Suy niệm hạnh thánh _ 26/12

Thánh STÊPHANÔ
 (c. 36?)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Đồ 6 và 7. Điều đó đã đủ để biết về con người của ngài.
Suy niệm 1: Thánh Stêphanô-Công Vụ Tông Đồ 6 và 7
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Đồ 6 và 7.
"Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: 'Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy thần khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.' Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần..." (Cv 6,1-5)
Sách Công Vụ kể tiếp Stêphanô là một người đầy ơn sủng và sức mạnh, đã làm nhiều việc phi thường trong dân chúng. Một vài người Do Thái thời ấy, là thành viên của hội đường nhóm nô lệ được giải phóng, tranh luận với Stêphanô nhưng không thể địch nổi sự khôn ngoan và thần khí của ngài. Họ xúi giục người khác lên án ngài là lộng ngôn, xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngài bị bắt và bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.
Trong phần trình bày, ngài nhắc lại sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, cũng như việc thờ tà thần và bất tuân phục Thiên Chúa của dân này. Sau đó ngài cho rằng những người bách hại ngài cũng giống như vậy. "Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy" (Cv 7,51b).
Lời ngài nói đã làm họ tức giận. "Nhưng [Stêphanô], tràn đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn lên trời và thấy vinh hiển của Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô đứng bên hữu Thiên Chúa, và thánh nhân nói: 'Kìa, tôi nhìn thấy thiên đàng mở ra và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa.'... Họ đưa ngài ra ngoài thành và bắt đầu ném đá ngài... Trong khi họ ném đá ngài, thánh nhân kêu lớn: 'Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con... Lạy Chúa, xin đừng nhớ tội của họ'" (Cv 7,55-56.58a.59.60b).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con say mê học hỏi Thánh Kinh để biết được nhiều mạc khải của Chúa.
Suy niệm 2: Thánh Stêphanô-tình yêu tha thứ
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Đồ 6 và 7.
Cảm nghiệm sâu xa Lời Chúa: "đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn", thánh Stêphanô đã chấp nhận sự vu khống của những kẻ ghen tỵ, thù hằn ngài, ngài đã làm một cử chỉ rất đẹp, rất thánh thiện: "Họ ném đá Ông Tê-pha-nô, đang lúc Ông cầu xin rằng: " Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con " (Cv 7, 59). Rồi Ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này". Nói thế rồi, Ông an nghỉ (Cv 7, 60).
Thánh Stêphanô đã chết như Đức Kitô: bị kết tội cách sai lầm, bị kết án cách bất công vì ngài dám nói lên sự thật. Ngài chết trong khi mắt nhìn lên Thiên Chúa, và với lời xin tha thứ cho kẻ xúc phạm. Một cái chết "sung sướng" lúc nào cũng giống nhau, dù chết âm thầm như Thánh Giuse hay chết đau khổ như Thánh Stêphanô, đó là cái chết với sự can đảm, sự tín thác hoàn toàn và với tình yêu tha thứ.
* Lạy Chúa Giêsu, thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên đã biết cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình như Chúa Kitô dạy. Hôm nay, mừng thánh nhân được rước về trời, chúng con nài xin Chúa ban ơn để chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà yêu thương ngay cả địch thù (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Stêphanô).
Suy niệm 3: Thánh Stêphanô-được tôn vinh
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Đồ 6 và 7.
Thánh Stêphanô được biết đến như là người tử đạo đầu tiên của Kitô giáo, được xem như là thánh trong Giáo hội Công giáo Rôma, Anh giáo, Giáo hội Luther và Chính Thống giáo Đông phương. Stêphanô nghĩa là "vòng hoa" hoặc "ngôi vua" trong Tiếng Hy Lạp. Theo truyền thống, Thánh Stêphanô được phong cho chức vua của thánh tử đạo của tôn giáo; ngài thường được miêu tả với 3 hòn đá và cây dừa. Trong giáo hội đông phương hình tượng Thánh Stêphanô là người đàn ông trẻ với đầu nhà sư, mặc lễ phục, và thường cầm theo bức tiểu họa về nhà thờ hoặc bình hương.
Dựa vào Sách Công vụ Tông đồ, Stêphanô bị xử tại Sanhedrin (tòa án tối cao) vì tội phỉ báng Mô-Sê và Thiên Chúa (Cv 6,11) cũng như nói chống lại Nơi Thánh và Lề Luật (Cv 6,13-14) (xem chống chủ nghĩa duy danh). Ngài bị ném đá tới chết (năm 34–35 SCN) bởi một đám đông dân chúng trong đó có Phaolô thành Tarsus với sự đồng tình vụ thảm sát Stêphanô (Cv 8,1), và sau này thành thánh. Lời nói cuối cùng của Stêphanô đã lên án người Do Thái về việc hành hung các nhà tiên tri, những người đã tố cáo tội của họ: "Nhà tiên tri nào mà các người không hành hạ, và các người giết người nào tiên đoán việc Đấng Cứu Thế sẽ đến, các người đã trở thành kẻ phản bội và sát nhân." (Cv 7,52)
Ðức Giêsu đến để thi hành sứ mệnh Thiên Sai, sứ mệnh người Tôi Tớ đau khổ của Giavê. Vì thế, con đường Ðức Giêsu đi là con đường thập giá. Môn đệ của Ðức Giêsu cũng phải đi con đường của Thầy mình: Con đường "chết vì yêu". Người môn đệ đích thực của Ðức Giêsu phải đối đầu với những khó khăn, phải dám chiến đấu cho chân lý, phải can đảm chết đi những lợi danh, ích kỷ, để chỉ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban sức mạnh giúp chúng con dám chiến đấu trước những nghịch cảnh, những cám dỗ lôi kéo chúng con đi trái thánh ý Chúa. Xin cho chúng con không sợ gì khác hơn là sợ làm Chúa buồn lòng.
Suy niệm 4: Thánh Stêphanô-vị tử đạo
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Đồ 6 và 7.
Cấm cách đạo, bách hại người giữ đạo luôn có ở mọi thời, tùy vào từng thời mà nó được ngụy trang bằng những danh từ, hình thức hoa mỹ khác nhau. Thế nhưng chính trong những trình trạng ấy, từ trong Giáo Hội lại xuất hiên nhiều gương sáng chứng nhân về đời sống đức tin. Đức tin vào Đấng họ tôn thờ được đẩy lên đến đích điểm, đến độ các ngài sẳn sàng hy sinh cả mạng sống mình để làm chứng. Sự hy sinh của các ngài càng minh chứng cho niềm tin họ đang có và đang giữ, không một thế lực trần thế nào có thể làm lung lay, phá hủy hoặc làm cho tàn lụi được. Đơn giản chỉ vì đó là đức tin chân thật, đức tin vào Đấng Mạc Khải chính Người là Sự Sống và là Đấng đem lại cho con người Sự Sống thật.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi, là một trong bảy vị phó tế đầu tiên được các Tông đồ tuyển chọn cộng tác vào việc quản trị cộng đoàn: phân phát thức ăn và chăm lo cho các bà góa trong cộng đoàn Hội Thánh sơ khai. Thánh Stêphanô là người đầu tiên được diễm phúc đón nhận cái chết tử đạo để minh chứng cho đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết ngài là người khôn ngoan và đầy ơn Chúa Thánh Thần, ngài lớn tiếng rao giảng làm chứng cho dân Do Thái rằng Đức Giêsu chính là Đấng Mêssia mà dân Do Thái hằng mong chờ. Nhưng những người Do Thái cứng lòng đã không đón nhận lời rao giảng đó và kết án ngài là kẻ chống lại tôn giáo Môsê và chống lại Thiên Chúa. Họ lên án tử và ném đá ngài cho đến chết. Vị anh hùng đầu tiên trong Giáo Hội đã lấy máu mình làm chứng về đức tin Kitô Giáo. Cái chết của ngài đã làm cho bao tâm hồn được tái sinh trở lại trong Chúa Kitô, trong đó có Phaolô một con người sau này trở nên kẻ nhiệt thành rao giảng Lời Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra giá trị của việc tử đạo là làm cho bao tâm hồn được tái sinh trở lại trong Chúa.
Suy niệm 5: Thánh Stêphanô-sự sống thật
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Đồ 6 và 7.
Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã loan báo trước những chông gai mà người môn đệ sẽ gặp phải. Họ sẽ phải chịu bắt bớ gông cùm tù tội, bị điệu ra trước quan tòa... thậm chí phải hy sinh cả tính mạng nữa. Nhưng Chúa Giêsu bảo họ đừng sợ phải nói gì vì có Chúa Thánh Thần luôn đồng hành cùng họ để thêm sức mạnh thêm can đảm. Và Chúa hứa rằng: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10,22). Trong Luca, Chúa Giêsu dạy rõ phải sợ Đấng sau khi giết chết còn có thể ném cả hồn lẫn xác vào trong lò lửa, nghĩa là cái chết đời đời. Còn những kẻ chỉ giết được mạng sống đời này rồi sau đó không còn làm gì được nữa thì đừng sợ họ (Lc 12,4). Như thế Tin Mừng cho biết đâu là sự sống thật cần phải tìm và cái chết nào thì không cần phải sợ.
Thực ra tâm lý chung của con người không ai lại không ham sống, không ai lại không sợ cái chết, nhưng sự sống lại bao hàm sự sống thật, sống vĩnh cửu và sự sống tạm; cái chết cũng thế. Có người chọn cho mình cuộc sống tạm, lệ thuộc vào nó để rồi đến lúc kết thúc họ hối hận vì đã chọn lựa sai lầm, có ăn năn hối hận cũng đã muộn. Người chọn sự sống thật, sự sống vĩnh cửu thì họ sẳn sàng hy sinh tất cả tiền bạc của cải, bạn bè người thân thậm chí cả sinh mạng họ để đổi lấy sự sống đời đời. Họ cũng chỉ là những con người như bao con người khác, do đâu mà họ được như thế? Chỉ có thể lý giải cho điều này là họ đã bắt gặp được Đấng Sự Sống, có cơ hội là họ nắm bắt ngay, không bỏ qua. Những người khác không được như thế không phải vì họ không có cơ hội nhưng là vì họ đã không biết nắm lấy hoặc thờ ơ lơ là. Thánh Stêphanô khi đã tìm được nguồn sống thật thì người quyết một lòng tiến bước bất chấp mọi nguy hiểm đang chực chờ, quyết nắm lấy cho bằng được sự sống vĩnh cữu. Giả sử thánh Stêphanô chỉ cần im lặng không lên tiếng, không tranh luận quyết liệt với những người cứng lòng, ai tin thì tốt, không tin thì thôi, chỉ giữ niềm tin cho riêng mình thôi thì nào ai có thể làm gì được mạng sống của ngài. Stêphanô đã không chọn cách làm như thế, ngài không thể lặng thinh khi đã bắt gặp được Sự Sống, Ngài muốn cho tất cả mọi người cũng được biết được đón nhận như ngài cho dù thân xác này phải chịu chết. Đức tin chân thật là một đức tin luôn làm cho nó sống động và được lớn lên, nẩy nở và phát triển; như lời thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “ Một đức tin không có việc làm là một đức tin chết” (Gc 2,17.26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân biết chia sẻ sự sống thật cho tha nhân.
Suy niệm 6: Thánh Stêphanô-chứng nhân
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Đồ 6 và 7.
Trải dài dòng lịch sử, đức tin vào Đức Kitô là Đấng cứu độ đã làm tiền đề cho biết bao cuộc bách hại các người tín hữu Kitô giáo, nhưng các thế lực ấy đã không thể hủy diệt được đức tin vào Thiên Chúa vào Đức Kitô, do Chúa Thánh Thần luôn ở cùng Hội Thánh, ở cùng các tín hữu, Thánh Thần hằng hoạt động không ngừng để gìn giữ, bảo vệ và thêm sức cho họ.
Chúng ta đang sống trong những ngày Giáo Hội long trọng mừng kỷ niệm Chúa Cứu Thế giáng Sinh làm người cứu chuộc nhân loại, Giáo Hội chọn ngày 26/12 để mừng kính vị thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi là muốn cho mọi người Kitô hữu nhìn thấy một đời sống chứng nhân anh dũng, một đức tin kiên vững sống động của ngài vào Đức Giêsu bé nhỏ nghèo hèn đang nằm trong máng cỏ hôi tanh chính là Đấng sẽ mang lại sự sống đời đời cho nhân loại, mang lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Giáo Hội mời gọi ta hãy biết tìm và đạt cho được một đức tin như thánh Stêphanô, dám sống, dám làm chứng cho Tin Mừng dù phải hy sinh mạng sống đời tạm này, nhưng bù lại sẽ đạt được một sự sống thật đời đời không ai có thể cướp mất được. Noi gương Thánh Stêphanô chúng ta hãy mạnh dạn tiến bước sống dời chứng nhân bạn nhé.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con noi gương thánh nhân hãy mạnh dạn tiến bước sống dời chứng nhân.