Suy niệm hạnh thánh _ 07/11

Thánh DIDACUS
 (1400-1463)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người "chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh" (1 Cr 1,27).
Sinh trưởng trong gia đình nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó.
Vài năm sau, ngài bị gọi trở về nhà.
Vào năm 1463, ngài lâm trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá
Hoàng Đế Philip II, vì nhớ ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài. Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.
Suy niệm 1: Bằng chứng
Thánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người "chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh" (1 Cr 1,27).
Với những người thánh thiện thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy được áp dụng cho chính chúng ta hay không?
"Ngài sinh ở Tây Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người" (Sắc lệnh Phong Thánh).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nhận ra quyền năng siêu việt của Chúa qua các ơn sủng dồi dào của Chúa.
Suy niệm 2: Sống
Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó.
Tâm ý của phụ mẫu ngài khi đồng ý cho con đến sống với một vị ẩn tu chắc hẳn không chỉ nhằm giải quyết vấn đề kinh tế vì gia đình nghèo, mà còn mong muốn cho con mình học được những phẩm chất cao quý của vị ẩn tu mang lại nhiều lợi ích cho con mình sau này.
Mặc dù còn trẻ, nhưng ngài đã thấu hiểu được tâm ý đó của phụ mẫu, nên ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh. Và quả thật sau này ngài đã trở thành một thánh nhân, cũng như thể trẻ Samuen xưa (1Sm 2,26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết vận dụng thời gian được sống với người tốt, để học được những điều tốt nơi họ hầu trở thành những con người tốt thật tốt, chứ không như các con của thầy Êli xưa (1Sm 2,12).
Suy niệm 3: Gọi trở về
Vài năm sau, Didacus bị gọi trở về nhà.
Nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ, nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài lại được gọi về Tây Ban Nha và sống trong nhiều tu viện gần Seville.
Vào năm 1450, nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng. Lại một lần nữa, sau khi bị gọi trở về Tây Ban Nha, ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn mau mắn đáp lại lời mời gọi trở về của Chúa, để sau mỗi lần trở về với Chúa, chúng con được nên tốt lành thánh thiện hơn.
Suy niệm 4: Thánh giá
Trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá.
Ngài nói: "Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Đức Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng" (Marion A. Habig, O.F.M., The Franciscan Book of Saints, t. 834). Và thánh giá đã đưa ngài vào hưởng hạnh phúc thiên đàng.
Truyền thống kể rằng vào đêm trước khi giải phẫu, Peregrine cầu nguyện rất lâu trước thập giá Đức Giêsu, xin Chúa chữa lành nếu đó là thánh ý Chúa. Khi ngủ thiếp đi, Peregrine thấy Đức Giêsu rời khỏi thập giá và chạm đến chân của ngài. Khi tỉnh dậy, vết thương đã lành lặn và không phải giải phẫu nữa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín về các hồng ân đến từ thánh giá Chúa để chúng con luôn thờ lạy và ôm ấp lấy.
Suy niệm 5: Phép lạ-khoa học
Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận.
Kinh Thánh kể lại rất nhiều phép lạ. Tin vào những phép lạ ấy phải chăng là đi ngược lại với khoa học? Trước đây người ta thường định nghĩa phép lạ là những sự kiện phi thường vượt ra ngoài các quy luật tự nhiên, không thể giải thích được theo khoa học, và bởi thế đó là những  hành động của Thiên Chúa. Định nghĩa này đề cao tính cách lạ lùng của sự kiện, và tạo nên một sự đối lập giữa đức tin và khoa học. Một định nghĩa như thế thực ra còn phiến diện.
Trước hết, chúng ta chưa biết hết các quy luật tự nhiên, nên không thể nói phép lạ là điều mà khoa học không thể giải thích được. Tình trạng khoa học hôm nay còn yếu kém, nhưng theo nguyên tắc thì khoa học cứ tiến bộ, và như vậy biết đâu ngày mai khoa học lại có thể giải thích được. Đàng khác, trên bình diện thần học, chúng ta không thể nói: phép lạ là một sự “can thiệp trực tiếp” của  Thiên Chúa vào trong thế giới này. Thiên Chúa là Tạo hóa, nên Ngài đứng trên và ngoài dây xích các nguyên nhân mà con người có thể quan sát. Ngài không thể là một trong những nguyên nhân hiện diện trong các sự kiện. Ngài có cách tác động qua trung gian các nguyên nhân phụ của thế giới thụ tạo, và như vậy vẫn tôn trọng các quy luật tự nhiên. Nếu ta đặt Ngài vào hàng các nguyên nhân quan sát được trong thế giới này, thì Ngài chẳng phải là Thiên Chúa nữa: lúc ấy Ngài cũng giống như một thiên thạch từ một thế giới khác rơi vào thế giới chúng ta, một thực tại hoàn toàn xa lạ với thế giới này. Một phép lạ theo kiểu đó sẽ bắt buộc chúng ta phải tin và tước hết mọi quyết định tự do của con người (Noberto Nguyễn Văn Khanh).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà khoa học khiêm tốn nhận ra và dừng lại trong lãnh vực mình, cũng như đón nhận sự bổ túc của các lãnh vực khác nữa.
Suy niệm 6: Phép lạ-Kinh Thánh
Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận.
Kinh Thánh nêu ra cho chúng ta một quan niệm khác về phép lạ. Để nói về các phép lạ, Kinh Thánh ít khi dùng từ “terata”, một từ gợi lên khía cạnh lạ lùng của sự kiện, nhưng thường xuyên dùng từ “sèmeia”, nghĩa là dấu chỉ. Các dấu chỉ là những biến cố phi thường, gây kinh ngạc và thán phục nơi con người. Nhưng ở đây cái nhìn không hướng về thiên nhiên và các quy luật của nó, nhưng về Thiên Chúa là Đấng ra dấu hiệu để kêu gọi con người. Con người của Kinh Thánh không nhìn thế giới này như “thiên nhiên” với các quy luật “tự nhiên”, nhưng như là thụ tạo của Thiên Chúa với những quy luật mà chính Thiên Chúa đã ấn định với tư cách là Chúa Tể. Vì thế đối với người của Kinh Thánh, mọi thực tại trong vũ trụ này đều là “kỳ công”, là “dấu chỉ” của Đấng Tạo hóa. Câu Thánh vịnh sau đây cũng đủ nói lên điều đó: “Dân cư trên khắp cùng trái đất thấy kỳ công (dịch sát: dấu chỉ) của Ngài, phải khiếp oai. Ngài làm vang tiếng reo cười, cửa đông sáng sớm, cửa đoài chiều hôm” (Tv 65,9). Các quy luật của vũ trụ cũng là do Thiên Chúa đặt ra. Vì thế con người của Kinh Thánh không thể quan niệm Thiên Chúa phá bỏ những quy luật mà chính Người đã đặt ra để điều hành vũ trụ.
Vậy theo Kinh Thánh phép lạ là những “dấu chỉ” đặc biệt qua đó Thiên Chúa gửi một sứ điệp cho con người. “Dấu chỉ” giả định một ngữ cảnh tôn giáo (một niềm tin tổng quát về sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự sẵn sàng tối thiểu của con người chấp nhận chân lý) trong đó Thiên Chúa ra dấu hiệu để kêu gọi con người, và con người, nhờ đức tin, nhận ra lời mời gọi thần linh ấy và đáp trả trong tự do. Bên ngoài ngữ cảnh tôn giáo này, con người chỉ nhìn thấy sự kiện trên bình diện vật chất thôi, chứ không nắm bắt được ý nghĩa của nó, tức là sứ điệp mà nó chuyển tải. Như vậy phép lạ nằm trên bình diện dấu chỉ, tức là bình diện thông tin. Khoa học nằm trên một bình diện khác. Lãnh vực của khoa học là những hiện tượng quan sát được, đo lường được. Theo đúng phương pháp của mình, nhà khoa học cố giải thích các sự kiện xảy ra như thế nào, theo quy luật nhân quả tất yếu. Trên bình diện khoa học thuần túy, không thể có dấu chỉ, không thể có phép lạ; không thể có tự do hay tình yêu, mà chỉ có những sự kiện xảy ra theo quy luật quyết định (déterminisme).
Chân lý khoa học vì thế không toàn diện, không diễn tả hết thực tại được. Chính vì thế mà Triết học và Tôn giáo có thể bổ túc cho khoa học, mở rộng tầm nhìn cho khoa học. Nhưng khi một nhà khoa học tin vào các phép lạ, thì người ấy đã đi ra ngoài lãnh vực khoa học rồi. Người ấy đã hành động không phải với tư cách là nhà khoa học nữa, mà với tư cách là tín hữu (Noberto Nguyễn Văn Khanh).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết nhận ra sứ điệp Chúa gởi đến qua các dấu chỉ là phép lạ.