SỢI CHỈ ĐỎ TÌNH YÊU
Tuy
“lạc nhau” nhưng các Đấng luôn tìm thấy nhau nhờ “sợi chỉ đỏ tình yêu.”
Vào tháng 9 năm 2006 vừa qua, tờ nhật
báo Bild am Sonntag, xuất bản tại Đức đã quả quyết: năm 1920, cha mẹ của Đức
Giáo Hoàng Bênêđictô 16 gặp gỡ nhau nhờ mục “Tìm Bạn Bốn Phương” trên một tờ
báo vùng Bavaria, nước Đức. Nhật báo này đã tìm được hai mẩu tin nhắn của thân
phụ Đức Giáo Hoàng là ông Joseph Zatzinger với nội dung như sau: “Một công chức bình thường, Công Giáo, độc
thân, 43 tuổi, tìm một thiếu nữ Công Giáo biết nội trợ và vá may chút đỉnh để
đi đến hôn nhân.” Mấy tháng sau, một cô gái làm nghề cấp dưỡng tên Maria
Peintner đã trả lời mẩu tin nhắn. Họ đã tìm hiểu nhau và kết hôn vào ngày
9/11/1920. Hai ông bà sinh được 3 người con: Maria, qua đời năm 1991; Georg, một
linh mục đã 82 tuổi và Joseph, trở thành đương kim Giáo Hoàng (Theo AP,
Reuters).
Tuy nên vợ nên chồng chỉ bằng mục
“Tìm Bạn Bốn Phương”, nhưng đôi vợ chồng ấy đã xây dựng được một gia đình hạnh
phúc và đạo đức. Họ đã dâng hiến cả hai người con trai cho Thiên Chúa: Một làm
Linh mục, một làm Giáo Hoàng. Quả thật, gia đình của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô
là một gia đình gương mẫu.
Hôm nay, ngày Lễ Thánh Gia Thất,
chúng ta tự hỏi: thế nào là một gia đình gương mẫu? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Thánh
Gia Thất: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Đó chính là một gia đình gương
mẫu tuyệt vời cho mọi gia đình qua mọi thế hệ.
Trong bài Tin Mừng, thánh Luca đã thuật
lại câu chuyện Mẹ Maria và thánh Giuse “lạc mất” Chúa Giêsu khi lên đền thờ
Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Trong câu chuyện này, chúng ta nhìn vào mỗi
thành viên trong Gia Đình Thánh ấy để thấy mỗi Đấng có một “điểm sáng” riêng
làm nên “tấm gương sáng” rạng ngời cho chúng ta. Đàng khác, tuy
“lạc nhau” nhưng các Đấng luôn tìm thấy nhau nhờ “sợi chỉ đỏ tình yêu.” Nhờ mối dây tình yêu bền chặt ấy, các Ngài đã liên kết với
nhau để trở thành một gia đình gương mẫu.
Thánh Giuse, người cha hiền lành
Trong câu chuyện Chúa Giêsu bị “lạc mất”
tại Giêrusalem, chúng ta thấy một nhân cách kỳ lạ của thánh Giuse: sự thinh lặng.
Trong suốt câu chuyện, các nhân vật đối thoại với nhau rất nhiều. Trước hết là
Chúa Giêsu. Sau 3 ngày tìm kiếm, cha mẹ Ngài tìm thấy Ngài trong đền thờ, ngồi
giữa các vị tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Chúa Giêsu đã đàm đạo với các người
thông giỏi và đã làm cho họ cảm phục. Thứ đến là Đức Mẹ Maria. Đoạn Tin Mừng đã
ghi lại cuộc đối thoại giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu khi các Ngài gặp lại nhau.
Hai Mẹ Con đã bày tỏ nỗi lòng cũng như công việc của mình trong 3 ngày xa cách.
Cuối cùng là thánh Giuse. Giữa những ồn ào náo động của những ngày hành hương tại
Giêrusalem, giữa những cuộc đối thoại của bao người, thánh Giuse vẫn thinh lặng.
Ngài thinh lặng và nhẫn nại đi tìm Chúa Giêsu, không một lời than thở hay tức bực.
Ngài thinh lặng khi tìm thấy Chúa Giêsu, không một lời trách mắng hay phàn nàn.
Ngài thinh lặng trở về Nazareth để tiếp tục vai trò của một người chồng, người
cha hiền lành và siêng năng phục vụ gia đình. Sự thinh lặng của thánh Giuse
không phải biểu lộ tinh thần nhu nhược hay thiếu trách nhiệm. Nhưng ngài nói bằng
việc làm hơn là ngôn từ suông. Ngài thinh lặng, nhưng trong lòng đầy ắp tình
yêu phụ tử đối với Chúa Giêsu và tình yêu phu thê đối với Mẹ Maria. Thánh Giuse
xứng đáng là người cha gương mẫu cho mọi người cha.
Mẹ Maria, người mẹ hết lòng yêu con
Theo tâm lý thông thường, người mẹ
khi lạc mất con sẽ vô cùng lo lắng và đau khổ. Vì thế, thật vui mừng biết bao
khi người mẹ tìm lại được người con đã lạc mất. Mẹ Maria đã xúc động nói với
Chúa Giêsu khi gặp lại Ngài: “Cha Con và
Mẹ đây đã đau khổ tìm con.” Nhưng Chúa Giêsu đã đáp lại một câu khó hiểu: “Tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng
con phải lo việc của Cha Con sao?” Chính lúc ấy, Mẹ Maria và thánh Giuse đều
không hiểu lời nói của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì. Nhưng Mẹ Maria đã ghi nhớ và
suy gẫm các sự việc trong lòng để sau đó, đã nhận ra sứ vụ cao cả của Chúa
Giêsu: Ngài còn phải lo “công việc của Cha Ngài”, nghĩa là Ngài phải chu toàn sứ
mạng cứu chuộc nhân loại.
Chỉ có người mẹ hết lòng yêu con mới
thấu hiểu tất cả những gì thuộc về người con. Chỉ có người mẹ thương con tha
thiết mới sẵn sàng hiệp thông với người con trong mọi sự. Mẹ Maria đã thể hiện
vai trò từ mẫu khi thông phần vào công cuộc cứu độ trần gian của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu, người con hiếu thảo
Trước hết, Chúa Giêsu đã luôn tỏ ra
là người con thảo hiền đối với Chúa Cha. Dù là con trong gia đình Nazareth, nhưng
thực ra, Ngài chính là một Thiên Chúa cao cả, không phải thi hành luật lệ của
loài người. Thế nhưng, Ngài vẫn tuân thủ lề luật. Dù luật lệ chỉ bắt những người
nam từ 13 tuổi trở lên mới phải đi lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, nhưng Chúa
Giêsu mới 12 tuổi đã lên Giêrusalem để thi hành luật lệ. Ngài muốn chứng tỏ
lòng yêu mến lề luật và qua đó là yêu mến thánh ý Chúa Cha. Đó cũng là cách
Ngài muốn làm gương cho mọi người.
Chúa Giêsu còn chứng tỏ lòng yêu mến
và thảo hiếu với Cha Ngài khi Ngài tỏ lộ lòng nhiệt thành tha thiết với “công
việc của Cha Ngài.” Mặc dù khi biểu lộ sứ mạng Cứu Thế cách bất ngờ, Ngài đã
khiến cho Mẹ Maria và thánh Giuse không thể hiểu được: “Cha mẹ không biết con
phải lo công việc của Cha con ư?” Tất cả chỉ vì tình yêu Ngài muốn dành cho
Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.
Sau cùng, Chúa Giêsu đã biểu lộ lòng
hiếu thảo với Mẹ Maria và thánh Giuse dưới mái nhà Nazareth. Sau biến cố tìm thấy
Chúa Giêsu ở Giêrusalem, Thánh Gia Thất đã trở về Nazareth. Ở đó, Chúa Giêsu đã
vâng phục cha mẹ, Ngài “luôn tiến tới
trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.”
Chúa Giêsu xứng đáng nên gương mẫu cho mọi người con cái trong gia đình qua mọi
thế hệ.
Tóm lại, dù Chúa Giêsu, Mẹ Maria và
thánh Giuse là ba tấm gương với ba tính cách khác nhau dưới mái gia đình
Nazareth, nhưng các Ngài luôn được ràng buộc với nhau bởi “sợi chỉ đỏ tình yêu”
xuyên suốt và bền chặt. Thánh Giuse và Mẹ Maria yêu thương nhau trong tình nghĩa
vợ chồng. Cả hai ngài yêu thương Chúa Giêsu với tình yêu của bậc cha mẹ. Đối lại,
Chúa Giêsu yêu mến và vâng phục cha mẹ như con thảo. Và “đầu mối” sợi chỉ tình
yêu đó xuất phát từ Thiên Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch của tình yêu vĩnh cửu.
Ngày nay, tất cả mọi gia đình trong
Giáo Hội, nếu luôn biết gắn bó với nhau bằng “sợi chỉ đỏ tình yêu” như thế, họ
sẽ không “lạc mất” nhau và nhất là không “lạc mất” Chúa trong cuộc sống hằng
ngày. Chính sợi chỉ tình yêu đó sẽ giúp cho họ luôn hiệp nhất nên một trong
tình yêu của Thiên Chúa.
Mới đây, tại Trung Quốc, một câu chuyện
tình được bầu chọn là câu chuyện tình tuyệt vời nhất năm 2006. Câu chuyện đó như
sau: Cách đây nửa thế kỷ, chàng trai tên Liu Guojiang đã yêu một quả phụ lớn hơn
mình 10 tuổi tên Xu Chaoqing. Bị gia đình và mọi người phản đối, hai người đã đưa
nhau lên một hang núi để chung sống. Từ đó, chàng Liu đã bắt đầu đục 6000 bậc
thang trên núi làm lối để hai người đi. Bây giờ ông cụ Liu đã 70 tuổi, bà cụ Xu
đã 80 tuổi. Nhưng 6000 bậc thang vẫn còn được dùng để con cháu đi lại. Người ta
gọi đó là “những nấc thang tình yêu” (Báo Thanh Niên, số ra ngày 13/11/2006).
Theo mẫu gương của Thánh Gia Thất, với
tình yêu, sự thủy chung và lòng hiếu thảo, mọi gia đình có thể tạo cho mình “những
nấc thang tình yêu” đưa mọi người vào bầu trời hạnh phúc viên mãn.