyện để ban ơn, để tỏ bày vinh hiển của Ngài. Nguyện lời cầu của chúng ta cũng giống thế.
Thấy nhà chủ hết rượu Đức Maria trình lên Chúa nhu cầu, thì nhận được một lời đáp ứng không mấy tích cực: “Chuyện đó can chi đến bà và con, giờ của con chưa đến.” Làm thân bà mẹ mà phải hạ mình xin con đã là khó, nay lại nhận được một câu trả lời như thế, rất dễ nản lòng, mất hết cậy trông. Đức Maria không thế, Ngài vẫn bình tĩnh bảo những người giúp việc Đức Giêsu bảo gì cứ làm theo đó. Tại sao Đức Maria biết Chúa sẽ ra lệnh cho các kẻ giúp việc? Đó chỉ do bà tin. Bà chẳng vì cảm xúc mà nghi ngờ điều mình xin, nhưng lấy đức tin mà nắm lấy lời hứa của việc cầu nguyện: “Cứ xin thì được.” Chính vì đức tin mà Maria dặn bảo các người giúp việc phải tuân theo lệnh Chúa.
Trình bày nhu cầu xong, phải tin vào lời hứa của Chúa mà chắc chắn mình được nhận lời. Thiếu đức tin thì không bao giờ thấy vinh hiển của Chúa. Các vĩ nhân trong lịch sử thánh đều là những anh hùng đức tin: bởi đức tin, nước Biển Đỏ rẽ đôi, bởi đức tin có thể qua sông Giođan, bởi đức tin có thể đánh lui toán quân của ngoại bang, bởi đức tin có thể khiến thành Giêricô sụp đổ, khiến người mù được sáng, què được đi, kẻ phong được sạch, người chết rồi cũng được sống lại. Có việc nào không bởi đức tin mà tỏ bày vinh quang của Chúa đâu. Thế nên, Chúa từng phán với Matta rằng: “Ta đã chẳng nói với con rằng nếu con tin con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa.” Giả như lúc này Đức Maria không dặn bảo những người giúp việc sẵn sàng làm theo lệnh Chúa thì Chúa cũng chẳng bảo họ làm gì nữa, mà dầu có bảo họ cũng chẳng nghe theo. Thế thì đã không có phép lạ nước hóa ra rượu… nhưng vì đức tin của Đức Maria quá lớn, nên phép lạ đã xảy ra.
Sở dĩ chúng ta không được thấy vinh hiển Chúa trong đời sống, không phải vì chúng ta không cầu xin, nhưng vì cầu xin trong sự không tin. Hãy bắt chước Đức Maria, nghĩa là phải lấy đức tin mà nhận điều mình cầu xin dầu hoàn cảnh là thập phần khó khăn, cảm giác thập phần lạt lẽo, nhưng phải làm xong điều gì phải làm như Đức Maria đã từng làm thì Chúa sẽ phải giữ lời Ngài đã hứa mà ban ơn cho ta để tỏ vinh quang Ngài.
Với lòng đầy tin tưởng, Đức Maria nói gì: “Người bảo gì cứ làm theo đó.” Phải ghi chặt vào lòng câu nói đó. Vì đó là việc buộc phải làm về phương diện loài người. Nếu ta không chịu vâng phục mà làm theo, vinh quang của Chúa có thể bị cản trở vì bất tuân của loài người. Các bạn có tin Thiên Chúa rẽ đôi nước Biển Đỏ không? Tin chứ, nhưng nếu bất tuân mà không giơ cây gậy lên thì nước Hằng Hải đâu có phân đôi tả hữu; các bạn có tin nước Giođan nhưng chảy không? Tin chứ, nhưng nếu vì bất tuân mà không đặt chân vào dòng sông thì nước không dồn lại thành đống. Bạn có tin Chúa có thể làm sụp đổ tường thành Giêricô không? Tin chứ, nhưng nếu không nghe lời Chúa mà đi vòng quanh thành đủ bảy ngày, thì tường thành không tự nhiên đổ xuống đâu. Người teo tay phải vâng lời Chúa mà giơ tay ra, mới được lành; người phong phải vâng lời Chúa đem thân đến cho thấy tư tế khám nghiệm mới được sạch phong; người mù phải vâng lời Chúa đi xuống ao Silôê mà rửa mới xem thấy được. Trong Kinh Thánh có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự vâng phục là điều kiện buộc phải có để Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài.
Trong tiệc cưới, các gia nhân đang bận rộn, vậy mà Chúa bảo họ phải đổ đầy nước vào sáu cái chum đá, thế mà họ vâng lệnh “đổ đầy tới miệng”. Rồi tiếp theo lệnh thứ hai: “Bây giờ hãy múc đưa cho người quản tiệc. Họ liền đem cho ông.” Chữ ‘liền’ ở đây rất ý nghĩa, đây chính là thái độ tỏ rõ vinh quang Chúa. Có gì buộc mà họ phải vâng lời Ngài, Ngài đâu có phải là chủ của họ, họ đang bận rộn, gặp lúc thiếu rượu lại còn quýnh lên; lại nữa lời bảo của Chúa chẳng hợp lẽ chút nào: đổ nước vào chum đá đã là phiền hà, lại còn múc đem cho người quản tiệc để làm gì? Bảo làm thế, để làm gì trong tình thế khó khăn này? Thế nhưng gia nhân đã vâng theo không hề phản kháng càu nhàu, Chúa bảo làm gì họ làm thế. Họ đem lại cho Chúa cơ hội hoàn toàn tự do để bày tỏ quyền năng là biến nước thành rượu. Nếu người ta không chịu vâng phục mà đổ nước vào rồi lại múc nước ra, hay tuy là vâng theo, nhưng không trọn vẹn, chỉ để lưng chừng, thì thế nào cũng giảm bớt hay làm bế tắc vinh hiển của Chúa. Thế mới biết vâng lời không cần lý do mới khó làm sao! Nhưng vâng phục không cần lý do quả thực là điều kiện duy nhất của những ai giúp việc Chúa!
Đến với Chúa, chúng ta chỉ có sự cầu xin thì không đủ, cần phải có đức tin nữa; chỉ có đức tin cũng chưa đủ, còn phải có sự vâng phục nữa. Chắc có nhiều người nói mình đã có đức tin rồi, nhưng thử hỏi thật lòng mình đã có vâng phục hoàn toàn chưa. Chúa bảo bạn làm điều gì cứ làm ngay điều đó, đừng nhìn xen hoàn cảnh, đừng đòi lý do, “cứ làm theo đi” một người đi theo Chúa, quả có nhiều bài phải học, mà bài khó học hơn hết là vâng phục, có thể nói rằng hễ ai tiến bộ trong sự vâng phục là có tiến bộ trong đời thuộc linh. Vâng phục là đem chủ quyền của mình mà nhường cho Chúa, để Chúa cai trị, khi nào người môn đệ hoàn toàn vâng phục Chúa, Chúa mới hoàn toàn làm chủ người môn đệ. Phải biết chắc rằng bạn có vâng phục Chúa, Chúa mới vâng phục bạn (nghe lời bạn cầu xin).



14. Dấu chỉ tiệc cưới Cana – Radio Veritas Asia.
(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)
Alkasami, một nhà thần bí người Ba Tư qua đời năm 1330, đã viết về tình yêu của Thiên Chúa như sau: "Cái đẹp đích thực, tình yêu đích thực chính là Thiên Chúa. Và tất cả những gì là đẹp, là dễ yêu trên thế giới này đều tỏ lộ trọn vẹn về tình yêu của Ngài. Mỗi lần chúng ta nhận ra một người đẹp, đôi mắt trí tuệ của chúng ta phải hướng vọng lên Chúa và tấm lòng của chúng ta phải hướng về Ngài. Cuộc đời của Kitô hữu phải là mọt cuộc chiêm ngắm triền miên về Ngài. Cuộc đời của Kitô hữu phải là một cuộc chiêm ngắm triền miên vẻ đẹp tuyệt vời là Thiên Chúa, và phải là tiệc cưới tươi vui vì có Chúa Giêsu Kitô là vị hôn phu là rượu mới thơm ngon của thời cứu thế".
Đó là sứ điệp Giáo Hội muốn nhắn gởi chúng ta qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay. Bắt đầu vào thế kỷ thứ XIII trước tây lịch, với tiên tri Môisê, mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Israel không còn được trình bày trong thứ ngôn ngữ chính trị ngoại giao của Giao ước nữa, mà được diễn tả trong thứ ngôn ngữ của hôn nhân, của liên hệ vợ chồng, của cuộc gặp gỡ đối thoại thân tình và tươi vui như trong một tiệc cưới. Tiên tri Isaia III, một đồ đệ của trường phái Isaia sống vào sau thời lưu đày đã muốn ca tụng các liên hệ thân tình ấy của Thiên Chúa với dân Israel. Các chương từ 56-66 là một bài ca cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã lại đoái nhìn đến Israel và cho họ được trở về quê hương sau 50 năm lưu đày bên Babylon.
Trong Kinh Thánh, thành Giêrusalem bị tàn phá và dân Israel phải sống kiếp lưu đày được giải thích như hâu quả cuộc sống tội lỗi của dân Chúa chọn, vì Israel đã chạy theo tôn thờ các thần linh giả tạo khác, không nhận biết Chúa và không kêu cầu Ngài nữa, nên phải sống kinh nghiệm đắng cay sự làm thinh của Thiên Chúa. Thiên Chúa rút bàn tay đỡ nâng lại và giấu cánh tay phải trong lòng không dang ra trợ lực họ nữa. Nhưng trong chương 62, tiên tri Isaia III cho thấy Thiên Chúa lại bắt đầu ngỏ lời với dân Israel.
Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, nếu sự thinh lặng diễn tả cảnh hoang tàn buồn thảm, nếu thinh lặng là sa mạc trống vắng vực thẳm, không có sự sống, thì lời nói diễn tả sức sáng tạo. Thành Giêrusalem được tái thiết và đổi mới lại trở thành người đối thoại với Thiên Chúa y như người nam và người nữ đã từng được chuyện vãn thân tình với Thiên Chúa vào thời khai nguyên vũ trụ. Giêrusalem tái thiết, là dấu chỉ của sự tạo dựng hữu hiệu của Thiên Chúa bị tàn phá vì tội lỗi bất trung của mình. Giêrusalem đã trở thành biểu tượng của con người được Thiên Chúa phục hồi vẻ trong sáng và hình ảnh của Ngài. Và Kinh Thánh diễn tả tình trạng cuộc tái sinh ấy của con người trong ơn thánh Chúa thứ ngôn ngữ của hôn nhân, Giêrusalem không bị bỏ rơi nữa mà trở thành hôn thê của Thiên Chúa, đầu đội vương miện, phẩm giá mới cao trọng của một nữ hoàng và được Thiên Chúa gọi là niền vui của Ta.
Cuộc sống của chúng ta ngày nay tuy chúng ta có lỗi, nhưng Thiên Chúa trao ban cho chúng ta cuộc sống mới và phẩm giá mới là con cái của Ngài. Và còn hơn thế nữa, Thiên Chúa biến đổi chúng ta thành người yêu, niềm vui của Ngài. Qua tường thuật tiệc cưới làng Cana, thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu cũng tỏ lộ con người và sứ mạng của Ngài trong khung cảnh một bữa tiệc cưới. Khác với các thánh sử của ba Phúc Âm nhất lãm hay dùng từ phép lạ, thánh Gioan dùng từ "dấu chỉ". Trong Kinh Thánh, rượu là dấu chỉ của thời cứu thế và của niềm vui mà Đấng Cứu Thế khơi dậy nơi tâm lòng con người. Khi biến đổi nước thành rượu ngon, Chúa Giêsu cho thấy Ngài là thứ rượu hảo hạng của tiệc cưới thời cứu thế mà Thiên Chúa ban cho loài người. Đây là dấu chỉ, qua đó Chúa Giêsu cho thấy trước vinh quang của Ngài để các môn đệ tin vào Ngài. Nhưng trong nhãn quan thần học của thánh Gioan, vinh quang đích thực của Chúa Giêsu sẽ chỉ được tỏ hiện trên thánh giá và trong sự Phục sinh của Ngài mà thôi. Thánh Gioan gọi là giờ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, ngay lúc này đây, dấu chỉ ấy đã bắt đầu tỏ hiện. Lời xin của Mẹ Maria diễn tả cái lo lắng vật chất. Câu trả lời và kiểu cách làm của Chúa Giêsu diễn tả viễn tượng cứu thế trong tương lai. Và cũng giống như đoàn tông đồ, Mẹ Maria được Chúa Giêsu dẫn đưa vào con đường lòng tin, con đường mà mỗi một môn đệ đều phải đi theo, để có thể hiểu biết toàn vẹn bản chất đích thực con người của Chúa Giêsu.
Trong khung cảnh của tiệc cưới Cana, bên cạnh Chúa Giêsu là rượu mới của thời cứu thế, là vị hôn phu của cộng đoàn Giáo Hội và là chủ tiệc Thánh Thể, Mẹ Maria cũng là một dấu chỉ. Mẹ không cho chúng ta thấy một vị Thiên Chúa nghiêm nghị khắc khổ, mà giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu, con Mẹ là vị Thiên Chúa của sự sống, của niềm vui và của tình bạn hữu.
Có rất nhiều Kitô hữu gồm cả các vị lãnh đạo cộng đoàn quan niệm rằng, niềm vui không thể đi đôi với nỗ lực sống nghiêm chỉnh lòng tin Kitô, chỉ có ăn chay hãm mình mới là sống đạo. Chỉ khi chịu đựng những gì nặng nề, nhàm chán và khó chịu, mới có công phúc và mới là sống đạo, còn tươi vui hớn hở không phải là thái độ nghiêm trang kính trọng đối với Thiên Chúa. Quan niệm sai lầm nay khiến cho tín hữu có kiểu sống đạo khô khan, nhăn nhó và phục vụ Thiên Chúa với gương mặt cau có khó thương, chịu đựng hy sinh, tốn kém cho cái dịch vụ thờ phượng như với gương mặt sầu thảm làm sao. Do đó họ không cảm hứng vui lên trong Chúa khi phụng sự Ngài trong tiếng đàn ca.
Dấu chỉ tiệc cưới Cana cho thấy Thiên Chúa yêu thích cho chúng ta sống vui tươi hồn nhiên và trong sáng, bởi vì Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta, chỉ là tin vui thật sự nếu chúng ta có thái độ sống lòng tin thật sự, nếu gương mặt, ánh mắt và cuộc sống chúng ta phản ánh niềm vui đó. Dấu chỉ tiệc cưới Cana dạy cho chúng ta biết rằng, để gặp gở Chúa Kitô chúng ta không cần phải là người thoát tục trở thành thiên thần, nhưng chỉ cần hiểu rõ thành loài người hơn, sống trọn vẹn ơn gọi làm người của chúng ta hơn theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô nhập thể. Và để có thể hiện thực ơn gọi làm người, cần phải tập và sống các nhân đức nhân bản mỗi ngày, càng biết sống sâu đậm các nhân đức căn bản tự nhiên, chúng ta càng giống Chúa Giêsu làm người. Đó là nền tảng vững chắc đầu tiên, cần thiết trong cuộc sống ơn gọi Kitô. Thiếu các nhân đức căn bản này, người tín hữu mất quân bình, thường trở thành cuồng tín, có thái độ sống đạo lệch lạc.
Ngoài ra dấu chỉ của tiệc cưới Cana còn dạy cho chúng ta biết rằng, của cải trần gian và các tiện nghi vật chất tự chúng không có gì là xấu xa và nguy hại, chúng chỉ xấu xa nguy hại và đáng khinh, khi chúng khiến cho chúng ta đánh mất đi chất người của mình, và biến chúng ta trở thành ích kỷ hàm hồ, ác độc, bất công và nô lệ chúng. Nhưng thật ra, chỉ có con người là đáng chê trách vì ta trở thành xấu xa và gian tham ác độc chớ không phải của cải. Cũng chính vì thế, nên trong chương 12, thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô khuyến khích mọi người hãy biết sử dụng đúng đắn tất cả mọi đặc sủng mà Thiên Chúa rộng ban cho họ. Kẻ ít người nhiều ai cũng nhận được một số đặc sủng tùy theo sự khôn ngoan quan phòng của Thiên Chúa. Cần tận dụng tất cả mọi ơn đó, tất cả mọi đặc sủng và tài khéo đó mà Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho tha nhân và trong cộng đoàn. Chính các đặc sủng khác nhau ấy làm thành sự phong phú của dân Chúa, những ơn Chúa ban đều có mục đích giúp cộng đoàn trở thành vững mạnh.
Tóm lại sống lòng tin Kitô có nghĩa là ý thức được ơn Chúa ban cho chúng ta, là luôn tươi vui tận dụng để phục vụ Thiên Chúa trong thân nhân theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô.



15. Chúa đến mang lại niềm vui và hạnh phúc.
(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Một số người cho rằng Chúa Giêsu đến trần gian chỉ nhằm cứu rỗi phần hồn con người; còn phần xác thì chẳng đáng bận tâm.
Thật ra không phải thế, vì ngoài việc loan Tin Mừng và tự hiến đời mình cứu độ nhân loại, cho họ được hưởng hạnh phúc đời sau, Chúa Giêsu còn thiết tha đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người ngay trên cõi đời nầy nữa.
Sự kiện xảy ra tại tiệc cưới Cana chứng tỏ điều đó.
Hôm ấy, Chúa Giêsu đến tham dự tiệc cưới tại Cana cốt để đem lại niềm vui cho cô dâu chú rể và chúc lành cho họ được trăm năm hạnh phúc. Chúa Giêsu xem đây là điều quan trọng nên Người không chỉ tham dự một mình mà cùng đi với Mẹ Maria và các môn đệ để cho niềm vui của đôi hôn nhân được tăng lên.
Thế rồi, đang giữa tiệc vui bỗng hết rượu. Đây là chuyện không may và ngày vui của đôi tân hôn có nguy cơ trở thành ngày rầu rĩ vì cô dâu chú rể sẽ bị gièm pha trách móc, tiệc cưới sẽ để lại ấn tượng đáng buồn trong lòng khách dự tiệc.
Trước tình thế đó, Mẹ Maria tìm đến với Chúa Giêsu để xin Người cứu vãn. Thế là mặc dù “giờ của Người” chưa đến (Ga 2,4), Chúa Giêsu cũng đã thực hiện phép lạ đầu tay, hoá nước thành rượu ngon với số lượng dư dật để đem lại niềm vui cho mọi người.
Sự việc nầy cho thấy hạnh phúc đời nầy của con người là mục tiêu quan trọng mà Chúa Giêsu nhắm tới. Sau nầy, Chúa Giêsu thực hiện nhiều phép lạ khác cũng không ngoài mục tiêu đó.
Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người goá phụ Na-in nên Chúa Giêsu đã cho con trai bà đã chết được sống lại, dù bà chưa ngỏ lời van xin. (Lc 7,11-17)
Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho hai chị em Mác-ta và Maria ở Bêtania đang sầu thảm vì mất em, Chúa Giêsu đã truyền cho Ladarô chết chôn trong mồ được sống lại. Nhờ đó, cả gia đình được chan hoà niềm vui. (Ga 11, 32-43)
Cũng vì muốn đem lại niềm vui cho hai môn đệ Em-mau đang sống trong ưu phiền thất vọng, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra, cùng đồng hành với các ông, đem lời kinh thánh sưởi ấm tâm hồn sầu muộn của các ông. (Lc 24, 32)
Và rất nhiều phép lạ khác Chúa Giêsu đã thực hiện như cho người mù được xem thấy, cho người điếc được nghe, người què đi được, người phong hủi được sạch, người câm được nói, cho người đói được ăn, cho người nghèo được nghe Tin Mừng... cũng đều nhằm đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân.
Hơn nữa, Chúa Giêsu không muốn đem lại cho người đời một niềm vui chóng qua, một thứ hạnh phúc mau tàn, nhưng là một thứ hạnh phúc vững bền đặt nền trên tình yêu thương huynh đệ.
Biết rằng con người sẽ luôn luôn bất hạnh nếu thiếu vắng tình thương, rằng tình thương là yếu tố cốt thiết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho muôn người, nên Chúa Giêsu không ngừng kêu gọi mọi người hãy yêu thương đùm bọc nhau như anh chị em một nhà: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." (Gioan 13, 34).
Người cũng báo trước cho mọi người biết rằng hạnh phúc đời đời trên thiên quốc chỉ dành riêng cho những ai yêu thương phục vụ người khác, đồng thời cảnh báo rằng khổ hình đời đời trong hỏa ngục là hậu quả phải đến cho những kẻ không sẵn sàng cứu giúp những người khốn khổ quanh mình. (Mt 25, 31-46)
Như thế, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh không còn là chuyện nhỏ nhưng là một quan tâm hàng đầu của Chúa Giêsu.
Là ki-tô hữu, là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi tiếp tay với Người để vun đắp niềm vui và hạnh phúc cho những người đang sống quanh ta bằng quyết tâm sống theo luật yêu thương của Người, để nhờ đó, gia đình, thôn xóm và đất nước chúng ta được hạnh phúc an vui.



16. Bình an, êm xuôi là ơn Chúa.
(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Con người thường mong Chúa làm phép lạ. Ai cũng muốn nhìn thấy phép lạ. Kẻ cần phép lạ để tin. Kẻ muốn có phép lạ để củng cố lòng tin. Xem ra phép lạ đối với phần đông nhân loại là những chuyện khác thường, những chuyện kinh thiên động địa. Phép lạ là những biến cố xảy ra ngoài tự nhiên tựa như con lừa của Baal biết nói tiếng người. Con gà mái gáy giữa ban ngày. Xem ra phần đông nhân loại đang cần những phép lạ tương tự như vậy rồi mới có thể tin vào sự hiện diện của Chúa.
Thực ra, Thiên Chúa không làm phép lạ để những sự kiện xảy ra ngoài quy luật tự nhiên. Phép lạ đúng nghĩa là Ngài làm cho nó trở lại với trạng thái ban đầu tạo dựng. Ngài làm phép lạ để cho những sự kiện được diễn ra bình thường, không gây xáo trộn. đi sai tới quy luật tự nhiên.
Từ tạo thiên lập địa Thiên Chúa đã nhìn thấy mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp. Ngài đã đặt để những quy luật tự nhiên để muôn loài thọ tạo được lớn lên và phát triển hầu đạt đến đỉnh cao của sự sung mãn. Thế nhưng, tội lỗi đã đi vào thế gian. Tội lỗi đã phá huỷ những trạng thái tốt lành ban đầu, gây xáo trộn cho muôn loại tạo dựng. Sự dữ là nguyên nhân gây nên những xáo trộn trong thế gian. Vì lẽ đó, Thiên Chúa vẫn tiếp tục can thiệp vào thế gian để đưa mọi sự trở về với tình trạng tốt lành ban đầu của tạo dựng.
Phúc âm kể lại rằng có một lần Chúa Giêsu đang ngủ trên con thuyền có các môn sinh. Biển lặng tư bề. Bỗng sóng gió nổi lên như muốn nhận chìm con thuyền. Các môn sinh hốt hoảng. Kẻ cầm chèo. Kẻ giữ buồng. Kẻ chạy tới kêu cầu Chúa. Trong cơn bẫn loạn đó, Chúa đã đứng dậy đe gió biển im lặng. Ngài đã làm phép lạ trước mắt các môn sinh là truyền lệnh cho biển trở về với trạng thái ôn hoà.
Trong suốt ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã chữa lành biết bao người bất hạnh đang bị sự dữ hoành hành. Họ đang bị đau khổ bởi cơn đau của thể xác. Họ đang bị đau khổ bởi nỗi bất hạnh, bởi tai ương dịch bệnh hay ngụp lặn trong thất vọng bởi phải chia ly người thân. Chúa đã làm phép lạ bằng việc xua trừ sự dữ. Chúa chữa lành họ để giúp thân xác họ trở về với tình trạng nguyên tuyền ban đầu. Chúa giúp họ trở về với cuộc sống bình thường như bao người khoẻ mạnh khác.
Hôm nay trong tiệc cưới Cana, tiệc rượu đang diễn ra êm xuôi. Mọi người đều vui vẻ với chén rượu, với nụ cười hân hoan. Tiệc sẽ mất vui nếu thiếu rượu. Tiệc sẽ dở dang nếu rượu dự trữ không đủ cho đến khi tàn tiệc. Tiệc dở dang cũng đồng nghĩa niềm vui không trọn vẹn. Chúa đã làm phép lạ để tiệc rượu diễn ra bình thường. Không gián đoạn bởi thiếu rượu. Chúa đã làm phép lạ để tiệc vui được tiếp diễn đến nỗi người quản tiệc cũng không hay biết. Khách dự tiệc vẫn tiếp tục cuộc vui. Người người vẫn nâng ly rượu mừng trong tiếng cuời, tiếng hoan hô chúc tụng. Xem ra ai cũng thoả mãn với chén rượu nồng nàn. Đôi tân hôn hôm nay đã có một niềm vui trọn vẹn. Ngày hôn lễ được diễn ra một cách êm xuôi. Gia đình họ thật hạnh phúc. Hạnh phúc vì có Chúa và Mẹ Maria cùng hiện diện trong gia đình họ. Hạnh phúc vì nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria mà Chúa đã ban cho gia đình một niềm vui trọn vẹn trong ngày thành hôn.
Ngày hôm nay nhiều gia đình đang đổ vỡ. Có biết bao gia đình đang bị xáo trộn bởi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Có biết bao gia đình đang ly tán bởi "ông ăn chả, bà ăn nem". Có biết bao gia đình rượu ngon đã cạn chỉ còn đọng lại một chút rượu lạnh nhạt và chua cay. Thiếu rượu nồng của tình yêu nên dẫn đến đổ vỡ, nghi kỵ, hiểu lầm và ghen tương. Ngày hôm nay nhiều gia đình đang bất hoà vì đói nghèo, túng cực. Nhiều gia đình đang thất vọng bởi công việc làm ăn chẳng thuận buồm xuôi gió. Nhiều gia đình đang thiếu tình yêu, thiếu thốn tiền bạc, thiếu cả sự cảm thông và tha thứ đã gây nên biết bao xáo trộn trong các gia đình.
Ước gì mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta cũng biết mời Chúa đến trong gia đình của mình. Hãy dành cho Chúa một vị trí xứng đáng trong gia đình chúng ta. Hãy dâng gia đình cho Chúa. Nếu có Chúa hiện diện, Ngài sẽ tiếp tục gìn giữ gia đình chúng ta trong an bình hạnh phúc. Và trên hết mọi sự, hãy biết sống theo lời dặn của Mẹ Maria: "Người bảo gì anh em hãy làm như thế". Sống theo lời Chúa, gia đình sẽ không thiếu niềm vui, không thiếu rượu ngon của hạnh phúc yêu thương. Sống theo Lời Chúa thể hiện qua sự phó thác tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, và nhất là luôn sống đạo tình thương, mỗi người hãy biết mến thương nhau như chính mình. Nếu mình muốn có hạnh phúc hãy làm cho gia đình mình hạnh phúc. Nếu mình muốn được mọi người tôn trọng hãy biết đối xử tốt với nhau. Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta luôn bình an và ngập tràn niềm vui trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen.



17. Vị khách.
Có một đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ cho ra riêng. Trong khi trang hoàng ngôi nhà mới, họ đã bất đồng với nhau về chỗ để treo bức ảnh Chúa Giêsu. Người chồng thì muốn treo bức ảnh ấy ở một vị trí nổi bật nhất trong nhà. Cuối cùng thì người vợ đành phải nhượng bộ, bởi vì chị bỗng nhớ lại lời Chúa Giêsu đã phán:
- Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời.
Chính bức ảnh này đã gây được một ấn tượng mạnh đối với gia đình và khách khứa đến thăm.
Ngày kia, một người bạn, sau khi nhìn ngắm bức ảnh đã nói với chị:
- Chúa Giêsu không phải chỉ nhìn vào chị, mà còn nhìn xuyên qua tâm hồn chị.
Người khác thì cho biết:
- Lúc nào tôi cũng cảm thấy gia đình chị luôn bình an.
Chính chị đã tâm sự:
- Một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi, không còn như trước nữa.
Đôi tân hôn tại cana, hẳn sẽ đồng ý với người vợ trong câu chuyện trên, bởi vì họ đã mời Chúa Giêsu đến nơi gia đình họ và Ngài đã làm phép lạ đầu tiên, cho nước lã biến thành rượu ngon, để họ khỏi bị bẽ mặt với khách dự tiệc.
Đọc lại Phúc âm, chúng ta sẽ thấy được một nhận xét nho nhỏ và thú vị, đó là nhiều lần Ngài đã làm phép lạ ở trong gia đình của dân chúng. Chẳng hạn khi Phêrô mời Ngài đến nhà thì Ngài đã chữa lành cho bà mẹ vợ đang sốt nặng. Cũng tại nhà Giairô, Ngài đã cho con gái ông được sống lại. Khi dùng bữa tại nhà ông Biệt phái, Ngài cũng đã chữa lành cho một bệnh nhân. Đặc biệt là với Giakêu và Matthêu, sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm thay đổi cuộc sống của hai ông, Matthêu thì đã trở nên tông đồ của Chúa. Còn Giakêu thì nhất quyết làm lại đời mình và đền bù những thiệt hại mình đã gây ra.
Từ những hình ảnh trên, chúng ta hãy tự hỏi xem:
- Chúng ta đã thực sự mời Chúa Giêsu vào nhà chúng ta hay chưa?
Một người khách khi bước chân vào nhà chúng ta, liệu họ có nhận ra chúng ta thuộc về Chúa qua cách bài trí trên bàn thờ, trên tường vách, hay là người ấy sẽ bình phẩm:
- Tôi thấy con cái của ông bà là những đệ tử ruột của Lý Hùng, của Thu Hương, của Diễm My… bởi vì khắp nơi trong nhà được dán la liệt hình ảnh của những tài tử này.
Liệu một người khách sau vài ngày viếng thăm và ở lại trong gia đình chúng ta, khi ra về họ sẽ nói:
- Gia đình bạn thực là một gia đình Kitô giáo. Mình không thể nào quên được những lời kinh ban tối và ban sáng, trước và sau mỗi bữa ăn. Cũng như chẳng bao giờ quên được tình thương yêu đầm ấm trong gia đình bạn. Ngoài ra mình cũng nhớ là mình chưa hề nghe những người trong gia đình bạn nói hành nói xấu ai cả.
Như thế, việc mời Chúa Giêsu vào nhà là một bổn phận thật quan trọng của mỗi người chúng ta. Cách thức mời Ngài vào nhà, có thể là bằng việc treo lên bàn thờ một tượng chịu nạn, hay một bức ảnh về Chúa. Có thể là việc kính cẩn đọc kinh tối và sớm, trước và sau mỗi bữa ăn. Nhất là bằng việc đối xử với nhau một cách yêu thương và chân thành, cũng như không bao giờ oán hận và thù ghét ai cả.
Cùng với sự hiện diện của Ngài thì bản thân chúng ta sẽ được đổi mới và gia đình chúng ta sẽ được đầm ấm và hạnh phúc.



18. Hạnh phúc mong manh – Thiên Phúc.
(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Ở đất Vũ Bình có giống vượn đỏ như vang, nõn nà như tơ, trông xa lấp lánh rất là đẹp mắt. Có hai mẹ con vượn, mẹ thì khôn ngoan, tinh anh, con thì ngây ngô, nhẹ dạ, nhưng lúc nào mẹ con cũng đi bên nhau. Người đi săn không thể nào nhử mồi đánh bẫy được, mới lấy thuốc độc sát vào đầu mũi tên, rình lúc vượn mẹ vô ý thì bắn. Khi vượn mẹ bị trúng tên, biết mình không thể sống được, liền vắt sữa ra cho con uống, xong rồi lăn ra chết.
Người đi săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con trông thấy kêu gào thương xót, chạy lại gần, người đi săn liền vồ lấy mà bắt sống. Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên, đôi khi lại ôm lấy mẹ kêu gào thảm thiết. Không được mấy hôm vượn con cũng lăn ra chết.
Tình mẫu tử của giống vượn lông đỏ làm cho chúng ta vô cùng xúc động. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một người mẹ, hết lòng chăm lo cho từng đứa con còn lớn lao hơn gấp bội. Đó chính là Mẹ Maria.
Có thể nói, một trong những trang đẹp nhất của sách Tin Mừng Gioan, chính là bài tường thuật về “Tiệc cưới Cana”. Chính nơi tiệc cưới này, Mẹ đã bày tỏ thật sâu sắc tình mẫu tử của Người.
Theo tập tục Do thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày, nhưng mới đến ‘ngày thứ ba’ thì tiệc cưới Cana đã hết rượu. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối, khó xử. Duy chỉ có Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy. Sự nhảy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử đã khiến Mẹ mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo.
Nhưng lời đáp trả của Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta thật sửng sốt: “’Tôi với bà có can chi? Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4). Qua câu này, Chúa Giêsu chỉ muốn xác quyết tính siêu việt của Người: Hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha. Chắc Mẹ Maria cũng không hiểu rõ chữ ‘Giờ’ tức là giờ vinh quang của Chúa Giêsu sau cuộc tử nạn và phục sinh. Nhưng Mẹ vẫn một mực hoàn toàn tin tưởng vào Con của Mẹ. Mẹ mong Con làm một điều gì đó: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm.
Thế là Chúa Giêsu quyết định thực hiện một phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai rao giảng, một phép lạ kiểu mẫu của các phép lạ kế tiếp. Tuy ‘Giờ’ tôn vinh chưa đến, nhưng ngay lúc này, Người muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua phép lạ Người sắp thực hiện để “Các môn đệ tin vào Người” (Ga 2,11).
Nhờ sự can thiệp của Mẹ mà phép lạ Cana đã được thực hiện, để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở.
Nhờ sự đóng góp của Mẹ mà sáu chum nước lã đã biến thành bảy trăm lít rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và khách dự tiệc được trọn vẹn.
Ngày nay, Mẹ vẫn nói nhỏ bên tai Chúa: “Họ hết rượu rồi”.
Để cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm và tràn đầy tin yêu.
Để cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố và thuận hoà yêu thương.
Để cho bao tâm hồn đang chao đảo giữ vững được niềm tin và hy vọng.
Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã biến nước lã của Cựu Ước thành rượu ngon của Tân Ước, để mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai; thì ngày nay, Người cũng muốn chúng ta biến cuộc đời lạt lẽo của mình thành rượu nồng tình yêu: yêu Chúa và yêu tha nhân, để mọi người được chan chứa niềm vui cứu độ.
Nếu Chúa Giêsu đã biến thứ nước tẩy uế của Do thái giáo thành rượu ngon hảo hạng, để thiết lập một trật tự mới; thì Người cũng mời gọi chúng ta hãy biến đổi trái đất này thành một thế giới mới: chân thật, công bằng và yêu thương.
Lạy Chúa, chúng con luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc, nhưng dường như hạnh phúc thật mong manh. Xin Chúa hãy đến dự những bữa tiệc cuộc đời chúng con, để mang lại cho chúng con một hạnh phúc vững bền.
Xin Mẹ Maria luôn là Đấng Bầu Cử cho chúng con trước toà Chúa mỗi khi chúng con gặp khó khăn bối rối, nhất là khi chúng con đã vơi cạn rượu nồng tình yêu. Amen.



19. Chúa Giêsu thay đổi tất cả.
Sự náo động chung quanh việc thiếu rượu, cuộc đối thoại đáng kinh ngạc giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, phép lạ làm sững sờ, sự hài hước (‘Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ’), thật là sống động! Biết bao nhiêu hoạ sĩ thích vẽ đám cưới Cana, và chúng ta cũng bị cám dỗ biết mấy là dừng lại ở nơi sự thu hút của đám cưới này.
Nhưng chúng ta đang đọc Tin Mừng của thánh Gioan. Ngài là người kể chuyện tài tình và là thần học gia Tin Mừng đang mặc khải các mầu nhiệm bằng cách tiên phong sử dụng những từ ngữ với một nghệ thuật tinh vi. Bạn hãy nhìn xem các từ ‘vinh quang’ và ‘dấu chỉ’ đang chiếu sáng. Bạn hãy xem nước và rượu tương phản nhau biết bao, giờ (‘Giờ của tôi chưa đến’) và sự bắt đầu (‘Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana’: tại Cana, khởi đầu các dấu chỉ). Bạn hãy đọc kỹ trang mặc khải này và bạn sẽ gặp được hai câu chính yếu: “Người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu”… “Các môn đệ đã tin vào Người”.
Mỗi đoạn Tin Mừng thánh Gioan là một lời kêu gọi tin vào một điều mà điều này là một bước tiến gần tới toàn bộ đức tin. Tin vào điều gì ở đây? Đó là Chúa Giêsu thay đổi tất cả. Ngài đến Cana và nước hoá thành rượu. Đây là một ‘phép lạ-dấu chỉ’. Chúa Giêsu đến và thế giới được biến đổi: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17). Chúa Giêsu đến trong cuộc sống của chúng ta và nếu chúng ta tin, theo nghĩa rất mãnh liệt của thánh Gioan, thì cuộc sống của chúng ta được biến đổi. Chúng ta đi từ cuộc sống hơi tẻ nhạt đến một cuộc sống mạnh mẽ. Cuộc sống này nhảy múa ca hát và bẻ gãy những bó buộc sai trái: Rượu của Chúa Giêsu Kitô! Ngài nói: rượu mới của ta làm vỡ những bình cũ (Mc 2,22).
Than ôi! Người ta còn có thể nói rằng tôn giáo là rượu ngon của cuộc sống nữa hay không? Chúng ta đã làm cho Kitô giáo trở thành một cái gì buồn tẻ, thật sự không làm cho say sưa. Nước của Cana! Nước trong Thánh Kinh, nước trong thánh Gioan vọt ra, tẩy sạch, biểu tượng của sự sống: nước hằng sống. Nhưng không phải nước tại Cana.
“Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái”. Đây là nước mà Chúa Giêsu sẽ biến đổi, nước biểu tượng của một tôn giáo hình thức. Tôn giáo hằng sống của người Do thái trở nên quá tỉ mỉ, giả hình. Đó là căn bệnh của mọi tôn giáo. Cuối cùng người ta tin rằng để làm vui lòng Chúa, chỉ cần thốt lên những câu nói, rửa ráy, làm những việc bề ngoài là đủ.
Tôn giáo của Chúa Giêsu thay đổi tất cả: đó là rượu say đắm của tình yêu. Chúng ta làm Chúa vui lòng nếu các nghi thức của chúng ta là những dấu chỉ và là sự trỗi dậy việc chúng ta trao ban cho tha nhân, nếu chúng ta thay đổi, ít ra là xoa dịu nỗi khổ nhọc của một người anh em thành niềm vui. Chúa Giêsu mang lại khả năng chưa từng có này: từ nay tất cả sẽ có thể là tình yêu. Ngài nói với Mẹ Maria: ‘Thưa Mẹ, Mẹ chờ đợi gì ở con? Con sẽ làm hơn thế nhiều khi đã tới giờ!’.
Nhưng ở đây nổ ra khả năng sinh hạ của Mẹ Maria: Mẹ đã sinh hạ ra con trai của Mẹ cho cuộc đời, Mẹ đã sinh hạ con trai đó cho cuộc sống công khai của Ngài, với những phương tiện của một người mẹ của Đấng Duy Nhất: sự kín đáo và niềm tin.
Có gì kín đáo hơn thế? “Họ hết rượu rồi” (Tôi thích câu này ‘hết rượu rồi’ của các nhà chú giải, thay vì ‘còn ít rượu’: Chúa Giêsu sẽ không cho thêm rượu, Ngài sẽ cho rượu).
Và đức tin rất mạnh mẽ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Rất ít lời, vừa đủ để sự nhục nhã của một cặp vợ chồng trẻ được biến đổi thành niềm vui. Và để chúng ta muốn xin Mẹ Maria ân sủng của tiệc cưới Cana: cuối cùng chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu thay đổi tất cả.



20. Chuyện bất ngờ.
Người ta thường bảo:
- Mấy ai học được chữ ngờ.
Có những điều chúng ta không bao giờ nghĩ đến, thì lại xảy ra. Đó cũng là trường họp của đoạn Tin mừng hôm nay. Thực vậy, Chúa Giêsu đã khởi đầu cuộc sống công khai bằng cách tham dự một đám cười ở Cana và thực hiện phép lạ đầu tiên cũng tại đây.
Là Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, chúng ta thích Ngài chọn lựa một hoàn cảnh khác, trang trọng hơn để tỏ mình ra cùng thiên hạ.
Đúng thế, chúng ta thử tưởng tượng một vị Giám mục hay một vị Hồng y chẳng hạn như Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, ngay sau khi vừa được tấn phong, đã vội vã cùng với những người thân cận nhất của mình, đi tham dự một đám cưới.
Bữa tiệc kéo dài tới tận khuya thì thiếu rượu, vị Giám mục hay vị Hồng y ấy bèn sai người về lấy những chai rượu lễ, mang tới để đãi khách và kéo dài tiệc vui. Nếu sự thật đã xảy ra như vậy, thì khi nghe biết, chúng ta chỉ còn cách lắc đầu, nhún vai và không thể nào hiểu nổi.
Thế nhưng đối với Chúa Giêsu thì đó lại là một chuyện bình thường. Ngài ngồi giữa đám khách dự tiệc và làm phép lạ đầu tiên, biến nước lã trở thành rượu ngon. Sáu chum đựng nước, chứa từ ba trăm đến bốn trăm lít, đã được chủ tiệc xác nhận là một thứ rượu ngon tuyệt vời. Vậy đâu là mục đích và đâu là ý nghĩa của việc Chúa Giêsu đã làm?
Trong Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu ít khi đề cập đến vấn đề hôn nhân, cũng như về tình yêu gia đình. Tuy nhiên đây chắc chắn phải là một vấn đề thời sự nóng bỏng lúc bấy giờ, bởi vì như chúng ta đã biết lúc bấy giờ quân đội La Mã đang chiếm đóng xứ này. Và cùng với họ, là những xáo trộn về đạo đức và những suy thoái về luân lý.
Hơn thế nữa, xứ Palestine lại nằm giữa những dân tộc ngoại giáo với những quan niệm sai lạc về hôn nhân và gia đình. Hẳn rằng Chúa Giêsu có nhiều lý do để trình bày về đề tài này, nhưng Ngài lại nói rất ít.
Còn chúng ta hôm nay, chúng ta đã bàn bạc, đã viết lách rất nhiều. Nào là sự khủng hoảng của đời sống gia đình. Nào là sự sụp đổ của tình yêu hôn nhân. Nào là những khác biệt tâm lý trong liên hệ vợ chồng…Thế nhưng ngày hôm nay lại có nhiều đổ vỡ trong hôn nhân và gia đình hơn hết.
Người ta tính trung bình hiện nay trên thế giới, cứ mỗi một tiếng đồng hồ lại có tới cả trăm đôi vợ chồng lôi nhau ra tòa để ly dị. Con số ly tị tăng nhanh và lên tới 50% tại các nước phương tây, nghĩa là cứ hai cặp vợ chồng thành hôn, thì lại có một cặp thất bại, phải ly dị nhau. Ấy là chưa kể tới biết bao thai nhi đã bị giết chết một cách oan uổng. Mới đây người ta đã xếp Việt Nam chúng ta vào một trong ba nước có con số nạo phá thai cao nhất thế giới…
Còn Chúa Giêsu thì khác. Ngài không nói nhưng Ngài đã làm. Ngài ở giữa đôi tân hôn tại Cana, tham dự đám cưới của họ và thánh hóa mái gia đình họ vừa mới gầy dựng. Hành động khởi đầu cho sứ mạng của Ngài không phải là một thông điệp gửi đến cho toàn thể thế giới, cũng không phải là một cuộc biểu dương lực lượng, nhưng là một đám cưới nhà quê, qua đó Ngài tỏ cho chúng ta biết Ngài chính là suối nguồn đem lại bình an và hạnh phúc, cảm thông và trung thành cho đôi tân hôn.
Đúng thế, hôn nhân không phải chỉ là một giao ước mang tính cách xã hội, mà còn là một bí tích, một sự kết hợp thiêng liêng trong ơn sủng và Đức Kitô chính là sợi dây nối kết họ lại với nhau. Tình yêu của họ là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo hội, như tại Cana Ngài đã giúp cho họ vượt qua mọi khó khăn. Hơn thế nữa, hôn nhân còn là một cơ may để họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc hình thành và giáo dục những người con cái Thiên Chúa.
Có nhìn hôn nhân và gia đình như thế, chúng ta mới tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống lứa đôi và sức mạnhg giúp chúng ta trung thành cùng nhau trong liên hệ vợ chồng, bởi vì Đức Kitô đang ở giữa chúng ta.



21. Hiện diện.
Trong đại hội giới trẻ thế giới tại thủ đô Manila nước Phi Luật Tân (10-15/1/1995), có một sự kiện khá ngộ nghĩnh tương tự như câu chuyện của ông Giakêu tìm cách nhìn xem Chúa Giêsu. Sự kiện đó là: khi xe của Đức Thánh Cha đang di chuyển trên đường phố có hàng triệu người đứng ở hai bên đường chào đón Người, người ta thấy một phụ nữ trèo lên cột điện chờ xe Đức Thánh Cha đi qua để được nhìn thấy Người. Khi được phỏng vấn tại sao lại liều lĩnh thế, chị đã trả lời: “Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội duy nhất trong đời tôi có thể nhìn thấy Đức Thánh Cha. Và được nhìn thấy Đức Thánh Cha một lần thôi tôi cũng mãn nguyện rồi”. Người phụ nữ này là một người Tin Lành.
Được nhìn thấy Đức Thánh Cha, được Đức Thánh Cha viếng thăm đã trở thành một ước mơ, một niềm vui lớn đối với nhiều người, bất kể lương hay giáo. Điều đó dễ hiểu, bởi sự hiện diện của Đức Thánh Cha là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa chứ chưa phải là chính Thiên Chúa. Người chỉ là sứ giả đi trước để dọn đường cho Thiên Chúa đến với các tâm hồn. Nhưng nếu sự hiện diện của sứ giả Thiên Chúa đã đem lại niềm vui to lớn dường ấy, thì sự hiện diện của chính Thiên Chúa sẽ mang lại niềm vui to lớn đến độ nào?
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay nói đến sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria tại một gia đình có đám cưới ở Cana. Và sự hiện diện của các Ngài không những đã mang lại niềm vui cho nhà đám, mà còn cứu cho gia đình này khỏi một bàn thua trông thấy. Nhờ các Ngài mà rượu đã hết lại trở nên dư dật. Nhờ các Ngài mà cô dâu chú rể và gia đình nhà đám khỏi bẽ mặt trước các thực khách. Nhờ các Ngài mà niềm vui của ngày cưới được tiếp tục và trọn vẹn.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana là hình ảnh sự hiện diện của các Ngài trong gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Các Ngài hiện diện để thi ân giáng phúc cho chúng ta, bởi các Ngài là Cha, là Mẹ của chúng ta. Các Ngài hiểu rõ mọi nhu cầu của đời sống chúng ta, dù chúng ta chưa trình bày với các Ngài. Các Ngài sẽ bao bọc, sẽ chở che, sẽ yêu thương, sẽ dẫn dắt chúng ta qua mọi nẻo đường và trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria không bao giờ là một tai họa, nhưng luôn mang lại ân phúc. Vấn đề là chúng ta có cho các Ngài nhập hộ khẩu vào trong gia đình và trong cuộc đời của mình hay không?



22. Tiệc cưới Cana.
Phép lạ hóa nước ra rượu tại tiệc cưới làng Cana có một ý nghĩa Kitô học rất sâu xa, ý nghĩa đó được tóm gọn trong câu kết luận của thánh sử Gioan: “Chúa Giêsu tỏ hiện vinh quang của Ngài để các môn đệ tin vào Ngài”.
Rượu mới tuyệt hảo và dư đầy là chính Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, là giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Giao ước mới thay thế giao ước cũ và trổi vượt hơn giao ước cũ trên tất cả mọi phương diện. Hình ảnh rượu mới được các tiên tri của Cựu ước như Amos và Giêrêmia diễn tả như là dấu chỉ của cuộc sống hạnh phúc, an lành thịnh vượng của dân Thiên Chúa trong thời cứu rỗi.
Ba thánh sử nhất lãm: Marcô, Matthêu và Luca cũng dùng hình ảnh rượu mới để định nghĩa lòng tin. Tin là hoán cải, là từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, mặc lấy Chúa Kitô, mặc lấy giáo huấn của Ngài. Định nghĩa trên đây đã đặc biệt được thánh Phaolô khai triển. Dù giờ của Ngài chưa đến, nhưng Chúa Giêsu đã chiều theo ý Mẹ Ngài, tỏ hiện vinh quang của Ngài để các môn đệ tin. Giờ và vinh quang mà Chúa Giêsu muốn tỏ hiện ra cho các môn đệ ngay từ lúc làm phép lạ cho nước hóa ra rượu tại tiệc cưới Cana chính là giờ thập giá, là cái chết và sự sống lại của Ngài.
Theo thánh sử Gioan, chúng ta chỉ có thể hiểu được bản chất đích thực và sâu xa của vinh quang được bắt đầu thể hiện tại Cana đó dưới ánh sáng của giờ sau hết, nghĩa là lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá để rồi chết đi và sống lại. Chính qua thập giá với cái chết khổ nhục của mình mà Chúa Giêsu chiến thắng quyền lực tội lỗi và sự dữ. Ngài bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn của bạo lực, giải thoát con người khỏi ách gông cùm của sự dữ.
Những dấu chỉ bắt đầu từ dấu chỉ của phép lạ tại tiệc cưới Cana có nhiệm vụ mạc khải mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trên đường tiến lên thập giá. Con đường Chúa Giêsu đi tiềm ẩn và sự chiến thắng vinh quang của Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện trong cái chết và sự sống lại của Ngài. Vinh quang của Thiên Chúa đối với loài người được tỏ hiện rõ ràng nhất trên thập giá, qua cái chết của Chúa Giêsu. Thập giá là bảo chứng tuyệt đỉnh của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Trong Chúa Giêsu, vinh quang đó là sự tùng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa Cha để hoàn thành chương trình cứu độ và đổi mới trần gian.



23. Tiệc cưới.
Nếu chúng ta hiểu phép lạ ở Cana theo nghĩa đen, chúng ta sẽ giản lược nó thành một điều kỳ diệu chỉ trong nháy mắt là xong và giới hạn ý nghĩa của nó.
Thật ra, vấn đề không phải ở chỗ quyền năng làm biến đổi nước thành rượu. Chúng ta đã biết làm điều ấy như thế nào – việc ấy xảy ra mỗi năm trong các vườn nho và các nhà máy của chúng ta. Phép lạ có một ý nghĩa sâu xa và rộng lớn hơn và ý nghĩa này có giá trị ở mọi thời đại. Nó còn quan trọng hơn một điều kỳ diệu.
Trong nỗ lực mô tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Người. Kinh thánh dùng hình ảnh của hôn phu và hôn thê. Và để mô tả niềm vui mà Thiên Chúa tìm thấy ở giữa dân Người, Kinh Thánh dùng hình ảnh của tiệc cưới.
Bài đọc 1 chứa một sứ điệp về niềm hy vọng của dân Thiên Chúa trong những thời kỳ suy sụp nhất của lịch sử họ. Giêrusalem bị tàn phá và nhiều người dân đi đày qua Babylon. Israen, một thời là tân vương của Thiên Chúa, giờ đây giống như một quả phụ bị lấy mất con. Tuy nhiên, hôn phu của nàng là Thiên Chúa đã không quên nàng. Sẽ có một tiệc cưới mới. Thiên Chúa sẽ phục hưng dân Người.
Lời hứa này đã được thực hiện khi dân chúng trở về từ chốn lưu đày, nhưng đặc biệt hơn khi Đức Giêsu đến. Người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai ở một tiệc cưới. Ở tiệc cưới ấy, người ta thiếu rượu. Cách nói này muốn ám chỉ tôn giáo cũ, giao ước cũ vẫn còn thiếu sót. Đã đến lúc mọi lời hứa phải được thực hiện, cũng là thời kỳ của luật mới và tinh thần mới.
Các ngôn sứ đã nói trước về việc rượu chảy dồi dào trong ngày của Đấng Mêsia. Ở Cana, chính Đức Giêsu đã ban phát rượu ấy. Và mọi người nếm hưởng rượu ấy đều đồng ý rằng rượu này ngon hơn rượu cũ. Chúng ta nhận thấy sự quảng đại tuyệt đối của phép lạ. Sáu cái chum đá, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Chúng ta thoáng thấy lòng ấm áp của Người. Trật tự mới bắt đầu với một hành động xót thương.
Điều Đức Giêsu đã thực hiện ở Cana không phải là một việc làm hời hợt, qua loa. Nó nói lên điều phải xảy ra trong suốt sứ vụ của Người. Hóa nước thành rượu là một biểu tượng của việc Người cần phải thực hiện. Bất cứ nơi nào Người đến, cái cũ được đổi thành cái mới. Người đã đổi nước mắt của bà góa ở Nain thành niềm vui, tính vị kỷ của Giakêu thành sự yêu thương. Trên núi Canvariô, Người đổi sự tuyệt vọng của tên gian phi thành niềm hy vọng. Và trong buổi sáng Phục sinh, Người đổi cái chết thành sự sống.
Sự hiện diện của Người có thể làm thay đổi đời sống của những người đã được tiếp xúc với Người cả khi họ không nhận ra. Và Người tiếp tục làm điều đó cho những ai tin tưởng và đi theo Người. Người biến đổi đời sống chúng ta thành một điều kỳ diệu. Người cho ta tham dự vào đời sống thần linh – không thua gì trạng thái xuất thần do hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều đó vẫn còn ở lại trên bình diện lý thuyết nếu chúng ta không cảm nghiệm điều đó trong đời sống chúng ta, và nếu Đức Giêsu không hóa nước thành rượu một cách nào đó trong đời sống chúng ta.
Nước là một chất cần thiết và có ích cho sự sống còn của cơ thể. Tuy nhiên, dù nước đem lại sự thỏa mãn nhưng nó không đem lại niềm vui. Mặt khác, rượu làm say sưa và phấn chấn tinh thần.
Phúc cho những người khát khao thứ “rượu” mới mà Đức Giêsu cung cấp. Rượu cũ là lời hứa; rượu mới là sự hoàn thành. Của cải vật chất không đủ. Đức Giêsu đem lại một chiều kích mới cho đời sống. Người mang lại một niềm vui mà thế gian không thể mang lại.
Người yêu cầu các gia nhân múc nước đã hóa thành rượu và đem đến cho người quản tiệc. Đức Giêsu đã dùng những người trung gian để chuyển giao những ơn huệ của Người. Người yêu cầu chúng ta chia sẻ với những người khác các ơn lành mà Người đã chia sẻ với chúng ta.



24. Có Mẹ chở che – Lm. Nguyễn Nguyên
Có lẽ chưa bao giờ cuộc sống gia đình lại bị khủng hoảng trầm trọng như trong thế giới chúng ta đang sống hiện nay. Người ta tính trung bình hiện nay trên thế giới, cứ mỗi một tiếng đồng hồ lại có tới cả trăm đôi vợ chồng lôi nhau ra tòa để ly dị. Con số ly tị tăng nhanh và lên tới 50% tại các nước phương tây, nghĩa là cứ hai cặp vợ chồng thành hôn, thì lại có một cặp thất bại, phải ly dị nhau.
Với bối cảnh đó, tin mừng hôm nay mời gọi mỗi người kitô hữu chúng ta hãy tái khám phá giá trị và ý nghĩa thiêng liêng cao quý của đời sống hôn nhân, qua việc Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Và qua đó, cho chúng ta một bài học quá rõ ràng: ở đâu có sự hiện diện của Chúa và Mẹ thì niềm vui và hạnh phúc ở đó tràn đầy.
Thật vậy, câu chuyện Tin mừng hôm nay nói đến sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria tại một gia đình có đám cưới ở Cana. Và sự hiện diện của các Ngài không những đã mang lại niềm vui cho nhà đám, mà còn cứu cho gia đình này khỏi một bàn thua trông thấy. Nhờ các Ngài mà rượu đã hết lại trở nên dư dật. Nhờ các Ngài mà cô dâu chú rể và gia đình nhà đám khỏi bẽ mặt trước các thực khách. Nhờ các Ngài mà niềm vui của ngày cưới được tiếp tục và trọn vẹn.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana là hình ảnh sự hiện diện của các Ngài trong gia đình và trong cuộc đời của chúng ta. Các Ngài hiện diện để thi ân giáng phúc cho chúng ta, bởi các Ngài là Cha, là Mẹ của chúng ta. Các Ngài hiểu rõ mọi nhu cầu của đời sống chúng ta, dù chúng ta chưa trình bày với các Ngài. Các Ngài sẽ bao bọc, sẽ chở che, sẽ yêu thương, sẽ dẫn dắt chúng ta qua mọi nẻo đường và trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.
Nếu trong đám cưới ngày xưa đã từng hết rượu, thì sống trong đời hôm nay, có biết bao nhiêu lần chén hạnh phúc của chúng ta đã vơi đi, hay đã cạn hết rồi. Men của tình yêu, của niềm vui, của sự thành công, của sung túc không còn. Ngay cả khi tất cả những điều ấy phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương, bằng máu mới có được… Vậy mà chỉ sau một biến cố nào đó, đã mất hết, đã cướp hết, mình hoàn toàn trắng tay, chỉ để lại trong lòng nỗi cô đơn dằn xé, nỗi chán chường đến mức bạt nhược… Những lúc như thế, mỗi người chúng ta cần lắm một lời van xin của Mẹ đến với Chúa “Họ hết rượu rồi”, để Chúa an ủi và ban nghị lực, ban đức tin giúp ta có thể vượt qua những đắng cay cồn cào ấy.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria không bao giờ là một tai họa, nhưng luôn mang lại ân phúc. Vấn đề là chúng ta có cho các Ngài nhập hộ khẩu vào trong gia đình và trong cuộc đời của mình hay không?
Hôm nay, chúng ta đã thấy rõ rồi đó, dù bảo rằng “Giờ của con chưa tới” và đám tiệc còn hay hết rượu thì chẳng có liên quan gì đến chúng ta cả Mẹ ơi, thế nhưng, phép lạ vẫn cứ xảy ra thật. Chúa đã biến nước thành rượu thật. Không chỉ thành rượu, mà còn là rượu ngon. Và đám cưới không chỉ cứ tiếp tục vui, mà còn vui hơn.
Vì thế, chúng ta có thể xác quyết rằng: Lời cầu nguyện của Đức Mẹ là lời hiệu nghiệm và có uy lực. Lời đó mang lại giá trị cho đời sống chúng ta. Nó cho thấy Đức Mẹ có quyền năng trong lời chuyển cầu của mình. Lời chuyển cầu hiệu nghiệm và uy lực ấy rất cần cho chúng ta, vì nó mang lại giá trị cho đời sống, mang lại hạnh phúc cho con người, mang lại những phép lạ lớn lao tưởng chừng như không thể xảy ra. Vì thế, khi tôn thờ Thiên Chúa, mỗi người chúng ta cũng hãy yêu mến Đức Mẹ. Hãy tâm sự với Đức Mẹ, hãy bày tỏ cuộc đời mình với Đức Mẹ. Vì chúng ta thâm tín rằng, chính trên thập giá, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã trối Mẹ cho Gioan, và Gioan cho Mẹ. Đấy là lúc chúng ta trở thành con cái Mẹ, lẽ nào Mẹ lại không nhận biết những nhu cầu để giúp đỡ chúng ta sao?. Ngày xưa khi còn tại thế, lời cầu của mẹ đã hiệu nghiệm đến thế, huống chi bây giờ Mẹ đang tột cùng vinh hiển bên cạnh Con Mẹ. Mẹ đang vinh hiển, tràn đầy uy quyền, nắm giữ kho báu ân sủng của Con Mẹ, Mẹ lại tiếc với chúng ta sao?. Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta luôn bình an và ngập tràn niềm vui trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen.



25. Tiệc cưới Cana – Lm. PX. Vũ Phan Long
Đức Kitô ban rượu chan hòa niềm vui, dấu chỉ của giao ước vĩnh cửu được Người thiết lập. Người biến nước của giao ước cũ, giao ước theo chữ viết, thành rượu ân sủng, rượu Thánh Thần.
1.- Ngữ cảnh
Về đoạn văn Ga 2,1-12, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi sau đây: câu truyện Cana mở ra một phân đoạn mới (gọi là "Sách các dấu lạ", ch. 2–12) hoặc khép lại một bài tựa mang tính tường thuật (1,19–2,12)?
Chúng tôi chọn đặt truyện Cana vào cuối bài tựa tường thuật. Trong ch. 1, sau Bài Tựa (1,1-18), tác giả giới thiệu gương mặt vị Tẩy Giả, vị chứng nhân, "bạn của chàng rể" (3,29), người ban phép rửa để "Người [= Đức Giêsu] được tỏ ra cho dân Ít-ra-en" (1,31). Sứ mạng của Gioan là bày tỏ chân tính thiên sai của Đức Giêsu. Vì lý do này, Anrê và một môn đệ nữa đã đi theo Thầy (1,35-40). Anrê lại đi gặp Simôn và bảo: "Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia" (1,41); chuyện cũng như thế đã xảy ra với Nathanaen (1,45-51). Tất cả kết thúc tại Cana, với việc chính Đức Giêsu tỏ vinh quang ra (2,11).
Còn có những lý do khác khiến phải đi theo chiều hướng này. Có thể kể ra hai lý do: 1) Cách tính các ngày làm thành một tuần. "Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình" (1,29). "Hôm sau ông Gioan lại đứng đó" (1,35). "Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê" (1,43). Cuối cùng, "ngày thứ ba có tiệc cưới tại Cana miền Galilê" (2,1). Đây đúng là một tuần, và tiệc cưới đã xảy ra vào ngày thứ bảy. 2) Cần ghi nhận việc tác giả tích lũy các danh hiệu Kitô học. Đức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa" (1,29.36), "Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần" (1,33), là "Rabbi" (1,38.49), là "Đấng Mêsia" (1,41), là "Con Thiên Chúa, vua Ít-ra-en" (1,49). Rõ ràng các danh hiệu này là một tổng hợp việc mạc khải mầu nhiệm Đức Kitô. Điểm tới của cụộc tỏ mình này là Cana: "Đức Giêsu tỏ vinh quang của Người" (2,11). Việc Đức Giêsu tỏ mình ra tương ứng với việc các môn đệ đáp lại: "Và các môn đệ đã tin vào Người" (2,11). Tới đây, cộng đoàn các môn đệ gồm những người tin đã thành hình; Đức Giêsu có thể bắt đầu đời sống công khai.
Vậy có thể coi đây là Dẫn nhập bằng một dấu lạ lịch sử: Truyện Tiệc cưới Cana kết thúc phần Dẫn nhập và đưa vào "Sách các dấu lạ của Đức Giêsu", nên có thể gọi là đoạn văn "làm cầu".
2.- Bố cục
Bài tường thuật được giới thiệu như là một "dấu lạ", nên có thể tìm bố cục theo cách cấu trúc cổ điển của các phép lạ. Nhưng chúng ta có thể tìm ra bố cục theo cấu trúc đồng tâm sau:
A = Phần tường thuật (2,1-3);
B = Các đối thoại (2,4-8):
Thân mẫu Đức Giêsu và Đức Giêsu,
Thân mẫu Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn,
Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn;
A'= Phần tường thuật (2,9-11).
3.- Vài điểm chú giải
- Ngày thứ ba (1): Chi tiết thời gian này có mục đích nối kết phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu với núi Sinai (Xh 19,1.10-11.16) và cuộc Phục Sinh (Ga 2,19-22; x. 7,30; 8,20...).
Như thế, Cana một đàng là phiên bản của những gì đã xảy ra tại núi Sinai, đàng khác, là một lời tiên báo mào đầu cho mạc khải tối hậu phát xuất từ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
- tại Cana miền Galilê (1a và 11a): Trong Tân Ước, thành này chỉ được Ga nhắc tới (x. cả 21,2). Thông thường người ta nghĩ đến Khirbet Qana, cách Nadarét 15 cây số. Đây là nơi hẻo lánh, không mấy quan trọng.
- Có tiệc cưới: Theo tập tục thời ấy, một đám cưới kéo dài từ ba ngày đến một tuần (ba ngày: trường hợp một quả phụ tái giá). Khung cảnh tiệc cưới nối kết câu truyện Cana với đề tài quen thuộc trong Cựu Ước: hôn lễ của Đấng Mêsia với Dân Người. Trong TM IV, Gioan Tiền Hô sẽ giới thiêu Đức Giêsu là chàng rể (3,29); còn trong các TMNL, Đức Giêsu tự coi mình là chàng rể (Mc 2,19; Mt 9,15; Lc 5,34), và đã mô tả Nước Trời như một tiệc cưới (Mt 22,1-14). Cuối cùng, sách Kh cũng vận dụng tới đề tài này để diễn tả sự kết thúc thời hiện tại và sự khai mở thời tương lai (Kh 19,7-9; 21,2; so với Ep 5,22tt). Theo tập tục, chính chàng rể cung cấp rượu (x. c. 10).
- có thân mẫu Đức Giêsu: Đức Trinh Nữ được giới thiệu là "thân mẫu Đức Giêsu", rồi ở c. 4, Đức Giêsu lại gọi mẹ là "bà". Một sự cố tương tự lại xảy ra trên Núi Sọ trong Ga 19,25-27; như vậy, câu truyện Núi Sọ có những điểm chung với câu truyện Cana. Có thể coi hai câu truyện này làm nên một thứ cấu trúc "đóng khung".
- Họ hết rượu rồi (3): Người ta đã muốn coi lời này chỉ là ghi nhận một sự kiện. Tuy nhiên, có lẽ nên thấy đây là một lời thỉnh cầu kín đáo và tin tưởng Đức Maria bày tỏ với Con. Quả vậy, lời Đức Maria nói với gia nhân (c. 5) cho thấy rằng bà có xin Đức Giêsu một điều gì đó.
- Thưa bà (gynai) (4): Một người Do Thái gọi mẹ là 'immâ, "mẹ của con". Vì thế danh hiệu "bà" (gynê; femme, woman) được Đức Giêsu dùng mà gọi Đức Maria có vẻ kỳ lạ. Trong thực tế, Đức Giêsu cũng sử dụng danh xưng ấy để gọi các phụ nữ khác trong TM IV (4,21: bà Samari; 20,13: bà Maria Mácđala) và trong các TMNL (Mt 15,28; Lc 13,12). Dù sao, đối chiếu với Ga 19,25-27, danh xưng này không thể có một ý nghĩa tiêu cực. Rất có thể qua tiếng "bà" (E. Farahian đề nghị dịch trong tiếng Ý là "signora"), Đức Giêsu đề ra một cách công khai hơn để gọi mẹ ruột của mình tại nơi công cộng. Ngoài ra, với từ ngữ này, chắc chắn ở bình diện biểu tượng, có một gọi ý đến cuộc tạo dựng: Đức Maria xuất hiện ra như là Evà mới, hoặc hơn nữa, như là đại diện của dân Israel, hoặc tốt hơn nữa, như là Israel đích thật.
- Chuyện đó can gì đến bà và con? (4): dịch sát: "Giữa tôi và bà, nào có việc gì?" (NTT). Ti emoi kai soi (Hp: mah-li wâlâk): Đây là cách diễn tả quen thuộc trong văn chương Hy Lạp, Rô-ma và Sê-mít để diễn tả sự ưng thuận hoặc bất thuận giữa hai hoặc nhiều người. Chỉ có văn cảnh mới giúp thấy rõ các sắc thái của mỗi trường hợp.
- Giờ của con chưa đến (4): Nếu quan tâm tới ý nghĩa của thuật ngữ "Giờ của Đức Giêsu" theo TM Ga, và tới giá trị biểu tượng của rượu, chúng ta sẽ thấy rõ. "Giờ của Đức Giêsu" là Giờ Khổ Nạn–Phục Sinh; còn rượu tượng trưng cho Lời mạc khải, Tin Mừng của Người, là Luật mới sẽ được tỏ lộ trọn vẹn khi đến "Giờ" Người đi qua thế gian này mà về với Cha Người (x. Ga 13,1).
- Rượu (3): Cựu Ước, truyền thống Do Thái giáo cũng như chính văn cảnh của TM Ga cung cấp cho chúng ta các ý nghĩa của "rượu".
* Thời thiên sai và cánh chung:
Các ngôn sứ nói rằng khi Thiên Chúa quy tụ con cái tản mác lưu đày về và cho họ được định cư, rượu và các sản phẩm khác sẽ được ban cho họ dư dật (Am 9,13; Ge 2,24; Gr 31,12; Ge 2,19-16). Rượu này lại có phẩm chất rất tốt (Hs 14,8; Is 25,6; Dcr 9,17). Rượu và sữa được tặng không (Is 55,1). Trong Hs 2,21-22 và Is 62,5, sự phì nhiêu của hoa mầu ruộng đất được ghép vào hình ảnh cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Cuộc hôn nhân này tượng trưng Giao Ước mới ký kết với con cái Israel, được quy tụ về (Ge 31,8-10.31-37). Có hai bản văn trực tiếp mang tính thiên sai, St 27,28-29 và St 49,10-12: Thời đại thiên sai được mô tả bằng một giọng văn đầy hình ảnh: "rượu mới dồi dào" (St 27,28); muốn buộc con lừa, Đấng Mêsia chỉ có dây nho; muốn giặt áo, Người chỉ có rượu; và rượu làm cặp mắt Người ngời sáng (St 49,11-12).
Trong Diễm ca, "rượu" được dùng 8 lần để tượng trưng tình yêu nồng nàn của đôi nam nữ (Dc 1,2-4; 2,4; 4,10; 5,1; 7,3-10; 8,2).
* Rượu và Lời Thiên Chúa:
Trong Cựu Ước, Luật Môsê (hoặc Lời Thiên Chúa) được đặt trong quan hệ với rượu, trong hai đoạn: Gr 23,9 và Cn 9,25. Sự Khôn Ngoan đã dọn tiệc và mời khách, thật ra là Luật Môsê. Theo truyền thống Kinh Thánh, vị hiền nhân là người suy gẫm và đào sâu Torah. Và rượu của sự Khôn Ngoan là Luật Thiên Chúa. Trong Hc 24,17, sự Khôn Ngoan lại tự ví mình với một cây nho (x. Ga 15,1). Như vậy, ta có chuỗi các khái niệm: Torah = Khôn Ngoan = cây nho = rượu.
* Rượu là biểu tượng của Torah được Đấng Mêsia giải thích:
a) Truyền thống Do Thái giáo:
Rượu còn được coi như là biểu tượng của Torah được Đấng Mêsia giải thích: Vị này được người ta chờ mong như một vị thầy chuyên môn về Luật Môsê (x. Targ Dc 8,12). Còn khi bản Midrash St R 98,9–49,11 nói rằng Đấng Mêsia "... giặt áo mình trong rượu" (St 49,11), điều này có nghĩa là Người sẽ viết lại những câu Luật cho người nhà mình, tức sẽ đề nghị những ý nghĩa và lối giải thích Torah. Còn Người giặt "áo choàng trong máu của nho", có nghĩa là Người sẽ sửa chữa các lối giải thích sai lạc.
b) Tân Ước: x. Mt 5,17.21-22.27-28.31-32.33-34.38-39.43-44. Các TMNL ví giáo huấn của Đấng Mêsia với rượu mới, Đức Giêsu là chàng rể của lễ cưới thiên sai. Rượu mới tượng trưng cho Tin Mừng của Người, Mạc khải của Người; rượu này không thể pha trộn với rượu cũ của Do Thái giáo (Mt 9,14-17; Mc 2,18-22; Lc 5,33-39).
* Giá trị biểu tượng của rượu Cana:
Trong thần học Gioan, Lời của Đức Giêsu là "Sự Thật" (Ga 8,31-32; 18,37; 17,8.14.17..), và điều quan trọng là Lời này được đồng hóa với chính Đức Giêsu: "Thầy là Sự Thật" (14,6; x. 8,32-26). Tin Mừng của Đức Kitô được nhập thể cách rõ ràng nhất nơi bản thân và trong những biến cố liên hệ tới bản thân con người đang loan báo Tin Mừng này, là Ngôi Lời làm người: "Thầy là ánh sáng, bánh ban sự sống, sự sống lại, sự sống...". Vậy, Lời của Đức Kitô là Mạc khải của Người, Tin Mừng của Người.
Chúng ta nói "rượu" tượng trưng Lời Đức Kitô là do những nhận định sau:
1) Cặp mẫu Sinai – Cana:
Chuỗi những ngày khai mạc sứ mạng ngôn sứ của Đức Giêsu, là một phương tiện văn chương để phục vụ một ý tưởng thần học. Cuộc thần hiển ở Sinai và những ngày trước đó (theo truyền thống Do Thái giáo) là mẫu cho đoạn văn Gioan (1,19-2,12). Theo một chiều hướng Kitô học, tác giả chú giải lại tuần lễ với chóp đỉnh là việc Thiên Chúa ban Torah tại Sinai, vào "ngày thứ ba".
"Ngày thứ ba" của Cana tương ứng hoàn toàn với "ngày thứ ba"của Sinai. Cũng như ở Sinai, Thiên Chúa đã bày tỏ vinh quang của Ngài khi ban Torah vào "ngày thứ ba", thì ở Cana, Đức Giêsu đã bày tỏ vinh quang của Người khi ban một thứ rượu ngon hơn cũng vào "ngày thứ ba"; rượu này tượng trưng cho sứ điệp Mạc khải của Người.
2) Động từ "giữ" (c. 10):
Người quản tiệc nói với tân lang: "... Còn anh, anh lại giữ (HL. tetêrêkas) rượu ngon cho đến mãi bây giờ". Động từ "giữ" là động từ tiêu biểu của từ vựng Gioan khi đề cập đến Lời–Điều răn của Đức Giêsu, và Lời này là Lời của Chúa Cha. Tác giả Gioan đã dùng động từ ấy theo nghĩa này ít ra 25 lần (8,51-52; 14,23; 15,20; 17,6; Kh 3,8 / Kh 3,10 / 14,24 / 1 Ga 2,5 = 8,55 / Kh 1,3; x. 22,7.9 / Kh 2,26 / 1 Ga 2,3; 3,22.24; 5,3 / Kh 12,17 / Kh 14,12. Lưu ý: Mc chỉ dùng 1 lần (Mc 7,9); Mt 3 lần (Mt 27,36.54; 28,4); Lc 1 lần (Cv 15,5).
3) Nước thanh tẩy của tập tục Do Thái:
Rượu Đức Giêsu ban lại lấy từ nước đựng trong các chum dùng vào "việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái" (c. 6). Nước này không phải là nước phàm tục, mà là nước dùng trong nghi lễ, để thanh tẩy các thực khách (x. Mc 7,2-5; Mt 15,2; Lc 11,38-39). Chính nước này được Đức Giêsu biến thành rượu. Điều này có nghĩa là kể từ nay, "việc thanh tẩy" không còn được nối kết với việc giữ Luật Môsê nữa (tượng trưng bằng nước trong sáu chum), mà là với việc giữ Tin Mừng của Đức Kitô, giữ Lời của Người (tượng trưng bằng rượu ngon).
Thật ra, đây là giáo lý của tác giả Ga về việc "thanh tẩy". Các môn đệ được "thanh tẩy" nhờ Lời Đức Giêsu đã loan báo cho họ (15,3). Sứ điệp mạc khải của Đức Kitô là Sự Thật có thể giải thoát các môn đệ khỏi nô lệ tội lỗi (8,32.34-36). Người nào ở lại trong Đức Giêsu, bằng cách đón nhận Tin Mừng của Người (Ga 15,7; 1 Ga 3,6) thì không phạm tội nữa, mà được thánh hóa (1 Ga 3,6). Lời Đức Giêsu giống như một hạt giống (1 Ga 3,9; x. Lc 8,11; 1 Pr 1,23; Gc 1,18; 1 Cr 4,15). Nhờ tác động của Lời, người môn đệ có thể thắng sự dữ và ít sa vào tội lỗi hơn (1 Ga 2,14). Đây là cách Đức Giêsu "xóa bỏ tội trần gian" (1,29): Người "thanh tẩy" con người bằng Lời Sự Thật của Người.
4) Rượu Cana, biểu tượng của mạc khải cánh chung của Đức Kitô:
Rượu Cana không những là hình ảnh của Lời mạc khải của Đức Giêsu, mà còn diễn tả chiều kích cánh chung của Lời này, trong tư cách là Lời tối hậu và vĩnh viễn.
Chẳng hạn Ga 1,45: Philípphê nói với Nathanaen: "Đấng mà Sách Luật Môsê và các Ngôn Sứ nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét". Từ Môsê và các Ngôn sứ, ta chuyển qua Đức Giêsu. Đây là điều đã được nói ở 1,16-17. Dấu lạ Cana là một sự chuẩn nhận mang tính ngôn sứ cho niềm chờ mong cánh chung xoáy vào con người Đức Kitô.
Khi Đức Giêsu ra lệnh đổ các chum "đầy tới miệng" (c. 7), điều đó không chỉ có nghĩa là đổ nhiều tối đa, nhưng đặc biệt có nghĩa là "hoàn toàn". Sau Đức Kitô, không còn có chuyện "còn nữa", "sau đó" hoặc "thêm nữa". Lời Người làm đầy mức Mạc khải. Lời Người là "nguồn sung mãn" (1,16). Tuy nhiên, sự sung mãn của Đức Kitô được thêm vào cho một mức độ có trước (x. Dt 1,1). Rượu Người cung cấp được lấy từ nước của Do Thái giáo và thay thế thứ rượu bị thiếu. Nhiệm cục Luật Môsê bị vượt quá về chất lượng bởi Lời Đức Kitô, là Lời loan báo một điều răn "mới" (Ga 13,34), điều răn của Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và loài người trong Đức Kitô hiển vinh (x. Ga 14,20).
Tương quan giữa Luật Môsê và Lời Đức Giêsu được diễn tả tuyệt vời bằng hai loại rượu được dọn tại Cana. Một loại được tân lang phàm tục dọn, thì vừa bị thiếu (c. 3). Nhưng có một thứ rượu khác được cống hiến bởi Tân Lang đích thực là Đức Giêsu (x. chú giải cc. 9e-10a). Thứ rượu ấy, người quản tiệc đã không ngần ngại tuyên bố là "ngon (tốt)" (HL. kalôn), trong khi thứ rượu đầu có một phẩm chất kém hơn (c. 10; HL. to elassô).
Những gì xuất hiện tại Cana là như hình ảnh của một mở đầu, thì được kiểm chứng trong TM IV bởi những mẩu đối thoại khác, trong đó nhắc lại sự cao trọng của Đức Giêsu và những ân ban của Người, so với những nhân vật hoặc những định chế của Cựu Ước: hơn Giacóp (4,12), Môsê (5,46; 6,32-35), Abraham (8,58), Đền Thờ (2,19-21; x. 4,21-23), Gioan Tẩy Giả (1,26-33), như Gioan đã tuyên bố (3,29-30): "... Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi (Hl. elattousthai; từ này cùng một ngữ căn với elassô, 2,10)".
Tóm lại, rượu mới Cana, được giữ lại "cho đến mãi bây giờ" (c. 10), là dấu chỉ cho thấy thời đại thiên sai đã bắt đầu. Tác giả Ga sử dụng 4 lần thuật ngữ "cho đến bây giờ" (HL. eôs arti; 2,10; 5,17; 16,24; 1 Ga 2,8-9). Bằng kiểu nói ấy, tác giả muốn ám chỉ tất cả các chặng của Lịch sử cứu độ, là những chặng đi trước và chuẩn bị cho hoạt động của Đức Giêsu. Thời cánh chung đã đến khi Đức Kitô đến.
Trong các lễ cưới nhân loại, rượu ngon được đãi trước. Trong lễ cưới của Thiên Chúa với Dân Ngài, rượu ngon lại được đãi sau cùng, Đức Giêsu là sự hoàn hảo, là ân ban tối hậu (x. Ga 4,10).
5) Quan hệ giữa rượu Cana với "ngày thứ ba" và "Giờ của Đức Giêsu":
Cuối cùng, các thuật ngữ "ngày thứ ba" (c. 1) và "Giờ của Đức Giêsu" đưa lại cho dấu lạ Cana một ý nghĩa cánh chung: cả hai thuật ngữ quy hướng về những biến cố cuối đời của Đấng Cứu thế, về cuộc Khổ Nạn quang vinh của Người.
Yếu tố "rượu" cũng có một vai trò trong chiều hướng cánh chung này. Chúng ta nói rằng "rượu" tượng trưng cho Sự Thật Phúc Âm đã được Đức Giêsu rao giảng, và đã nhập thể nơi chính bản thân Ngôi Lời nhập thể. Thế nhưng lời cuối cùng của sứ điệp này, nghĩa là việc mạc khải hoàn toàn về chân tính của Đức Kitô, chỉ nên rõ khi Đức Giêsu đi qua thế gian này mà về với Cha Người (x. Ga 13,1). "Vào ngày ấy", các môn đệ biết rằng Đức Giêsu bằng Cha Người trong thần tính (14,20a; x. 10,31-33; 5,18), và Người liên kết họ với Người trong sự hiệp thông với Cha Người (14,20b). Đây là ngày xảy ra Giao Ước Mới được ký kết giữa Thiên Chúa và loài người để tiếp nối và hoàn tất Giao Ước cũ.
Sau Phục Sinh, Tôma nhận biết Đức Giêsu là "Đức Chúa và Thiên Chúa" của ông (20,28); nơi Người, được thực hiện lời hứa thường được các Ngôn sứ nhắc lại: "Các ngươi sẽ là dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".
Trong thời của mầu nhiệm Phục Sinh ấy, Mạc khải không còn được truyền đạt bằng dụ ngôn hoặc hình ảnh nữa (16,25). Nay đã được Thánh Thần hướng dẫn (16,13-14), các môn đệ không còn dám hỏi: "Người là ai?" nữa (21,12; x. 16,23). Kể từ nay, các ông biết Người là "Đức Chúa, Kyrios" (21,12).
Lời Phúc Âm (được tượng trưng bằng rượu Cana) nay rực sáng lên nơi Đức Kitô quang vinh.
- Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo (5b): Có lẽ Đức Maria không hiểu những lời Đức Giêsu nói. Mẹ cũng giống như những người khác trong TM IV, ở tại một bình diện hết sức cách biệt với Đức Giêsu. Tuy nhiên, Mẹ vẫn cứ hoàn toàn ký thác cho ý muốn của Con và chuyển thông cho những người giúp việc chính lòng tin của Mẹ đang mở ra với vô định.
- Mỗi chum chứa được khoảng hai hoặc ba thùng (6. NTT): Một metrêtês (mesure) khoảng 40 lít (Hp: êpah, éphah).
- Người quản tiệc... không biết rượu từ đâu ra (9c): Dọc theo TM IV, ý tưởng này: 'không biết nguồn gốc Đức Giêsu và Vương quốc của Người (x. 18,36)' tái xuất hiện dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn: 3,8; 4,10; 6,41; 9,29.30; 7,26-27 (x. 19,9).
Đức Giêsu vén mở cho thấy mầu nhiệm bản thân Người khi xảy ra biến cố Khổ Nạn–Chết–Sống lại (x. Ga 7,33-35; 8,21-23; 23,36; 16,5.28). Đây sẽ là một mạc khải vĩ đại có sức soi sáng các tín hữu và làm cho những kẻ không tin phải bẽ mặt (1,51; 2,18-19; 3,11-15; 5,17.20; 6,62; 8,28; 12,32; 14,19-20).
- Còn gia nhân đã múc nước thì biết (9d): Câu này không chỉ là một ghi nhận về sự kiện. Các "gia nhân" là những người đã vâng theo lệnh Đức Kitô, theo lời mời của Đức Maria (cc. 7-9).
Sự vâng phục chính xác của các gia nhân khiến chúng ta nhớ lại lời Đức Giêsu đã hứa cho người giữ các điều răn của Người (14,21). Như vậy, Đức Giêsu tỏ mình ra cho ai yêu mến Người bằng cách đưa Lời Người ra thực hành. Người sẽ cùng với Chúa Cha đến lập cư nơi người ấy (14,23). Ai yêu mến Đức Kitô là gia nhân đích thật của Người, Chúa Cha sẽ "quý trọng" (tôn vinh) kẻ ấy (12,26).
Ba thành ngữ sau đây liên hệ với nhau: "phục vụ Đức Kitô – Vâng theo Lời Người – Đức Kitô tỏ mình ra". Ai "phục vụ" Đức Giêsu, "vâng theo điều răn của Người" (và ngược lại), Đức Kitô sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Gia nhân ở Cana đã chứng nghiệm điều trên rõ ràng. Họ được biết "rượu ngon" (= một phương diện của thực tại Đức Kitô) "từ đâu đến", chính là vì họ đã vâng lời Đức Giêsu mà múc nước đổ đầy các chum. Thánh Gioan có nói: "Căn cứ vào điều này chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người" (1 Ga 2,3).
Trong TM IV, hai viễn tượng lịch sử và thần học thường lồng vào nhau. Như vậy, các câu 7c, 8d, 9d đã giới thiệu các "gia nhân" ở Cana như là điển hình cho đời "phục vụ–vâng lời" mà Đức Kitô đòi hỏi trong Giao Ước mới (x. Ga 13,34; 15,14).
- ông gọi tân lang lại và nói...(9e-10a): Câu này khiến chúng ta nghĩ rằng có một tân lang khác, tân lang đích thật, đang chủ trì tiệc cưới: đó là Đức Giêsu. Bởi vì chính Người đã giữ rượu ngon lại "cho đến mãi bây giờ".
Trong TM Ga (3,25-30), Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Giêsu như là Tân Lang vẫn được mong đợi, và tuyên bố rằng, khi đối diện với Đức Kitô, vai trò của ông là làm "bạn của tân lang" (c. 29), người lo mọi công việc chuẩn bị cho lễ cưới (x. "được sai đi trước": c. 28; làm chứng cho Đức Giêsu: c. 26; x. 1,31). Nay Tân Lang đã đến và có cô dâu (3,29), đó là các môn đệ; còn Gioan thì vui sướng được nghe tiếng Người (c. 29) rồi rút lui vào bóng tối (c. 30).
Sách Khải huyền cũng ca tụng lễ cưới của Chiên Con với Giêrusalem mới (19,7-8; 21,2).
Vì tác giả TM trình bày Dấu lạ Cana phỏng theo những truyền thống về Núi Sinai, ta có thể nhớ rằng Giao Ước Sinai đã được trình bày dưới biểu tượng hôn lễ kể từ nền văn chương ngôn sứ (x. Hs 2,16-25; Is 50,1; 54,4-8; 62,4-5; Gr 2,1-2; 3,1-13...). Trong khối Tân Ước có trước Ga, ta có thể kể ra: Mt 22,1-14; 25,1-13 (Các dụ ngôn về Nước Trời như tiệc cưới); Mc 2,18-20 (Đức Giêsu tự giới thiệu như là "Chàng Rể"); 2 Cr 11,2; Ep 5,25-33 (Đức Kitô-Hôn Phu và Giáo Hội-Hiền Thê).
Loại hình ảnh biểu tượng này được dùng rất phổ biến trong truyền thống Do Thái giáo. Chính thánh Âutinh đã viết: "Hôn phu (chú rể) của tiệc cưới ấy là hình ảnh của Đức Chúa hiện thân...".
- Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này (11a): Nhiều nhà chú giải (C.K. Barrett; Olsson) ghi chú rằng tác giả TM coi phép lạ Cana không những như là dấu lạ "đầu tiên", mà còn như điển hình của các dấu lạ Đức Giêsu đã thực hiện. Bởi vì Người đã viết: "Tautên epoiêsan archên tên sêmeiôn Iêsous..." (NAB: Jesus did this as the beginning of his signs; TOB: Tel fut... le commencement des signes de Jésus; NTT: Dấu lạ đầu hết này, Đức Giêsu đã làm...). Từ ngữ archê (khởi đầu, bắt đầu) gây ra một số khó khăn; vì thế người ta đã đưa vào những dị bản, chẳng hạn prôtên (= thứ nhất).
Dường như trong Ga, từ archê không có nghĩa là khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, như trong Lc (3,23; Cv 10,37), cũng không phải là lời rao giảng của Gioan Tiền Hô trong hoang địa (Mc 1,1), thậm chí cũng không phải là lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51). Nhưng từ ấy có nghĩa là khoảnh khắc chính xác mà Đức Giêsu bắt đầu tỏ mình ra cho các môn đệ (x. Ga 15,27; 16,4; 1 Ga 1,1-3). Vậy việc mạc khải tiệm tiến của Đức Giêsu khởi sự tại Cana miền Galilê, và được tiếp tục dọc theo sách Tin Mừng (x. Ignace de la Potterie). Origiênê gọi dấu lạ Cana là "prohêgoumenon sêmeion", một dấu chỉ "ưu việt". Zerwick & Grosvenor giải thích: "such was the first of the signs that Jesus did; Jesus did this as his initial sign".
Vậy rượu mới ở Cana không chỉ là "dấu lạ đầu tiên", mà cũng còn là "điển hình", "nguyên mẫu" (archétype) của những dấu lạ khác. Cũng như dấu lạ Cana, các dấu lạ tiếp sau đều nhắm "bày tỏ" vinh quang của Đức Giêsu và khơi lên niềm tin vào Người. Chúng chuẩn bị cho dấu lạ của "ngày thứ ba", của "Giờ của Đức Giêsu", nghĩa là cái chết và sự sống lại, được coi vừa như dấu ấn vừa như đỉnh cao của toàn thể hoạt động cứu chuộc của Người.
- và bày tỏ vinh quang của Người (11b): Động từ "bày tỏ" (HL. phaneroô; manifester; make clear/visible, show) cũng là động từ tiêu biểu của từ vựng Ga. Tác giả ưu tiên dùng động từ này để nói về "mạc khải" (x. Ga 1,31; 2,11; 3,21; 7,4; 9,3; 17,6; 21,1; 1 Ga 1,2; 2,19; 3,2; 4,9).
Còn ý nghĩa của từ "vinh quang" (HL. doxa) được rút từ Cựu Ước. Theo nghĩa đen, từ Híp-ri kabôd hàm chứa một ý tưởng về "trọng lượng" (động từ kabêd: cân nặng). Theo nghĩa bóng, từ này có nghĩa là "trọng (quan trọng, trọng đại)", nghĩa là "giá trị", "tầm quan trọng" của một hữu thể, "sự tôn kính" mà hữu thể ấy gợi ra; tóm, là "bản tính", "bản lĩnh (nhân cách)" của kẻ ấy, dù kẻ ấy là ai.
Thế mà trong truyền thống Cựu Ước, Đức Chúa (Yhwh) mạc khải "vinh quang" của Ngài ra bằng những biểu lộ bên ngoài của chính bản thân Ngài, nghĩa là xuyên qua "những việc vĩ đại", "những việc kỳ diệu" (= phép lạ) được thực hiện trong cuộc Tạo dựng và trong Lịch sử Dân Ngài (x. Tv 19/18B,2; Ds 14,21.22; Xh 14,18; 16,7; 24,25t; 29,43; 40,34; 1 V 8,10t...). Con người có thể hiểu rõ hơn Đức Chúa là ai hoặc "vinh quang" của Ngài là thế nào, khi suy nghĩ về sự tỏa rạng của bản thân Ngài trong công cuộc tạo dựng và trong lịch sử Dân Thiên Chúa tuyển chọn.
Tại Cana, Đức Giêsu làm dấu lạ đầu tiên như một biểu lộ đầu tiên về "vinh quang" của Người, một khởi đầu cho công cuộc mạc khải về mầu nhiệm bản thân Người. Các tông đồ có hiểu gì chăng?
* Trước Phục Sinh, và chính xác hơn, vào ngay ngày các môn đệ được chứng kiến dấu lạ Cana, dĩ nhiên các ông không thể hiểu thấu bí mật sâu xa của chân tính Đức Kitô. Các ông không thể nắm được tính siêu việt của chân tính này. Cứ cho đi là niềm tin của các ông được khơi lên bởi một phép lạ–dấu chỉ, thì muốn hợp lý, nên suy ra là cũng như đối với Nathanaen, niềm tin ấy có đối tượng là tư cách Mêsia của Đức Giêsu (x. Ga 1,47-50; rồi 7,31; 10,41-42; 12,37-42).
* Sau Phục Sinh, Hội Thánh được soi sáng trọn vẹn về mầu nhiệm Đức Giêsu. Thế là khi nhớ lại những gì đã xảy ra tại Cana, tác giả Gioan (cũng như toàn thể cộng đồng Kitô hữu) đã hiểu rằng, ngay ở dấu lạ đầu tiên này, Đức Giêsu đã bắt đầu tự mạc khải ra như "Hôn Phu thần linh của tiệc cưới thiên sai", tiệc cưới của Giao Ước mới, trong đó sẽ được chứng thực "ngày thứ ba" của Phục Sinh, khi "Giờ của Đức Giêsu"đã đến (x. Ga 14,20).
Phụng Vụ lễ Hiển Linh chú giải thật đúng hình ảnh biểu tượng mang tính ngôn sứ của Cana, khi hát lên Điệp ca của Thánh ca Benedictus: "Tân Nương là Giáo Hội, ngày hôm nay được phối hiệp cùng Đức Kitô, vị Lang Quân thống trị Nước Trời... Nước hóa rượu ngon, làm vui lòng thực khách".
- Các môn đệ đã tin vào Người (11c): Trong TM IV, đề tài "đức tin" là đề tài căn bản. Động từ "tin" (HL. pisteuô có 3 cách dùng:
- tin "ai" (HL. pisteuein tini) nghĩa là chấp nhận lời người ấy là thật: 2,22; 4,21-50; 1 Ga 3,23;
- tin "vào ai" (HL. pisteuein eis tina) hàm ý gắn bó với người ấy: 2,11; 3,16.18.36; 4,39;
- tin "vào danh ai" (HL. pisteuein eis to onoma tinos): đây là cách diễn tả hoàn hảo nhất về đức tin.
Tác giả Gioan là người duy nhất đã dùng cách này trong Tân Ước (1,12; 2,23; 3,18; 1 Ga 5,13). Đây là sự gắn bó với một người theo nội dung của tên người ấy. "Tin vào danh Con Một Thiên Chúa" (Ga 3,18) có nghĩa là tin vào Đức Kitô trong tư cách là "Con Một Thiên Chúa".
- Sau đó (meta touto...) (12a): Một vài tác giả (J.H. Bernard; A. Feuillet) có lý mà cho rằng, trong ngôn ngữ Ga, công thức meta touto (= sau việc ấy; après quoi) có ý nhắm tạo ra một liên hệ lô-gích giữa những gì đi trước và những gì tiếp sau, y như thể đoạn sau là một hậu quả hoặc một minh họa mới của đoạn trước. Tác giả đã dùng 4 lần, luôn luôn trong quan hệ với Đức Giêsu (Ga 2,12; 11,7-11; 19,28). Ý nghĩa rất gần với ý nghĩa của "tauta (hoặc touto) eipôn" (= "khi đã nói những điều ấy xong"; hoặc: "sau khi đã nói những điều ấy") (Ga 7,9; 9,6; 11,18.43; 13,21; 18,1; 20,20-22).
Còn thuật ngữ meta tauta (= sau các biến cố ấy) thì khác: nó chỉ đóng vai trò chuyển mạch về văn chương thôi, một chuyển mạch không xác định, giữa hai đoạn (Ga 3,22; 5,1.14; 6,1; 7,1; 13,7; 19,38; 21,1).
Vậy, tương quan giữa 2,1-11 và 2,12 là thế nào? Phần tiếp của c. 12 sẽ cho thấy.
- Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum (12bc): Ở đầu bài tường thuật, Đức Trinh Nữ Maria ở một bên, Đức Giêsu và các môn đệ ở một bên, như là hai nhóm đến dự tiệc cưới theo những nẻo đường khác nhau. Nhưng đến cuối bài, Đức Trinh Nữ, các anh em và các môn đệ Đức Giêsu xuất hiện ra như một nhóm duy nhất siết chặt quanh Người. Chắc hẳn tác giả muốn nói rằng họ đã xích lại gần nhau nhờ niềm tin vào Đức Giêsu, mà Đức Trinh Nữ (c. 5) và các môn đệ (c. 11) đã chứng tỏ. Hơn nữa, trên bình diện đức tin, không có khác biệt giữa bà con họ hàng (thân mẫu và các anh em) và các môn đệ.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Phần tường thuật (1-3):
Chi tiết thời gian "ngày thứ ba" đánh dấu tuần lễ khai mạc hoạt động của Đức Giêsu; nhưng chi tiết này cũng nhắc lại những sự kiện lớn thuộc lịch sử cứu độ xảy ra vào ngày thứ ba: Đức Chúa tỏ mình ra cho Dân Ngài vào ngày thứ ba trên núi Sinai (Xh 19,10-11; x. 19,16). Nhưng dựa vào Hs 6,2, chi tiết "ngày thứ ba" còn có liên hệ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu ("theo lời Kinh Thánh": Lc 24,46 và 1 Cr 15,4). Có thể nói tác giả Ga minh nhiên thiết lập quan hệ giữa "ngày thứ ba" và "sự chết–sự sống lại" của Đức Giêsu (x. 2,19-22). Trong TM IV, công thức "ngày thứ ba" cũng liên hệ với "Giờ của Đức Giêsu" (x. 2,1-4): đây là kiểu nói để gọi ba biến cố Khổ Nạn – Chết – Sống Lại của Đấng Cứu thế, coi như một thực tại duy nhất (x. 2,4; 7,30; 8,20; 13,1...).
"Tại Cana miền Galilê" (1a và 11a): Đây là một chi tiết địa lý, nhưng hẳn cũng có một lý do thần học. Những người Pharisêu hỏi Nicôđêmô: "Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả!" (7,52). Đấy là điều người ta gọi là "sự mỉa mai thần học của Tin Mừng IV": Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng không thể có một ngôn sứ xuất thân từ miền Galilê; thế mà, bây giờ tại Cana miền Galilê, lại xảy ra cuộc tỏ mình đầu tiên của Vị Ngôn sứ siêu đẳng, Đức Giêsu Nadarét, Đấng được nói đến trong Luật Môsê và các Ngôn sứ (Ga 1,45). Vị Ngôn sứ cánh chung (x. Ga 6,14) xuất thân từ Nadarét, một thôn làng mà người ta cho rằng không thể có gì tốt phát sinh từ đó được (Ga 1,46).
Theo tập tục thời ấy, một đám cưới kéo dài từ ba ngày đến một tuần. Thân mẫu Đức Giêsu có đến dự: tác giả không gọi tên bà ra, tương tự như ở 19,25-27: Rõ ràng tác giả quan tâm đến vai trò của Đức Trinh Nữ được diễn tả ra bằng các danh hiệu "thân mẫu Đức Giêsu" và "bà" hơn là đến tên thật của bà. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh – Do Thái giáo, Dân Israel thường được hình dung như một "phụ nữ" (x. Is 52,2; Dcr 9,9). Do đó, ta có thể hiểu lý do khiến Đức Giêsu nói với thân mẫu như thế ("Thưa bà"): Đức Giêsu coi thân mẫu chính là hiện thân Dân Israel đã tới thời viên mãn. Ta có thể nói rằng từ ngữ "bà" trong TM Ga tương ứng với hình ảnh "thiếu nữ Sion" được TM Lc gán cho Đức Maria (Lc 1,28; x. Dcr 2,14).
Tác giả TM ghi nhận là sự cố đầu tiên khởi đầu hoạt động công khai của Đức Giêsu là một tiệc cưới. Ngoài việc ghi lại một sự kiện, hẳn tác giả muốn vận dụng hình ảnh "tiệc cưới" nhằm nhắc lại giao ước của Thiên Chúa với Dân Ngài, và đặc biệt gợi tới sự thể hiện cánh chung, khi Thiên Chúa ký kết giao ước với toàn thể nhân loại. Sâu sắc hơn nữa, hình ảnh lễ cưới nhắc lại giao ước của Đấng Mêsia với Dân Người (x. Hs 2,16-25).
Đang giữa tiệc cưới thì hết rượu...
* Các đối thoại (4-8)
(1) Thân mẫu Đức Giêsu và Đức Giêsu
Thân mẫu Người nói: "Họ hết rượu rồi" (3). Có lẽ nên thấy đây là một lời thỉnh cầu kín đáo và tin tưởng Đức Maria bày tỏ với Con. Quả vậy, lời Đức Maria nói với gia nhân (c. 5) cho thấy rằng bà có xin Đức Giêsu một điều gì đó. Chỉ có điều là bản văn không đủ rõ để có thể kết luận rằng Đức Maria đã xin một phép lạ (x. Ga 4,47; 11,3.21-22). Nhưng phải trợ giúp thế nào thì bà cũng không rõ. Bà không xin rõ ràng một phép lạ. Có lẽ bà có biết sứ mạng thiên sai của Con mình; nhưng bà có thể chờ đợi phép lạ như chuyện hết sức tự nhiên chăng? Vả lại, hẳn là quá đáng nếu Đức Maria dám xin một phép lạ, lại là phép lạ đầu tiên, để chỉ kéo dài một lễ hội trong làng? Có lẽ ở đây, với tấm lòng vừa đầy sự chú tâm ân cần vừa đầy cảm thương của người phụ nữ, Đức Maria đã kêu đến Đức Giêsu, mà mơ hồ hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ làm "một điều gì đó", rằng Người sẽ can thiệp cách nào đó, mà Mẹ cũng chẳng biết thế nào cả.
Bằng câu nói "Chuyện đó can gì đến bà và con?" (4), Đức Giêsu từ chối không làm "phép lạ" mà Người gán cho Thân mẫu là có ý xin. Nhưng Đức Giêsu lại liên kết điều Thân mẫu xin (cho có rượu) với thuật ngữ "Giờ" khiến độc giả ngờ ngợ là ở đây có những biểu tượng.
"Giờ" của Đức Giêsu là Giờ Khổ Nạn–Phục Sinh, là khoảnh khắc tối hậu trong đó Đức Giêsu tỏ mình ra; còn rượu, theo truyền thống Do Thái giáo và các Giáo Phụ (vd: thánh Âutinh), tượng trưng cho Lời mạc khải, Tin Mừng của Người, là Luật mới sẽ được tỏ lộ trọn vẹn khi đến "Giờ" Người đi qua thế gian này mà về với Cha Người (x. Ga 13,1). Thân mẫu Người nói về rượu vật chất, còn Đức Giêsu lại nói tới rượu thiêng liêng, biểu tượng của Lời mạc khải của Người, sẽ được ban trọn khi tới Giờ Khổ Nạn–Phục Sinh. Đức Giêsu đã chuyển đi từ bình diện các thực tại vật chất sang bình diện những thực tại thiêng liêng, được tượng trưng bởi những thực tại vật chất (như chẳng hạn, Đền Thờ: 2,19-22; tái sinh: 3,4; nước: 4,13-14; thức ăn: 4,31-34; bánh: 6,26-27; giấc ngủ: 11,11-14).
Thân mẫu nói về rượu vật chất, còn Đức Giêsu lại nói tới rượu thiêng liêng, biểu tượng của Lời mạc khải của Người, sẽ được ban trọn khi tới Giờ Khổ Nạn–Phục Sinh. Đó là điểm khác biêt giữa Đức Giêsu và Thân mẫu Người. Nói cách khác, Đức Giêsu đã chuyển đi từ bình diện các thực tại vật chất sang bình diện những thực tại thiêng liêng, được tượng trưng bởi những thực tại vật chất. Đây là một đặc điểm của lời Đức Giêsu rao giảng, mà TM IV minh họa rõ ràng (Đền Thờ: 2,19-22; tái sinh: 3,4; nước: 4,13-14; thức ăn: 4,31-34; bánh: 6,26-27; giấc ngủ: 11,11-14).
Thật ra, tác giả không nói rõ ràng ý nghĩa của "rượu" (x. ngược lại Ga 2,21; 7,39), nhưng ngài có gợi ý để ta coi "rượu" là biểu tượng của Lời Đức Kitô, của Mạc khải, của Luật mới mà Đức Giêsu mang lại, của Tin Mừng của Người.
Đây không phải là một cách giải thích mới. Nhiều Giáo Phụ đã coi "nước" trong các chum ở Cana là hình ảnh của Lề Luật và các Ngôn sứ, được Đức Giêsu biến đổi bằng Tin Mừng của Người. Thánh Âutinh đã viết: "Đức Kitô đã giữ rượu tốt nhất lại cho đến bây giờ, điều ấy có nghĩa là Tin Mừng của Người". Trong số các nhà chú giải hiện đại, Bultmann khẳng định: "Rượu không liên hệ tới một ơn nào của Đức Kitô nói riêng, nhưng đúng hơn tới ơn là chính Đức Giêsu, trong toàn vẹn bản thân của Người, tới Đức Giêsu trong tư cách là Đấng mạc khải...".
Trong thực tế, Cựu Ước, truyền thống Do Thái giáo cũng như chính văn cảnh của TM Ga cung cấp cho chúng ta nhiều ánh sáng.
Chuỗi những ngày khai mạc sứ mạng ngôn sứ của Đức Giêsu, là một phương tiện văn chương để phục vụ một ý tưởng thần học. Cuộc thần hiển ở Sinai và những ngày trước đó (theo truyền thống Do Thái giáo) là mẫu cho đoạn văn Ga (1,19–2,12). Theo một chiều hướng Kitô học, tác giả chú giải lại tuần lễ với đỉnh điểm là việc Thiên Chúa ban Torah tại Sinai, vào "ngày thứ ba".
"Ngày thứ ba" của Cana tương ứng hoàn toàn với "ngày thứ ba"của Sinai. Cũng như ở Sinai, Thiên Chúa đã bày tỏ vinh quang của Ngài khi ban Torah vào "ngày thứ ba", thì ở Cana, Đức Giêsu đã bày tỏ vinh quang của Người khi ban một thứ rượu ngon hơn cũng vào "ngày thứ ba"; rượu này tượng trưng cho sứ điệp Mạc khải của Người. Động từ "giữ" ("giữ rượu") cũng là động từ tiêu biểu của truyền thống Ga khi nói về Lời – Điều răn của Đức Giêsu. Đàng khác, các chum đựng nước thanh tẩy theo tập tục Do Thái tượng trưng Luật Môsê bất toàn (chỉ có sáu chum), giờ đây đựng rượu tuyệt hảo, có thể giải thích đó là Tin Mừng, là Lời của Đức Kitô: Người "thanh tẩy" con người bằng Lời Sự Thật của Người. Đức Giêsu cho thấy Luật của Người có sự hoàn hảo khi bảo tôi tớ đổ các chum "đầy tới miệng" (c. 7).
Tương quan giữa Luật Môsê và Lời Đức Giêsu được diễn tả tuyệt vời bằng hai loại rượu được dọn tại Cana. Một loại được tân lang phàm tục dọn, thì vừa bị thiếu (c. 3). Nhưng có một thứ rượu khác được cống hiến bởi Tân Lang đích thực là Đức Giêsu (x. chú giải cc. 9e-10a). Thứ rượu ấy, người quản tiệc đã không ngần ngại tuyên bố là "ngon (tốt)" (HL. kalœn), trong khi thứ rượu đầu có một phẩm chất kém hơn (c. 10; HL. to elassœ).
Tóm lại, rượu mới Cana, được giữ lại "cho đến mãi bây giờ" (c. 10), là dấu chỉ cho thấy thời đại thiên sai đã bắt đầu. Tác giả Ga sử dụng 4 lần thuật ngữ "cho đến bây giờ" (HL. [h]eœs arti; 2,10; 5,17; 16,24; 1 Ga 2,8-9). Bằng kiểu nói ấy, tác giả muốn ám chỉ tất cả các chặng của Lịch sử cứu độ, là những chặng đi trước và chuẩn bị cho hoạt động của Đức Giêsu. Thời cánh chung đã đến khi Đức Kitô xuất hiện.
Trong các lễ cưới nhân loại, rượu ngon được đãi trước. Trong lễ cưới của Thiên Chúa với Dân Ngài, rượu ngon lại được đãi sau cùng, Đức Giêsu là sự hoàn hảo, là ân ban tối hậu (x. Ga 4,10).
(2) Thân mẫu Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn
Dù bị Đức Giêsu từ chối, dù không hiểu các ý định của Con, Mẹ vẫn cứ hoàn toàn ký thác cho ý muốn của Con và chuyển thông cho những người giúp việc chính lòng tin của Mẹ đang mở ra với vô định: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (c. 5b). Câu này khiến ta nghĩ đến lời của Pharaô: "Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo" (St 41,55). Chúng ta còn nghĩ đến các câu nói của các vị trung gian trong Cựu Ước nói lên lập trường của mình để mời gọi toàn dân chọn Đức Chúa: Tùy hoàn cảnh, vị trung gian ấy có thể là một vị ngôn sứ (Er 19,3-8; 24,3-8 [Môsê]; Gr 42-43,4 [Giêrêmia]), một vị vua (2 V 23,1-3 [Giôsigiahu]; 2 Sb 15,9-15 [Axa]), một thủ lãnh (Gs 1; 24,1-28 [Giôsuê]; Nkm 5,1-13 [Nơkhêmia]; 1 Mcb 13,1-9 [Simôn]), một tư tế (Er 10,10-12 [Étra]), một thiên thần (Lc 1,26-28 [Gabriel]). Vị này đóng vai trò sứ giả giữa Đức Chúa và các anh em mình (Dnl 5,5). Vị này mời gọi chọn lựa, nhưng bắt đầu bằng việc nhận lấy cho mình những yêu cầu của Đấng mà Người đại diện, để làm gương (x. Gs 24,15; Nkm 5,10). Do bản văn Cana gần với bản văn Sinai, chúng ta thấy Thân Mẫu Đức Giêsu có vai trò như Môsê (so sánh Ga 1,3-5 với Dnl 5,5), để rồi tại Sinai, ân ban Lề Luật đã được trao tặng sau khi Dân đã tuyên xưng đức tin; và tại Cana, ân ban rượu mới (biểu tượng của Luật mới được Đức Giêsu mang đến) đã được báo trước và tạo cơ hội cho xảy ra nhờ đức tin của Đức Maria được thông truyền cho các gia nhân.
Bản văn có một chỗ cắt ngang sau lời khuyên của Đức Maria ("Người bảo gì, các anh cứ làm theo"), để tháp vào một đoạn mô tả giúp hiểu những gì xảy ra sau đó: "Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước" (c. 6). Đoạn văn này cung cấp cho độc giả hai thông tin: a) khối lượng nước khá lớn; b) nghi thức thanh tẩy của người Do Thái. Với hai thông tin này, độc giả sẵn sàng để hiểu khá hơn những gì sẽ xảy đến.
(3) Đức Giêsu và các kẻ hầu bàn
Đức Giêsu đã bảo những người hầu bàn hai câu: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi" và: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc" (c. 7). Các gia nhân không nói một lời, họ vâng lời thật chính xác, họ "giữ" đúng các lời Đức Giêsu truyền. Trước tiên, họ "làm đầy", đưa đến mức hoàn hảo, những gì còn vơi, những gì chưa hoàn hảo, trong truyền thống cũ. Kế đó, họ múc nước từ những chum đá (tượng trưng Luật cũ bất toàn) đưa cho ông quản tiệc để được chứng thực (nước đã hóa thành rượu hảo hạng). Đấy chính là dấu lạ.
* Phần tường thuật (9-11)
Khi nếm nước đã biến thành rượu, "người quản tiệc... không biết rượu từ đâu ra (c. 9c)", vì ông khơng "làm" các lời Đức Giêsu truyền, ông không "giữ" lời Người. Nhưng "còn gia nhân đã múc nước thì biết" (c. 9d), bởi vì họ đã vâng theo lệnh Đức Kitô, theo lời mời của Đức Maria (cc. 7-9). Sự vâng phục chính xác của các gia nhân khiến chúng ta nhớ lại lời Đức Giêsu đã hứa: "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" (14,21; x. 14,23; 12,26).
"Người quản tiệc mới gọi tân lang lại và nói..." (cc. 9e-10a): Câu này khiến chúng ta nghĩ rằng có một tân lang khác, tân lang đích thật, đang chủ trì tiệc cưới: đó là Đức Giêsu. Bởi vì chính Người đã giữ rượu ngon lại "cho đến mãi bây giờ". Trong TM IV (3,25-30), Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Giêsu như là Tân Lang vẫn được mong đợi, và tuyên bố rằng, khi đối diện với Đức Kitô, vai trò của ông là làm "bạn của tân lang" (c. 29), người lo mọi công việc chuẩn bị cho lễ cưới (x. "được sai đi trước": c. 28; làm chứng cho Đức Giêsu: c. 26; x. 1,31). Nay, Tân Lang đã đến và có cô dâu (3,29), đó là các môn đệ; còn Gioan thì vui sướng được nghe tiếng Người (c. 29) rồi rút lui vào bóng tối (c. 30). Xem thêm Kh 19,7-8; 21,2.
Và tác giả kết luận: "Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này" (c. 11a): Rượu mới ở Cana không chỉ là "dấu lạ đầu tiên", mà cũng còn là "điển hình", "nguyên mẫu" (archétype) của những dấu lạ khác. Cũng như dấu lạ Cana, các dấu lạ tiếp sau đều nhắm "bày tỏ" vinh quang của Đức Giêsu và khơi lên niềm tin vào Người. Chúng chuẩn bị cho dấu lạ của "ngày thứ ba", của "Giờ của Đức Giêsu", nghĩa là cái chết và sự sống lại, được coi vừa như dấu ấn vừa như đỉnh cao của toàn thể hoạt động cứu chuộc của Người. "Các môn đệ đã tin vào Người" (c. 11c), nghĩa là gắn bó với Người ấy, trong khi chờ đợi một ngày nào đó sẽ tin "vào danh Người", nghĩa là tin vào Đức Kitô trong tư cách là "Con Một Thiên Chúa".
"Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày" (c. 12). Câu này là câu chuyển tiếp [nói về thời gian và không gian] đưa sang đoạn sau.
+ Kết luận
Được mời đến Cana dự tiệc cưới, Đức Giêsu đã đến trong tư cách người bạn, có các môn đệ cùng đi theo. Thân mẫu Người cũng được mời dự tiệc. Tại đây, Người đã thực hiện "dấu lạ đầu tiên": biến nước thành rượu ngon để cứu chữa một đám cưới. Đối với tác giả Gioan, người đã viết trong Lời Tựa của Tin Mừng: "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời" (Ga 1,1), thì "khởi đầu các dấu lạ" này, nghĩa là các việc kỳ diệu có chức năng chứng thực cho tư cách Mêsia của Người, chính là cách tỏ bày trong thời gian vinh quang vĩnh cửu của Người. Tác giả ghi lại "dấu lạ" này để chúng ta tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa và để chúng ta tin chúng ta có sự sống đời đời nhờ danh Người (x. Ga 20,30-31).
5.- Gợi ý suy niệm
1. Rõ ràng là dấu chỉ tiệc cưới, nếu một đàng phong phú ý nghĩa, thì đàng khác cũng rất dị nghĩa. Tiệc cưới, dấu chỉ tự nhiên của niềm vui và niềm hân hoan, bị đe dọa bởi nỗi buồn do hết rượu. Giao ước giữa người nam và người nữ tự nó rất mỏng giòn, và cũng như mọi thực tại dưới ánh mặt trời, nó bị đe dọa bởi bạo chúa khắc nghiệt là sự chết. Tiệc cưới vẫn là một biểu tượng tích cực: nó gợi tới tình yêu, sự chung thủy, sự phong nhiêu, sự sống. Nhưng nó cũng bị đe dọa bởi nỗi buồn, sự thất trung, sự đau khổ. Bản văn Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng Đức Kitô ban rượu chan hòa niềm vui, dấu chỉ của giao ước vĩnh cửu được Người thiết lập. Người biến nước của giao ước cũ, giao ước theo chữ viết, thành rượu ân sủng, rượu Thánh Thần.
2. Rượu là dấu chỉ của niềm vui của Tin Mừng, của tình yêu, của Thánh Thần, của sinh lực mới tuôn trào ra từ sức mạnh của Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui sẽ đưa lễ cưới khỏi nỗi buồn, khỏi sự chán chường do Lề Luật. Và rượu vừa chan hòa vừa hảo hạng. Đời Kitô hữu không bao giờ thiếu rượu là phúc lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, có ai trong chúng ta dám nghĩ rằng mình đã sống được ngang tầm với phúc lành của Thiên Chúa? Ai dám nói rằng tính ích kỷ không bao giờ lấn lướt tình yêu nơi mình? Ai lại không bị thương tích ngày qua ngày do tội lỗi? Do đó, sự trung thành là một ơn ta phải hết lòng cầu xin. Chính ân huệ dồi dào Thiên Chúa ban giúp ta thắng vượt nỗi lo sợ về các giới hạn của đời sống chúng ta. Chúng ta bị dính cứng vào mặt đất, dễ mệt nhọc, bị đủ thứ sự dữ khống chế, chúng ta mỏng giòn và dễ bị tổn thương, nhưng niềm tin vào Chúa sẽ chiến thắng mọi sự dữ và ban cho chúng ta sự sống đời đời.
3. Có thể nói lời Đức Maria nói với gia nhân ở Cana là "di chúc thiêng liêng của Mẹ" (A. Serra), bởi vì đó là những lời nói cuối cùng của Mẹ được các tác giả Tin Mừng ghi lại. Đức Maria sẽ không nói nữa, nhưng Mẹ đã nói được điều chính yếu. Mẹ đâu có bổn phận mở cửa sổ khi Đức Kitô có vẻ muốn đóng các cửa ra vào! Trong tư cách là "Mẹ" của Hội Thánh, Mẹ cầu nguyện và chuyển cầu để con cái Mẹ thường xuyên mở lòng ra với các lời của Chúa Giêsu, những lời vừa nặng ý nghĩa vừa có sức giải phóng. Đấy là "những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,68).
Hôm nay, chúng ta là những gia nhân của các đám cưới, chúng ta có khôn ngoan đủ để đón nhận lời Mẹ đề nghị chăng?
4. Cha M. Thurian (+1996) đã viết: "Đến cuối bài tường thuật, Đức Maria và các môn đệ làm thành cộng đoàn thiên sai, hợp nhất trong niềm tin vào Con Thiên Chúa đến biểu lộ vinh quang của Người; đó chính là nòng cốt của Giáo Hội đang vây quanh Đức Chúa của mình, mà lắng nghe Lời Người và thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Đức Maria hiện diện với cộng đoàn Giáo Hội này và ta có thể tưởng tượng ra Đức Kitô đang nhìn nhóm vây quanh mình mà nói: 'Đây là Mẹ tôi và đây là anh em tôi; bất cứ ai thực hiện ý muốn của Cha tôi trên trời, thì người ấy là một người anh em, một người chị em, và một người mẹ đối với tôi' (x. Mt 12,49 và các bản văn song song)".



26. Chú giải của Noel Quesson.
Bài trình thuật tiệc cưới ở Cana được Gioan, một nhân chứng trực tiếp, kể lại. Điều đó bảo đảm sử tính của câu chuyện. Nhưng Gioan, cũng như các thánh sử khác trước hết không có ý định mô tả cho chúng ta một đám cưới làng quê vào thời kỳ ấy. Sự kiện lịch sử ấy được suy gẫm lâu dài trong năm, sáu mươi năm trở thành một cơ hội cho Gioan dạy giáo lý với tư cách một nhà thần học. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải cố vượt qua tính chất giai thoại của câu chuyện bước vào cách giải thích “tượng trưng" sâu xa: Sự kiện ấy là một “dấu chỉ”. Nó có một “ý nghĩ" ẩn giấu.
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê.
Khi Gioan viết những từ "ngày thứ ba" ấy thì trong ngôn ngữ của các Kitô hữu tiên khởi, đó là một lối diễn tả gần như là thuật ngữ và lập tức gợi lại "ngày vinh quang" của Đức Gỉêsu: Ngày sống lại (Mt 16,21 - 17,23 - 20,19; Lc 9,2-18 - 33-24, 7; Cv 10,40).
Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Trong phần đầu Tin Mừng của mình, Gioan chỉ nhắc đến Đức Maria trong trình thuật tiệc cưới ở Cana này và ở phần cuối Tin Mừng lúc Mẹ đứng dưới chân thánh giá...mà không cho biết tên Maria của Mẹ, nhưng chỉ xác định Mẹ trong mối quan hệ với Đức Giêsu... đó là "Mẹ Người "!
Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi." Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến"
Giờ của Đức Giêsu cũng là một cách diễn tả về cuộc khổ nạn (Ga 7,30 - 8,20 - 13,1 - 16,25 - 16,32). Đây là giờ độc nhất, một cách chính xác, đó là giờ Người được vinh quang: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh con bên Cha, xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian" (Ga 17,l-5). Giờ vinh quang của Đức Giêsu diễn ra trong ba giai đoạn: Đó là thập giá, Người được "nâng lên" về mặt thể xác và một cách tưởng tượng... đó là sự sống lại, Người được "nâng lên" bên hữu Chúa Cha... và đó là sự tuôn đổ của Thánh Linh cho các tín hữu... (Ga 3,14 - 8,28 - 12,32 - 17,11 - 17;13 - 17,39). Như thế, người thợ mộc ở Nadarét được mời tham dự tiệc cưới trong một ngôi làng nhỏ lân cận, cho chúng ta khám phá "hữu thể" sâu xa của Người, xuyên qua các lời nói và cử chỉ: Vinh quang của Thiên Chúa ở trên Người. Người nói rằng "Giờ của Người" chưa đến. Nhưng giờ ấy sẽ đến! Khi người ta mời ông Giêsu này đến dự tiệc cưới thì họ đã mời chính Thiên Chúa Tạo Hóa của tình yêu! Một mầu nhiệm ẩn giấu trong lòng của tình yêu đôi lứa.
Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."
Bề ngoài kiểu nói ấy xem ra tầm thường. Vả lại, đó chính là một trích dẫn từ Kinh Thành. “Toàn xứ Ai Cập bị đói và dân chúng kêu lên Pharaô xin bánh ăn. Pharaô nói với mọi người Ai Cập: "Cứ đến với ông Giuse, ông bảo gì, các ông hãy làm theo" (St 41,55). Vua Pharaô nhận biết Giuse có sự khôn ngoan của Thần Khí Thiên Chúa nên đã nhún mình trước mặt Giuse và đã chỉ cho những người nghèo khổ đói khát đến với Giuse như đến với một người có thể lấp đầy sự khốn khổ của họ.
Giờ đây, chính Đức Maria nhún mình trước con bà và chỉ định Người như nhân vật chính: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo". Ở đó, đang thiếu rượu... và có lẽ, nào ai biết được, "tình yêu' cũng thiếu... Cuộc vượt qua là sự ra khỏi nước Ai Cập. Nhưng cũng là sự giải phóng khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự chết: "Rượu thiếu tượng trưng cho mọi thiếu sót sâu xa của chúng ta. Có rất nhiều hoàn cảnh của con người, ở đó chúng ta "không thể còn làm được gì mọi sự đều thiếu sót, không còn giải pháp trong hoàn cảnh của chúng ta lúc đó... Thế thì phải trông cậy vào một người khác vào Đấng Hoàn Toàn Khác, Đấng duy nhất có thể cứu: “Người bảo gì các bạn cứ việc làm theo".
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết)
Không một chi tiết nào ở đây là bởi sự ngẫu nhiên.
Chúng ta thử hiểu một nửa chữ thôi...
"Sáu chum đá... Người xưa thường thích ý nghĩa tượng trưng của các con số. Bảy là con số của sự hoàn hảo. Bảy kém một là hình ảnh của sự bất toàn.
“Dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái nước dùng để tắm rửa trong việc phụng tự. Những chum đá ấy là dấu chỉ một tình trạng lạc hậu lỗi thời của các tập tục tôn giáo giờ đây đã bị vượt qua. Đức Giêsu đến thay đổi, hoàn tất tôn giáo của người Do Thái. Nước trở thành rượu!
"Họ đổ đầy tới miệng...". Dấu chỉ dư dật, phong phú, tràn đầy mọi ơn lành của Đấng Mêsia mà Đức Giêsu khởi đầu trong "dấu chỉ" đầu tiên này, quả thật là điên rồ và thái quá 600 lít rượu nho! Cả làng sẽ uống say sưa!
“Rượu”... Một biểu tượng xưa của Kinh Thánh (Tl 9,13; Thánh Vịnh 104,15.v...) Trái nho là một sản phẩm rất được ưa chuộng của đất đai: nó làm cho lan tỏa niềm vui và sự sảng khoái, nó làm cho phấn khởi lòng người". Các thời đại của Đấng Mêsia được loan báo bằng các hình ảnh bữa tiệc ở đó rượu chảy thừa mứa: "Đức Chúa sẽ mở tiệc cho mọi dân tộc, một bữa tiệc với thịt béo và rượu nồng"(Isaia 25,6; A-mốt 9,14.; Ôsê 2,16-15,5; Giôen 4,18; Giê-rê-mi-a 3 1., 12; Diễm ca 2,4 v.v...)
Vả lại chúng ta chớ bao giờ quên rằng Gioan viết Tin Mừng của Người khoảng năm mươi hoặc sáu mười năm sau biến cố Cana, vào một thời kỳ mà cộng đoàn Kitô hữu đã hội họp từ nhiều năm rối để dùng bữa ở đó một thứ "rượu'” mầu nhiệm được róc ra. Làm thế nào mà bữa ăn đầu tiên này của Đức Giêsu ở Cana lại không nhắc họ nhớ đến bữa ăn cuối cùng khi Đức Kitô đã biến rượu thành máu của Người... trong sự chờ đợi bữa tiệc quyết định mà Đức Giêsu đã loan báo: "Từ nay Thầy không còn uống thứ rượu nho này cho tới ngày Thầy sẽ uống rượu mới trong Vương quốc của Cha Thầy”.
Phúc thay cho những người được mời đến bàn tiệc của Thiên Chúa.
Mỗi lần bạn uống được rượu ngon, bạn hãy nghĩ về Thiên Chúa đã dùng rượu làm một "dấu chỉ" về Người. Thiên Chúa muốn mềm vui. Thiên Chúa không muốn chúng ta thiếu niềm vui, thiếu tình yêu, mỗi thánh lễ là một dấu chỉ về Người, một bí tích. Mỗi thánh lễ là máu của Đức Giêsu, dấu chỉ của tình yêu Người.
Ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”.
Sự lầm lẫn này có ý nghĩa biết bao: Khi lẫn lộn tân lang với Đức Giêsu, người quản tiệc đã lầm! Trong một vài dòng của Tin Mừng, Gioan Thánh sử sẽ nói rõ ràng rằng "tân lang" đích thực, chính là Đức Giêsu (Ga 3,29).
Chúng ta thấy ở đây điểm then chốt đem lại lời giải thích chủ yếu cho dấu chỉ Cana...". Đây là rượu của tiệc cưới mới, đây là chén của Giao ước mới trong máu ta". Những lời ấy chúng ta biết rõ thường lướt quá nhanh trong trí óc đã quen thuộc của chúng ta. Thánh lễ, mầu nhiệm của tình yêu!
Một truyền thống lâu dài và khả kính của Cựu ước đã giới thiệu Thiên Chúa như tân lang của nhân loại. Isaia trong bài đọc một của chúa nhật này vừa nói với chúng ta "sự ngỏ lời tình yêu” nóng bỏng như một đam mê của người si tình: "Người ta sẽ không còn gọi em "cô gái bị bỏ rơi" nhưng người ta sẽ gọi em là "cô gái được yêu thích", người ta sẽ gọi xứ sở của em là "Tân nương của Ta"... Như một thanh niên cưới một thiếu nữ làm vợ, Đấng đã xây dựng em, sẽ cưới em làm vợ. Như người vợ trẻ là niềm vui của chồng mình cũng thế, em sẽ là niềm vui của Thiên Chúa em" (Isaia 62,1-5; ô8ê 2?21; êdêkien 16,8). Toàn bộ Tân ước đã lấy lại hình ảnh vợ chồng ấy (2 Cr 11,2; Ep 5,25; Kh 21,2 - 22,17 v.v...).
Vả lại như bạn đã nhận thấy, ở tiệc cưới Cana, cô dâu không được kể ra. Không kỳ lạ sao! Chúng ta không gặp một đám cưới bình thường. Nếu Đức Giêsu là Tân Lang thật sư tân nương thật sự là người "phụ nữ" mà Người đã gọi bằng một từ ngữ mang tính tượng trưng sâu sắc: 'Thưa Bà!". Tân nương của Thiên Chúa, chính là Israel chờ đợi "giao ước mới" khi thừa nhận mình không.,còn rượu nữa. Israel ấy, dân tộc được Thiên Chúa cưới trong giao ước mới, rồi đây sẽ là Giáo Hội. Và Đức Maria đại diện cho cả hai: bà là "con gái của Israel" và khuôn mặt của Giáo Hội". Như thế, Tân nương không được nói tên trong tiệc cưới đó chính là chúng ta: Thiên Chúa yêu thương bạn... Thiên Chúa đã cưới nhân loại trong Đức Giêsu Kitô... trong khi vui cũng như trong lúc buồn!
Chúng ta sống trong một thời đại mà khủng hoảng của tình yêu vợ chồng trở nên bi đát: Tình yêu dường như bị mất phương hướng, người ta ca tụng sự kết hôn tự do, người ta sống chung mà không muốn làm lễ cưới, không muốn mở tiệc mừng tình yêu, không muốn nhận trách nhiệm đối với người khác, đối với con cái sẽ được sinh ra... Biết bao cặp vợ chồng mau chóng lìa tan, lúc mới bắt đầu cũng vui vẻ đấy, nhưng rồi trở nên nhạt nhẽo, tầm thường như nước ốc! Nhưng trong bối cảnh ấy, những cặp vợ chồng vững chắc nhất cũng không tránh khỏi nhận xét bi đát: Họ không còn rượu nữa!". Chính tình yêu đang thiếu thốn. Chỉ Đức Giêsu mới có thể ban lại tình yêu cho chúng ta. Hãy hiệp thông vào chén của Đức Giêsu, uống rượu của Người, chính là uống nơi suối nguồn yêu thương, đã hiến dâng tất cả và yêu thương cho đến cùng" (Ga 13,1).
Trong nhiều thế kỷ, các nhà thần học băn khoăn tìm hiểu cuộc sống nào cao cả hơn, cuộc sống "hôn nhân" hay cuộc sống "độc thân". Tuy nhiên chúng ta chớ nên quên ngôn ngữ của Kinh Thánh nói về một Thiên Chúa - Tình Quân. Chúng ta hãy để cho sự dịu dàng của Thiên Chúa tràn ngập chúng ta. Nếu bạn đã kết hôn, vợ chồng bạn là "dấu chỉ", nghĩa là "bí tích", "sự biểu lộ" của Tình Yêu Thiên Chúa. Nếu bạn sống độc thân. không phải bạn "không có tình yêu”, bạn cũng đã được cưới bởi một tình yêu cao cả nhất phải có! Nhưng bạn sống đời sống hôn nhân, hoặc đời sống độc thân của bạn như thế nào? Vấn đề ở đây không phải là sự thiết lập bí tích hôn nhân trong Tin Mừng. Nhưng đối với những ai hiểu được "dấu chỉ" của tiệc cưới Cana, điều đó chẳng cần thiết hay sao?
Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Bên ngoài tính giai thoại, ở đây chính Gioan thánh sử cho chúng ta lời giải thích về câu chuyện của ngài: Đức Giêsu bày tỏ căn tính của Người... các môn đệ đã bắt đầu bước vào đức tin... "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người".(Ga 1,14).