Thánh MARTIN
Ở TOURS
(316?-397)
Lược sử
Thánh Martin ở Tours, một
trong những vị thánh nổi tiếng, Ngài sinh
trong một gia đình vô tôn giáo ở chỗ bây giờ là Hungary và được lớn lên ở Ý.
Ngài theo học đạo và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng ngài sống như một
tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của
Hoàng Đế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: "Tôi đã phục
vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Đức Kitô. Hãy thưởng cho
những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Đức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh
nhau." Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và trở thành môn đệ của Đức
Giám Mục Hilary ở Poitiers.
Ngài trở thành vị ẩn tu, trước hết sống ở Milan và sau đó sống
ở một đảo nhỏ. Khi Đức Hilary được phục hồi quyền bính sau thời gian lưu đầy,
Martin trở về Pháp và thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở Pháp, gần
Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao giảng khắp
nước.
Dân chúng ở Tours đòi hỏi
ngài làm giám mục cho họ. Và ngài bị lừa đến thành phố này và được đưa đến nhà
thờ, là nơi ngài lưỡng lự nhận chức giám mục. Một vài giám mục tấn phong nghĩ rằng
ngài không xứng đáng làm giám mục vì cái bề ngoài xuề xòa và mái tóc thiếu chải chuốt của ngài.
Cùng với Đức Ambrôsiô, Đức
Giám Mục Martin chống với Đức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo -- cũng như sự can thiệp của hoàng đế
vào vấn đề này.
Ngài còn muốn cộng tác với Đức Giám Mục Ithacius về một vài
lãnh vực, nhưng vì lương tâm không thấy ổn thỏa nên ngài đã bỏ dở ý định ấy.
Suy niệm 1: Vị thánh
Thánh Martin ở Tours, một
trong những vị thánh nổi tiếng.
Một người chống đối hành động
vô lương tâm muốn trở nên một tu sĩ; một tu sĩ bị gài ép để trở nên một giám mục;
một giám mục chống đối những người vô tôn giáo nhưng cũng xin tha thứ cho những
người lạc giáo; xuất thân từ một gia đình vô tôn giáo lại trở thành một người
lính của Đức Kitô với hoạt động tích cực chống với bè rối Arian, -- đó là Thánh
Martin ở Tours, một trong những vị thánh nổi tiếng.
Những mâu thuẩn nội tại
trong đời ngài phần nào diễn đạt lại lối sống nghịch dời của bản Hiến Chương Nước
Trời mà Đức Giêsu đã mời gọi những ai muốn tiến xa trên đường trọn lành (Mt
5,3-12). Đồng thời đó cũng là một bằng chứng hùng hồn cho một sự thật có thể sống
được, vốn dành cho những người thành tâm thiện chí muốn có sự sống đời đời (Mt
19,16).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn tự vấn chính mình: người ta sống và nên thánh được, sao tôi lại không?
Suy niệm 2: Lính của Đức Kitô
Tôi là một người lính của
Đức Kitô.
Là con của một cựu chiến
binh, Martin bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi.
Người ta kể rằng ngài sống
như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến
của Hoàng Đế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: "Tôi đã
phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Đức Kitô. Hãy thưởng
cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Đức Kitô, và thật
sai lầm nếu tôi đi đánh nhau." Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và
trở thành môn đệ của Đức Giám Mục Hilary ở Poitiers.
Là một người lính của Đức
Kitô, Martin được tấn phong làm người trừ quỷ và hoạt động tích cực chống với
bè rối Arian. Ngài trở thành vị ẩn tu, thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở
Pháp, gần Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao
giảng khắp nước. Dân chúng ở Tours đòi hỏi ngài làm giám mục cho họ. Ngài chống
với Đức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo, và xin chấm dứt
việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của Priscillian.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn là những chiến sĩ trung thành và anh dũng của Đức Kitô.
Suy niệm 3: Ẩn tu
Martin trở thành vị ẩn
tu.
Là một môn đệ của Đức
Giám Mục Hilary ở Poitiers, vốn bị đi lưu đày, ngài ước muốn được đi theo để tiếp
tục hầu hạ và học hỏi, nhưng không được. Nỗi buồn đau này đã khiến ngài chán
chê thế sự đến mức quyết định xa lánh tất cả để tìm đến một nơi hoang vắng tu
thân như một vị ẩn tu ở một ngọn đảo nhỏ.
Nhưng bầu nhiệt huyết của
tuổi trẻ cũng như tính manh động của thời binh ngũ vẫn hằng thiêu đốt tâm can
ngài, nên khi hay tin sư phụ Hilary được phục hồi quyền bính sau thời gian lưu đầy,
Martin trở về Pháp và thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở Pháp, gần
Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao giảng khắp
nước.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
hiểu rằng Chúa hằng muốn chúng con lên thiên đàng không chỉ một mình mà cùng với
bao người khác đang cần nữa.
Suy niệm 4: Bề ngoài
Một vài giám mục tấn
phong nghĩ rằng ngài không xứng đáng làm giám mục vì cái bề ngoài xuề xòa và
mái tóc thiếu chải chuốt của ngài.
Tâm lý người đời từ xưa đến
nay vẫn thường khó vượt qua việc đánh giá tha nhân từ cái vẻ dáng bề ngoài.
Không chỉ trẻ Đavít xưa kia đã từng bị đối xử như thế (1Sm 16,6-13) mà hiện tại
cũng thế như câu truyện kể: Một đại gia mang tiền hàng tỷ đến ngân hàng không được
người bảo vệ và các nhân viên tiếp đón mà còn bị xua đuổi chỉ vì ăn mặc giống
như một hành khất. Ngược lại những tướng cướp nỗi danh lại thường ăn mặc bảnh
bao để đánh lừa các nạn nhân của mình.
Vận dụng cách đánh giá ấy,
nhiều vị hoàng đế trong lịch sử Trung quốc đã vi hành và khám phá được nhiều vụ
án ly kỳ. Thật đáng buồn khi tình trạng này cũng xảy ra trong lãnh vực tôn giáo
với các vị đại diện Chúa, trong khi chính Chúa “không bao giờ nhìn theo kiểu người
phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Chúa thấy tận đáy lòng” (1Sm
16,7). Và thậm chí tư tưởng của Chúa thì khác và cao vượt hơn hẳn tư tưởng phàm
nhân (Is Is 55,8-9).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn ghi nhận bài học cổ nhân: áo dòng không làm nên thầy tu.
Suy niệm 5: Lạc giáo
Cùng với Đức Ambrôsiô, Đức
Giám Mục Martin chống với Đức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc
giáo -- cũng như sự can thiệp của hoàng đế vào vấn đề này.
Ngài còn thuyết phục được
hoàng đế tha chết cho Priscillian (người chủ trương những điều sai lạc về nhân
tính của Đức Kitô). Vì những nỗ lực này, Đức Giám Mục Martin bị cho là cùng
phía với bọn lạc giáo, và sau cùng Priscillian bị xử tử. Sau đó Đức Giám Mục
Martin xin chấm dứt việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của
Priscillian. Lòng bác ái vị tha của ngài thật cao độ khiến ngài có hành vi như
thế, mặc dầu vào năm 350, khi Ðức cha Hilariô bị bè rối Ariô bắt giam vì đã dám
chống lại họ, ngài cũng bị Giám mục Milan, vốn bênh đỡ bè Ariô trục xuất ra khỏi
địa phận và buộc sống trên một hòn đảo với một linh mục khác.
Thật ra lòng bác ái của
ngài đã có nền móng vững chắc ngay từ thời còn trai trẻ và chưa được rửa tội.
Lúc 16 tuổi, Martinô nhập ngũ và sớm được phái sang miền Gaule ngoại đạo (nước
Pháp ngày nay). Các binh sĩ trong trại sống không gương mẫu gì, nhưng Martinô
tin vào Chúa Kitô nên sống như một Kitô hữu. Ngài phân phát một phần tiền lương
cho người nghèo và có những hành vi bác ái ít gặp thấy, chẳng hạn đảo ngược vai
trò để đánh giày cho người hầu. Ở cửa thành Amiens một ngày mùa đông, chàng hiệp
sĩ sẽ trẻ gặp người ăn xin dường như trần truồng. Martin nói: Tôi chỉ có áo quần và khí giới. Rồi rút kiếm
ra, Ngài xẻ đi chiếc áo cho người ăn xin. Câu chuyện kết thúc với giấc mơ trong
đó Martin thấy Chúa Kitô hiện ra mặc nửa chiếc áo và nói với các thiên thần:
Chính Martin đã mặc cho Ta đây.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
thực hiện đức ái trọn hảo đến mức yêu thương cả kẻ thù (Mt 5,44).
Suy niệm 6: Cộng tác
Đức Giám Mục Martin còn
muốn cộng tác với Đức Giám Mục Ithacius về một vài lãnh vực.
Điều Thánh Martin quan
tâm về sự cộng tác nhắc nhở cho chúng ta biết hầu như không có gì hoàn toàn trắng
hoặc hoàn toàn đen. Các thánh cũng là những tạo vật ở trần gian: Họ cũng phải
do dự khi quyết định như chúng ta. Bất cứ quyết định nào của lương tâm đều ít
nhiều có sự liều lĩnh. Nếu chúng ta chọn đi hướng bắc, có thể chúng ta không biết
được những gì xảy ra ở hướng đông, hướng tây hay hướng nam. Tuy nhiên, quá thận
trọng không dám quyết định thì cũng không phải là nhân đức khôn ngoan, thật vậy,
nếu cho rằng "không quyết định là sự quyết định" thì đó là một quyết định
sai lầm.
Tinh thần cọng tác của
ngài thật cao độ đến mức không bao giờ từ chối khi phải cọng tác như ngài tâm
tình trước lúc chết, miễn là đúng theo Thiên Ý. Thật thế khi đến giờ chết, các
môn đệ xin ngài đừng bỏ họ. Ngài cầu nguyện, "Lạy Chúa, nếu dân của Ngài vẫn
còn cần đến con, con sẽ không từ chối làm việc. Nhưng con xin vâng theo ý
Chúa."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn dành quyền ưu tiên hàng đầu cho việc thực thi Thiên Ý.