ĐỨC KITÔ, VUA SỰ THẬT
Sống
trong vương quốc của Vua Sự Thật, chúng ta cũng hãy biết tôn trọng sự thật: nói
thật, làm thật và sống thật. Sự thật luôn là con đường ngắn nhất dẫn đến Thiên
Chúa.
Bảo Đại là vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn và cũng là vị
vua cuối cùng của Việt Nam. Nếu những vị vua đầu của triều Nguyễn, nhất là Minh
Mạng và Tự Đức đã cấm Đạo Chúa gắt gao, sát hại biết bao người Công Giáo, thì vị
vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại đã tìm ra nguồn sống thật là Đạo Chúa.
Trước hết, ông dẹp bỏ tục đa thê trong triều đình và quyết
định cưới cô Maria Têrêxa Nguyễn Hữu Thị Lan, một thiếu nữ Công Giáo làm hoàng
hậu. Mọi người trong triều đình phản đối quyết định này của nhà vua, nhưng ông
vẫn cương quyết thực hiện. Hôn lễ được tổ chức long trọng vào ngày 20/3/1934.
Quả thật, những năm tháng sau đó, hoàng hậu Nam Phương cùng hai hoàng tử và ba
công chúa được tự do giữ đạo.
Trong thời gian sống lưu vong tại nước Pháp, vào ngày
17/4/1988, cựu hoàng Bảo Đại đã xin chịu phép rửa tội gia nhập đạo Công Giáo.
Ông mơ ước được quỳ bên cạnh đấng kế vị thánh Phêrô để cầu nguyện cho quê hương
Việt Nam và Giáo Hội Việt Nam. Ngày 24/6/1995, ông và phu nhân đã được Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II tiếp kiến riêng tại phòng khách của điện Vatican. Ngày
1/8/1997, cựu hoàng Bảo Đại qua đời tại Paris, nước Pháp, thọ 83 tuổi.
Câu chuyện về cuộc đời của vị vua Việt Nam cuối cùng làm
cho chúng ta phải suy nghĩ: một vị vua đã mất cả đời để đi tìm một vị Vua… Đúng
thế, cuộc đời đầy sóng gió của vua Bảo Đại chính là một cuộc hành trình dài đi
tìm chân lý. Đến cuối cuộc hành trình, ông đã gặp gỡ được Đức Kitô, Vua Sự Thật.
Hôm nay, trong Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, cũng
là ngày lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta vừa nghe Chúa Giêsu xưng nhận: “Tôi là Vua”
(Bài Tin Mừng theo thánh Gioan). Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là vua
trong một tư thế thật bi thảm: đứng trước mặt quan Philatô như một tội phạm,
hai tay bị trói lại, đầu đội vòng gai, khuôn mặt đẫm máu. Nhưng chỉ với dung mạo
đau khổ như thế, Chúa Giêsu mới có thể chứng thực mình là “Vua Sự Thật”, là “Đấng đến trong thế gian để làm chứng cho
chân lý.” Quả thật, lời chứng cho chân lý xác thực nhất luôn là
lời chứng thẫm đẫm máu hồng.
Đức Giêsu Kitô, Vua sự thật
Cuộc đời Chúa Giêsu có những lúc rất huy hoàng và thành
công. Đó là những lúc Chúa làm phép lạ, chữa bệnh hoặc cho kẻ chết sống lại…
Dân chúng đã tung hô chúc tụng Chúa. Những lúc ấy có lẽ là thời điểm rất thuận
lợi để Chúa “xưng vương.” Thế nhưng, Chúa đã chọn lựa chính vào lúc Ngài bị thất
bại để tuyên bố mình là Vua. Đó là khi Ngài đang ở tại tòa án Rôma, đứng trước
quan tổng trấn Philatô, một kẻ có quyền lực tối cao và có quyền định đoạt số phận
của Ngài. Chính trong tư thế yếu đuối cùng cực đó, Chúa đã cho mọi người thấy
Ngài là ai. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Vậy ông là vua ư?” Chúa Giêsu đã xác
nhận vương quyền của mình, đồng thời Ngài cũng tuyên bố sứ mệnh làm Vua của
Ngài chính là làm chứng cho chân lý: “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và
đến trong thế gian này là chỉ làm chứng về chân lý.” Như thế, cốt
lõi của vương quyền nơi Chúa Giêsu chính là làm chứng về sự thật.
Thế nhưng, “Sự thật là gì?” Đó là thắc mắc của tổng trấn
Philatô (Ga 18, 38) và cũng là vấn nạn của con người ngày hôm nay. Ở đây, Chúa
Giêsu không muốn nói đến sự thật về một sự kiện hay một biến cố nào, nhưng là sự
thật về Thiên Chúa, Đấng chỉ có Ngài mới có thể làm chứng được. Bởi lẽ,
Ngài được Thiên Chúa sai đến trong thế gian. Ngài hiệp thông cách thâm sâu và
hiệp nhất cách hoàn hảo với Thiên Chúa như Con với Cha.
Chúa Giêsu còn làm chứng về sự thật là chính Ngài. Đúng như lời
Ngài đã nói: “Thầy là đường, là sự thật
và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Như
thế, Chúa Giêsu được sai đến trần gian để làm chứng cho sự thật, nghĩa là làm
chứng cho Thiên Chúa, cũng là làm chứng về chính mình. Vì Ngài là hiện thân của
Thiên Chúa, là con đường dẫn đến Thiên Chúa Cha, nên Ngài là sự thật của Thiên
Chúa Cha ở giữa trần gian, là chân lý sáng ngời bừng lên giữa đêm dài trần thế.
Tiếc thay, vì hèn nhát, tổng trấn Philatô đã không nhận
ra sự thật. Cũng vậy, vì mù quáng, dân chúng đã phủ nhận sự thật. Nhưng sự thật
vẫn có đó và còn mãi nơi dung mạo đau khổ của một vị vua bị treo trên thập giá.
Sự thật vẫn kiên nhẫn chờ đợi mọi người.
Nước Chúa, vương quốc của sự thật và của
tình yêu
Cũng vào lúc phải đối diện với một bản án khắc nghiệt, đối
diện với bạo lực và hận thù, Chúa Giêsu mới mạc khải về “Nước” của Ngài. Ngài
muốn chứng tỏ “Nước” của Ngài chính là vương quốc của sự thật và tình yêu: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.”
Nói như thế, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: Vương quốc của Ngài thuộc một thế
giới khác, thế giới thần linh. Tuy nhiên, vương quốc ấy không thuộc trần gian,
nhưng vẫn hiện diện ở trần gian. Đây là một thách đố cho những ai muốn trở
thành công dân của vương quốc ấy: phải tỉnh táo và sáng suốt để lựa chọn và dấn
thân.
– Vương quốc của sự thật: Chúa Giêsu
đã đưa ra một tiêu chuẩn cho những ai muốn sống trong vương quốc của Ngài: “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi.”
Điều đó có nghĩa là: ai sống trong sự thật, thì luôn đi theo sự hướng dẫn của
Chúa, được lời Chúa soi sáng. Tuy nhiên, chúng ta còn có thể hiểu cách khác: “Ai nghe tiếng Chúa, thì thuộc về chân lý.”
Vương quốc của Chúa là vương quốc của sự thật. Trong vương quốc đó, chúng ta
luôn biết lắng nghe và thực hành lời Chúa. Lời Chúa là chân lý soi sáng để
chúng ta luôn nói sự thật, làm theo sự thật và sống đúng sự thật.
– Vương quốc của tình yêu: Chính trong
sự đau khổ, Chúa Giêsu xưng mình là Vua. Và khi bị treo trên thập giá, Ngài muốn
chứng tỏ thật mình là Vua. Sở dĩ Ngài làm như thế vì Ngài muốn chứng tỏ rằng chỉ
trong đau khổ và cái chết, Ngài mới có thể chứng minh một tình yêu lớn lao dành
cho nhân loại: “Không có tình yêu nào lớn
lao bằng tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13).
Chỉ khi bị đóng đinh vào thập giá, Chúa Giêsu mới thực sự
trở thành Vua tình yêu đúng nghĩa nhất. Cũng chính trong cuộc khổ nạn, Ngài đã
thiết lập vương quốc tình yêu, để những ai thuộc về vương quốc ấy luôn biết sống
trong yêu thương và phục vụ, luôn biết xây dựng hòa bình và hiệp nhất theo tinh
thần của Chúa Kitô.
Người ta truyền tụng một giai thoại về người cha của triết
gia Emmmanuel Kant như sau:
Một hôm, ông bị bọn cướp chặn lại giữa đường, bắt nộp mọi
thứ ông có. Sau khi đã lột sạch mọi sự của ông, bọn cướp hỏi xem ông còn thứ gì
không, ông đã thành thật khai rằng ông đã giao nộp tất cả rồi.
Bọn cướp thả ông đi. Nhưng đi được một lúc, ông vô tình
chạm vào một vật cứng ở tay áo. Thì ra, đó là miếng vàng mà ông cho khâu vào
tay áo để khỏi bị đánh rơi dọc đường. Vì sợ hãi, nên ông không nhớ đến miếng
vàng này. Ông liền vội vã quay lại tìm bọn cướp và nói với chúng:
– Lúc nãy, vì
sợ hãi, tôi đã quên miếng vàng này, xin nộp cho các anh.
Trước sự thành thật đến ngây thơ của ông già, bọn cướp
không nỡ lấy vàng của ông. Trái lại, chúng trả lại cho ông tất cả mọi thứ đã tước
đoạt, lại còn đỡ ông lên ngựa, rồi xin ông chúc lành cho trước khi đi.
Trong xã hội thiếu sự thành thật, câu truyện trên chỉ có
thể là chuyện cổ tích mà thôi. Nhưng đó cũng là một lời nhắc nhở chúng ta: sống
trong vương quốc của Vua Sự Thật, chúng ta cũng hãy biết tôn
trọng sự thật: nói thật, làm thật và sống thật. Sự thật
luôn là con đường ngắn nhất dẫn đến Thiên Chúa.