VỊ VUA TRÊN THẬP GIÁ
Vương quốc Chúa
Giêsu không có sức mạnh của vũ khí và quân đội mà chỉ có sức mạnh của yêu
thương và tha thứ, vương quốc ấy không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng lại ở
trong trái tim con người.
Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể
và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong
Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua
của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của
lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.
Chúa Giêsu đăng quang làm Vua khi bị đóng
đinh trên Thập giá. Giây phút Chúa được tuyên xưng là Vua chính là khi bị treo
trên Thập giá, đầu gục xuống. Thật lạ lùng! Chính vào lúc hấp hối, mọi sự tưởng
như sụp đổ, Vị Vua Bị Đóng Đinh lại hé lộ vương quyền của mình cho anh trộm
lành có lòng thống hối, tin tưởng: “Hôm
nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Người trộm bên hữu đã nhận ra vị vua tình yêu, nên anh đã xin với Ngài nhớ đến anh khi
vào vương quốc của Ngài.Anh đã tuyên xưng vị vua tình yêu chiến thắng.Tình yêu
đã chiến thắng mọi trở ngại: từ những lời thách thức của những người đòi một vị
vua uy quyền đến cái chết khổ đau. Trên Thập giá, Vua Giêsu đã mang lấy tất cả
tội lỗi nhân loại, gánh chịu mọi khổ đau, nhục nhã. Chính tình yêu chiến thắng
của Vua Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, đã nối kết con người lại với Thiên Chúa
như thánh Phaolô đã xác quyết: "Nhờ
máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã giao hòa với mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời" (Cl 1,20).
Trong tất cả những gì đã viết về Chúa Kitô,
có lời nào bi đát hơn lời của Thánh Gioan ở lời tựa sách Tin Mừng: “Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà người nhà đã
không tiếp nhận” (Ga 1,11). Bêlem không có chỗ cho Ngài sinh hạ, Nadarét
không có chỗ cho Ngài sinh sống, Giêrusalem không có chỗ cho Ngài chết.
Bốn mươi ngày sau khi Ngài sinh hạ, cụ già
Simêon đã nói với Mẹ Maria: “Ngài sẽ là dấu
gợi lên chống đối” (Lc 2,34). Đó là một kiểu nói khác chứng thực điều Thánh
Gioan đã nói. Chưa được hai tuổi, Ngài đã bị binh lính Hêrôđê lùng sục để sát hại.
Suốt những năm tháng rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng bị hiểu lầm, bị ghen ghét, bị
kết án loại trừ và bị đóng đinh khổ giá.
Chúa Giêsu Kitô đã chọn Thập giá làm phương thế thực hiện Ơn Cứu Rỗi. Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ,
một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự hận thù ghen
ghét của thế gian; thanh đứng tượng trưng cho tình yêu và sự sống vươn
cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự
chết; giữa vui và buồn; cười và khóc; hận thù và thứ tha; ghen ghét và yêu
thương; giữa ý muốn của con người và ý muốn của Thiên Chúa. Đặt thanh sự sống
và tình yêu lên thanh sự chết và oán thù là cách duy nhất để làm nên một thập
giá.
Chúa Kitô lên Ngôi Vua vũ trụ trên Thập giá để
thiết lập vương quyền Nước Thiên Chúa.
Nói đến vua, chúng ta thường nghĩ đến con
người uy quyền, đầu đội vương miện, mình mặc cẩm bào, ngồi trên ngai vàng xét xử
trăm họ.Ngày nay, người ta còn nói đến vua xe hơi, vua bóng đá, vua dầu lửa,
vua vi tính… Đó là những thần tượng giàu có, sang trọng của con người thời đại.
Chúa Giêsu là vua không phải theo kiểu trần thế, vương quyền của Ngài không
theo kiểu chính trị. Chúa Giêsu là vua sự thật, vua tình yêu, vua niềm tin.Vương quyền Chúa Giêsu là vương quyền yêu
thương, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.
Bài Tin Mừng đưa chúng ta về với Chúa Giêsu
trên Thập giá.Vị Vua bị lăng nhục, các thủ lãnh thế gian cười nhạo, lính tráng
chế diễu, một trong hai kẻ gian phi cũng tranh thủ nhục mạ. Những lời chế diễu
cũng là những thách thức và cám dỗ gay gắt. Chẳng lúc nào Chúa làm Vua rõ ràng
bằng lúc này. Tấm bảng trên Thập giá ghi bằng tiếng Hípri, Latinh và Hylạp chữ
INRI – Jesus Nazarenus Rex Judaeorum – Giêsu Nadarét là Vua dân Do Thái.
Nhưng kiểu làm Vua của Ngài thật khác thường:
không có vương miện mà chỉ có vòng gai, không có cẩm bào mà chỉ có trần trụi
nhơ nhuốc, không có câu tán tụng mà chỉ có lời nhạo báng khinh chê. Bị treo
trên Thập giá, Đức Giêsu nghe những lời mời mọc rất ngọt ngào và tinh vi như
các cơn cám dỗ của Satan buổi đầu: “Nếu
ông là Đức Kitô thì hãy cứu lấy mình.Hãy xuống khỏi thập giá” (Mt 27,40).
Chỉ cần xuống khỏi Thập giá là chinh phục được mọi người, từ giới lãnh đạo đến
những người chưa tin.Chỉ cần xuống khỏi Thập giá là có ngay được một thành công
rực rỡ. Nhưng Đức Giêsu đã không xuống khỏi Thập giá. Cứu lấy mình là điều Ngài
chẳng hề nghĩ đến. Chính vì Ngài là Con của Chúa Cha, nên Ngài không tự ý xuống
khỏi Thập giá, như xưa Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ.
Đức Giêsu không muốn chúng ta tin Ngài vì
những màn trình diễn ngoạn mục. Ngài muốn chúng ta tin, vì Ngài đã buông mình
cho Cha, đón nhận cái chết với niềm vâng phục tín thác.
Mừng Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, người
Kitô hữu muốn khước từ những thần tượng trần thế, muốn để Ngài làm vua của lòng
mình.Người Kitô hữu muốn đưa Ngài đi vào mọi lãnh vực của cuộc sống: văn
chương, khoa học nghệ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội …để xây đắp hoà bình và
tình thương cho trần thế.
Vương quốc Chúa Giêsu không có sức mạnh của
vũ khí và quân đội mà chỉ có sức mạnh của yêu thương và tha thứ, vương quốc ấy
không có tên trên bản đồ thế giới, nhưng lại ở trong trái tim con người. Chỉ những
ai tin và sống trong tình thương Thiên Chúa mới thuộc vương quốc của Ngài.
Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu. Chính tình yêu
là sức mạnh của Ngài và cũng chính tình yêu ấy đã khiến cho Ngài tuyên bố: “Khi nào Ta chịu treo trên thập giá, Ta sẽ
kéo mọi người đến với Ta.”
Qua hơn 2000 năm, lời ấy vẫn mãi được ứng
nghiệm. Ngoài Đức Kitô ra không có một vị vua
nào trên trần gian này được nhân loại chọn làm trọng tâm của lịch sử. Chấp nhận hay không chấp nhận, tin hay
không tin, ai cũng phải lấy ngày Giáng Sinh của Đức Giêsu làm cột mốc để tính
thời gian. Có một thời gian trước Đức Kitô và có một thời gian sau Đức Kitô và
dù có tránh tên của Ngài để nói trước hay sau Công nguyên thì nói như Thánh
Gioan Phaolô II: “Con người sẽ không bao
giờ loại bỏ Đức Kitô ra khỏi lịch sử của mình.” Đức Kitô đang lôi kéo mọi
người về với Ngài, Ngài đang đồng hành
trong lịch sử nhân loại và trong cuộc đời của mỗi người. Cuộc đời này có giá trị và ý nghĩa hay
không là tùy thuộc ở thái độ tiếp nhận của mỗi người đối với Đức Kitô.
Tiếp nhận Ngài và tuyên xưng Ngài là Vua
chính là mặc lấy thái độ tín thác của kẻ trộm lành, sẵn sàng trao phó tất cả cuộc
đời trong tay Ngài và bước đi theo Ngài. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là
đi theo con đường phục vụ cho đến cùng. Tiếp nhận và tuyên xưng Ngài là Vua là
cùng với Ngài xây dựng vương quốc của Ngài ngay trên trần gian này, vương quốc
của huynh đệ, vương quốc của yêu thương, vương quốc của công lý và hòa bình. Và
mỗi một lần chúng ta xây dựng vương quốc ấy bằng một cử chỉ yêu thương thì chắc
chắn chúng ta cũng sẽ nghe được lời hứa của Ngài cho người trộm lành: “Hôm nay đây con sẽ ở cùng Ta trong vương quốc
của Ta.”
Mỗi người tự xét mình xem Đức Giêsu đã thật sự
là Vua của chính bản thân chưa? Ngài đã chiếm trọn vẹn trái tim ta chưa, đã thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến
mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của ta chưa?
Lạy Chúa Giêsu, Vua Tình yêu, Chúa đã yêu
thế giới đến nỗi đã ban chính sự sống mình, xin Chúa chiếm trọn con người chúng
con từ tư tưởng, lời nói đến việc làm, để chúng con không còn thuộc về thế giới
của bóng tối, của tội lỗi, nhưng thuộc về vương quyền của Chúa, là vương quyền
của sự sống và chân lý, của ân sủng và thánh thiện, của công lý và hoà bình.
Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An