Giáo dục _ yêu thương: chìa khóa của giáo dục


YÊU THƯƠNG:
Chìa Khóa Của Giáo Dục
“Xin quý Thầy Cô hãy thắp lên trong lòng các em sinh viên, học sinh ngọn lửa yêu thương.”
Điền Phương Thảo
“Trong ngày Lễ Tạ Ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về những điều gì đó mà các em đã biết ơn. Cô muốn xem những đứa trẻ từ các vùng phụ cận nghèo nàn này thực sự mang ơn ra sao. Cô nghĩ rằng hầu hết các học sinh của cô sẽ vẽ những bức tranh về gà Tây hay những bàn đầy thức ăn mà chúng được thưởng thức. Nhưng cô đã sững sốt với bức tranh của một Tony, câụ học sinh ngồi phía cuối lớp, bức tranh có một bàn tay được vẽ bằng nét trẻ thơ rất đơn giản.
Nhưng đó là bàn tay của ai? Cả lớp đều bị cuốn hút vào hình ảnh trừu tượng đó.Một em học sinh đoán: “Em nghĩ bạn Tony vẽ bàn tay của Chúa mang thức ăn đến cho chúng ta. Một em khác lên tiếng: “Theo em đó là bàn tay của một người nông dân, bởi vì ông ta nuôi gà Tây.”
Cuối cùng khi những em khác đang làm bài, cô giáo đến bên bàn Tony và hỏi: “Em vẽ bàn tay của ai vậy?” Tony ngước nhìn cô, em đáp nhỏ: “Em vẽ bàn tay của cô.”
Cô giáo xúc động. Cô nhớ lại rằng vào những giờ giải lao, cô thường nắm tay Tony, một cậu bé cô độc ít nói. Cô cũng thường làm thế với những học sinh khác, nhưng với Tony, nó lại mang ý nghĩa rất lớn.” (Trích sách Hạt Giống Tâm Hồn)
Vâng! Chắc hẳn cô giáo không ngờ rằng cử chỉ nắm tay đơn giản của cô lại mang đến cho cậu học trò bé nhỏ của mình niềm hạnh phúc, và điều đó trở thành một cảm xúc tốt đẹp khiến cậu ta nhớ mãi với lòng biết ơn. Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý xác nhận lợi ích của những tình cảm được thể hiện bằng những cử chỉ âu yếm như sau: Những đứa trẻ được mẹ bồng ẵm, hôn hít sẽ trở nên dễ thích nghi với cuộc sống và tính tình cũng lạc quan, vui vẻ hơn. Tony, cậu bé trong câu chuyện nêu trên, tuy cô độc ít nói nhưng vẫn không muốn bị cô giáo lãng quên trong tập thể học sinh lớp, và những cái nắm tay của cô giáo như một nhắc nhở rằng cậu vẫn hiện diện một cách sống động giữa bạn bè trong lớp học của mình. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường chọn cô giáo là những người thầy đảm nhiệm việc giáo dục đầu đời cho một đứa trẻ. Với đặc tính của phụ nữ là sự dịu dàng, nhạy cảm, dễ thông cảm, dễ thấu hiểu, các cô giáo không chỉ là người truyền đạt những kiến thức đầu đời nhưng còn mang lại cho đứa trẻ niềm vui và hạnh phúc, sự ấm áp dịu dàng của một người mẹ thứ hai bằng cách thể hiện những cử chỉ chăm sóc yêu thương dù rất đơn sơ, nhỏ nhoi. Một ánh mắt trìu mến và cảm xúc ấm áp từ đôi bàn tay, những lối giao tiếp phi ngôn ngữ này có khả năng thay được ngàn vạn lời trái tim muốn nói. “Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền là thế!”
Thế nhưng trong ngành giáo dục trẻ trong xã hội Việt Nam hiện nay việc cô giáo bạo hành với học sinh, đặc biệt học sinh cấp tiểu học và trẻ mầm non đã trở thành chuyện “thường ngày trong huyện.” Không khó gì để đọc thấy những tin tức về các vụ việc này trên các trang báo mạng cũng như các tờ nhật báo. Học sinh bị cô giáo đánh với những lý do… hết sức “lý do” như bị đánh bầm mông và bị tát chỉ vì viết chính tả không kịp; sau 2 ngày được gửi ở trường mầm non, bé trai 22 tháng tuổi bị đánh bầm dập khắp người, thương tật 5%; bảo mẫu trói tay chân, nhét giẻ vào miệng cháu bé 15 tháng tuổi chỉ vì muốn “cháu nín khóc và đỡ phá phách.”
Theo các chuyên viên tâm lý, các nhà giáo dục thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nào là cô giáo bị áp lực bởi giáo án dày đặc, áp lực trước sự đòi hỏi của phụ huynh… nhưng có lẽ nguyên nhân thuyết phục hơn cả chính là sự bỏ qua, xem nhẹ việc giáo dục kỹ năng dạy trẻ cho các “người mẹ hiền” nơi học đường. Họ được trang bị rất nhiều kỹ năng, nhiều kiến thức cho ngành nghề của mình, nhưng có một điều không thể thiếu nếu muốn bước vào ngành giáo dục đó là giáo dục lòng yêu trẻ thì có lẽ không được xem quan tâm đúng mức trong chương trình đào tạo.
Trẻ con bắt chước rất nhanh, với đầu óc còn non nớt làm sao tránh được những tác hại của cuộc bạo hành ngay trong môi trường mà các cháu đáng ra phải được yêu thương, chăm sóc? Đó cũng chính là một trong những lý do khiến ngày càng gia tăng nạn bạo hành học đường giữa các học sinh với nhau. Nạn đánh hội đồng bạn học của mình xảy ra ngay trong lớp học, trong sân trường như những băng nhóm xã hội đen như phim dài nhiều tập. Nhà dột từ nóc, việc hành xử của con trẻ có nguyên nhân từ chính cách giáo dục của chúng ta chứ không hoàn toàn vì bản thân của chúng, vì thế xin hãy giáo dục trẻ em biết hướng tới cái đẹp của chân, thiện, mỹ với bài học có tính sư phạm và giáo dục và trên hết là phải cho các em được sống trong bầu khí yêu thương, sự quan tâm chân thành của thầy cô giáo.
“Để có được một xã hội an bình và nhân nghĩa, cần phải mở rộng biên cương của tình thương yêu”, do vậy trong thư gởi các giáo chức Công Giáo nhân ngày 20-11-2015, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo Việt Nam cũng đã thiết tha nhắn gởi: Xin quý Thầy Cô hãy thắp lên trong lòng các em sinh viên, học sinh ngọn lửa yêu thương. Giá trị của một người không tùy thuộc ở sự giầu sang, khả năng hay chức quyền, nhưng ở tình thương yêu chất chứa trong con tim và với tình yêu đó, biết sử dụng của cải, tiền bạc, khả năng và chức quyền để xây đắp cuộc đời của mình cũng như của tha nhân… . Ước chi các sinh viên học sinh của các Thầy Cô Công giáo đều trổi vượt trong tình nghĩa yêu thương, vì được các Thầy Cô nuôi dưỡng bằng truyền thống thương yêu của Dân Tộc và, hơn nữa, còn được các Thầy Cô dẫn đến kín múc từ chính nguồn mạch tình yêu là Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,16). Trong Chúa Kitô – hiện thân của Thiên Chúa Cha, suối nguồn tình yêu – người ta sẽ nhận ra được mọi người là anh chị em của nhau và người ta có khả năng thương yêu tất cả, ngay với những người khác mình, không ưa thích hay thù ghét mình (x. Mt 5,43-48).
Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam, chúng ta ghi ơn những thầy cô đáng kính như những người lái đò đã vất vả đưa bao chuyến đò người đến bến bờ tri thức để “trở thành những người lao động chân chính, những nhà kĩ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà khoa học thành công, những doanh nhân tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác… Nhưng trước hết phải là những “người tử tế”, biết yêu thương..” *. 
Nhưng “gieo gì gặt nấy”, muốn có được những người biết sống đúng với đạo lý làm người, một xã hội trong đó “người yêu người sống để yêu nhau” thì chúng ta mong sao những người làm công tác giáo dục cũng cần phải có phẩm chất hàng đầu là lòng yêu thương, vì nghề giáo là nghề tiếp xúc với con người. Phải có yêu thương thì mới dạy tốt học trò. Phải có yêu thương mới chăm cho đời được những chồi non… Để làm được một thầy giáo, trước tiên phải biết yêu thương” ( Thầy Văn Như Cương )… vì đó sẽ là chìa khóa vạn năng, là sức mạnh diệu kỳ mở tung mọi cánh cửa của tâm hồn trẻ.
Điền Phương Thảo
* Trích “Lời dặn xúc động của thầy Văn Như Cương trong lễ khai giảng” tại THPT DL Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) năm học 2015 – 2016.